Dự án tàu ngầm bí ẩn của Nga và Trung Quốc
Hai cường quốc quân sự vẫn đầu tư cho tàu ngầm tấn công không chạy năng lượng hạt nhân và vừa thông báo hợp tác phát triển dự án thế hệ mới loại này.
Theo RIA Novosti, Nga và Trung Quốc đang hợp tác phát triển một mẫu tàu ngầm mới. Dự án được điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Công nghệ Quân sự Liên bang Nga.
Nga từ lâu khẳng định được vị thế trong lĩnh vực đóng tàu ngầm với nhiều mẫu thuộc nhóm uy lực và kích thước lớn nhất thế giới, theo Forbes.
Nước này từng giúp Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu ngầm, hỗ trợ thiết kế tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Golf và tàu ngầm tấn công lớp Romeo. Gần đây, Nga còn bán cho Trung Quốc tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo.
Tàu ngầm hạt nhân Nga Dmitrij Donskoj đi qua vùng biển Đan Mạch năm 2017. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có bước tiến dài trong lĩnh vực này và đủ khả năng để tự đóng mọi loại tàu ngầm. Mặc dù chưa bắt kịp Nga về một số phương diện, khoảng cách giữa hai cường quốc về tàu ngầm không chạy năng lượng hạt nhân đã không còn đáng kể.
Một trong những lĩnh vực Trung Quốc có lợi thế là động cơ đẩy. Nước này đang phát triển tàu ngầm AIP (Động cơ đẩy không khí độc lập), công nghệ mà Nga chưa hoàn thiện dù từng tiên phong thời Chiến tranh Lạnh.
Tàu ngầm lớp Lada của Nga từng được kỳ vọng sẽ làm chủ được công nghệ AIP nhưng cuối cùng chưa tích hợp thành công. Xét về sự vượt trội trong năng lực thiết kế và đóng tàu ngầm của Nga, thách thức của nước này có thể nằm ở vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Nga đang bị vượt mặt về công nghệ pin cho tàu ngầm. Hải quân các nước đang dần chuyển sang tàu ngầm chạy pin lithium-ion, với nước tiên phong là Nhật Bản rồi đến Hàn Quốc và Italy. Đã có tin đồn Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện công nghệ này.
Theo Forbes, có khả năng Bắc Kinh và Trung Quốc cân nhắc hợp tác bù đắp lẫn nhau những điểm yếu về công nghệ và hệ thống tác chiến. Tàu ngầm của Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí và hệ thống sonar của Nga; hoặc tàu ngầm Nga được trang bị công nghệ pin và AIP của Trung Quốc.
Malachite, cơ quan thiết kế tàu ngầm nổi tiếng tại Nga, đang quảng bá một dự án mới nhiều triển vọng: Tàu ngầm P-750B “Serval”. Mẫu tàu có chiều dài hơn 65 m, đồng thời được dự đoán sẽ có công nghệ AIP sử dụng nhiên liệu là oxy lỏng. Thiết kế đã được trình làng tại triển lãm quốc phòng Army-2020 đang diễn ra tại Moscow.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng tàu của Trung Quốc cũng đang theo đuổi một số thiết kế mới. Hải quân Nga cũng đang đặt hàng thêm tàu ngầm lớp Lada. Điều này làm dày thêm bức màn bí ẩn phủ quanh dự án đầy tham vọng sắp tới của hai nước.
Nhiều khả năng mẫu tàu ngầm mà Trung Quốc và Nga bắt tay phát triển sẽ không phục vụ cho hải quân của họ.
Cả hai đang tìm hướng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chủ yếu về tàu ngầm tấn công loại quy ước (phi hạt nhân).
Trung Quốc có thị phần lớn hơn Nga với những hợp đồng bán tàu cho Thái Lan, Bangladesh và Pakistan. Vì vậy, dự án mới có lẽ sẽ phục vụ thương mại.
Hơn 3.000 tấn dầu có nguy cơ cháy trên chiến hạm tỷ đô Mỹ
Hải quân Mỹ lo ngại hơn 3.000 tấn dầu trong khoang tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard bắt lửa, khi hỏa hoạn trên chiến hạm chưa được kiểm soát.
"Đây chắc chắn là điều khiến chúng tôi lo ngại", chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, nói với các phóng viên hôm 13/7 khi được hỏi về nguy cơ lửa lan đến khoang chứa một triệu gallon (hơn 3.000 tấn) dầu trong tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard.
Chuẩn đô đốc Sobeck xác nhận đám cháy còn cách khoang chứa dầu khoảng hai tầng. "Chúng tôi đang làm mọi thứ để bảo đảm ngọn lửa không lan tới khu vực đó", ông nói, nhấn mạnh hải quân Mỹ quyết tâm chữa cháy thay vì để ngọn lửa tự tắt sau vài ngày.
Trực thăng xả nước xuống tàu Bonhomme Richard hôm 13/7. Video: Twitter/Kaitain_AZ.
Tuần duyên Mỹ cũng chuẩn bị kịch bản ứng phó sự cố tràn dầu khi triển khai rào chắn quanh khu vực neo tàu USS Bonhomme Richard, đồng thời lập vùng đệm an toàn rộng 1,5 km để bảo vệ người dân.
Đám cháy bắt nguồn từ khoang chứa thiết bị trên tàu USS Bonhomme Richard và đã bước sang ngày thứ hai. Ngọn lửa lan khắp thân tàu, bao trùm phần thượng tầng và cột radar, khiến một phần cấu trúc này bị nóng chảy và đổ sập. Đài chỉ huy và các khoang điều hành trên thượng tầng cũng bị lửa thiêu rụi.
Hải quân Mỹ cho biết gần 60 người đã bị thương do vụ cháy, trong đó 5 người nằm viện và hiện sức khỏe ổn định. Hơn 400 lính cứu hỏa, nhiều tàu chữa cháy và hai trực thăng hải quân được triển khai để đối phó với ngọn lửa.
Một số chuyên gia cho rằng sau khi ngọn lửa được khống chế, con tàu sẽ phải đắp chiếu nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD để sửa chữa, thậm chí là bị loại biên vì hư hỏng quá nặng.
Lửa lan đến thượng tầng tàu Bonhomme Richard tối 12/7. Ảnh: US Navy.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Mỹ và Ba Lan mong muốn ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vừa có chuyến thăm tới Mỹ. Đây là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi gặp riêng tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump và Tổng thống Duda cho biết, cả hai đều mong muốn ký kết thỏa...