Dự án quân sự quái dị: Chuyện khó tin về tàu sân bay bằng… băng
Trong Thế chiến II, một dự án quân sự táo bạo và đầy tham vọng đã được triển khai để hiện thực hóa ý tưởng “có phần hoang tưởng”: Tàu sân bay khổng lồ bằng… băng.
Sự ra đời của tàu sân bay “Habbakuk”
Theo bài viết trên trang mạng tiếng Nga expert.ru:
Mỗi một cuộc chiến tranh sẽ là cú hích để phát triển khoa học kỹ thuật. Thế chiến thứ hai, tất nhiên, là đỉnh cao trong lịch sử công nghệ quân sự.
Ngoài những thành tựu tiên tiến thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp quân sự, trong những năm chiến tranh còn hình thành nhiều dự án hiện thực hóa trí tưởng tượng dù sau đó, vì nhiều lý do khác nhau chúng không thể hoàn thành.
Một trong những dự án đó là tàu sân bay “Habbakuk”.
Chiếc tàu sân bay này đã không được hạ thủy nhưng việc hàng chục kỹ sư và nhà khoa học làm việc miệt mài suốt 2 năm cho thấy dự án lạ lùng và còn mang tính hoang tưởng này từng có cơ hội được hoàn thành.
Điều khiến người ta ngạc nhiên trước tiên là vật liệu để chế tạo tàu sân bay “Habbakuk”.
So với những tàu chiến khác, người ta định dùng pykrete (hỗn hợp đông lạnh được làm từ nước và mùn cưa) để chế tạo tàu sân bay này.
Sự lựa chọn vật liệu hoàn toàn không bình thường này có lời giải thích hết sức đơn giản, đó là giống như tất cả các quốc gia tham chiến khác, Anh vô cùng khan hiếm sắt trong những năm chiến tranh.
Video đang HOT
Tàu sân bay Habbakuk có kích cỡ “khổng lồ”
So với những tàu sân bay bình thường, tàu “Habbakuk” có kích thước hoàn toàn khác biệt, với chiều dài 600m, chiều rộng 90m, chiều cao 60m, tương đương với một tòa nhà 20 tầng.
Con tàu có lượng giãn nước lên tới 1,8 triệu tấn.
Theo ý tưởng của các nhà thiết kế, nó có thể mang được 200 máy bay chiến đấu Spitfire hoặc 100 máy bay ném bom Mosquito.
“Habbakuk” có thể đạt tốc độ tối đa 7 hải lý (tương tương 13km/h). Lượng nhiên liệu dự trữ lên đến 5 nghìn tấn, cho phép con tàu di chuyển quãng đường 7 nghìn hải lý (tương đương 13 nghìn km) mà không cần tiếp nhiên liệu.
Thủy thủ đoàn gồm 404 sĩ quan và 3.216 thủy thủ.
Trên tàu cũng được bố trí các khu vực sửa chữa và cơ sở hạ tầng khác, cho phép nó trở thành một căn cứ nổi.
Tàu sân bay “Habbakuk” là đứa con của nhà sáng tạo người Anh Geoffrey Pyke, người từng được chữa trị tại bệnh viện tâm thần. Chính ở đó, ông đã dành thời gian thiết kế và tính toán cho dự án của mình.
Không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì người bình thường không thể có được một ý tưởng như vậy.
Ông Pyke, từng tốt nghiệp đại học Cambrige, đã nảy ra ý tưởng về chiếc tàu sân bay sau khi đọc một bài viết về băng trên tạp chí National Geographic.
Điều khiến ông đặc biệt ấn tượng trong bài báo đó là khi tác giả mô tả về những khó khăn gặp phải trong việc dùng thuốc nổ để phá băng.
Dự án tàu sân bay bằng băng đã được bộ tư lệnh Hải quân Anh quan tâm ngay vì giá thành sản xuất thấp.
Do giá thành vật liệu rẻ nên theo tính toán ban đầu chiếc tàu sẽ có giá khoảng 10 triệu bảng Anh.
Pykrete là vật liệu được đặt tên theo tên Geoffrey Pyke. Loại vật liệu không bình thường này nhẹ và chịu lực tốt hơn băng bình thường. Nhờ có mùn cưa, nó sẽ tan chảy chậm hơn.
Ngoài khả năng chống nóng, trong lớp vỏ băng còn lắp đặt thêm các ống của hệ thống làm lạnh công suất lớn.
Một nguyên mẫu duy nhất được chế tạo
Sau hàng loạt các thử nghiệm, vật liệu pykrete bắt đầu được sản xuất tại Canada. Để chế tạo chiếc tàu sân bay này cần tổng cộng 1,7 triệu tấn pykrete.
Ý tưởng này khiến Thủ tướng Anh Winston Churchill thích thú. Chính ông là người đề nghị đặt tên cho chiếc tàu sân bay này theo tên của nhà tiên tri “Habbakuk”.
Theo dự kiến, tàu sân bay “Habbakuk” sẽ phục vụ công tác tuần tra tại những khu vực biển nước lạnh ở Bắc Đại Tây dương. Nó sẽ được một đội tàu hộ tống.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Quebec vào tháng 8/1943, người ta quyết định dùng chiếc tàu sân bay này trên Thái Bình Dương để chiến đấu với Nhật Bản.
Bởi vậy, công tác chế tạo tàu sân bay này được chuyển từ bờ biển phía đông Canada sang bờ phía tây.
Chỉ có một nguyên mẫu tàu “Habbukuk” được chế tạo.
Một nguyên mẫu tàu “Habbakuk” đã được chế tạo vào mùa đông năm 1943 tại hồ Patricia ở Alberta (Canada).
Nguyên mẫu này dài 18m dài, rộng 9m và cao 6m, khối lượng 1.000 tấn và được lắp ráp trong vòng 2 tháng bởi một nhóm chuyên gia gồm 15 người.
Hệ thống làm lạnh hoạt động bình thường và cho phép giữ được nhiệt độ thấp, phù hợp để giữ lớp băng qua mùa hè.
Dù công tác chế tạo nguyên mẫu được thừa nhận là thành công và có tiềm năng trong tương lai nhưng dự án đã gặp phải những khó khăn về kinh tế và tài chính.
Sau hội nghị Quebec, quân đội Mỹ tiến hành tìm địa điểm thích hợp trên bờ biển Thái Bình Dương để xây dựng tàu sân bay “Habbakuk” nhưng không có nơi nào phù hợp.
Alaska ở quá xa, còn phần lớn khu vực bờ biển của Mỹ lại quá ấm để xây dựng chiếc tàu này.
Ngày 16/12/1943, tiểu ban đặc biệt chuyên tìm kiếm địa điểm xây dựng đã báo cáo về những khó khăn lên lãnh đạo.
Bên cạnh đó, do giá thành nhân công cao và nhiều vấn đề khác, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Mỹ và Anh quyết định dừng dự án “Habbakuk”.
Nguyên mẫu tàu “Habbakuk” tại hồ Patricia phải mất 3 năm mới tan chảy hết.
Điều này chứng tỏ ý tưởng này không phải là bất khả thi dù tính hoang tưởng của nó.
Theo Tri Thức