Dự án nhà xã hội 400 tỷ mới được giải ngân 30 tỷ đồng
Lãnh đạo TCTy Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết, trong hơn 400 tỷ đồng tiền vốn huy động cho dự án mới chỉ giải ngân được 30 tỷ đồng trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bắt đầu đợt thị sát các dự án nhà ở xã hội. Điểm đến đầu tiên là ở khu đô thị Đặng Xá II do TCTy Viglacera triển khai xây dựng.
Báo cáo về tiến độ dự án nhà dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá, Tổng GĐ Viglacera Nguyễn Tuấn Anh cho biết, 5 khối nhà cao 6 tầng, có thang máy với 1.136 căn hộ diện tích từ gần 36m2 đến 69m2 tại đây đã hoàn thành xong phần thô, sẽ giao nhà trước Tết nguyên đán 2014. Đây là dự án TCty được giao trọn trách nhiệm, từ lo thủ tục đến thiết kế, cung ứng vật liệu, thi công xây dựng với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn mạnh nhất hiện nay của Bộ Xây dựng.
Đợt mở bán để thăm dò khách hàng vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh cho là đã thu được kết quả khả quan, được người tiêu dùng đánh giá cao về cả chất lượng, công năng và giá bán căn hộ (giá bán 8,68 triệu đồng/m2). Hiện đã có 700 khách hàng nộp hồ sơ đăng ký mua nhà. Dự kiến, sát tết sẽ có thêm khoảng 400 khách.
Bộ trưởng Xây dựng thị sát công trình xây dựng dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá II.
Trong đó, theo ông Tuấn, loại căn hộ có diện tích 36 m2 được đăng ký mua nhiều nhất vì giá hoàn thiện chỉ 310 triệu đồng/căn, khách hàng chủ yếu là hộ độc thân, công nhân tại các khu công nghiệp trong khu vực. Tiếp đến là nhóm căn hộ từ 48-50m2 dành cho các gia đình trẻ với 2 phòng ngủ (giá từ 410-460 triệu đồng).
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng hỏi thêm về nguồn vốn huy động cho dự án, khả năng hỗ trợ từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Tổng GĐ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự án đến nay đã huy động được hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ giải ngân được 30 tỷ đồng trong gói tín dụng này và đơn vị cũng chỉ vừa nhận được tiền 1 tháng trước (trong đó có 25 tỷ đồng dành cho nhà đầu tư, 5 tỷ đồng dành cho người mua nhà vay).
Xuống kiểm tra công trường thi công và tham quan các căn hộ mẫu, Bộ trưởng Xây dựng ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư để thực hiện dự án với tiêu chí xây dựng nhà có giá thấp, rất “xã hội” mà hợp lý hóa về thiết kế, tăng tối đa công năng cho diện tích sử dụng và sinh hoạt và vẫn đảm bảo được các yếu tố về chất lượng, mỹ thuật như nhà ở thương mại.
Cơ cấu hạ giá thành sản phẩm nằm ở việc khai thác tối đa nguồn vật liệu tại chỗ. Với ưu thế của một đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, Viglacera sử dụng được gạch không nung, gạch lát, vôi vữa cát đá, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng… tự sản xuất được, chỉ phải nhập sắt thép, xi măng.
Video đang HOT
Bộ trưởng Xây dựng góp ý thêm một số điểm về thiết kế căn hộ và gợi ý đơn vị thực hiện thêm gói thiết kế nội thất đồng bộ như tại nhà mẫu nhưng không làm tăng giá thành sản phẩm. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề, các món nội thất như giường tủ, sopha, kệ sách… có thể không cần thiết nhưng những thiết bị thiết yếu như bàn bếp, bồn rửa, kệ bát… thì cần phải có để người dân đến có thể ở được ngay, nhất là khi thời điểm giao nhà gần sát Tết.
Về cơ chế, Bộ trưởng Xây dựng động viên doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ, hỗ trợ thủ tục để nhà đầu tư nhà ở xã hội tiếp tục kinh doanh theo hướng này. Người đứng đầu ngành cũng trăn trở về việc mở rộng mô hình ở Đặng Xá II đến các khu vực ở mọi hướng tiếp cận với thành phố. Thực tế, cùng là dự án nhà ở xã hội, đều được miễn giảm thuế, không thu tiền sử dụng đất… nhưng vẫn có mức chênh lớn về giá như trần 8,68 triệu/m2 tại Đặng Xá với giá 12 triệu/m2 như ở dự án Tây nam Linh Đàm chỉ vì vị trí, địa thế khác nhau.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, tới đây Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra tất cả dự án nhà ở xã hội liên quan tới các vấn đề tiến độ thi công, chất lượng công trình, việc hoàn thiện đồng bộ hạ tầng… tại các dự án này.
Trao đổi thêm về vấn đề chính sách, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị định 188 về nhà ở xã hội đã được Chính phủ ban hành ngày 20/11 vừa qua, sẽ có hiệu lực từ 10/1/2014 sẽ “quy chuẩn” những ưu đãi, hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội, huy động nhiều hơn doanh nghiệp tham gia trong thời gian tới.
Nghị định tiếp tục duy trì quy định bắt buộc dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT và BOT) phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch, mặt bằng dự án đã được phê duyệt để xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng theo nghị định, các dự án phát triển nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng, được miễn, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp…
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được dành 20% diện tích làm nhà thương mại để bù trừ doanh thu (ví dụ dự án 100ha sẽ có 2ha được dùng làm các sản phẩm để kinh doanh thương mại). Gia đình, hộ cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê cũng nhận được đẩy đủ chính sách hỗ trợ với điều kiện thực hiện đúng quy chuẩn và đảm bảo mức giá cho thuê theo quy định.
Ngoài gói tín dụng 30.000 tỷ, theo Nghị định 188, các ngân hàng thương mại phải dành 3% dư nợ tín dụng cho vay để đầu tư nhà ở xã hội với chính sách lãi suất tương tự…
Theo Dantri
Hỗ trợ người nghèo mua nhà, 30.000 tỷ vẫn ít nếu đủ nguồn cung
"Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30.000 tỷ là sự hỗ trợ cho người nghèo để mua nhà ở chứ không phải để trực tiếp cứu thị trường" - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi bên hành lang QH ngày 19/11.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay mới chỉ có 341 tỉ đồng (1,1%) trong gói 30.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội được giải ngân. Tốc độ giải ngân, hiệu quả của gói tín dụng này đang nhận nhiều phản ứng nghi ngại vì quá chậm?
Tôi đã từng nói, vấn đề quan trọng không phải nhanh hay chậm mà là đúng đối tượng. Còn nữa, muốn triển khai nhanh được thì phải có nhà, có giao dịch, mua bán. Cầu thì nhiều, nhưng cung hiện đang thiếu. Vì vậy, cả xã hội phải chung tay cùng làm để sao cho cung nhà ở thuộc diện được hỗ trợ từ gói tín dụng này nhiều lên. Khi đó 30.000 nghìn tỷ vẫn còn là ít.
Bộ trưởng Xây dựng: "Gói hỗ trợ tín dụng cho người vay mua nhà, kinh tế cải thiện, lãi suất càng giảm".
Như Bộ trưởng phát biểu, về cầu, cả nước hiện cần hơn 1 triệu căn hộ nhưng thực tế hàng trăm ngàn căn hộ tại các khu đô thị, các dự án bất động sản (BĐS) vẫn đang ế đọng. Như vậy, đây có phải là hướng để giải cứu lượng hàng tồn đọng cho DN trong ngành?
Cái cần là nguồn nhà xã hội đang rất ít. Chiến lược nhà ở quốc gia mới triển khai gần đây mà để thực hiện được cần kế hoạch dài hạn, ít nhất tầm nhìn phải 10 năm, thực hiện khoảng 20 năm và lâu hơn.
Trên thế giới, các nước phát triển, dù thu nhập bình quân đầu người hơn 50.000USD cũng vẫn phải làm nhà ở xã hội. Việt Nam mới chỉ đạt mốc hơn 1.000 USD càng phải cố gắng rất nhiều. Đây là quyết tâm của Chính phủ, hỗ trợ để người dân được cải thiện nhà ở, đối tượng hướng đến gồm cả cán bộ công chức viên chức trong hệ thống chính trị, văn nghệ sỹ trí thức khó khăn về nhà ở, những người dân lao động ở đô thị, công nhân khu công nghiệp... đều cần phải quan tâm.
Muốn làm được nhiều nhà ở xã hội thì phải có nhiều dự án nhà ở xã hội. Cái này vướng vào vấn đề đất đai, đầu tư nên cần phải có thời gian để một dự án đầu tư triển khai thực hiện được.
Còn tôi khẳng định, đây là gói hỗ trợ trực tiếp người mua nhà, không phải nhà nước dùng tiền cứu doanh nghiệp bất động sản.
DN đầu tư làm nhà ở xã hội được miễn thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, không thu tiền sử dụng đất... Vậy nên những người mua nhà xã hội ở TPHCM, Hà Nội (những nơi đất có giá trị cao) có thể được mua nhà giảm tới 30 - 40% giá trị.
Nhưng như nhiều chuyên gia phân tích, Chính phủ muốn thông qua việc hỗ trợ, kích cầu này để hâm nóng thị trường, làm tan băng BĐS nhưng dường như mục tiêu này khó đạt?
Tháo gỡ khó khăn cho BĐS cần giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30.000 tỷ là thể hiện sự quan tâm của nhà nước, hỗ trợ cho người nghèo chứ không phải để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ờ các nước giàu, không gặp khó khăn về BĐS họ vẫn có những gói tín dụng lãi suất rất thấp cho người dân. Gói tín dụng này không phải mang ra để cứu BĐS. Muốn BĐS thoát khỏi khó khăn thì trách nhiệm của nhà nước, của các DN đều có, phải vào cuộc đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không có quy hoạch, không theo kế hoạch, tự phát phong trào đến việc rà soát, phân loại dự án xem cái nào dừng, cái nào tiếp tục...
Nói tóm lại gói tín dụng 30.000 tỷ là hỗ trợ những người khó khăn, không có điều kiện tiếp cận nhà ở thị trường, là hỗ trợ lâu dài, không phải chỉ cho hôm nay. Kinh tế càng phát triển nhà nước sẽ càng có nhiều điều kiện hỗ trợ người dân hơn và khi đó lãi suất cho vay có khi còn thấp nữa.
Vậy Bộ Xây dựng có dự định can thiệp gì với phía ngân hàng khi gói tín dụng này chậm được giải ngân, thưa Bộ trưởng?
Chậm giải ngân là do trách nhiệm của ngân hàng, trách nhiệm của người xác nhận các điều kiện cho người đăng ký mua nhà ở xã hội tại địa phương, trách nhiệm của các cơ quan làm chính sách, hướng dẫn, làm thế nào để thủ tục đơn giản, dễ nhất, người dân có thể làm được nhanh nhất. Việc đó thì phải vào cuộc mà làm thôi. Cái gì khởi đầu cũng sẽ có khó khăn.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về "phong trào" làm nhà ở xã hội tưng bừng khắp nơi có thể tạo ra những loại nhà không đủ tiêu chuẩn cho đô thị, thành gánh nặng phải xử lý nay mai như mô hình nhà lắp ghép, nhà tập thể cũ hiện nay?
Nhà ở xã hội giờ khác hoàn toàn với những loại nhà chúng ta nghĩ đến trước đây. Đây là loại nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước. Có cạnh tranh nghĩa là người dân tiếp cận mua nhà được mua với giá thấp hơn giá cả thị trường nhưng đơn vị thầu xây dựng nếu làm kém sẽ không bán được hàng, dự án sẽ thất bại. Vậy nên các nhà thầu cũng phải làm cho cạnh tranh. Cái đó khác với quan điểm về nhà ở xã hội như ở một số nơi để gọi tên loại nhà chất lượng rất kém.
Đến khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) bây giờ, không thể phân biệt được đâu là nhà ở thương mại hay xã hội. Bản chất nhà này cũng xây như nhà thương mại nhưng gọi là nhà ở xã hội để có chính sách hỗ trợ của nhà nước cho phù hợp.
Chính sách đầu tư phát triển nhà ở xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm của DN, nhiều chủ dự án nhà ở thương mại muốn chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều DN than khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Được biết, Bộ Xây dựng có hướng lập các đoàn công tác, kiểm tra để tháo gỡ những điểm vướng mắc này?
Bộ Xây dựng thường xuyên làm việc đó và đang làm, tiếp tục làm để vừa tiếp tục động viên các DN vừa cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc, sao cho các dự án chuyển từ thương mại sang nhà ở xã hội một cách nhanh nhất. Điểm quan trọng nhất hiện nay khi tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải tháo gỡ sự lệch pha giữa cung - cầu. Muốn khắc phục lệch pha này phải hướng BĐS vào chiến lược nhà ở vì mục tiêu cải thiện nhà ở cho người dân, không phải chỉ cho người giàu mà cả người nghèo, người khó khăn. Mọi người phải được tạo điều kiện để cải thiện nhà ở mà đối tượng quan tâm nhất là người nghèo.
Tới đây, trong thời gian gần nhất có thể, Chính phủ sẽ có thêm một nghị định về nhà ở xã hội. Hiện Bộ Xây dựng đã trình dự thảo nghị định này, dự kiến những quy định mới sẽ được ban hành rất sớm để tạo ra sự thông thoáng cho thị trường.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Dantri
Gói 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà: Chậm không phải vì chặt! Đánh giá năm 2013 thị trường BĐS đã có những chuyển động tích cực, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng quả quyết, cuối năm, giao dịch sẽ tốt hơn do giá BĐS ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân. Thị trường chắc chắn sẽ hồi phục từng bước. Đọc những thông tin kinh tế - tài chính...