Dự án thủy điện 5,8 tỷ USD Trung Quốc đầu tư ở châu Phi
Trung Quốc cho Nigeria vay 85% vốn để thực hiện dự án thủy điện 5,8 tỷ USD nhưng nhiều rủi ro được cảnh báo cho quốc gia châu Phi này.
Quy mô của dự án nhà máy thủy điện Mambila có thể so sánh với nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Hôm 30/8, Hội đồng hành pháp liên bang Nigeria (FEC) thông báo tán thành dự án xây dựng nhà máy thủy điện Mambila có công suất 3.050 MW với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất nước, theo CNN.
Dự án nhà máy thủy điện Mambila, tọa lạc ở bang Taraba, sẽ được giao cho một nhóm công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc thực hiện. Trao đổi với báo chí tại thủ đô Abuja, Bộ trưởng Điện lực, Công trình và Nhà ở Nigeria Babatunde Fashola cho biết dự án bao gồm 4 con đập cao từ 50 -150m, sẽ mất 6 năm để hoàn thành.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ cho vay 85% vốn của dự án, phía chính phủ Nigeria góp 15% còn lại.
Bộ trưởng Fashola tuyên bố dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích sâu rộng. “Dự án nhà máy thủy điện Mambila sẽ tạo ra một hiệu ứng giúp biến chuyển mạnh mẽ tất cả sự phát triển kinh tế – xã hội Nigeria. Nó sẽ có tác động tích cực lớn đối với nguồn cung điện trên toàn quốc, năng suất lao động, việc làm, du lịch, chuyển giao công nghệ, phát triển nông thôn, tưới tiêu thủy lợi, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm”, ông nói.
Khởi đầu trục trặc
Dự án nhà máy thủy điện Mambila đã được lên kế hoạch trong suốt hơn 30 năm nhưng các chính quyền trước đây tạo ra được rất ít tiến triển cho dự án này.
Năm 2007, chính phủ Nigeria trao gói thầu xây dựng nhà máy công suất 2.600 MW cho hai công ty xây dựng Trung Quốc nhưng thỏa thuận nhanh chóng sụp đổ.
Các bên đã có nhiều nỗ lực để khôi phục thỏa thuận song đều thất bại. Bế tắc được tháo gỡ sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Buhari vào năm 2016. Garba Shehu, một quan chức chính phủ Nigeria, gọi cuộc gặp này là bước đột phá.
Video đang HOT
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016. Ảnh: AFP.
Hơn 40% dân không có điện
Dù là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi, hơn 40% người dân Nigeria vẫn đang sống trong tình cảnh không có điện sinh hoạt, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới.
Thủy điện, một trong những nguồn điện rẻ nhất và sạch nhất, là mục tiêu phát triển quan trọng vì Nigeria hiện chỉ khai thác một phần nhỏ trong các nguồn lực thủy điện tiềm năng. Đất nước này cũng đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu sau khi giá dầu lao dốc, khiến kinh tế Nigeria rơi vào suy thoái.
Một số nhà phân tích tin rằng tính cấp thiết rõ ràng đối với dự án nhà máy thủy điện Mambila có khả năng sẽ giúp dự án này được triển khai thành công.
“Triển vọng về việc khởi động thực hiện dự án này có lẽ đang mạnh mẽ hơn so với nhiều thập kỷ trước”, Elizabeth Donnelly, phó giám đốc Chương trình châu Phi ở tổ chức tư vấn Chatham House, Anh, nhận xét.
Rủi ro xung đột
Vị trí của dự án nhà máy thủy điện Mambila nằm tại bang Taraba có thể dẫn đến những vấn đề phức tạp.
“Tình trạng tranh chấp đất đai đang rất dữ dội ở bang Taraba, nơi thường xuyên chứng kiến các cuộc bùng phát bạo lực tôn giáo, sắc tộc. Một dự án như Mambila, cần phải di dời và tái định cư nhiều người dân, có thể làm trầm trọng thêm các căng thẳng và tình hình nhân đạo ở bang này”, Elizabeth Donnelly nhận định.
Các nhóm bảo vệ môi trường cũng nêu ra những lo ngại về tác động tiềm tàng của dự án đối với môi trường.
“Nếu dự án đập thủy điện Mambila được triển khai, nó có thể gây ra những tác động xã hội và môi trường đầy thảm họa đối với người dân vốn đang sống trong cảnh nghèo khổ dọc theo sông Benue”, tổ chức phi chính phủ Sông ngòi quốc tế cảnh báo.
Chính phủ Nigeria nói rằng 100.000 người dân sẽ bị di dời khi dự án được triển khai. Chính phủ cam kết tái định cư những người dân này và bồi thường cho họ. Ông Darius Dickson Ishaku, thống đốc bang Taraba, hoan nghênh dự án vì cho rằng nó sẽ giúp thúc đẩy phát triển du lịch và nông nghiệp ở bang này.
Cao nguyên Mambila ở bang Taraba. Ảnh: Wiki.
Hệ lụy đối với nợ quốc gia
Dự án nhà máy thủy điện Mambila là một trong những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc ở Nigeria, trong đó bao gồm đầu tư vào nhiều dự án đường sắt. Hồi tháng một, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo kế hoạch đầu tư thêm 40 tỷ USD vào Nigeria.
“Nigeria là một cường quốc quan trọng ở châu Phi mà Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ hữu hảo”, Yun Sun, một học giả về chính sách đối ngoại Trung Quốc ở Trung tâm Stimson, Washington, nhận định.
“Nigeria đang tận dụng các ngân hàng Trung Quốc để thuê các công ty Trung Quốc thực hiện dự án thủy điện Mambila nhằm tạo ra lợi nhuận và việc làm. Còn Trung Quốc cũng muốn chọn các dự án lớn để tạo ra hình ảnh đẹp cho Trung Quốc và Mambila phù hợp với mục tiêu này”, Yun Sun nói.
Theo bà, trong khi Trung Quốc có khả năng hưởng lợi từ dự án thì phía Nigeria sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn.
“Tôi không lạc quan nhiều về tác động tài chính đối với nền kinh tế Nigeria vì dự án này rất lớn và câu hỏi đặt ra là làm sao Nigeria hoàn trả nổi 85% vốn vay của dự án từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Có thể xuất hiện những hệ lụy đối với nợ quốc gia”, bà cảnh báo.
Theo VNE
Trung Quốc xây trạm thủy điện lớn thứ hai thế giới
Dự án nhà máy thủy điện trên sông Kim Sa, tây nam Trung Quốc hôm qua khởi công, được cho là công trình thủy điện lớn thứ hai thế giới.
Ảnh chụp hôm 27/7 cho thấy công trình xây dựng dự án Bạch Hạc Than, nằm ở hạ lưu sông Kim Sa. Ảnh: Xinhua.
Dự án Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa, một nhánh thượng nguồn sông Dương Tử, giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Nó đứng thứ hai chỉ sau Tam Điệp, dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới, xét về tổng công suất lắp đặt, theo tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, công ty phụ trách xây đập.
Với tổng công suất lắp đặt 16 triệu kW, nó được kỳ vọng đạt sản lượng điện hơn 60 tỷ kWh/năm, tương đương với hai phần ba sản lượng điện tiêu thụ của Bắc Kinh năm 2015. Trạm thủy điện sẽ bắt đầu sản xuất năm 2021 và hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2022, theo China Daily.
Lễ khởi công được tổ chức hôm qua. Ảnh: Xinhua.
Với đập cao 300 m, dự án có thể quản lý lưu vực rộng 430.000 km2, tức 91% lưu vực sông Kim Sa. Gần 100.000 cư dân tại tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên sẽ được chuyển đến nơi khác để phục vụ dự án.
Bạch Hạc Than là một trong 4 dự án thủy điện lớn ở hạ lưu sông Kim Sa. 4 dự án với tổng công suất lắp đặt hơn 46 triệu kW, có thể đạt sản lượng điện 190 tỷ kWh/năm, gấp đôi so với sản lượng của đập Tam Điệp.
Bạch Hạc Than có ý nghĩa trong việc phát triển Vành đai Kinh tế sông Dương Tử và việc điều chỉnh cơ cấu năng lượng Trung Quốc, Lu Chun, chủ tịch Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, nói. Dự án sẽ tương đương gần 20 triệu tấn than tiêu chuẩn, cắt giảm phát thải 52 triệu tấn khí CO2/năm, theo ông Lu.
Vị trí đập Bạch Hạc Than (Baihetan) (hình elip màu đỏ). Đồ họa: internationalrivers.
Trọng Giáp
Theo VNE
Đổi tù nhân, phiến quân thả hơn 80 nữ sinh Nigeria Tổng thống Nigeria thông báo phiến quân Boko Haram thả gần một nửa nữ sinh bị bắt cóc cách đây 3 năm nhưng không tiết lộ số phiến quân được trao trả. Người dân Nigeria hồi tháng một biểu tình khi đến mốc 1.000 ngày các nữ sinh bị giam giữ. Ảnh: Reuters Phiến quân Boko Haram đã thả 82 nữ sinh trong...