Dự án nhà máy giấy Đại Dương: Nguy cơ ô nhiễm sông Tiền
Trong tâm thư vừa gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang, PGS.TS Lê Trình – phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN đã thiết tha đề nghị địa phương thu hồi dự án này do những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Một cống xả thải của khu công nghiệp Long Giang ra kênh Năng, Tân Phước, Tiền Giang – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Nhà máy giấy này sẽ xả thải ra kênh Năng rồi dẫn ra kênh Nguyễn Tấn Thành và sông Bảo Định, sau đó đổ ra sông Tiền… Đây là những vị trí lấy nước mặt của các nhà máy nước lớn nhất tỉnh Tiền Giang, nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu dân tại địa phương.
Chưa kể cuộc sống của người dân và sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nước thải, khí thải của nhà máy.
Làm giấy từ giấy phế liệu
Có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang (huyện Tân Phước, Tiền Giang) vào giữa tháng 11-2016, chúng tôi không khó để tìm đến khu đất Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương thuê hiện đã được san lấp mặt bằng, với một căn nhà được xây dựng làm trụ sở tạm. Có khoảng 5-6 nhân viên đang làm việc.
Ông Weng Sheng Yao, giám đốc phòng quản lý công ty, cho biết các thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn tất nên chưa thể xây dựng nhà máy, kế hoạch đưa nhà máy vào vận hành giai đoạn 1 trong năm 2017 chắc chắn không kịp, nhưng cho biết sẽ chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật VN, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải.
Trước đó vào cuối tháng 10-2016, Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cho phép sử dụng nguồn nước mặt để xử lý phục vụ sản xuất và xả nước thải vào nguồn tiếp nhận.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Dũng, phó cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), cho rằng dự án này chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nên việc xin sử dụng nguồn nước và xả thải vào nguồn tiếp nhận là không đúng quy định.
Cũng theo ông Dũng, cơ quan này chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt ĐTM của dự án.
Vị trí đấu nối nước thải từ Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước chảy ra kênh Năng, Tiền Giang – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 12-1-2016, Công ty Chang Yang Holding (Đài Loan) nộp hồ sơ xin đầu tư dự án nhà máy giấy Đại Dương tại KCN Long Giang và đến ngày 18-2, nhà đầu tư này bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 11-3, UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Và chỉ bốn ngày sau đó Ban quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy giấy Đại Dương với vốn lên tới 220 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng).
Video đang HOT
Sau khi nhận được giấy phép, Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương đã ký hợp đồng thuê tới 8 lô đất với diện tích 227.530m2 tại KCN Long Giang để xây dựng nhà máy sản xuất giấy Duplex, giấy Kraf trắng (dạng cuộn), giấy Duplex xám, giấy Duplex hai mặt trắng và giấy dùng gia đình.
Tổng công suất lên tới 413.000 tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 175.000 tấn/năm. Nguyên liệu sản xuất giấy của nhà máy Đại Dương cũng là giấy phế liệu giống như nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang.
Ngoài ra tỉnh Tiền Giang còn cho Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương hưởng rất nhiều ưu đãi, như được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp hằng năm 10% trong 15 năm kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ dự án (thuế suất năm 2016 là 20%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư…
Lưu lượng xả thải quá lớn
Trao đổi với chúng tôi về dự án này, PGS.TS Lê Trình (viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển, phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN) cho rằng với việc tiếp nhận dự án nhà máy giấy này, Tiền Giang tự vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp được nêu trong quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào năm 2014.
Cũng theo ông Trình, công nghiệp giấy làm phát sinh lượng chất thải lớn, đặc biệt là nước thải chứa thành phần các chất ô nhiễm có độc tính rất cao, khó xử lý.
Cụ thể, trong nước thải công nghiệp bột giấy có chứa hàm lượng rất cao các chất hữu cơ, đặc biệt là chứa hàm lượng cao các hợp chất clor – hữu cơ (AOX).
Trong đó có các dioxin – loại chất có độc tính rất cao với tôm cá, động vật và con người, có thể gây đột biến gen, tác hại phôi thai, gây ung thư và rất bền vững trong môi trường.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu dùng chlorine dioxite (ClO2) tẩy trắng bột giấy có thể giảm thiểu nhưng không hoàn toàn loại bỏ dioxin. Trong khi đó, lưu lượng xả thải 4.950 m3/ngày đêm của nhà máy giấy Đại Dương rất lớn nên không thể không lo được.
Ông Trình cũng cảnh báo rằng hệ thống xử lý nước thải của KCN Long Giang không thể xử lý triệt để thành phần độc hại của công nghiệp giấy.
Ngay cả Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương tự xử lý, không ai dám chắc sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Khi đó nước thải chứa các chất độc hại sẽ tràn ra sông Tiền, sông Vàm Cỏ và các chi lưu.
Khả năng tự làm sạch của kênh rạch vốn rất kém nên số lượng người chịu ảnh hưởng có thể lớn hơn các tỉnh miền Trung trong vụ Formosa.
“Là người nhiều năm nghiên cứu môi trường Tiền Giang, tôi thiết tha đề nghị Tỉnh ủy – HĐND và UBND tỉnh không tiếp nhận dự án này”- ông Trình kết luận.
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cũng cảnh báo nếu nhà máy giấy này hoạt động, sự đa dạng sinh học, đất đai và nguồn nước của vùng Đồng Tháp Mười sẽ bị hủy hoại.
Đặc biệt, theo ông Ni, những năm gần đây ĐBSCL bị xâm nhập mặn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, trong khi nhà máy giấy sử dụng rất nhiều nước ngọt nên việc cho phép nhà máy giấy hoạt động sẽ đe dọa nguồn nước ngọt địa phương.
Văn phòng tạm của Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan) tại Tiền Giang – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
PGS.TS Lê Trình (phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN):
Nguồn nước ngọt tại Tiền Giang và Long An bị đe dọa
Điều nguy hiểm đối với sinh thái và sức khỏe là dioxin (trong nước thải công nghiệp bột giấy) rất bền, có khả năng tồn lưu lâu dài trong đất và chuyển vào cơ thể các loài thủy sản, từ đó chuyển vào con người (qua thực phẩm).
Ngoài ra, dioxin có khả năng gây các bệnh hiểm nghèo cho con người, ngay cả khi ở hàm lượng rất nhỏ. Do đó, nếu nhà máy giấy Đại Dương xả nước thải có dioxin, dù chỉ rất ít thì sông rạch ở Tiền Giang, Long An… sẽ có khối lượng dioxin tích tụ không hề nhỏ.
Ông Phạm Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang)
Sẽ đánh giá nghiêm túc tác động của nhà máy giấy Đại Dương
Chúng tôi đã nhận được tâm thư của PGS.TS Lê Trình. Dù việc thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT, nhưng UBND tỉnh cũng đã giao các ngành mời nhà khoa học đánh giá nghiêm túc những vấn đề có liên quan đến dự án nhà máy giấy Đại Dương.
Tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không đánh đổi môi trường lấy dự án kinh tế.
(Theo Tuổi Trẻ)
Hiểu đúng về xử lý nước thải trong ngành giấy
Ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp vào tiến trình phát triển chung của nền kinh tế xã hội. Song song với quá trình phát triển ngành giấy thì một yêu cầu đặt ra rất quan trọng đó là tất cả những dự án về giấy đã và đang chuẩn bị đầu tư cần đảm bảo yêu cầu về môi trường.
Thời gian gần đây dư luận quan tâm, lo lắng việc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam sắp đưa dây chuyền sản xuất giấy công suất lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam vào hoạt động. Vậy quy trình xử lý nước thải của Lee&Man Việt Nam phải tuân thủ những quy định như thế nào?
Đầu tiên, đó là các quy định về pháp luật, theo đó, mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp giấy và bột giấy ra nguồn tiếp nhận nước thải phải tuân thủ quy định tại QCVN 12-MT : 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy (Quy chuẩn Quốc gia). Trong đó quy định giá trị tối đa cho phép của các tổng số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp giấy và bột giấy khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (A) và khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (B). Quy chuẩn quy định 8 thông số, trong đó thông số về Dioxin được áp dụng từ 1/1/2018. Hiện tại, các dây chuyền sản xuất tiên tiến thường dùng từ 10-15 m3 nước cho quá trình sản xuất 1 tấn giấy. Lượng nước này phải được xử lý đáp ứng Quy Quốc gia trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Hiểu đúng về xử lý nước thải trong ngành giấy
Trước tiên, nước thải từ quá trình sản xuất và sinh hoạt được xử lý sơ bộ để loại bỏ tất cả các tạp vật có thể gây ra sự cố trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải. Nước thải được đưa qua hệ thống mắt sàng để giữ lại chất rắn kích thước, rác rưởi rồi tập trung ở bể gom nước thải. Từ đây được đưa vào hệ thống xử lý nước thải: xử lý hóa lý (cấp I ) và xử lý sinh hóa (cấp II )
Xử lý hóa lý
Ở đây nước thải được lọc xơ sợi, loại bỏ kim loại nặng và huyền phù. Sau đó, từ bể gom, nước được bơm đẩy lên hệ thống lưới lọc nghiêng nằm thu hồi lại hầu hết xơ sợi có trong nước thải. Nước thải đã được lọc xơ sợi rơi xuống bể trộn.
Tại bể trộn (nhanh, chậm) một lượng hóa chất PAC (poly-alumium chloride ) và PAM (hợp chất cao phân tử hòa tan trong nước) được đưa vào bể để kết tủa các chất huyền phù và các ion kim loại khác trong nước thải.
Ở bể lắng thứ nhất, nước thải từ bể trộn được bơm vào bể lắng thứ nhất. Ở đó các chất kết tủa lắng xuống phía dưới, nước còn lại chuyển sang bể điều hòa để điều chỉnh (hệ thống xử lý còn có bể sự cố để xử lý trong các trường hợp khẩn cấp).
Bể điều hòa, có tác dụng điều hòa lưu lượng để duy trì dòng thải vào gần như không đổi cho các công đoạn sau, khắc phục những vấn đề vận hành do sự dao động lưu lượng nước thải gây ra và nâng cao hiệu suất của các quá trình ở cuối dây chuyền xử lý. Từ bể điều hòa nước đã lọc bỏ phần lớn chất huyền phù, được chuyển sang tháp làm nguội.
Tại tháp làm nguội, nước thải được làm giảm nhiệt độ xuống nhiệt độ phù hợp với các bước xử lý sau (từ 50C xuống 35C). Nước đã làm nguội chuyển sang bể điều chỉnh độ pH cho quá trình xử lý yếm khí.
Xử lý sinh hóa
Ở đây nước thải được xử lý bằng các phương pháp sinh học - quá trình oxy hóa sinh hóa, dựa trên cơ sở sử dụng hoạt động của vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ gây nhiễm bẩn trong nước thải. Để đảm bảo nước thải sau xử lý có thể xả ra nguồn tiếp nhận nước thải dùng cho mục A, các hệ thống xử lý thường sử dụng cả hai phương pháp là yếm khí và hiếu khí. Bằng cách sử dụng các vi sinh vật kỵ khí oxy, phản ứng yếm khí có tác dụng loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải để giảm nồng độ COD. Công nghệ mới nhất hiện nay là EGSB (hệ thống xử lý lớp bùn hạt mở rộng) hoặc IC (tháp tuần hoàn nội tại). Trong quá trình phân hủy các chất gây ô nhiễm hình thành khí gas chứa mê tan (có thể dùng để đốt trong nồi hơi sau khi lọc) và một lượng bùn thải ít hơn nhiều so với phương pháp hiếu khí. Nước đã được xử lý sinh học yếm khí được đưa sang xử lý sinh học hiếu khí
Xử lý sinh học hiếu khí (duy trì cung cấp oxy liên tục và nhiệt độ ở 35C - 40C). Bể hiếu khí luôn chứa các vi khuẩn hiếu khí. Quá trình xử lý sinh học hiếu khí thường được tiến hành hai lần có tác dụng loại bỏ các chất hữu cơ trong nước nhằm giảm nồng độ COD.
Để các vi sinh vật sinh sôi cần cung cấp các dưỡng chất như các hỗn hợp photpho và ni tơ và khí oxy vào trong nước thải, đồng thời kiểm soát nhiệt độ nước và khí oxy hòa tan trong nước. Việc sử dụng phương pháp màng đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy hòa tan cho vi khuẩn, tăng khả năng hấp thụ các chất hữu cơ của vi sinh vật đảm bảo sự phân giải tối đa. Kết quả, hình thành các bông sinh học có thể lắng theo trọng lực. Đối với đa số các vi sinh vật khoảng giá trị pH tối ưu 6,8 - 7,2, trong khi trong khi đã duy trì độ pH ở nước thải sau khi xử lý yếm khí trong khoảng 6,8 - 7,2 6,8 - 7,5. Nhiệt độ nước thải ảnh hưởng rất lớn tới chức năng hoạt động của vi sinh vật. Đối với đa số vi sinh vật, nhiệt độ nước thải phải từ 35C - 38C. Sau khi được xử lý hiếu khí thứ nhất, nước được chuyển sang bể lắng trung gian, tại đây các chất kết tủa được lắng xuống và xả vào bể gom bùn. Từ đó nước tiếp tục được xử lý hiếu khí lần thứ hai, rồi sang bể lắng trung gian thứ hai, trước khi được xả thải ra nguồn tiếp nhận nước thải dùng cho mục A.
Hiện nay hầu hết các dây chuyền sản xuất giấy lớn ở Việt Nam đều có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến theo quy trình trên với thiết bị của các công ty xử lý nước thải hàng đầu thế giới (Mỹ và châu Âu) như Công ty CP Giấy Sài Gòn (Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty CP Giấy An Bình (An Bình, Dĩ An, Bình Dương), Công ty TNHH xưởng GiấyChánh Dương (Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương), Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bến Cát, Bình Dương)...
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam tích cực đầu tư nâng cấp không chỉ thiết bị sản xuất mà cũng đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Họ không ngừng cải thiện công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để giảm tiêu hao các nguồn tài nguyên: nước, năng lượng và lao động để giảm chi phí sản xuất và phát triển bền vững. Giảm lượng nước dùng cho sản xuất 1 tấn giấy, giảm các thông số ô nhiễm trong nước thải các doanh nghiệp ngành giấy không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm được phí môi trường phải trả tính theo khối lượng nước thải và theo giá trị các thông số ô nhiễm.
Theo Vietnamnet
Giám sát chặt vận hành nhà máy giấy Lee&Man để tránh họa môi trường Qua sự việc về nhà máy giấy Lee & Man cho thấy, phát triển kinh tế là cần thiết nhưng bảo vệ môi trường sống phải được đặt lên hàng đầu. Những ngày qua, cư dân sinh sống ven dòng sông Hậu và nhiều địa phương vùng ĐBSCL ngóng chờ những thông tin sẽ được công bố sau khi đoàn công tác của...