Dự án Thủ Thiêm và những mảnh đời cơ cực
Họ từng là những cư dân thành thị, có nhà cửa như bao người khác. Nhưng rồi quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm (TP.HCM) đã đẩy họ ra đường, trở thành những người vô gia cư.
Số đông người dân tứ tán mọi phương vì không còn hy vọng, số ít bám trụ và ở trọ ngay trên chính ngôi nhà của mình, số khác tạm cư trong những ngôi nhà không hơn chuồng heo.Trái ngược với tình cảnh đó là những khu phố sầm uất, khu biệt thự hoành tráng được xây ngay trên chính dẻo đất bị thu hồi của cư dân Thủ Thiêm. Còn gì đau lòng và chua xót hơn nữa !
Đền bù 1 mét vuông đất được 3 tô phở
Ngoằn nghèo vượt qua những đám ruộng đầy cỏ lau, những ngôi nhà bị đập phá dang dở, chúng tôi tìm vào nhà hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Lực (SN 1928, là cựu chiến binh, 70 năm tuổi đảng) số B3/15 bis KP 1, tổ 16, phường Bình An. Một hình ảnh đau lòng đập ngay vào mắt, trên chiếc giường cụ bà Nguyễn Thị Giáp – vợ ông đang múc từng muỗng cháo đút cho chồng đang bị bệnh tai biến, liệt hai chân.
Vừa đút cháo cho chồng, bà cụ kể: Hai vợ chồng chỉ có duy nhất một đứa con trai nhưng không may đã chết trong một tai nạn giao thông, chỉ còn lại hai vợ chồng già yếu thui thủi trong căn nhà đã có lệnh giải tỏa. Gọi là nhà nhưng 15 năm nay không được xây cất, sửa chữa nên xập xệ, tan hoang, mùa nắng nóng bức, mùa mưa ngập lụt.
Nhà chị Lê Thị Hương ngập nước, xập xệ chị phải ở trọ trong chính nhà mình. ảnh: H.V
Theo bà Giáp, nhà của bà hơn 100m2, khi chính quyền ra quyết định thu hồi nói nhà mới mua năm 2001 nên không được bồi thường. “Chúng tôi chạy khắp nơi để kêu cứu. Năm 2013 họ ra quyết định điều chỉnh với nội dung: Trường hợp chọn phương thức tái định cư thì được nhận số tiền 9.612.500 đồng, được mua căn hộ chung cư theo giá tái định cư với diện tích tiêu chuẩn là: 7,75m2, trường hợp nhận trọn gói thì được nhận số tiền là 133.612.500 đồng…”.
“Chúng tôi dù gần đất, xa trời những vẫn quyết bám trụ, ai muốn vào nhà cưỡng chế phải bước qua hai thân già này. Nhà tôi ngoài ranh quy hoạch, không thể muốn lấy là lấy ngay được”-bà Giáp nhấn mạnh.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 9.5 với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều cư dân cho biết khi bị thu hồi đất chỉ được đền bù 150.000 – 200.000 đồng/m2, trong khi bán ra 350 triệu đồng/m2. Ông Ngô Hùng Phong ở KP3, phường An Khánh cũng phản ánh đến tổ ĐBQH khu tái định cư không có mà cứ cưỡng chế họ bắt đi. “Bồi thường 1m2 đất chỉ đủ mua được 3 tô phở thì dân sống thế nào? Chúng tôi yêu cầu được nhận tái định cư, nhưng nhà tái định cư lại quá cao trong khi giá đền bù không đủ mua thì khác gì lừa dân”- ông Hùng bức xúc.
Ở trọ nhà mình, tạm cư như chuồng heo
Xuôi theo những khu phố sầm uất chúng tôi đến khu tạm cư của những người dân bị giải tỏa vào ở tạm tại phường An Lợi Đông, quận 2. Khu tạm cư với những ngôi nhà tạm nhếch nhác, ọp ẹp mà người dân ví như chuồng heo. Trước khi tạm cư ở đây gần 10 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Hường có 3 căn nhà cấp 4 mặt tiền đường Trần Não (số 512/52 K), quận 2. Theo bà Hường, khi bị thu hồi bà chỉ được đền bù 291 triệu đồng và không có tiêu chuẩn tái định cư. Còn gia đình bà Nguyễn Thị Nhung có hơn 500m2 đất thừa kế nhưng cũng thành người vô gia cư khi bị giải tỏa, đền bù 200.000 đồng/m2 và phần hỗ trợ thiệt hại và tái định cư hơn 500 triệu đồng. Không chấp nhận đền bù, gia đình bà được phân vào khu tạm cư, chờ giải quyết.
Ngôi nhà tuềnh toàng và gia cảnh hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Giáp. ảnh: H.V
“Chúng tôi không đồng ý đền bù và khiếu kiện khắp nơi nên mới được cho vào ở tạm cư. Mà khu tạm cư như các anh thấy, tiện nghị tệ hại, nhà nhếch nhác, ọp ẹp, 16 khẩu chui rúc trong 3 phòng. Sau này, nhiều nhà bỏ đi chúng tôi mới phân ra ở thêm vài phòng khác. Mà thật lòng cũng không biết bị đuổi đi lúc nào…”-bà Hường kể.
Khác với khu tạm cư, nhiều hộ dân quyết bám trụ và không di dời vì cho rằng mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Không đi, nhưng ở lại họ cũng chịu bao nỗi thống khổ khi nhà cửa hơn 10 năm xuống cấp, không được sửa chữa, xây dựng.
“Mưa thì ngập, nắng thì oi bức, ở trong nhà mình mà không được quyền xây dựng hay sửa chữa thì khác gì ở trọ”, chị Phùng Thị Thu Hằng (nhà A2/8, KP 1, phường Bình An, quận 2) than thở. Sát nhà chị Hằng, hàng xóm hơn 8 hộ dân đang bám trụ không chịu di dời cũng chung cảnh khổ. Khi chúng tôi vào, cả xóm đang thuê xe cuốc vào đắp đất để chống nước ngập có đường đi. Cả xóm cho biết, mùa mưa nào cũng chịu cảnh ngập đường, ngập nhà, sống chung với ngập quanh năm khi không thể nào được xây dựng, sửa chữa. “Chúng tôi bám trụ lại nhưng chẳng biết chịu được đến bao giờ. Nhà thì sắp sập, nước ngập vô tận giường, mọi sinh hoạt cứ ở như rừng ngập mặn vậy” – ông Trịnh Thái Bằng buồn bã kể.
Nhiều người thì ở trọ tại nhà mình, nhưng phần đông cư dân đã tứ tán khắp nơi vì không chịu thấu nỗi thống khổ bám trụ. Chị Tô Thị Phương Thi có nhà và hơn 1.000m2 đất cũng bị giải tỏa trắng.
Video đang HOT
“Họ đền bù chẳng khác nào lấy không, chúng tôi nhất quyết không chịu thì họ vào cưỡng chế, giải tỏa trắng. Không nhà, không cửa, vợ chồng chúng tôi phải ly tán về Nhơn Trạch, Đồng Nai ở tạm nhà người thân và tiếp tục đòi công bằng”, chị Thi vừa khóc vừa kể lại tình cảnh ngay trên miếng đất của chị mà chính quyền cấp cho doanh nghiệp xây dựng.
160ha tái định cư biến mất (?)
Trong khi người dân ly hương, sống tạm, ở trọ trong chính ngôi nhà của mình thì quy hoạch 160ha tái định cư được phê duyệt nằm ở đâu?
Theo như quy hoạch xây dựng Khu ĐTM Thủ Thiêm, Chính phủ quy định dành 160ha tái định cư gần khu trung tâm hoặc xê dịch gần đó, không được bố trí xa nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo các cư dân khiếu kiện, trong quá trình quy hoạch, chỉ có khoảng 40,2ha hiện hữu là đất dành cho khu tái định cư nằm ở phường Bình An, đường Trần Não. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lung – một cư dân cho biết, chỉ có 15ha được xây tái định cư, nhưng không mấy người dân vào ở, phần còn lại của 40,2ha thì bây giờ không biết đi đâu, chỉ thấy nhiều dự án mọc lên ở đây.
Để báo cáo với Chính phủ đầy đủ 160ha tái định cư, UBND TP.HCM đã có những quy hoạch “mập mờ”, bố trí tái định cư rải rác trên nhiều phường khác. Tại 4 khu đất dành để tái định cư cho khu ĐTM Thủ Thiêm là khu dân cư số 1 – 143ha phường Thạnh Mỹ Lợi, nền đất 50ha phường Cát Lái, nền đất trong dự án 174ha phường Thạnh Mỹ Lợi và khu tái định cư 90ha Nam Rạch Chiếc.
Trong khi cư dân Thủ Thiêm bị giải tỏa ly tán, tha hương và ở tạm cư thì ngay trên chính những khu đất thu hồi là những khu phố sầm uất, biệt thự hoành tráng. Còn những khu ở tạm, ở trọ của bà con thì tan hoang mà như cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh từng nói: “Có lần đi thực tế, tôi thấy việc đập nhà của bà con tan hoang như một trận bom cày nát. Đáng ra, xây dựng khu ĐTM Thủ Thiêm thì người hưởng lợi đầu tiên phải là cư dân ởđó, vậy mà họ phải ra đi… chỉ biết nói một từ: Buồn”.
Theo Danviet
Hình ảnh ứa nước mắt cuộc gặp giữa ĐBQH và người dân Thủ Thiêm
Buổi làm việc của Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri quận 2 kéo dài đến gần 21h ngày 9.5. Đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, liên tục trong hơn 7 tiếng, của người dân Thủ Thiêm với lãnh đạo thành phố với hơn 50 ý kiến của người dân ở các phường bị thu hồi đất làm dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tổ ĐBQH TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trịnh Ngọc Thúy đã tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 9.5. Những vấn đề dư luận và người dân Thủ Thiêm quan tâm:
- Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỉ lệ 1/5.000 kèm theo quyết định số 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này nhưng đến nay còn giá trị?
- Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh qua các thời kỳ đã làm thay đổi nhiều khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất so với ý định ban đầu.
- 4 trục đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm có tổng chiều dài gần 12km được đầu tư với chi phí hơn 12 nghìn tỷ đồng.
- Ba vấn đề người dân Thủ Thiêm muốn làm rõ: Địa giới của dự án. Chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư. Khiếu nại của người dân chậm được các cơ quan tiếp nhận, kéo dài từ năm này qua năm khác.
Bà Quyết Tâm nói chuyện với cử tri. Ảnh: Phạm Duy. VNE
Người dân mất niềm tin vào chính quyền TP.HCM
Là một trong những người tham gia khiếu kiện nhiều năm nay, ông Đoàn Văn Phương thẳng thắn, nếu cơ quan chức năng làm cho ra các sai phạm ở Thủ Thiêm chắc chắn là tham nhũng, lợi ích nhóm. Ông đề nghị đưa vụ việc ở Thủ Thiêm lên Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban bí thư giải quyết chứ không thể để cho chính quyền TP HCM xử lý.
"Thực sự mà nói chúng tôi không còn tin một cán bộ nào ở quận 2, ở thành phố nữa. Đồng tiền đã khiến quy hoạch trước đây bị phá nát hết rồi, biến dạng thành một cái khu phân lô bán nền", ông Phương nói, vẻ chua chát.
Người dân Thủ Thiêm: 'Chúng tôi đau khổ quá lâu'. Chùm ảnh Zing.vn
Cử tri Trần Thị Mỹ (77 tuổi, ngụ phường An Khánh) cho biết, 13 năm nay bà đi khiếu nại vì chính quyền đẩy khu tái định cư ra xa trung tâm. "Đồng tiền làm biến dạng Thủ Thiêm. Đã 22 năm từ ngày quy hoạch, Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa hoàn chỉnh. Không còn nhà hát, khu vui chơi giải trí như quy hoạch ban đầu, mà Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành những khu phân lô bán nền", bà Mỹ nói.
Khi ban tổ chức buổi tiếp xúc cử tri lưu ý bà trình bày ngắn gọn, dành thời gian cho bà con khác, bà Mỹ giọng khổ sở: "Phải cho tôi nói, tôi sắp chết rồi, tôi cần phải nói".
Nguồn ảnh Zing.vn
Người dân ngất xỉu khi nói về nỗi bức xúc bị thu hồi nhà đất sai pháp luật. Ảnh: Phạm Duy. VNE
Còn ông Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thành Mỹ Lợi) cho hay, năm 2012 gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất. Nghĩ đây là việc mở rộng trung tâm thành phố, xây khu đô thị mới nên gia đình ông đồng ý chuyển tới chung cư tái định cư. Ông được đền bù 2 triệu đồng/m2 nhưng phải bù thêm tiền mới có thể vào được nơi ở mới.
Ngoài ra, sau hơn 15 năm dự án khởi động, người dân chưa thấy quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học... mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, biệt thự.
"Tôi cũng đề nghị thành phố làm rõ về dự án 4 tuyến đường chưa đầy 12 km nhưng hết 12.000 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Người dân muốn biết rõ vì đất thanh toán cho nhà đầu tư là đất công, là tài sản của dân", ông Thịnh nói.
4 tuyến đường chính trong Khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), bao gồm: Đại lộ vòng cung (6 làn xe), Đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), Đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), Đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam.
Tổng chiều các tuyến đường là gần 12 km, bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn. Mức đầu tư của dự án là hơn 12.000 tỷ đồng (gồm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay).
Bà Nguyễn Thị Mão (đường Lương Định Của, phường An Phú) thắc mắc về dự án 87 ha tại phường An Phú. Bà cho rằng có những dấu hiệu bất thường khi dự án ban đầu được phê duyệt diện thích thu hồi đất là 87 ha; tuy nhiên, sau đó TP lại nâng diện tích quy hoạch lên trên 88 ha và ra hàng loạt quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, giá đền bù thời điểm 1997 là 4 triệu đồng/m2; dự án "giậm chân" đến 18 năm và đến nay giá đền bù vẫn không thay đổi, như vậy là gây thiệt hại cho gia đình bà. "18 năm, nếu tôi lấy tiền gửi ngân hàng, lãi đã hơn rất nhiều rồi, trong khi gần 20 năm qua, tiền đề bù vẫn không thay đổi", bà Mão nói.
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ số 22 đường Lương Định Của, Bình Chánh, quận 2) cho biết bà đã khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo bà, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có quyết định thu hồi đất. Gia đình 6 người phải ở thuê trong một căn nhà dột nát, gần sập, rất nguy hiểm. Bà yêu cầu trả lại căn nhà đã bị thu hồi để gia đình được ổn định cuộc sống.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Nga (ngụ C11/1 Lương Định Của) cho biết tháng 9/2007, căn nhà bà bị cưỡng chế dù trước đó, bà không nhận được quyết định thu hồi đất.
Bà Đặng Thị Bích Ngọc (ngụ B12/12, Lương Định Của, khu phố 1, Bình An) cũng cho biết căn nhà của gia đình bị cưỡng chế và đưa hộ bà đi tái định cư. Bà đặt câu hỏi: "Nhà tôi có sổ đỏ, giấy tờ đầy đủ, sau khi cưỡng chế thì đưa tôi về nơi tái định cư ở chung cư, yêu cầu đóng thêm 800 triệu mới được sở hữu. Trước đây chúng tôi sống ở căn nhà 2 mặt tiền, cũng là nơi mua bán kiếm sống, giờ chúng tôi vào chung cư, làm sao buôn bán?"
Ông Ngô Hùng Phong (khu phố 3, An Khánh, quận 2) cùng cảnh ngộ, rưng rưng đứng lên xin được trở về đất cũ. Ông nói gia đình bao đời sống ở đất Thủ Thiêm, giờ nơi này giá đất lên, "thay da, đổi thịt", thì người dân bản địa bị đưa đi nơi khác tái định cư, không hưởng được quyền lợi.
Trước khi buổi tiếp xúc cử tri diễn ra, một số người dân mang theo bản đồ quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị mới Thủ Thiêm trưng trước hội trường. Nhiều người bức xúc vì những kiến nghị, khiếu nại dù đã gửi tới nhiều cấp lãnh đạo nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) xem bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm không có phần đất của dân nhưng vẫn bị thu hồi. Ảnh: Phạm Duy. VNE
Bà Quyết Tâm: 'Còn làm đại biểu tôi sẽ giải quyết bằng được vụ Thủ Thiêm'. Nguồn ảnh Zing.vn
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM xuống tận nơi trấn an. Bà lắng nghe chia sẻ của những người dân và khẳng định chưa bao giờ quên việc giải quyết an sinh xã hội cho người dân quận 2; đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch. Bà cho biết những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố, quận đều cố gắng giải quyết ngay. Trong buổi gặp gỡ hôm nay, bà mong muốn được lắng nghe bức xúc của người dân.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định sẽ đưa tất cả những góp ý được nhận ngày hôm nào về báo cáo với Bí thư, yêu cầu UBND TP.HCM có báo cáo với bán Thường vụ và có câu trả lời với người dân. Zing.vn
20h30, buổi gặp gỡ cử tri quận 2 kết thúc. Trước đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết đã lắng nghe hơn 50 ý kiến, và tập hợp được 4 vấn đề:
- Cơ sở pháp lý nào để thành phố tổ chức thu hồi đất của người dân;
- Chính sách, cơ sở nào để lập hồ sơ đền bù cho người dân. Theo các ý kiến, việc đền bù chưa đúng quy định pháp luật, chưa chính xác, cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân;
- Đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo với Quốc hội, cần có thanh tra toàn diện dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là vấn đề về 4 con đường "dát vàng" có giá thi công cao, thanh toán bằng quỹ đất giá lớn;
- Yêu cầu đại biểu HĐND thành phố bảo vệ quyền của người dân, thực hiện đúng luật pháp.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định sẽ đưa tất cả những góp ý được nhận ngày hôm nào về báo cáo với Bí thư, yêu cầu UBND TP.HCM có báo cáo với bán Thường vụ và có câu trả lời với người dân.
"Với câu hỏi của các bà con là có giám sát dự án hay không? Có chứ, nhưng chưa làm hết được, chưa làm đầy đủ được như ý bà con, đó là cái thiếu sót của các đại biểu. Bà con hỏi có ray rứt không? Có ray rứt. Chính quyền có những vấn đề lớn mà làm chưa thấu đáo, nhân dân chưa đồng tình, còn khiếu nại, thì rất buồn, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm", Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.
Theo Danviet
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc: Có ai đó muốn "thủ tiêu" ? Mấy ngày nay, báo chí cũng như cộng đồng mạng đặt nghi vấn trước việc "tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 bị thất lạc" là có dụng ý. Dư luận đã liên tiếp đặt những câu hỏi: Ai làm mất? Với mục đích gì? Phóng viên Dân Việt qua nhiều đầu mối đã truy tìm...