Dự án điện gió tại VN: Đăng ký nhiều, thực hiện trên đầu ngón tay
Tại Việt Nam những năm qua, hàng trăm dự án điện gió đã được đăng ký, nhưng thực tế, số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Tiềm năng lớn về điện gió
TS Mai Duy Thiện – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió. Tuy nhiên, đến nay điện gió vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Phải đến quy hoạch điện VII trở đi, Việt Nam mới đề cập nhiều đến năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện gió.
Thị trường điện gió Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: I.T
“Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và các mục tiêu hết sức thực tế, nhưng cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch, đơn giản hơn các quy định của thị trường, quy trình đấu thầu mua sắm, quy trình phê duyệt dự án”.
Ông Steve Sawyer – Tổng Thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu
Ví dụ, Việt Nam chưa có cơ chế ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án điện gió; thủ tục triển khai các dự án vẫn còn nhiều vấn đề, phải qua rất nhiều cấp. Trong khi đó, tiềm năng gió của Việt Nam chỉ có thể phát triển tại các địa phương từ Quảng Bình trở vào phía Nam, còn ở phía Bắc thường xuyên có bão, độ ổn định của gió thấp.
Một nghiên cứu gần đây của ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, thị trường điện gió Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu với tổng công suất 197MW. Con số này là rất nhỏ trong bối cảnh điện gió đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, theo ông Steve Sawyer – Tổng Thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn e ngại hợp đồng mua bán điện (PPA).
Video đang HOT
TS Mai Duy Thiện cho rằng, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 39/2018/QĐ-TTg vào ngày 10.9.2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá điện gió ở Việt Nam chỉ ở mức 7,8 cent/kWh là quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi vốn đầu tư các dự án điện gió rất lớn, khoảng 2 – 2,5 triệu USD/MW.
Tuy nhiên, với mức giá điện gió vừa được tăng lên theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (giá điện gió các dự án trên đất liền 8,5cents/kWh, dự án điện gió trên biển lên 9,8cents/kWh), chắc chắn lĩnh vực điện gió sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn trong thời gian tới.
Tiếp tục điều chỉnh chính sách
Điện gió là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, có hàm lượng khoa học công nghệ rất cao. Nhiều nhà đầu tư có nguồn lực tài chính nhưng lại chưa đủ trình độ về công nghệ triển khai và quản lý dự án. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư đủ năng lực về công nghệ, lại không huy động được nguồn tài chính. Có nhà đầu tư đủ năng lực, nhưng giá điện gió trước đây quá thấp, nên đang “nghe ngóng”, chờ khi giá điện gió phù hợp sẽ triển khai dự án…
Ngoài ra, cũng có một số nhà đầu tư ảo, thấy Nhà nước có chủ trương phát triển điện gió, nhiều ưu đãi về thuế đất, thì đăng ký dự án, nhưng không đủ năng lực triển khai; chờ khi giá điện gió tăng sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác…
TS Mai Duy Thiện cho rằng, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn năng lực của các nhà đầu tư khi phê duyệt dự án, tránh đầu tư vào điện gió trở thành phong trào ảo, tính thực tiễn không cao. Đồng thời, tránh hiện tượng các nhà đầu tư kém năng lực chiếm dự án, còn các nhà đầu tư có năng lực lại mất cơ hội… Ví dụ, khi nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát, đến đâu cũng thấy đã có dự án, nhưng đều là dự án treo.
Ngoài ra, rất cần rà soát lại một cách tổng thể các dự án đầu tư, từ cấp địa phương cho đến cấp Trung ương, nhà đầu tư nào thực sự có khả năng thì tiếp tục cho đầu tư; kiên quyết thu hồi dự án của những nhà đầu tư ảo, không có năng lực.
Với thực tế nguồn điện của nước ta hiện nay, nếu NLTT tham gia quá sâu, rất dễ dẫn đến việc mất an ninh năng lượng. Do vậy, cần phải có lộ trình cụ thể, từng bước, nghiên cứu đưa tỉ lệ NLTT phù hợp vào lưới điện ở từng giai đoạn cụ thể. Về lâu dài, khi NLTT tham gia sâu hơn vào hệ thống điện, cần phải nâng cao năng lực của hệ thống điều độ; đầu tư công nghệ, kiểm soát, tính toán được nguồn NLTT trên lưới trong từng thời điểm, từng khu vực, để có giải pháp vận hành hệ thống điện ổn định.
Để thúc đẩy điện gió phát triển, ngoài giá điện, Nhà nước cần cơ chế ưu đãi về vốn, lãi suất, thủ tục hành chính… tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cùng với đó khi phê duyệt quy hoạch, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và ngành điện. Bởi nếu địa phương cấp phép ồ ạt, không phù hợp với quy hoạch của lưới điện truyền tải, chắc chắn dự án đó sẽ gặp khó khăn khi phát lên lưới điện…
Theo Danviet
Vụ 500 người "vây" trụ sở xã: Không có chuyện khai thác titan
Người dân ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) tụ tập phản đối dự án điện gió là do lo ngại việc lợi dụng dự án để khai thác titan. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương khẳng định không có chuyện khai thác titan và phát đi thông điệp đề nghị người dân bình tĩnh.
Ngày 22.4, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết, sau nhiều ngày người dân tập trung phản đối dự án điện gió, hiện nay tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã được ổn định.
"Người dân không còn tụ tập để phản ứng dự án. Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể từ UBND tỉnh Bình Định để có hướng xử lý tiếp theo", ông Dũng cho hay.
Hàng trăm người dân tụ tập trước UBND xã Mỹ Thọ vào sáng 20.4.
Nhiều ngày qua (từ ngày 18-20.4), hàng trăm người dân ở các xã Mỹ Thọ, Mỹ An tập trung để phản đối việc thi công khảo sát dự án điện gió. Lãnh đạo địa phương thông tin, có khoảng 500 người đã "vây" UBND xã Mỹ Thọ yêu cầu cơ quan chức năng thả những người quá khích bị tạm giữ trước đó. Nhiều người gây mất trật tự, không cho cán bộ làm việc và có hành vi giữ cán bộ trái pháp luật.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, ngày 13.11.2017, UNBD tỉnh Bình Định đã thống nhất chủ trương cho Tổng Công ty cổ phần thương mại - xây dựng Vietracimex ký hợp đồng với Công ty cổ phần năng lượng tái tạo và môi trường Việt Nam thi công, lắp đặt cột quan trắc gió tại xã Mỹ An.
Ngày 18.4, đơn vị thi công tiến hành tập kết phương tiện để lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ cho dự án. Việc lắp đặt này chỉ mang tính tạm thời, chiếm diện tích rất nhỏ (khoảng 10m2) và không chặt phá rừng dương, không gây ô nhiễm môi trường.
Trước khi thi công dự án, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương công khai mục đích, ý nghĩa và lợi ích mà dự án mang lại. Đồng thời, đơn vị thi công cam kết với nhân dân và chính quyền địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Tuy nhiên, nhiều người dân hiểu lầm dự án lợi dụng khai thác titan đã lôi kéo đông người tụ tập, cản trở gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự tại địa phương. Đến đêm 20.4, tình hình mới thực sự được vãn hồi.
Rừng dương liễu ở khu vực triển khai dự án bị cháy hoang tàn
Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, hơn 6 năm trước, Bộ TNMT đã đồng ý cho một nhà đầu tư khác vào khu vực triển khai dự án điện gió để thăm dò khai thác trữ lượng titan nhưng bị nhiều người dân phản đối, đến nay dự án này đã không triển khai từ rất lâu.
Giữa tháng 7.2017, tại khu vực này cũng xảy ra cháy rừng phòng hộ ven biển, thiệt hại hơn 12ha rừng dương liễu. Chính quyền địa phương đang xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT để khai thác tận thu gỗ rừng đã cháy và lập dự án trồng lại rừng mới vào năm 2018.
Ông Dũng cho rằng, nhiều khả năng người dân lo sợ lợi dụng đốt phá rừng để khai thác titan và bị những kẻ có "ý đồ" lôi kéo nên mới tụ tập đông người, phản ứng dữ dội.
"Tôi khẳng định, tại địa bàn huyện không có dự án nào đang khai thác titan cả. Với trách nhiệm là Chủ tịch huyện, tôi không ủng hộ việc khai thác titan nên bà con cứ yên tâm, không có chuyện lợi dụng dự án để lấy titan đâu", ông Dũng nói và đề nghị người dân cần bình tĩnh.
Theo ông Võ Văn Bình - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, lúc 23h tối 20.4, 14 người quá khích bị tạm giữ trước đó đã được cơ quan chức năng thả và 4 cán bộ bị người dân giữ từ ngày 19.4 cũng rời trụ sở UBND xã Mỹ Thọ an toàn.
"Người dân yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ lợi ích dự án điện gió, diện tích xây dựng là bao nhiêu, cung cấp rõ ràng cho họ được biết. Sắp tới, chúng tôi sẽ giải thích thêm để người dân hiểu", ông Bình khẳng định.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục thông tin rộng rãi đến người dân về những lợi ích cụ thể dự án điện gió Mỹ An đồng thời, mời đại diện của người dân cùng chính quyền địa phương trực tiếp giám sát quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo dự án không tác động xấu đến môi trường.
Theo Danviet
Bộ Công an: Bỏ hàng loạt thủ tục hành chính tiết kiệm 300 tỷ đồng/năm Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, việc bãi bỏ hàng loạt thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300 tỉ đồng/năm. Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật Cư trú (sửa đổi) để...