Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Tính sao cho gọn mọi bề?
Tiếp tục câu chuyện về Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trong khi hệ thống bảo tàng hiện có đa phần lâm vào cảnh “chợ chiều” thì việc đề xuất tới hơn 11 nghìn tỷ đồng (tương đương nửa tỷ USD) cho việc xây dựng đã gây không ít ồn ào dư luận… PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường (ảnh nhỏ) – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
11.277 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Phải xứng với đồng tiền!
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được người Pháp xây dựng từ năm 1926
- PV: Hiện tại, chúng ta đang thiếu một công trình văn hóa tầm cỡ, nhưng chỉ tính riêng phần xây dựng, dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều người đắn đo và cho rằng: “phải xem lại”?
- TS. Nguyễn Văn Cường: Việc đầu tư xây dựng một bảo tàng có quy mô, chức năng, công năng hiệu quả, nhiều nước khó khăn hơn mình, người ta đã làm rồi. Đầu tư cho văn hóa, cần phải tiến hành song song với những lựa chọn đầu tư phát triển đất nước khác, đâu chỉ có giao thông, giáo dục, y tế là đủ. Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng bảo tàng từ 5 năm trước đây. Cho tới thời điểm này, cá nhân tôi thấy rằng việc vận hành đầu tư đang thực hiện một cách cẩn trọng. Bộ Xây dựng đề xuất hơn 11 nghìn tỷ đồng cho xây lắp, tất nhiên số kinh phí như vậy còn phải thẩm tra, có thể còn điều chỉnh, chứ không phải số tiền đó là bất di bất dịch. Cũng không thể nói rằng thời điểm kinh tế khó khăn, xây to, tốn nhiều tiền thì phải làm bé đi… Chả nhẽ, nay xây, vài chục năm sau lạc hậu, lại đập đi để xây lại à? Như thế còn dở hơn. Bảo tàng mà chúng ta đang ngồi đây này (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũ – PV) người Pháp đã xây dựng gần 100 năm rồi. Nhà hát Lớn cũng thế, bây giờ vẫn hiện đại và sử dụng tốt đấy thôi. Mấy chục năm trước, khi khởi công con đường Thăng Long – Nội Bài, ai cũng chê rộng, chê to. Nhưng bây giờ, con đường đó đã chật hẹp rồi đấy thôi. Tại sao lại không đầu tư cho một công trình có giá trị chiến lược và lâu dài?
Video đang HOT
- Thưa ông, có rất nhiều ý kiến cho rằng, đã có một Bảo tàng Hà Nội với số tiền đầu tư cả nghìn tỷ đồng, thì hà cớ gì phải xây thêm một bảo tàng nữa, đấy là còn chưa kể, ế khách là câu chuyện dài của các bảo tàng?
- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bảo tàng Hà Nội mới chỉ hoàn thiện ở giai đoạn 1, tức là xong phần “vỏ” thì đã tuyên bố khánh thành. Người ta có thể chờ đợi, nhưng chờ đợi cho tới khi có sản phẩm hoàn hảo và được tiếp cận, thì nhận thức hưởng thụ khác với người ta mong được đến sớm, nhưng lại là một công trình chưa hoàn hảo. Lúc đó, thay vì háo hức sẽ là thất vọng, hoặc là xét đoán phiến diện. Bảo tàng Hà Nội cần có thêm thời gian mới hoàn thành được. Thời gian xây dựng Bảo tàng Hà Nội là 2 năm. 2 năm thì chỉ có thể xây xong cái nhà chứ chưa thể hoàn thiện phần “ruột”. Còn Bảo tàng Quốc gia thì khác. Chúng tôi đã có 5 năm chuẩn bị, ít nhất có 4-5 năm nữa để hoàn thiện tất cả. Chúng tôi xác định, cánh cửa bảo tàng chỉ mở đón khách khi hoàn thiện cả phần “vỏ” lẫn phần “ruột”.
- Liệu số lượng hiện vật của 2 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng có đủ để trưng bày cho 28 nghìn m2 diện tích bảo tàng mới?
- Dù có sáp nhập hay không, hay Bảo tàng Quốc gia có xây mới hay không, đối với bất cứ bảo tàng nào, nhu cầu bổ sung hiện vật hàng năm chính là nguồn sống. Cho nên, có thể nói, ngoài những gì chúng tôi đang có, nhất thiết phải bổ sung và chỉ có bổ sung mới đảm bảo toàn diện như mục tiêu dự án đặt ra.
- Ông có tự tin khẳng định, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sau khi xây dựng sẽ có sức hấp dẫn với du khách?
- Với câu hỏi này, tôi nghĩ phải đặt lại khái niệm thế nào là hấp dẫn. Nhiều người bảo rằng, các hoạt động bảo tàng tẻ nhạt, nhiều người lại kêu dân trí chúng ta còn thấp, nhu cầu thăm bảo tàng của người dân chưa cao. Cả hai lý do đều phải xem lại giữa chủ quan và khách quan, đối với bảo tàng làm được gì và chưa làm được gì. Chúng ta đã làm đến nơi đến chốn hay chưa và chúng ta muốn làm đến nơi đến chốn nhưng lại không có điều kiện thực hiện. Tất nhiên, hàng năm, các bảo tàng, cũng vẫn ngồi với nhau tổng kết đánh giá, xác định, trong khả năng có thể, tìm mọi cách để vượt lên những điều kiện khó khăn, đổi mới chính mình và để làm sao tăng cường hiệu quả hoạt động đến với đông đảo công chúng hơn. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng có phần việc như vậy.
- Cảm ơn ông!
Mô hình bảo tàng sẽ xây dựng tại phía Tây Hồ Tây
Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Có cấp thiết lắm không?”
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước đây trực thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ được người Pháp xây dựng để trưng bày hiện vật khảo cổ học của ba nước Đông Dương. Sau này, được chúng ta sử dụng để làm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, những hiện vật cũ là hiện vật của ba nước Đông Dương vẫn được lưu lại tại đây. Bởi vậy, tôi thấy việc xây dựng một bảo tàng lịch sử quốc gia khác để xứng tầm lịch sử quốc gia và trả lại không gian trưng bày các hiện vật Đông Nam Á cũng là điều nên làm. Nhưng khi chúng ta mới chỉ khai trương Bảo tàng Hà Nội một thời gian chưa lâu, việc xây thêm một bảo tàng mới với tổng kinh phí lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng có phải là chuyện cấp thiết lắm không? Chúng ta chưa thiếu và không thiếu bảo tàng, chưa kể những bảo tàng tư nhân đang xuất hiện ngày một nhiều. Vậy nên chăng hãy lùi thời gian thực hiện dự án đến một thời điểm thích hợp khác để tập trung cho các dự án thiết thực hơn?
Theo ANTD
11.277 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Phải xứng với đồng tiền!
Hơn 11 nghìn tỷ đồng đề xuất cho dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là một số tiền gây "sốc" trong thời điểm kinh kế đất nước khó khăn như hiện nay. Đã có không ít những ý kiến băn khoăn, về việc nên hay không xây dựng công trình này và thời điểm hiện tại có thích hợp với việc xây dựng hay không? Để rộng đường dư luận, PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư sử học Lê Văn Lan...
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thiết kế của Nikken Sekkei Ltd
- PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về chất lượng và hoạt động của hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện tại?
- Giáo sư Lê Văn Lan: Quan điểm của tôi là vừa thiếu lại vừa yếu. Thiếu ở chỗ, như các nước tiên tiến hoặc chỉ trung bình thôi thì họ đã có được hệ thống bảo tàng đầy đủ hơn chúng ta nhiều. Ngoài Bảo tàng Quốc gia ra, thì họ còn có một hệ thống các bảo tàng tự nhiên, sinh học, địa chất... Nói chung trên đời này có cái gì, họ làm bảo tàng về cái đó. Và, họ làm rất thành công. Điều này đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước. Ta không so sánh được với họ đâu, vì bảo tàng của ta còn thiếu nhiều lắm. Chúng ta mới chỉ đếm trên đầu ngón tay các bảo tàng, nhưng chủ yếu thiên về lịch sử. Ví như, bảo tàng Y học chẳng hạn, ta đã có đâu. Trong khi, truyền thống y học của ta vẻ vang là thế, từ cụ Lãn Ông, đến cụ Tuệ Tĩnh, rồi những bài thuốc, rồi sách vở, đặc biệt là thực tế trong mấy nghìn năm qua, y học của chúng ta đã đóng góp thế nào cho sự phát triển của dân tộc. Chúng ta không có bảo tàng để nói về chuyện đó. Thế là thiếu! Đấy là còn chưa kể, hệ thống bảo tàng hiện tại của ta èo uột, khô cứng, cổ lỗ.
- Ý của Giáo sư là trong việc xây dựng bảo tàng, cái vỏ không quan trọng bằng ruột?
- Trong khi chúng ta ngồi và bàn đi tính lại xem xây nhà bảo tàng như thế nào, xây bao nhiêu tiền thì khoa học trưng bày trên thế giới đã đúc kết được một công thức: xây 1 - bày 3. Cụ thể là, xây một bảo tàng, tất cả tốn bao nhiêu tiền, quy về một đơn vị, cứ thế nhân lên phần trưng bày tốn gấp 3 lần. Đó là công thức đúc kết nên sự thành công của đa phần bảo tàng thế giới. Nếu không đủ điều kiện đầu tư được 3 phần cho trưng bày, thì chí ít cũng phải là 2. Còn ở ta thì sao, hì hục chạy vạy mãi mới xây được Nhà bảo tàng, xây xong coi như xong, mà không hề biết rằng, đó mới chỉ là cái vỏ, còn cái ruột mới chính là cái thu hút du khách, làm nên cuộc sống. Nhà nước đã cho phép tư nhân sưu tầm cổ vật. Luật Di sản văn hóa quy định rõ ràng, vì thế, anh muốn sở hữu một món đồ cổ, trưng bày trong bảo tàng của anh, anh phải bỏ cả bạc tỷ ra mà tậu nó về. Đấy, phần trưng bày hiện vật nó quan trọng thế đấy. Đó là còn chưa nói về nghệ thuật trưng bày, phải gồm cả yếu tố khoa học hiện đại trong đó. Ví dụ đơn giản, lắp cái đèn thôi, thì phải xác định, đèn loại gì, ánh sáng tia hay chùm hay chuyển động. Đèn phải được thiết kế chỗ nào, màu sắc ra làm sao, rồi còn cả tủ, bục, bệ, vải lót bên trong tủ trưng bày. Đừng có tưởng đưa được mảnh vải hay mảnh giấy vào ghi mấy dòng chú thích hiện vật là xong. Có những bảo tàng, vải lót hiện vật thôi cũng là nhung loại thượng hạng rồi. Vì thế, Việt Nam cần phải xây dựng một bảo tàng hiện đại, cần lắm chứ không phải không đâu. Bây giờ xây đã là muộn rồi. Tuy nhiên, xây thế nào để không thiếu và không yếu, đó mới là vấn đề.
- Nhiều người nghi ngờ, rằng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ dẫm phải "vết xe" của Bảo tàng Hà Nội và số tiền hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư là cực kỳ lãng phí. Quan điểm của Giáo sư thế nào?
- Tôi có một cái tật thế này, cứ quá 6 con số là tôi mù tịt. Vì thế, trăm tỷ hay nghìn tỷ đối với tôi là như nhau. Tôi không hiểu con số 11 nghìn tỷ đồng khi được đặt cạnh những thất thoát lớn trong những vụ án về kinh tế xảy ra trong thời gian vừa qua có thấm tháp gì không? Đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây một bảo tàng hiện đại, nơi mọi người đến đó khóc, cười, thưởng lãm, tăng cường hiểu biết về dân tộc mình là lãng phí ư? Cho nên ý kiến cuối cùng của tôi là: Không có ý kiến gì về tiền nong cả. Đơn giản thế này, công trình phải đúng với số tiền 11 nghìn tỷ đồng đã bỏ ra. Phải có công năng, giá trị, nội dung, hình hài tốt, phục vụ tốt, hấp dẫn mọi người, chứ không phải mọi người đến xem cái gọi là bảo tàng, yếu, thiếu, chìm đắm về mọi phương diện. Phải ra tấm ra món, bao nhiêu cũng được, miễn xứng với số tiền đề nghị tiêu.
* Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam dự kiến xây dựng tại khu đô thị mới Tây hồ Tây. Theo dự định, khi hoàn thành, công trình này sẽ là một bảo tàng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, đáp ứng tốt nhu cầu bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật, vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, phổ biến tri thức lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước... Theo lộ trình, thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ tháng 1-2012 đến 5-2016 nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016...
Theo ANTD
Hơn 11.000 tỷ đồng xây bảo tàng lớn nhất Việt Nam Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ là công trình hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng việc bảo tồn, sưu tầm, trưng bày hiện vật qua nhiều thời đại. Dự án đặc biệt với vốn đầu tư 11.277 tỷ đồng dự kiến khởi công vào giữa sang năm. Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu...