Dự án nuôi tôm ‘bức tử’ bờ biển Tuy An
Tại khu vực thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, hàng ngày luôn có một khối lượng lớn nước thải từ một số DN trên địa bàn xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân khu vực.
Hàng chục ống xả thải của nối trực tiếp ra bãi cát
Nhiều năm qua, người dân thuộc thôn Phước Đồng đã liên tục có đơn khiếu nại về việc môi trường biển tại khu vực đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước biển bị ô nhiễm ở tình trạng đáng báo động là do các DN trên địa bàn xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển. Cụ thể, nguồn ô nhiễm phát ra từ dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải được quy hoạch trên diện tích 20ha, do 3 doanh nghiệp cùng đầu tư, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ.
Một người dân sống gần khu vực biển bị ô nhiễm chia sẻ, trước đây vùng biển này nước rất sạch, trong xanh; nhưng từ năm 2016, các doanh nghiệp này về đây nuôi tôm thì nước biển đã dần dần chuyển sang màu đen, thậm chí còn bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là do nguồn nước thải trong quá trình nuôi tôm thương phẩm được các DN trên xả trực tiếp ra biển mà không qua các khâu xử lý nước thải theo quy định.
“Người dân chúng tôi lãnh đủ, mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh đó các loại hải sản tại vùng biển bị xả thải cũng chết và dạt vào bờ biển rất nhiều”, một người chia sẻ.
Trước đây, khu vực này vốn là bãi tắm tự nhiên được rất nhiều người dân trong vùng và du khách các nơi đến tắm, tham quan. Từ khi bị ô nhiễm, nơi đây trở thành bờ biển “chết”. Một số ngư dân trong vùng vì mưu sinh mà ngâm mình trong nước biển tại khu vực này thì khi về đều bị mẩn ngứa hoặc nhiễm một số bệnh về da liễu.
Video đang HOT
Theo ghi nhận sáng 16/4 thì đúng như phản ánh của người dân, dọc bờ biển kéo dài khoảng gần 3km có hàng chục đầu ống nước thải xả thải. Tiếp cận khu vực các đầu ống xả thải, thấy nồng nặc mùi hôi hám khiến đầu óc choáng váng, buồn nôn. Nước từ các ống xả, ngoài bốc mùi thì đều có màu đen, sủi bọt trắng, lẫn nhiều tạp chất… đổ ra bãi cát rồi chảy ra biển.
Theo người trong nghề, tạp chất đó là phân tôm và những thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm. Dọc bờ có thể nhìn thấy khá nhiều các loại cá bị chết được sóng đánh dạt vào bờ, nguyên nhân được cho rằng do ngộ độc vì nước thải này.
Dòng nước hôi hám đen kịt chảy ra biển
Đã nhắc nhở, xử phạt nhiều lần
Thôn Phước Đồng có khoảng 270 hộ dân, trong đó hầu hết sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm hùm thương phẩm và làm du lịch.
Từ khi các DN nói trên hoạt động, nhiều loại hải sản trong vùng bị chết, hoặc không sống được nên di cư nơi khác đã khiến sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt được giảm đáng kể, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống người dân nơi đây.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại lớn nhất về kinh tế là những hộ gia đình đang nuôi tôm hùm trên vùng biển này. “ Nước ô nhiễm nên những hộ nuôi tôm hùm như chúng tôi đều phải thu tôm non, không dám để đúng tuổi, đúng trọng lượng mới thu vì sợ bị nhiễm bệnh sẽ mất trắng. Từ khi mấy DN này về đây, chúng tôi khổ quá”, một người nuôi tôm hùm trên biển chia sẻ.
Theo một cán bộ thôn Phước Đồng, khu vực này tuy còn khá hoang sơ, du lịch chưa phát triển mạnh nhưng trước đây hàng năm cũng đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan và tắm biển. Từ khi có hiện tượng nước biển chuyển màu đen, bốc mùi hôi thôi thì khách du lịch không tới nữa, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người địa phương.
Tại vùng biển này còn có một số bãi san hô lớn từng được các tổ chức quốc tế thăm dò xem xét bảo vệ nhằm phục vụ du lịch. Nhưng từ khi có hiện tượng nước biển bị ô nhiễm, các bãi san hô cũng bị ảnh hưởng, có ngư dân phát hiện san hô đã chết rất nhiều.
Ông Trần Sáu – Chủ tịch xã An Hòa Hải cho biết, Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ bắt đầu về đây thi công từ năm 2013 và hoạt động từ năm 2016. Từ đó xã nhận rất nhiều phản ảnh của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường. Về trách nhiệm địa phương, xã cũng phối hợp với phòng TNMT huyện, tỉnh để kiểm tra và xử lý. Theo kết quả xét nghiệm thì có một số chỉ số chưa đạt.
Tháng 5/2019, kiểm tra thực tế tại khu vực nuôi tôm của Công ty Trường Hải, lấy 1 mẫu nước thải tại vị trí đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, kết quả cho thấy có 2/9 thông số vượt Quy chuẩn môi trường. Cụ thể, chỉ tiêu BOD5 vượt 3,94 lần; COD vượt 2,83 lần; lưu lượng xả thải 35 m3/ngày đêm nên đã xử phạt 133 triệu đồng và buộc DN phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Cùng với đó, Công ty Sao Xanh bị xử phạt 50 triệu và Trí Huệ bị xử phạt 90 triệu về hành vi xả thải gây ô nhiễm. “Chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần với các công ty này. Thời gian tới nếu không khắc phục, xã sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh và huyện để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Sáu nói.
Tháng 9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải (Tuy An). Dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải được quy hoạch trên diện tích 20ha, do 3 doanh nghiệp cùng đầu tư, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Vận tải Trí Huệ.
Mục tiêu của dự án này là tạo khu sản xuất tôm trên cát hoàn chỉnh với hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi đồng bộ, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng có hiệu quả nguồn đất cát ven biển, hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp truy xuất được nguồn gốc của con giống để tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung và huyện Tuy An nói riêng. Thế nhưng, theo người dân, những công ty nuôi tôm đến khu vực này chỉ gây ô nhiễm chứ không giúp ích được gì.
Minh Hằng
Đổi đời nhờ nuôi cá thích ăn đêm ở hồ xi măng, bán 500 ngàn/ký
Triển khai từ năm 2015, nhờ kiên trì, cần cù, chịu khó, đến nay gia đình anh Kiều Văn Đức ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã gây dựng thành công mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cá chình, anh Kiều Văn Đức cho biết: Tận dụng đất vườn xung quanh nhà để chăn nuôi và trồng trọt, năm 2013 gia đình anh tiến hành xây và nuôi thử 4 hồ cá lóc, cá trê lai. Trong quá trình nuôi cá nước ngọt, anh Đức được tham gia các lớp tập huấn, trong đó có kỹ thuật nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng.
Mô hình nuôi chình bông trong hồ xi măng của gia đình anh Kiều Văn Đức mang lại lợi nhuận cao. Ảnh: KHÁNH VY.
Năm 2015, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội Nông dân xã An Mỹ triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm tại xã nên gia đình anh và các hộ trong thôn đăng ký tham gia. Những hộ đăng ký tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống và thức ăn...
"Gia đình tôi được hỗ trợ 400 con chình giống thả nuôi với diện tích 180m2. Sau 2 năm nuôi kết thúc, thấy mô hình nuôi chình bông đạt hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục mở rộng. Hiện tại, cá chình được thương lái mua với giá từ 450.000-500.000 đồng/kg, bình quân thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện ngoài nuôi cá lóc, cá trê, tôi đang thả nuôi 5 hồ với hơn 600 con chình bông...", anh Đức nói.
Về kỹ thuật nuôi cá chình bông, theo anh Đức, cá chình là loài dễ nuôi, ít bệnh so với các loại cá da trơn khác. Loại giống 18 con/kg có thể đạt trọng lượng 1-1,5kg/con sau một năm nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, cá chình đòi hỏi phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Cụ thể, nguồn nước nuôi cá chình bông phải được lọc kỹ các tạp chất, lắng trong trước khi cho vào bể nuôi. Bể nuôi cá chình bông phải đảm bảo không được thiếu nước hay thừa nước, oxy trong bể xi măng cũng không được thừa hoặc thiếu.
Về kinh nghiệm nuôi cá chình bông, anh Đức cho hay, cứ 3 ngày phải thay nước bể một lần để hạn chế tảo sinh sôi nảy nở với mật độ lớn, gây thiếu hụt nguồn oxy cho cá chình. Mỗi ngày cho cá chình bông ăn vào tầm 19 giờ, sau đó phải rửa sạch giá thức ăn để loại bỏ cặn bã.
Muốn đưa chế độ dinh dưỡng cao cho cá chình bông, cần áp dụng các biện pháp tổng thể khác như sử dụng máy quạt khí và tuân thủ chặt chẽ việc quản lý môi trường nước trong bể nuôi.
Anh Đức cho biết: "Hàng ngày, tôi mua cá rô phi về cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn trộn với men vi sinh để làm thức ăn cho cá chình bông. Cách làm này vừa giảm được một nửa chi phí so với thức ăn công nghiệp hiện có vừa tích hợp sẵn thuốc ngừa bệnh nên cá không mắc các bệnh đường ruột, bệnh gan, tỉ lệ cá sống đạt cao".
Ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ đánh giá: "Mô hình nuôi cá chình bông của anh Kiều Văn Đức đang trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều người tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Người chăn nuôi càng yên tâm hơn trong việc chọn nuôi cá chình bông khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường....".
"Với những thuận lợi đó, mô hình nuôi cá chình bông theo phương pháp tập trung sẽ được ứng dụng rộng rãi. Mới đây, anh Đức vinh dự được UBND tỉnh Phú Yên tặng bằng khen trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững, giai đoạn 2016-2018", ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Theo Khánh Vy (Báo Phú Yên)
Cách hết chức vụ Đảng, khai trừ nhiều cán bộ ở Phú Yên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên kỷ luật đối với bốn cán bộ lãnh đạo, trong đó có một phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa. Sáng 2-4, nguồn tin của PLO cho hay Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định kỷ luật đối với bốn cán bộ theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy....