Dự báo GDP cả năm 2022 sẽ tăng vượt mục tiêu
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 8%, vượt mục tiêu 6,5%.
Sơ chế sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải – COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm không quá nặng nề khi Việt Nam tích cực duy trì được một số nền tảng và dư địa 9 tháng qua. Cùng với đó, gói phục hồi kinh tế sẽ được triển khai mạnh mẽ trong quý IV/2022, trong bối cảnh các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong quý IV/2022.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế thế giới hiện nay rất khó lường và tới đây, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục phức tạp. Cùng với đó, thiên tai bão lũ, lạm phát… khiến cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm, làm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào dự báo tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp, hay thay đổi áp dụng tỷ giá quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, tạo áp lực cho đầu vào sản xuất trong nước và ảnh hưởng tác động đầu ra các sản phẩm của Việt Nam.
Đặc biệt, độ mở nền kinh Việt Nam hiện khá lớn nên ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tất cả hoạt động sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân.
“Với sự linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, duy trì để khai thác tốt nội lực nền kinh tế, duy trì khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, mức tăng trưởng GDP từ 7,5 đến 8% trong năm 2022 là mức Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được”, Tổng cục trưởng tin tưởng.
Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022. Tăng trưởng GDP quý III/ 2022 đạt 13,67% so với quý III/2021. Đây là một kết quả hết sức tích cực, vượt ra ngoài mong đợi và những dự báo trước đó.
Video đang HOT
Theo Tổng cục trưởng, mức tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm cũng khẳng định chủ trương đường lối đúng đắn của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, mức tăng trưởng quý III khoảng 12,9% và 9 tháng 9,4%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10,6%, xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt, năng lượng điện tăng trưởng khá cao, đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Lĩnh vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 quý III/2021 đã khôi phục, một số ngành có tốc độ khôi phục vượt qua mốc của năm 2019, chỉ còn một số ngành tăng trưởng thấp hơn năm 2019 là: dịch vụ ăn uống, hoạt động hành chính, dịch hỗ trợ và hoạt động dịch vụ khác.
Tuy nhiên, lại có một số ngành có mức tăng trưởng quý III trên 20% như: Bán buôn bán lẻ, vận tải và một số ngành khác. Đây là bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022.
Dựa trên nền tăng trưởng âm của quý III/2021, tăng trưởng quý III/2022 đạt mức 2 con số (13,67%) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã ổn định và phát triển.
Kỳ vọng kinh tế hồi phục, số doanh nghiệp thành lập mới tăng
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN
"Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng năm nay đạt hơn 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế của Việt Nam", ông Lê Trung Hiếu cho biết.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022 cho thấy, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022 (quý III/2022 so với quý II/2022 có 38,6%); 46,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng (quý III/2022 so với quý II/2022 có 39,1%).
Theo TCTK, trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31,9% về số doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với 9 tháng năm 2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm nay đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.635,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,7 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ vốn đăng ký doanh nghiệp giảm hơn so với trước do nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2022 đạt 11,9 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng với đơn giá cố định.
Bên cạnh đó, còn có 50,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, thể hiện ở những chỉ tiêu cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng vượt ngoài mong đợi: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước đạt 13,67% so cùng kỳ; GDP 9 tháng tăng 8,83% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Những con số tích cực này không chỉ của TCTK công bố mà các tổ chức nghiên cứu cũng cập nhật trong vòng 2 tuần qua.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ các yếu tố sau: Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát được tốt đại dịch COVID-19. Các chính sách đối phó với dịch bệnh tiếp tục có hiệu quả và các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở cửa kịp thời là cơ sở cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, bình ổn tâm lý doanh nghiệp và người dân. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, được khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, ổn định thu nhập; nhu cầu giải trí, du lịch tăng mạnh. Thứ ba, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư.
"Trước sức ép lạm phát và giá cả tăng cao, Việt Nam vẫn đang từng bước ứng phó linh hoạt. Chính sách tiền tệ của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cải thiện thanh khoản ngân hàng, giúp hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ đầu năm", Tổng cục trưởng TCTK cho biết.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích khả quan nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, quý 4/2022, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.
Theo ông Lê Trung Hiếu, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón...thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp lớn; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng..., tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
"Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và ảnh hưởng đến sản xuất điện từ thuỷ điện tại Việt Nam. Điều hành tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát và nhu cầu vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay", Phó Tổng cục trưởng TCTK cho biết.
Hiện việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. FDI đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thu hút công nghệ cao...trong trung và dài hạn.
Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản... đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng. "Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp", ông Lê Trung Hiếu cho biết.
Theo các chuyên gia của TCTK, từ nay tới cuối năm, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, dẫn đến nhu cầu giảm, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng như đồ gỗ, may mặc...sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu và cán cân thương mại, gây áp lực lên cân đối ngoại tệ của Việt Nam năm 2022.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2022, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng: Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Cùng với đó, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cần khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Ước tính đến hết tháng 8/2022, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022. Việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ. Vì vậy, việc đẩy nhanh triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng vào ngày 22/9/2022, sẽ bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động và có thể giúp giảm lãi suất cho vay.
"Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, giá cả, lạm phát và các chính sách tiền tệ, tài khóa của các đối tác lớn trên thế giới, chủ động xây dựng các kịch bản và kịp thời ứng phó để hạn chế tối đa các ảnh hưởng, tận dụng cơ hội để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Nghêu được giá, người nuôi phấn khởi Nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 16 tấn/ha, nông dân thu hoạch nghêu vào thời điểm hiện nay đạt giá trị...