Dự án Luật Hộ tịch: Tránh gây phiền phức cho dân
Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về báo cáo Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong số những điểm mới của dự thảo Luật Hộ tịch có việc lập Sổ bộ hộ tịch và cấp sổ hộ tịch cá nhân cho công dân. Sổ bộ hộ tịch được lập và quản lý tại nơi công dân đăng ký khai sinh – đồng thời cũng là nơi quản lý hộ tịch gốc của công dân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú.
Sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo về nơi quản lý hộ tịch gốc (nơi đăng ký khai sinh) để ghi vào Sổ bộ hộ tịch, đồng thời tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Như vậy, mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân cho dù được đăng ký ở các nơi khác nhau, đều được quy tụ vào nơi lưu giữ Sổ bộ hộ tịch. Đây là những tiền đề quan trọng để hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý dân cư theo hướng hiện đại. Để tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân, các loại Sổ hộ tịch từ trước tới nay hiện đang lưu giữ tại UBND các cấp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn có giá trị pháp lý và là cơ sở để cấp giấy tờ hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân các giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cấp trước ngày Luật có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân.
Một điểm mới quan trọng khác là xây dựng số định danh công dân. Số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, sẽ chỉ cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới. Nhiều thành viên UBTVQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề cấp số định danh công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật. Bởi, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ, phục vụ yêu cầu quản lý.
Ủng hộ định hướng “số hóa” công dân, song Chủ nhiệm UB VHGDTN, TN&NĐ Đào Trọng Thi góp ý: “Nếu chỉ cấp cho những công dân ra đời sau khi Luật có hiệu lực thì phải… 100 năm nữa chúng ta mới hoàn thành việc chuyển đổi sang phương thức quản lý mới! Cần có lộ trình chuyển đổi để cấp số cho toàn dân, nếu chưa làm được thì cấp cho những trẻ em dưới 14 tuổi. Nếu sử dụng sổ hộ tịch (giấy) trong khi chưa thể số hóa hoàn toàn thì phải giao cho phường xã nơi cư trú quản lý, cập nhật thông tin chứ giao nơi khai sinh là không hợp lý”.
Chủ nhiệm UB KH, CN và MT Phan Xuân Dũng đồng tình: “Chính phủ phải làm rõ việc mỗi người dân hiện nay đang phải giữ hơn chục loại sổ, áp dụng quy định mới thì sẽ còn mấy loại? Cần có lộ trình đổi hết sang phương thức mới, ví dụ sau 5 năm, 10 năm, có thể ưu tiên đổi cho những người trẻ tuổi trước”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù làm cách nào, những quy định của dự án Luật Hộ tịch cần đơn giản, dễ áp dụng, tránh tình trạng “mỗi luật ra là thêm một sổ, mỗi nghị định thêm một giấy”, gây thêm phiền phức cho dân.
Theo ANTD
Nhiều ý kiến đồng tình mức 9 triệu đồng
Hôm qua, 12-9, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc. Nội dung đáng chú ý nhất trong ngày làm việc đầu tiên của UBTVQH là thảo luận xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp người lao động "dễ thở" hơn
Theo tờ trình của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế được đề nghị nâng từ 4 triệu đồng (mức hiện hành) lên 9 triệu đồng/tháng. Người phụ thuộc được nâng từ mức 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, những người chưa phải nộp thuế gồm người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có hai người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/ tháng. Còn nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà có một người phụ thuộc thì chỉ nộp 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế). Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả.
Theo Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai làm rõ thêm, các con số 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009 và bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, đề xuất khởi điểm chịu thuế của Chính phủ là quá cao, không phù hợp với quan điểm động viên, điều tiết thu nhập của các cá nhân. Ủy ban này kiến nghị, chỉ nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 7 triệu đồng (thay vì 9 triệu) và mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng (thay vì 3,6 triệu) là hợp lý.
Cũng đưa ra các căn cứ về tiền lương và chỉ số giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, khi luật có hiệu lực vào giữa năm 2013 thì mức 7 triệu đồng, 2,8 triệu đồng là hợp lý. Vị Chủ nhiệm cho biết, kết quả bỏ phiếu kín trong Thường trực ủy ban này cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như Chính phủ đề nghị là quá cao, bất hợp lý xét cả dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Vì sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đưa thuế này trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi luật thời gian qua...
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH còn băn khoăn về những cơ sở khách quan của việc xác định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người có thu nhập cũng như người phụ thuộc. Tuy nhiên, hướng đến mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, nhiều ý kiến thiên về đề xuất của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn: "Về mức khởi điểm chịu thuế, nếu Chính phủ thấy nâng lên 9 triệu đồng mà không ảnh hưởng đến các công việc khác của đất nước thì tôi ủng hộ". Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, mức giảm trừ 9 triệu đồng cho người có thu nhập là phù hợp, nhưng mức 3,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc lại là cao, mất đi ý nghĩa "phụ thuộc"... Lưu ý đến điều kiện cụ thể của nước ta là trượt giá lũy kế hàng năm vẫn cao, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng tán thành mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Chính phủ. Ông nói: "Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu đồng là chưa cao, chỉ đủ sống thôi. Bởi vậy nên bỏ một vài bậc giữa đi".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu "tính toán thêm phương án áp dụng quy định mới ngay từ 1-1-2013 vì đến thời điểm đó "quay lại tính thuế thu nhập cá nhân từ mức 4 triệu đồng là rất không hợp lý". Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp ngay tại kỳ họp thứ 4 sắp tới. Nếu được thông qua, dự kiến Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.
Theo ANTD
Dân nghèo "gánh" các khoản thu vô lý "Các anh, chị chẳng hiểu gì cả, tiền đó thu để chi trả cho chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ... nếu không thu người ta uống nước lã mà làm hay sao". Đó là trả lời của Chủ tịch UBND xã Hoằng Lương về các khoản thu đang "đè đầu" người dân bao năm nay. Không những phải đóng nhiều khoản thu đã...