Dự án công viên thành sân bóng bãi xe
Trong khi dự án công viên ở Hà Nội vẫn “treo” thì chính tại những bãi đất này lại xuất hiện các sân bóng, bãi xe, bãi trộn bê tông.
Một sân bóng mở trên “công viên hồ điều hòa Nhân Chính” – Ảnh: T.H
Dự án công viên Đống Đa tại khu ao Thước Thợ (đường Thái Hà Mới) do UBND Q.Đống Đa làm chủ đầu tư với diện tích 7,26 ha, khởi động từ năm 2001 nhưng đến nay phần đất đã giải tỏa vẫn quây tôn kín. Một sân bóng có tên Thái Hà Mới mới xuất hiện ở đây chừng 2 tháng. Ngoài một sân cỏ nhân tạo có cả đèn hoạt động đến 23 giờ, có cả một dãy nhà cấp 4 với nhà tắm, máy giặt.
Tương tự, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính rộng 13 ha nằm trên địa phận 2 quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, do tập đoàn Vina Megastar đầu tư với số vốn 2.596 tỉ đồng, hứa hẹn có tới 8 ha mặt nước, 5 ha cây xanh, thác nước, mê cung… nhưng sau nhiều lần khởi công kể từ năm 2011, dự án chưa triển khai được gì nay bị thu hồi, giao lại cho Q.Thanh Xuân.
Video đang HOT
Trên những bãi đất thuộc dự án này, các dịch vụ rửa xe, giữ xe, bãi trộn bê tông, đặc biệt là khoảng 10 sân bóng nhân tạo đang mọc nhan nhản mang tên Nhân Chính, Hoàng Gia, Minh Kiệt, Sơn Trang… căng cổng chào, dán tờ rơi quảng cáo khắp nơi. Đếm từ đầu đường Hoàng Minh Giám (từ ngã tư Trần Duy Hưng – Hoàng Minh Giám) đến hết con đường này, có tới 9 điểm trông giữ, rửa xe máy, ô tô.
Người dân thất vọng, quận nói được phép
“Tôi mua nhà ở đây vì thấy quy hoạch trước nhà có công viên, hồ nước, sau lại là cây xanh, trường học, siêu thị, nhưng ở đây cả năm trời vẫn chả thấy công viên đâu”, bà Hoàng Thị Minh, 45 tuổi, ở tầng 12, tổ hợp chung cư Mandarin Garden thất vọng.
Trong khi đó, ông Lưu Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân cho hay: ngày 5.8.2013 UBND TP.Hà Nội có văn bản cho Q.Thanh Xuân quản lý, khai thác diện tích đất của dự án trên trong 12 tháng. Đơn vị thực hiện việc này là Trung tâm Phát triển quỹ đất của quận, nhằm tạo ra chỗ vui chơi, giải trí cho người dân và có điểm trông giữ xe, chống ùn tắc giao thông, chống lấn chiếm. Toàn bộ doanh thu nộp vào ngân sách quận. Đáng nói là trong khi UBND TP cho khai thác đến 5.8.2014, nhưng UBND Q.Thanh Xuân đã ký hợp đồng cho thuê lại đến tận năm 2015. “Chủ đầu tư cam kết tự chịu trách nhiệm nếu TP thu hồi”, ông Thắng nói.
Về tương lai của công viên hồ điều hòa Nhân Chính, ông Thắng nói “chắc sẽ là câu chuyện dài tập”. Theo đó, quận không biết bao giờ sẽ khởi công, chỉ biết là Sở Quy hoạch và Kiến trúc mới điều chỉnh lại quy hoạch, thành 6 ha mặt nước, 7 ha cây xanh. “Cả quận không có một công viên, chúng tôi cũng sốt ruột lắm chứ. Chúng tôi cũng muốn các đồng chí hỏi giúp TP là bao giờ thì chúng tôi có công viên”, ông Thắng chốt lại buổi làm việc.
Quy hoạch cây xanh thành nơi tổ chức tiệc cưới? Theo quy hoạch đô thị Q.Cầu Giấy, có 3 ha cây xanh nằm trong khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy), cạnh công viên kể trên. Tuy nhiên từ năm 2013, tại đây đã mọc lên nhiều công trình đang xây dựng. Nhân viên bảo vệ công trường và người dân cho biết đây là một tổ hợp nhà hàng, tiệc cưới. Trước thông tin này, ông Nguyễn Khánh Tuyến, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND Q.Cầu Giấy tỏ ra bất ngờ: “Tôi có thấy họ xây dựng nhưng chỉ nghĩ là xây nhà để quản lý công viên cây xanh thôi. Có thể UBND TP thay đổi nhà đầu tư, giao đất cho doanh nghiệp mà không thông qua quận”.
Theo TNO
Cử tri TP HCM vẫn bức xúc về quy hoạch 'treo'
Quy hoạch treo, chính sách đền bù, giải tỏa... và tình hình trộm cướp vẫn là mối quan tâm của cử tri nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố trước kỳ họp HĐND TP HCM khai mạc vào ngày mai (10/7).
Theo báo cáo tập hợp ý kiến các cử tri trước kỳ họp, nhiều người dân đề nghị HĐND thành phố tiếp tục giám sát, rà soát và có hướng thực hiện đối với những quy hoạch mang tính khả thi, "còn những quy hoạch không khả thi đề nghị xóa bỏ và công khai cho người dân biết".
Các dự án bị "treo" nhiều năm tiếp tục là bức xúc nhiều nhất của cử tri TP HCM trước kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa VIII. Ảnh: H.C.
Cử tri xã Phong Phú, huyện Bình Chánh bức xúc vì dự án Phi Long trên địa bàn xã đã được triển khai 11 năm nay nhưng đến giờ vẫn là bãi cỏ mọc hoang. Dự án khu công nghiệp sạch Phong Phú bị cử tri huyện Bình Chánh phàn nàn vì thi công cầm chừng chưa biết khi nào mới xong, dự án Liên Việt Á thì bồi thường quá chậm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cử tri ở đường Tái Thiết, Hương lộ 2 (phường 11, quận Tân Bình) phản ánh quy hoạch đường vành đai đã có từ năm 1999, nhưng đến nay vẫn còn treo làm người dân muốn xây dựng, sửa chữa, sang nhượng đều không được.Các dự án bị "treo" nhiều năm, đất đai bị bỏ hoàng gây ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 6 (khóa VIII) về quy hoạch đô thị, đền bù, giải tỏa đất của người dân trên địa bàn vào cuối năm 2012, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã thay mặt UBND thành phố "xin nghiêm túc tiếp thu", nhận khuyết điểm và trách nhiệm vì đã để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Tín hứa ngay sau cuộc họp sẽ kiểm tra tất cả các dự án treo ở TP HCM trên tinh thần "xử lý được sẽ cho làm ngay" để gỡ khó người dân. Kết quả thành phố đã xóa được gần 100 dự án "treo" do chậm triển khai và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng giúp thành phố thu lại gần 1.500 ha.
Bên cạnh những bức xúc về quy hoạch "treo", người dân cũng bày tỏ sự quan tâm về tình hình trộm cướp, giết người, tai nạn giao thông còn tăng cao và đề nghị chính quyền thành phố "cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn". Cử tri quận Phú Nhuận kiến nghị thành phố tăng cường kiểm tra, truy tận gốc những nơi sản xuất hung khí và có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Kỳ họp thứ 10, HĐND TP HCM (khóa VIII) sẽ khai mạc vào ngày 10/7 và kéo dài đến hết buổi sáng ngày 13/7. Tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên HĐND TP sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 chức danh cho HĐND bầu theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. HĐND TP sẽ bàn và thông qua một số nội dung như đánh giá báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2013, bàn thảo đưa ra nhiệm vụ giải pháp cho 6 tháng cuối năm; báo cáo về tình hình thu ngân sách; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ bảy cho tới nay. HĐND cũng sẽ xem xét 16 tờ trình của UBND TP về tăng học phí, viện phí, việc đặt tên đường... đồng thời HĐND sẽ bầu bổ sung thêm chức danh Ủy viên UBND TP đang bị khuyết.
Theo VNE
Bắt quả tang Phó Chủ tịch xã "tòm tem" nữ nhân viên? Theo thông tin từ công an xã Định Trung, tại hiện trường bà Hằng và ông Định đã thừa nhận hành vi quan hệ bất chính với nhau... Phó Chủ tịch xã tòm tem với nhân viên? (Ảnh minh họa) Khoảng 21h ngày 28/5/2013, ông Trần Văn Trưởng (SN 1975, hiện đang thường trú tại P.Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã...