Dự án “lấn sông Hàn”: Các chuyên gia thủy lợi hàng đầu nói không cản trở dòng chảy
Cả 4 chuyên gia hàng đầu về thủy lợi đến từ ĐH Thủy lợi (Hà Nội), ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và TP Đà Nẵng đều có chung kết quả tính toán về việc, dự án Marina Complex không gây cản trở dòng chảy sông Hàn, không làm gia tăng ngâp lụt cho Đà Nẵng…
PGS.TS Lê Song Giang (Đại học Bách khoa TP.HCM):
Với tham luận “Tác động của dự án Marina Complex tới chế độ thủy lực sông Hàn” nhằm trả lời 3 câu hỏi: Việc san lấp của dự án có gây cản trở dòng chảy sông Hàn, từ đó làm gia tăng ngập lụt cho Đà Nẵng hay không?
Việc san lấp của dự án làm thay đổi dòng chảy khu vực thế nào, đặc biệt là khu vực các trụ cầu Thuận Phước? Nếu có thay đổi bất lợi về thủy lực, thì giải pháp khắc phục như thế nào?
PGS.TS Lê Song Giang (Đại học Bách khoa TP.HCM) – Ảnh: HC
Về điều kiện thủy văn, tham luận xét hai trận lũ, gồm trận lũ lịch sử năm 1999 (tần suất 2,24%) và trận lũ năm 2013; sử dụng mô hình toán số (mô hình tích hợp 1D2D3D) được xây dựng trong khoảng thời gian 2014 – 2015, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu lũ sông Vu Gia – Thu Bồn cho Sở Xây dựng Đà Nẵng, đồng thời được cập nhật và chi tiết hóa khu vực của sông Hàn.
Qua đó cho thấy, xét theo các thông số mùa lũ 2013 thì mực nước đỉnh lũ tại cầu Rồng với hiện trạng san lấp dự án Marina Complex thấp hơn 2,7cm so với trường hợp duy trì đường bờ 2015 và thấp hơn 2,6cm so với trường hợp duy trì đường bờ 2002. Xét theo mùa lũ 1999, thì mực nước đỉnh lũ tại cầu Rồng với hiện trạng san lấp dự án Marina Complex thấp hơn 5,4cm so với trường hợp duy trì đường bờ 2015 và thấp hơn 5,2m so với trường hợp duy trì đường bờ 2002.
“Như vậy kết quả tính toán cho thấy, việc san lấp khu dự án Marina Complex không gây bất lợi cho việc thoát lũ của sông Hàn, không làm gia tăng ngập lũ của Đà Nẵng mà ngược lại đã giúp nắn lại dòng chảy làm cho thoát lũ tốt hơn!” – PGS.TS Lê Song Giang nói.
Với câu hỏi, san lấp của dự án làm thay đổi dòng chảy khu vực thế nào, ông Giang cho hay: “C ác kết quả tính toán không cho thấy có một thay đổi rõ rệt nào của dòng chảy ngay tại trụ cầu Thuận Phước”. Thay đổi bất lợi đáng kể nhất là vận tốc tại đầu đê, kè dự án Marina Complex gia tăng khoảng 13 – 14cm/s; vận tốc tại đầu đê bình thường đã lớn (>100cn/s), nay còn lớn hơn. Có một số khu vực khác cũng gia tăng vận tốc, nhưng bình thường vận tốc tại đó rất nhỏ nên việc gia tăng vận tốc 10 – 20cm/s không có ý nghĩa.
Để khắc phục sự gia tăng vận tốc tại đầu đê, ông Giang đề nghị gỡ bỏ đoạn đê cũ còn lại tại chân ngọn hải đăng sát phía ngoài bờ kè dự án, nhằm giúp nước chảy thẳng vào luồng bên phải đê và giảm vận tốc tại đầu đê xuống thấp hơn hiện nay, cũng như thấp hơn trước đây. Đồng thời, giúp gia tăng vận tốc dòng chảy trong luồng bên phải đê và làm cân bằng hơn vận tốc của hai luồng hai bên đê.
TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng):
Báo cáo “Ảnh hưởng ngập lụt đối với sự thay đổi địa hình TP Đà Nẵng”gồm 4 nội dung: 1/ Tình hình lũ lụt sông suối Đà Nẵng; 2/ Ngập lụt khu vực trước và sau khi có kè (dự án Marina Complex); 3/ Kiến nghị nội dung cần đánh giá khu vực; 4/ Kết luận và kiến nghị.
TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) – Ảnh: HC
Với nội dung Ngập lụt khu vực trước và sau khi có kè”, thông qua chạy mô hình với các số liệu của mùa lũ 2009, TS Lê Hùng đưa ra hàng loạt bản đồ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, sơ đồ duỗi thẳng các công trình trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn; bản đồ địa hình khu vực tính toán, cao độ ngập khu vực, vận tốc dòng chảy khu vực, thay đổi cao độ ngập và vận tốc dòng chảy khu vực… trước và sau khi có tuyến kè và lấp đất dự án Marina Complex.
“Qua kết quả chạy mô hình cho trận lũ năm 2009 có thể thấy, mức độ ngập lụt từ khu vực kè dự án Marina Complex ra chỗ cầu Thuận Phước giảm, tuy nhiên phía thượng nguồn gia tăng từ 0 – 0,05m. Do vậy, mức độ ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh là không lớn!” – TS Lê Hùng kết luận.
GS.TS Phạm Thị Hương Lan (Trưởng khoa Thủy văn – Tài nguyên nước, Đại học Thủy lợi):
Video đang HOT
Khi thực hiện dự án, số liệu khí tượng thủy văn đã được thu thập đồng bộ từ năm 1976 đến thời điểm lập báo cáo. Trong đó, trận lũ 2009 và 2010 được sử dụng để hiệu chỉnh và kiểm định mô hình. Các số liệu này đã được kiểm chứng thông qua việc nghiệm thu các dự án là có đủ độ tin cậy phục vụ tính toán.
GS.TS Phạm Thị Hương Lan (Trưởng khoa Thủy văn – Tài nguyên nước, Đại học Thủy lợi) – Ảnh: HC
Với chuỗi số liệu hiện có từ năm 1976 đến thời điểm lập báo cáo có thể coi là đủ dài và nguồn số liệu được thu thập từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nên có thể dùng để thực hiện tính toán phục vụ dự án này và đảm bảo đủ độ tin cậy phục vụ cho việc thẩm định đánh giá dự án.
Để đánh giá tác động của dự án đến việc thoát lũ, tư vấn đã mô phỏng các kịch bản lũ hiện trạng IX/2009, XI/2010 và kịch bản lũ thiết kế với tần suất 5%, 1% lũ sớm, lũ muộn tổ hợp với các biên triều tần suất 10% ứng với đặc trưng mực nước triều lớn nhất, trung bình và nhỏ nhất…
Kết quả phương án mô phỏng lũ hiện trạng cho thấy, mực nước trên sông Hàn quanh khu vực dự án có thay đổi, chủ yếu là giảm mực nước dưới tác động của công trình kè. Lưu tốc thay đổi quanh khu vực kè, làm tăng lưu lượng vào luồng. Hướng dòng chảy chính về cơ bản không thay đổi, một số vị trí quanh khu vực kè có sự thay đổi do tác động hướng dòng của kè. Kết quả tính toán trên là phù hợp với quy luật chế độ thủy động lực khu vực dự án.
“Là thành viên phản biện của Hội đồng ĐTM trước đây, trước khi đến dự hội nghị này, chúng tôi có tính toán, kiểm tra, đánh giá bổ sung để trả lời hai câu hỏi đang được dư luận quan tâm. Thứ nhất là tác động của dự án đối với vấn đề thoát lũ ở phía hạ du như thế nào? Thứ hai là ảnh hưởng đến dòng chảy, đến cây cầu Thuận Phước ra sao?” – TS Phạm Thị Hương Lan nói.
Trên cơ sở kết quả thu thập số liệu từ năm 1977 đến nay, TS Lan đã tính toán với số liệu trận lũ lịch sử tháng 10/1999 trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn (tần suất xuất hiện khoảng 2%) và với số liệu của trận lũ tháng 9/2009 (tần suất xuất hiện 5%). Trong phạm vi khuôn khổ trình bày tại hội nghị, TS Hương Lan tập trung phân tích sâu với số liệu của trận lũ tháng 10/1999.
“Kết quả tính toán của chúng tôi cũng tương đối trùng khớp với kết quả mà TS Lê Hùng công bố ở trên, mặc dù hai bên sử dụng hai bài toán thủy động lực học khác nhau (mô hình 2 chiều và mô hình 3 chiều) với cùng số liệu của trận lũ lịch sử năm 1999. Theo tính toán của chúng tôi, so giữa khi triều rút với đỉnh lũ tại khu vực, thì mực nước tăng khoảng 0,06m, còn TS Lê Hùng tính toán là 0,05m!” – GS.TS Phạm Thị Hương Lan cho hay.
Thạc sĩ Huỳnh Vạn Thắng (chuyên gia thủy lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng):
Hệ thống kè hướng dòng và tạo luồng giao thông thủy từ vịnh Đà Nẵng vào sông Hàn đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, kè chính chạy từ cầu Thuận Phước ra cảng Tiên Sa dài 2km. Đây là công trình chỉnh trị sông rất quan trọng, giúp cho Đà Nẵng có cảng nước sâu Tiên Sa và có tới 10 cầu cảng chạy dọc bờ Tây sông Hàn.
Thạc sĩ Huỳnh Vạn Thắng (chuyên gia thủy lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng) – Ảnh: HC
Các con sông miền Trung có đặc điểm chế độ thủy văn là mùa khô thì nước rất ít, mùa lũ thì nước rất nhiều. Do đó trong mùa khô, các cửa sông lớn ở miền Trung đều bị bồi lấp, tàu thuyền đánh cá của ngư dân không ra vào được. Cửa Đại (sông Thu Bồn, Quảng Nam), cửa Trà Khúc (sông Trà Khúc, Quảng Ngãi), cửa Đà Rằng (sông Ba, Phú Yên), cửa Hòa Duân (sông Hương, TT-Huế), cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình)… đều bị bồi lấp rất nặng.
Riêng sông Hàn, nhờ hệ thống chỉnh trị sông, kè hướng dòng mà tàu lớn, tàu hàng cũng vô sâu trong nội địa được. Đoạn đầu của kè hướng dòng này nằm ngay dự án Marina Complex. Đoạn kè cơ bản bám theo tuyến kè hướng dòng để tạo luồng, giữ luồng, tuy nhiên cao trình thấp. Nhưng khi xây dựng kè Mân Quang nối tiếp kè Bạch Đằng Đông thì không chỉ đảm bảo nhiệm vụ hướng dòng mà còn có nhiệm vụ phát triển đô thị và bảo vệ khu vực đô thị phía trong.
“Do đó, với thiết kế mới thì tuyến kè này được nâng lên với cao trình đỉnh kè cao hơn so với đỉnh kè cũ vì nó kiêm thêm nhiệm vụ phát triển đô thị. Đỉnh kè này lấy theo tiêu chuẩn 5%, tức là trong 100 năm thì cho phép nước lũ có thể cao hơn đỉnh kè là 5 lần trong 5 năm!” – Ông Huỳnh Vạn Thắng nói.
Ông Thắng cho biết thêm, từng là thành viên Hội đồng phản biện ĐTM dự án Marina Complex, ông cũng từng rất phân vân về tác động của dự án này đến vấn đề cản trở dòng chảy, làm tăng mức độ ngập lũ. Tuy nhiên, sau khi chạy các chương trình mô phỏng các trận lũ lớn đã xảy ra với các kịch bản lũ thiết kế 1%, 5%… thì thấy có ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng rất nhỏ.
“Không chỉ mức độ ảnh hưởng nhỏ mà thậm chí tuyến kè trước đây thấp, nay được nâng cao lên với tác động hướng dòng của nó thì nhiều chỗ mức lũ còn giảm xuống. Chỉ có một khu vực mà mực nước có tăng lên nhưng chênh lệch cũng chỉ 0,05m, tức chỉ 5cm. Bảo không ảnh hưởng thì không đúng nhưng, rõ ràng là ảnh hưởng quá nhỏ so với công trình gây cản trở thoát lũ nhiều nhất, lớn nhất trên sông Hàn là cầu Sông Hàn.
Theo quan trắc khu vực cầu Sông Hàn năm 1999, thì mực nước giữa thượng và hạ lưu sông Hàn (ứng với lũ vào khoảng 2%) lệch nhau tới mức chúng ta không tưởng tượng nổi đâu. Lên tới 2m nước, tức 200cm, rất kinh khủng; trong khi dự án Marina Complex chỉ làm tăng mực nước ở một khu vực nhỏ và cũng chỉ có 5cm.
Ngoài ra, các yếu tố khác như vận tốc dòng chảy, hướng dòng chảy đều thay đổi không đáng kể. Điều đó cho phép những gì ở khu vực cửa sông Hàn phía sau tuyến kè là sẽ ổn định. Và không chỉ có báo cáo ĐTM trước đây mà các nghiên cứu, báo cáo mới nhất của các chuyên gia hàng đầu vừa công bố ở trên cũng đều có chung kết quả. Như vậy thì không gì phải nghi ngờ nữa mà đã rất rõ!” – Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.
Với kết quả tính toán như vậy, chuyên gia này cho rằng nên có cách ứng xử hài hòa. Một khi dự án không gây ảnh hưởng nặng nề về thoát lũ và dòng chảy thì vấn đề còn lại chỉ là kiến trúc cảnh quan phù hợp với khu vực cửa sông. Mặt tiền dự án hướng ra sông cần đảm bảo mảng xanh, và cần hình thành dự án mở, giao thông thuận lợi cho người dân tiếp cận sông Hàn và các dịch vụ công cộng trong khu vực.
Về chất lượng hồ sơ đánh giá ĐTM:
“Sở TN-MT Đà Nẵng là cơ quan quản lý nhà nước được UBND TP ủy quyền để thực hiện Hội đồng thẩm định ĐTM. Qua theo dõi toàn bộ hồ sơ cho thấy, khi triển khai việc thẩm định tại thời điểm đó thì Sở thực hiện rất đúng quy trình, quy định. Danh sách các thành viên tham gia Hội đồng toàn là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực hữu quan.
Trong hồ sơ ĐTM và các biên bản cuộc họp đều nêu ra tất cả các vấn đề mà dư luận hiện nay nêu ra. Hội đồng ĐTM lúc đó cũng rất thận trọng, đã yêu cầu Viện Thủy văn miền Trung và Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Đại học Thủy lợi) thẩm định lại kết quả tính toán mô hình thủy lực của đơn vị tư vấn ĐTM.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xem xét và đã có đánh giá dự án này có ảnh hưởng tuy nhiên không lớn đến những vấn đề nêu ra. Trên cơ sở tham mưu của Sở TN-MT thì UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định phê duyệt DTM của dự án này!”.
(Ông Tô Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng)
Theo Nguoilaodong
Trái chiều phản biện dự án lấn sông Hàn gây xôn xao dư luận
Sáng 7.5, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện về dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Đã có nhiều ý kiến trái chiều phản biện về dự án này.
Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đề nghị dừng dự án.
Đề nghị dừng dự án
Tại buổi phản biện, đại diện Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết, khi quyết định đầu tư vào dự Marina Complex, công ty biết rằng các dự án ven sông, ven biển đều phải đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với việc thoát lũ dòng chảy. Đại diện công ty cho hay, tất cả các vấn đề này đều được các cơ quan chức năng, nhà khoa học giải quyết triệt để trước khi phê duyệt quy hoạch nên mong dư luận hiểu đúng bản chất vấn đề.
Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đề nghị thành phố không nên triển khai dự án lấn sông Hàn này.
Theo ông Tiếng, dự án Marina Complex sẽ làm cho mỹ quan đô thị thành phố bị tổn thương nghiêm trọng, gây cản trở dòng chảy trên dòng sông Hàn. Ông Tiếng cho rằng, không nên ngại khó mà bất chấp dư luận, bất chấp lẽ phải mà chọn phương án không xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững.
KTS Phan Đức Hải cho biết, 20 năm trước "sức nóng" của đô thị hóa và "dải lụa sông Hàn" đã bị chèn ép bởi nhiều dự án phân khúc manh mún trong quy hoạch ngắn hạn, "qua nhiều giai đoạn chỉnh sửa và xây dựng đã lấn sông lấn biển rất nhiều chứ chẳng riêng dự án này".
Tuy nhiên, dự án Marina Complex bị phản ứng vì đây là khu vực tiếp tục làm thu hẹp lòng sông thêm 60 100m. Hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác tạo cảnh quan dòng sông xấu đi.
"Việc Sở Xây dựng khẳng định dự án bất động sản và bến du thuyền không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn đặc biệt là trong mùa mưa lũ theo chúng tôi là chưa thỏa đáng", KTS Hải nói.
KTS Hải cho biết thêm: "Sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt, phía cửa sông ban đầu chỉ rộng 700m, qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông".
Ông Trần Văn Thiết - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, dự án Marina Complex là dự án thứ 5 lấn sông Hàn. Đây không phải lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay Đồng bằng sông Cửu Long là những bài học về hậu quả của việc lấn sông còn đó.
Ông Thiết đề nghị, lãnh đạo thành phố cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được, mất để điều chỉnh. "Nếu bất chấp quy luật tự nhiên sẽ bị trừng phạt", ông Thiết nói thêm.
Lấn sông không làm thay đổi nhiều về dòng chảy?
TS Lê Song Giang - Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM cho biết, kết quả tính toán cho biết việc san lập khu dự án không gây bất lợi cho việc thoát lũ của sông Hàn.
Trong khi đó, các chuyên gia khoa học về thủy lợi cho biết, qua nghiên cứu, dự án lấn sông Hàn không làm thay đổi nhiều về dòng chảy trên sông Hàn.
TS Lê Song Giang - Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM cho biết, kết quả tính toán cho thấy việc san lập khu dự án không gây bất lợi cho việc thoát lũ của sông Hàn, đồng thời mô phỏng dựa trên các trận lũ lịch sử không cho thấy một thay đổi rõ rệt của dòng chảy ngay tại trụ cầu.
Theo TS Giang, thay đổi bất lợi đáng kể nhất chính là vận tốc tại đầu đê gia tăng khoảng 13-14cm/s. Có một số khu vực khác cũng gia tăng vận tốc những bình thường vận tốc tại đó rất nhỏ nên gia tăng vận tốc 10-20cm/s không có ý nghĩa.
TS Lê Hùng - Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng nhận định, qua kết quả đánh giá tác động có thể thấy mức độ ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh là không lớn.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Trung Ương MTTQVN lại cho rằng: "Phát triển phải chấp nhận đánh đổi, phải có luận cứ khoa học chứ không cảm tính, có cái nhìn tổng thể... Tâm lý hiện nay khá nặng nề rằng lợi ích nhà đầu tư ăn hết còn dân chả được gì".
"Chính quyền cần có thái độ nghiêm túc. Doanh nghiệp là lực lượng thúc đẩy cho sự phát triển. Chính quyền Đà Nẵng cần phải có ứng xử sớm. Đề nghị chính quyền phải nhìn người đầu tư như một cơ hội để phát triển, xử lý trên tinh thần để giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai", ông Thiên kiến nghị.
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, dự án Marina Complex có trong quy hoạch chung do Thủ tướng Phê duyệt 2013 được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà, do thành phố phê duyệt 2017. Dự án đã hoàn thành các tác động môi trường, các quy hoạch chi tiết, ranh giới phần lấn sông của dự án được xác định trên cơ sở tuyến kè Mân Quang nối tiếp tuyến kè Bạch Đằng Đông, là dự án được thực hiện theo chương trình phòng chống Biến đổi khí hậu, chống sạt lỡ toàn bộ khu vực bờ sông phía Đông sông Hàn.
Dự án đã được thống nhất của các sở ban ngành và Bộ NNPTNT nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông. Trước kiến nghị của người dân, các nhà khoa học và dư luận, thành phố đã kịp thời tạm dừng dự án để rà soát, mục đích tìm kiếm giải pháp quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
"Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, thành phố sẽ trao đổi với nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, tăng cường diện tích không gian công viên cây xanh, cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn, đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng nhất có thể. Bổ sung các công trình công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách", ông Dũng kết luận.
Theo Danviet
Triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động nước ngoài Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ sau hơn ba tháng thực hiện BHXH bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đã có hơn 64% số lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc, đây được xem là "tín hiệu" khả quan đối với việc triển...