Dự APEC Việt Nam, Trump có thể đã định hình chính sách châu Á
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp dự các hội nghị đa phương chủ chốt ở châu Á có thể là dấu hiệu chính quyền đã định hình rõ hơn chiến lược ở khu vực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến châu Á vào tháng 11. Ảnh: AP
Sau nhiều đồn đoán về mối quan tâm của chính quyền Trump với các diễn đàn lớn ở châu Á – Thái Bình Dương, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 20/4 tuyên bố ông Trump sẽ dự một loạt hội nghị quan trọng ở châu Á vào cuối năm nay. Đó là Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và Cấp cao Đông Á (EAS) cùng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Philippines.
“Chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Đông Nam Á sẽ đòi hỏi chính quyền phải xem xét kỹ hơn về chiến lược ở khu vực nói chung”, bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nói với VnExpress.
Bà Glaser phân tích mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thăm Trung Quốc, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thăm Indonesia, nhưng Washington vẫn chưa đưa ra một chiến lược cụ thể cho toàn khu vực.
Chuyên gia CSIS lưu ý Tổng thống Mỹ sẽ thăm châu Âu vào tháng 7 này và việc ông cũng thăm châu Á là điều quan trọng. Việc ông tham dự cả hai hội nghị lớn ở Đông Nam Á là điều hợp lý. Đây là cơ hội để Mỹ nêu bật việc tăng hợp tác với Việt Nam và nỗ lực cải thiện quan hệ với Philippines.
“Có thể trước khi ông Trump lên đường, một quan chức cấp cao của Mỹ sẽ có bài phát biểu về chính sách hướng đến châu Á”, bà Glaser dự đoán.
Video đang HOT
Nói về động lực khiến Tổng thống Mỹ quyết định đến châu Á, Giáo sư Joseph Liow Chin Yong, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, tin rằng các cố vấn của ông Trump đã thuyết phục ông tham dự.
“Đây là dấu hiệu tốt cho thấy chính quyền mới của Mỹ vẫn quan tâm đến châu Á và chuẩn bị đưa ra cam kết về an ninh khu vực”, ông Yong nói.
Trên thực tế, những hành động của chính quyền Trump kể từ khi vận hành đến nay thể hiện mối quan tâm đến Đông Á. Các phát ngôn cũng cho thấy Washington sẽ tiếp tục duy trì chính sách ở châu Á mà cựu Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi.
Bày tỏ tin tưởng vững chắc về chính sách của Mỹ ở châu Á, ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS cho hay các tổng thống Mỹ thường tham dự các hội nghị thượng đỉnh của APEC
“Tại sao không nhỉ? Nếu ông Trump không tới mới là điều bất thường và đáng thất vọng. Các đời tổng thống Mỹ có thể thay đổi nhưng mối quan tâm của Mỹ thì không và APEC vẫn tiếp tục nằm trong danh sách đó”, ông Cossa nói.
Tập trung thỏa thuận song phương
Trước câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có đưa ra khuôn khổ nào thay thế Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Glaser của CSIS dự đoán trong năm tới hoặc đến 2019, chính quyền Trump sẽ tập trung vào vào các thỏa thuận song phương, nhắm tới mục tiêu giảm thâm hụt và tạo việc làm mới, thu hút thêm đầu tư vào Mỹ.
“Vẫn chưa rõ ông Trump sẽ ủng hộ bất cứ thỏa thuận thương mại đa phương mới nào không, nhưng dường như ông sẽ không thực hiện điều đó”, bà Glaser đánh giá.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Joseph Liow Chin Yong cho hay không ai biết chắc câu trả lời. Tuy nhiên dựa vào những tuyên bố của ông Trump thì có thể thấy ông hướng đến việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương hơn là đa phương.
Ông Cossa tiết lộ Mỹ đã tiếp cận Nhật Bản về Hiệp định Tự do thương mại song phương (FTA). Tuy nhiên Tokyo dường như vẫn lưỡng lự trong việc sử dụng đàm phán trước đây trong khuôn khổ TPP làm nền tảng cho hiệp định mới với Washington. Nhật Bản có thể vẫn xúc tiến TPP mà không có Mỹ.
Trước nhiều ý kiến lạc quan, Nghiên cứu sinh cao cấp của Viện nghiên cứu Brookings, ông Richard Bush lưu ý đến khả năng Tổng thống Mỹ Trump có thể thay đổi kế hoạch.
“Nếu ông Trump đến Việt Nam và Philippines, nó là một minh chứng cho thấy chính sách châu Á của ông tương tự chính sách của chính quyền Obama. Tôi rất mừng vì điều đó. Tuy nhiên, cũng không nên hoàn toàn chắc chắn về chuyến thăm này, vẫn còn khá lâu APEC mới diễn ra và ông Trump có thể thay đổi quyết định”, ông Bush nói.
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí xây dựng quan hệ thân thiện ổn định
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một mối quan hệ thân thiện và ổn định.
Ngày 20/11, trong cuộc gặp ngắn ở Peru nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một mối quan hệ thân thiện và ổn định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp. (Ảnh: Kyodo)
Trong hơn 10 phút nói chuyện bên lề Hội nghị APEC ở thủ đô Lima của Peru, ông Shinzo Abe khẳng định, Chính phủ Nhật Bản mong muốn cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc trên tất cả các khía cạnh hợp tác.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, điều quan trọng để hai nước cải thiện mối quan hệ là thông qua các cuộc đàm phán, thảo luận hiệu quả nhằm giải quyết mối bất đồng và nâng cao hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản kể từ tháng 9, khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Theo kế hoạch, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ lần đầu tiên tới Nhật Bản để tham dự một Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay.
Năm 2017, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đánh dấu kỷ niệm 45 năm bình thường mối quan hệ và năm 2018 là 40 năm ký hiệp ước song phương về hòa bình hữu nghị.
(Theo VOV)
Obama sẽ lên tiếng nếu Trump xâm phạm lợi ích Mỹ Tổng thống Barack Obama nói dù rời Nhà Trắng, ông vẫn sẽ lên tiếng nếu cảm thấy người kế nhiệm Donald Trump có chính sách đe dọa những lợi ích cốt lõi của Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở thủ đô Lima, Peru, ngày 20/11. Ảnh: Reuters....