Dự án đại học hơn 400 tỷ thành nơi chăn thả trâu bò
Được đầu tư trên 400 tỷ đồng, công trình Đại học Hoa Lư là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020. Hiện các tòa nhà xây dở dang và bỏ hoang vài năm nay.
Dự án Trường Đại học Hoa Lư (xã Ninh Nhất, Hoa Lư, Ninh Bình) được phê duyệt đầu tư năm 2010 với trị giá hơn 420 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ đầu tư là Đại học Hoa Lư, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất.
Dự án gồm hai khu nhà 5 tầng làm phòng học, một dãy nhà hiệu bộ 9 tầng. Được khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành sau 5 năm, khi đi vào hoạt động, công trình phục vụ cho công tác dạy, học và nghiên cứu của hàng nghìn sinh viên, giảng viên Đại học Hoa Lư. Để phục vụ dự án, hàng chục hộ dân phải nhượng lại đất lúa.
Dự án đã xây dựng được một số hạng mục như phần thô của nhà điều hành, tường bao, đổ móng 2 dãy phòng học và một số hạng mục phụ trợ khác. Theo đơn vị thi công, từ năm 2013 đến nay, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn. Mỗi năm UBND tỉnh Ninh Bình chỉ cấp khoảng 10 tỷ đồng. Cứ có vốn, nhà thầu tiếp tục xây dựng, hết vốn lại dừng. Tổng số vốn đã giải ngân khoảng 170 tỷ đồng.
Cạnh dãy nhà 9 tầng là nhiều khu nhà chức năng mới đổ móng kiên cố, dựng hàng chục cột bê tông.
Video đang HOT
Để bảo vệ, đơn vị quản lý sử dụng tấm tôn, lưới và cả bạt để che chắn xung quanh khu nhà 9 tầng.
Toàn bộ dự án được bao bọc bởi tường bao dài vài cây số, nhưng tường bao cũng mới xây cao khoảng một mét, chưa có thép chắn.
Trong tường bao, đất, đá ngổn ngang.
Nhiều vùng trũng ngập nước mưa, lầy lội.
Ông Văn (50 tuổi, xã Ninh Nhất), người từng nhường đất nông nghiệp của gia đình cho dự án nói, bà con mong muốn có cơ sở mới, con em được học gần nhà nên vui vẻ nhường đất.
“Giờ trường thành nơi chăn thả trâu bò, không những hàng trăm tỷ đồng của nhà nước lãng phí mà hàng chục ha đất hai lúa của dân cũng bỏ hoang hóa”, ông Văn nói.
Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Đại học Hoa Lư cho hay, vài năm gần đây số lượng sinh viên theo học tại trường giảm mạnh, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển được 300-500 chỉ tiêu. Với số lượng sinh viên ít nên ngôi trường hiện tại (tức Trường Đại học Hoa Lư cũ cách dự án mới 300 mét) vẫn đảm bảo công tác giảng dạy.
Phương Vy – Lê Hoàng
Theo VNE
Công trình nước sạch nhiều tỷ đồng thành chuồng nuôi bò
Hàng nghìn hộ dân ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) thiếu nước sạch sinh hoạt, trong khi nhiều công trình nước sạch tiền tỷ từ ngân sách xây dựng dở dang, biến thành nơi nhốt trâu bò, trồng chuối...
Năm 2006, 21 xã của huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đều được phê duyệt xây dựng công trình nước sạch phục vụ nhân dân theo Dự án phân lũ, chậm lũ. Trung bình mỗi công trình 5-10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình nằm trong tình trạng bỏ hoang, mặc cho mưa nắng hủy hoại.
Xây dở dang, công trình nước sạch xã Gia Phương bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh:Phương Vy.
Công trình nước sạch của xã Gia Phương có tổng mức đầu tư ban đầu là 4 tỷ đồng, sau năm 2010 được đẩy lên khoảng 8 tỷ đồng do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Dự kiến khi đi vào hoạt động công trình sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu. Sau khởi công vào năm 2006, đơn vị thi công xây dựng được các hạng mục như bể nước, nhà bảo vệ, khuôn viên tường bao, đặt đường ống dẫn nước về 6 thôn trong xã... Ước tính tổng số vốn đã giải ngân khoảng 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay đơn vị thi công ngừng xây dựng. Toàn bộ công trình do bỏ hoang lâu ngày đã bắt đầu hư hại. Xung quanh công trình, cỏ dại mọc quá đầu người. Người dân gần nhà máy tận dụng đất trồng chuối, khoai lang hoặc sắn dây...
"Khi mới khởi công xây dựng dân chúng tôi ai cũng vui mừng vì sẽ có nước sạch dùng. Nhưng nhiều năm xây dựng công trình không thể khánh thành, chúng tôi yêu cầu nhiều lần cũng không thấy các cơ quan chức năng giải quyết nên chẳng ai hy vọng nữa", bà Ly (68 tuổi), người dân xã Gia Phương nói.
Công trình nước sạch xã Gia Phong thành chuồng bò. Ảnh: Phương Vy.
Ông Đào Văn Dậu, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết, do nằm gần nhánh cụt của con sông Hoàng Long nên nguồn nước ô nhiễm từ các nơi trong huyện đổ về xã. "Nhiều năm nay nguồn nước ngầm ô nhiễm, người dân phải hứng nước mưa để uống. Thấy công trình nước sạch bỏ hoang, chính quyền xã nhiều lần ý kiến lên cấp trên trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng được trả lời là tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn", ông Dậu nói.
Tương tự, công trình nước sạch ở xã Gia Phong cũng "đắp chiếu" nhiều năm nay. Toàn bộ công trình không có tường rào chắn nên người dân tận dụng các khu nhà bên trong làm chuồng nhốt trâu bò, chất rơm khô, củi khô và trồng rau.
Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Viễn cho biết, các công trình nước sạch của huyện thuộc Dự án phân lũ, chậm lũ có nguồn vốn từ ngân sách trung ương. Tính đến thời điểm này huyện Gia Viễn còn 4 công trình nước sạch bỏ hoang ở các xã Gia Phương, Gia Sinh, Gia Minh, Gia Phong.
Nhà điều hành, bể chứa, tường bao...xây dựng phần thô rồi "đắp chiếu". Người dân tận dụng khu đất hoang trồng chuối, rau màu. Ảnh: Phương Vy.
"Huyện không quản lý các công trình nước sạch về mặt nhà nước, chỉ khi nào nhà máy nước hoạt động, Phòng Nông nghiệp mới phối hợp kiểm định chất lượng nước sạch. Tuy nhiên nhiều lần huyện cũng có ý kiến lên cấp trên mong muốn nhà máy đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho dân nhưng tỉnh không có ngân sách, còn Dự án phân lũ, chậm lũ đã hết từ lâu. Không biết đến khi nào những công trình này mới có thể hoàn thiện", ông Tuấn nói.
Phương Vy
Theo VNE
Nhà máy 3000 tỷ, 10 năm bỏ hoang Bộ Tài chính bảo lãnh cho một công ty chuyên xây dựng công trình giao thông vay vốn làm nhà máy giấy. Sau 10 năm, nhà máy 3.000 tỷ đồng phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp. Ngày 4/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết,...