Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “xê dịch” thời gian về đích
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đang bị chậm tiến độ. Bộ GTVT cho biết cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thành phần bê tông, sắt thép nhưng phần đoàn tàu và điện thì phụ thuộc vào nhà chế tạo. Vì vậy có thể tới quý I/2016 dự án mới về đích.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ phải xê dịch thời gian về đích đến quý I/2016 thay vì 31/12/2015 như đã cam kết (ảnh: Hữu Nghị)
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chậm gần 2 năm, tiến độ điều chỉnh là hoàn thành 31/12/2015. Thủ tướng đã có công điện yêu cầu đảm bảo tiến độ này, nhưng thực tế dự án có rất nhiều khó khăn từ năng lực nhà thầu, cách điều hành của Ban Quản lý Dự án nên khả năng đến quý I/2016 thì dự án mới có thể kết thúc.
“Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang từng bước khắc phục xử lý. Yêu cầu tổng thầu Trung Quốc đảm bảo nhân sự đầy đủ theo hợp đồng. Phía Trung Quốc đồng tình quan điểm này và sẽ tăng cường nhân lực, trang thiết bị và giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Được biết, hiện nay tổng thầu Trung Quốc đang khó khăn trong việc huy động thêm nguồn lực tài chính – vốn lưu động của nhà thầu. Bộ GTVT đã yêu cầu nhà thầu đáp ứng khối lượng, trong tháng 4 này tổng thầu phải chuyển đủ số tiền đang còn nợ (hiện đã chuyển hơn 100 tỷ đồng), yêu cầu tổng thầu hàng tháng phải hoàn thành bao nhiêu %, giải ngân bao nhiêu %.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, gần đây nhất, Bộ GTVT sẽ lấy ga La Thành, đẩy nhanh tiến độ, để hoàn thành ga mẫu và sẽ đấu thầu đoàn tàu đưa về để xin ý kiến người dân một cách rộng rãi, cầu thị.
“Ban Quản lý Dự án Đường sắt phải lập tiến độ tổng thể xong hạ tầng cơ sở. Chúng tôi tin tưởng cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thành phần bê tông, sắt thép, còn đoàn tàu và điện thì phụ thuộc vào nhà chế tạo. Chúng tôi đang quyết tâm cao nhất và cố gắng nếu có xê dịch về thời gian kết thúc dự án trong thời gian không nhiều” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.
Video đang HOT
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau 5 năm thi công, tổng mức đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia – Vành đai III – Thanh Xuân III – Bến xe Hà Đông – Hà Đông – La Khê – Văn Khê – Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Liệu có chậm tiến độ đường sắt trên cao?
Các bác có thấy không, các bó thép trên dãy cột bê tông kia đang rỉ hoen khi phải phơi mưa nắng suốt bao nhiêu tháng rồi do dự án chậm tiến độ.
Ngồi café bên lề tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Giảng Võ (Hà Nội), nhà thơ vườn giật thót mình khi một ông kỹ sư xây dựng trỏ tay lên cao nói: "Các bác có thấy không, các bó thép trên dãy cột bê tông kia đang rỉ hoen khi phải phơi mưa nắng suốt bao nhiêu tháng rồi do dự án chậm tiến độ. Thử hỏi sắp tới, nếu đổ các dầm bê tông với các lõi thép rỉ hoen này thì chất lượng công trình này sẽ ra sao?".
Triết gia vườn vỗ bàn cái chát: "Thậm chí nguy, thậm chí nguy! Tàu cao tốc chạy trên tuyến đường sắt trên cao với tốc độ rất lớn, nếu các dầm, cột bê tông chịu lực được đổ, được đúc với các lõi thép gỉ hoen thế này thì quá trình ô-xy hóa sẽ phá hỏng từ trong lõi hỏng ra, không biết có chịu đựng được đoàn tàu cao tốc nặng tới mấy ngàn tấn chạy huỳnh huỵch suốt ngày đêm?".
Nhà thơ vườn tặc lưỡi: "Thế mới có chuyện một đại biểu Quốc hội chất vấn bộ Giao thông Vận tải về sự an toàn của tuyến đường sắt trên cao này, khi ông đại biểu lo rằng, sự cố tai nạn sẽ rất kinh khủng nếu đoàn tàu văng khỏi tuyến đường sắt trên cao. Các bác thấy thế nào?".
Ông kỹ sư xây dựng nhẩn nha: "Lúc mới khánh thành đưa vào hoạt động, chắc có lẽ không có vấn đề gì đâu, nhưng chỉ lo rằng, một số năm sau, liệu cốt thép bị xuống cấp rỉ, đứt thì các dầm, cột bê tông kia có rão rời, lung lay? Có bảo đảm độ an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu cao tốc chạy trên nó?".
(Trước đó, trong thời gian mới thi công đã xảy ra hai vụ tai nạn: Ngày 6/11/2014, một thanh dầm thép rơi từ công trường dự án xuống đường làm một người chết, hai người bị thương, đều là người dân đang lưu thông trên đường. Tiếp theo, rạng ngày 28/12/2014, giàn giáo trên công trường đường sắt trên cao, đoạn đối diện với Bến xe Hà Đông cũ bị sập, vùi lấp một xe taxi khiến một người bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng).
Hiện trường tai nạn sập giàn giáo tại điểm thi công ga Hà Đông thuộc dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 28/12/2014.
Triết gia vườn bực bội: "Có quá nhiều tai tiếng về tuyến đường sắt trên cao này khi dự án bị đội vốn 339 triệu USD so với tổng vốn ban đầu, lên thành 891,92 triệu USD. Một con số quá đắt đỏ khi báo chí đưa tin theo TS.Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông), mức đầu tư bình quân trên thế giới với tàu điện ngầm từ 60 - 100 triệu USD/km, đường sắt đô thị trên cao chỉ bằng 1/3 tức khoảng 20 - 30 triệu USD/km. Với 13km đường sắt mà tổng mức đầu tư (dự kiến điều chỉnh) lên tới 891,92 triệu USD, tức mỗi km tốn gần 70 triệu USD là quá đắt đỏ. Ông Thủy cho rằng, phải xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án, bởi gánh nặng tăng chi phí vốn vay sau này người dân sẽ phải chịu".
Nhà thơ vườn thông báo: "Bác ơi, ông Lê Kim Thành (Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt) vừa có văn bản gửi công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - tổng thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, về việc dự án không chỉ chậm tiến độ mà còn gây bất an cho người đi đường. Trên công trường thi công tiếp tục để xảy ra tình trạng mất an toàn do công tác kiểm tra kiểm soát của tổng thầu còn lơ là, thiếu trách nhiệm".
Triết gia vườn nhấn mạnh: "Tại buổi làm việc về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá, Tổng thầu quá yếu kém, năng lực nhà thầu kém, máy móc công nghệ kém, Bộ trưởng cảnh cáo và yêu cầu Tổng thầu phải thay thế ngay tổng chỉ huy công trường; thay thế và tăng cường các kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao; chấm dứt hợp đồng ngay với tư vấn giám sát không đủ trình độ, kém năng lực".
Nhà thơ vườn thắc mắc:
Bộ trưởng bảo cách chức rồi
Mà tiến độ vẫn chậm thôi rùa bò
Tổng thầu quá kém, thật lo
Năng lực thấp yếu giở trò bài bây
Sắt thép rỉ hết rồi đây
Công trình xuống cấp mai ngày ai lo
Tàu cao tốc sẽ chạy đua
Ai mà biết được chữ ngờ... ai hay...?
Việt Chiến
Theo_Người Đưa Tin
Bộ trưởng Thăng thị sát mở luồng sông Hậu: "Các anh toàn báo cáo láo" "Từ tháng 10/2014, tôi đã lên lịch vào kiểm tra dự án mà các ông cứ cản không cho tôi vào. Cứ báo cáo láo với tôi là tốt lắm..." - Bộ trưởng Đinh La Thăng "quát" các đơn vị liên quan tại công trường mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Ngày 6/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng...