ĐT Việt Nam và 5 điều rút ra sau Asian Cup 2019
ĐT Việt Nam đã khép lại hành trình chinh phục Asian Cup sau 5 trận đấu kiên cường và nhiều cảm xúc. Dưới đây là 5 điều rút ra sau Asian Cup 2019.
1. Thêm dấu mốc lịch sử
Với tư cách là nhà ĐKVĐ AFF Suzuki Cup, ĐT Việt Nam đã tạo được hai dấu mốc ấn tượng cho bóng đá ĐNÁ: Đó là đội ĐKVĐ đầu tiên có được một chiến thắng, đồng thời cũng vào đến vòng tứ kết tại VCK Asian Cup diễn ra ngay sau đó.
Trước Việt Nam, suốt 2 thập kỷ qua không một ĐTQG nào thuộc khu vực ĐNÁ có thể làm được điều tương tự. Thái Lan rồi Singapore, những đội trong vị thế ông vua Đông Nam Á đều thảm bại ngay từ vòng loại hoặc dù có góp mặt ở VCK thì cũng sớm bị đá văng từ vòng bảng Asian Cup.
2. Những miếng đánh bất ngờ
Trước giải, ĐT Việt Nam thường xuyên tấn công bên cánh trái. Tuy nhiên ở giải này, sự hiệu quả trong các pha lên bóng lại nằm ở cánh phải, trung lộ và đá phạt. Cụ thể ở trận đấu với Iraq, Việt Nam ghi 1 bàn từ cánh phải và 1 bàn được tổ chức ở trung tuyến.
Ở trận gặp Yemen, chúng ta có 2 bàn từ tình huống cố định. Tại vòng 1/8, Jordan cũng đã phải nhận bàn thua từ cánh phải giữa Trọng Hoàng và Công Phượng. Sự khác biệt trong cách chơi của Việt Nam đã khiến cho các đối thủ bị bất ngờ.
3. Nhân tố bí ẩn
Cứ mỗi một giải đấu, NHM Việt Nam lại được chứng kiến thêm những người hùng. Nếu như ở AFF Suzuki Cup 2018, Quang Hải, Văn Đức và Văn Lâm là những gương mặt nổi bật thì ở Asian Cup 2019, hai cái tên được xướng lên là Công Phượng và Trọng Hoàng. Nếu như Trọng Hoàng ghi dấu ấn ở 2/5 bàn thắng thì Công Phượng đặt tầm ảnh hưởng của mình ở 4 bàn thắng mà đội nhà ghi được.
Video đang HOT
4. Hàng thủ được nâng tầm
Phải nói rằng, ĐT Việt Nam đã không còn dễ bị những ông lớn của châu Á vượt qua như trong quá khứ. Hàng phòng ngự được tổ chức một cách chặt chẽ, kỷ luật, chơi thông minh và máu lửa đã giúp Việt Nam trở thành một vật cản khó bị vượt qua hơn trong mắt nhiều gã khổng lồ châu lục.
Bản thân Iraq suýt chút nữa đã thất bại trước Việt Nam ở trận ra quân. Ngay cả Nhật Bản, đội đang sở hữu nhiều chức vô địch Asian Cup nhất cũng phải nhờ đến dấu ấn của công nghệ VAR thì mới thắng sát nút 1-0.
5. Tự tin bơi ra biển lớn
Những nghi ngại về thực lực của ĐTQG Việt Nam khi phải bước ra một đấu trường đẳng cấp cao như Asian Cup đã được xóa bỏ sau những gì mà thầy trò Park Hang Seo thể hiện trước các đội mạnh tại giải đấu. Bản thân họ cũng đã chứng minh rằng ngôi á quân rồi sau đó là Top 4 giải trẻ châu Á cùng với đó là ngôi vô địch AFF Suzuki Cup không phải là hiện tượng của một giai đoạn đỉnh cao nhất thời.
Biết mình biết người, nghiên cứu kỹ từng đối thủ trước khi chạm mặt đã giúp cho Việt Nam luôn có được những màn trình diễn đáng khen ngợi trong mắt người hâm mộ, không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là bạn bè quốc tế.
Theo báo bongdaplus.vn
Đã rõ điểm yếu duy nhất khiến Việt Nam thua Nhật
Đội tuyển Việt Nam một lần nữa nếm trải sự nghiệt ngã của bóng đá, nhưng từ đó, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm để tiến lên
Nhật Bản, đội bóng mà khi nhắc đến tại châu Á, người ta hay so sánh với những Hàn Quốc, Iran, Australia trở thành một tứ đại gia của châu lục. Những đội bóng luôn luôn giành được suất dự vòng chung kết World Cup.
Còn Việt Nam, trừ năm 2018 với những chiến tích vang dội đến nay, chúng ta thường được nhắc đến là đại diện của một vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới, một đội bóng nhỏ bé, yếu đuối khi bước ra châu lục, chứ chưa nói đến thế giới.
Nhưng trong một năm đầy nỗ lực, và cũng là thành quả của cả một chuỗi chiến lược của bóng đá nước nhà, Việt Nam ngày hôm qua, đã đối đầu sòng phẳng với Nhật Bản. Việt Nam đã thua, nhưng các cầu thủ áo đỏ đã được ngẩng cao đầu ở ASIAN Cup.
Nhìn vào những điểm nhấn chiến thuật của trận đấu này, Việt Nam đã thực sự khiến Nhật Bản phải toát mồ hôi.
Việt Nam đã cống hiến một trận đấu khiến Nhật Bản phải chơi với 100% sức mạnh của họ
Từ bảng thống kê thông số kỹ thuật các trận đấu gần đây của Nhật Bản, và so sánh với trận gặp Việt Nam, chúng ta đã làm được những điều rất kỳ diệu. Những đội bóng trước, bao gồm Turkmenistan, Oman, Uzbekistan, Arab Saudi, Nhật Bản kiểm soát bóng ít hơn (dưới 50%) nhưng ngược lại sút cầu môn nhiều hơn, và không có nhiều đường chuyền.
Nhưng với Việt Nam, Nhật Bản kiểm soát bóng 69%, tung ra 709 đường chuyền (Việt Nam là 327) và sút 11 quả trúng đích. Trong khi đó, Việt Nam sút nhiều hơn đối phương 12 quả.
Những thông số này thể hiện 2 vấn đề: Thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện được lối đá sở trường phòng ngự phản công của mình, nhập cuộc tốt và thi đấu bình tĩnh. Thứ hai, Nhật Bản hoàn toàn bế tắc trước cách chơi của Việt Nam và họ chỉ may mắn có được bàn thắng từ Penalty.
Tiếp đến, Nhật Bản không quá mạnh như truyền thông thêu dệt. Họ tiếp tục có "cú bẫy 15 phút" khi ngay từ đầu hiệp 2 đến phút 60, họ tạo ra sức ép nghẹt thở lên khung thành của Việt Nam và có được tình huống đá phạt đền. 15 phút tổng lực này cũng là chiến thuật mà Nhật sử dụng với các đội bóng trước đây ở ASIAN Cup.
Hàng thủ của Việt Nam chơi xuất sắc, không mắc phải sai lầm nào
Sức ép đó Nhật không duy trì được đến hết hiệp đấu này. Ngược lại, họ để cho Việt Nam vùng dậy và cả hai cống hiến một trận đấu đôi công mãn nhãn. Cả hai hàng thủ đều không mắc sai lầm nào trong trận đấu này.
Trong khi đó, Việt Nam là đội nắm thế chủ động hơn, suốt hiệp 1, các chiến binh sao vàng đã có nhiều cơ hội rất ấn tượng. Sức ép đó còn thể hiện ở tình huống thủ môn Nhật lóng ngóng chuyền bóng hỏng và suýt chút nữa có bàn thắng dẫn trước.
Ngoài ra, khu trung tuyến vốn rất mạnh của Nhật Bản đã bị hàng tiền vệ của Việt Nam bẻ gãy và có nhiều tình huống mắc sai lầm, tạo cơ hội cho đối thủ có tình huống phản công.
Trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản là đỉnh cao của một cuộc đối đầu của chiến thuật phòng ngự phản công, cả hai đội đều phòng ngự cực chặt chẽ, các cầu thủ hàng thủ thi nhau tỏa sáng, và cách hai đội chuyển trạng thái công thủ là rất đáng để chiêm ngưỡng.
Khi Việt Nam phản công, chỉ một pha xử lý chậm đã khiến cả 10 cầu thủ của Nhật Bản lùi về dựng ra một hàng phòng ngự nhiều lớp. Việt Nam cũng làm được những điều tương tự khi Nhật Bản tấn công, chỉ cần một đường chuyền chậm nhịp, Việt Nam đã phủ kín bóng áo đỏ trước khung thành đối phương.
Quả penalty định mệnh khiến Việt Nam là đại diện cuối cùng của Đông Nam Á phải rời ASIAN Cup
Tờ Fox Sport ASIA đã bình luận: "Giá như đây là trận chung kết, cả hai đội đã cống hiến một trận đấu hấp dẫn đến nghẹt thở. Việt Nam tiếp tục chơi một trận đấu xuất sắc hơn cả chiến tích đánh bại Jordan trước đó của họ".
Tuy nhiên, yếu điểm lớn nhất khiến Việt Nam không thể gỡ hòa được Nhật Bản đó là thể lực. Lối đá pressing toàn sân cùng với việc liên tiếp chuyển trạng thái tấn công - phòng ngự khiến các cầu thủ của chúng ta không đủ sức cạnh tranh với Nhật Bản suốt 2 hiệp.
Đáng chú ý, tình huống chuyền bóng vượt tuyến xuất sắc của Xuân Trường cuối hiệp 2 đã loại bỏ toàn bộ hàng thủ của Nhật Bản nhưng Văn Toàn lại không còn đủ thể lực để khống chế bóng, dù cầu thủ này vừa vào sân từ hiệp 2.
Điều này cho thấy phong cách thi đấu này ngốn một lượng thể lực khủng khiếp và ông Park Hang Seo sẽ phải giải quyết vấn đề nâng cao sức mạnh cho các cầu thủ, nếu chúng ta muốn tìm kiếm các hành trình kỳ diệu khác ở các giải đấu quốc tế sau này.
Theo Báo Đất Việt
Top 5 cái tên xuất sắc ĐT Việt Nam: Thủ lĩnh hàng thủ, bộ ba Hà Nội Chứng kiến màn trình diễn của ĐT Việt Nam tại các trận đấu tại Asian Cup vừa qua, chuyên gia Akshat Mehrish của Fox Sports Asia đã chọn ra 5 cái tên xuất sắc nhất. 1. Đoàn Văn Hậu Đoàn Văn Hậu đã thi đấu rất ấn tượng trong trận đấu với Jordan. Chỉ mới 19 tuổi nhưng Đoàn Văn Hậu đã cho...