Đ’ray Sap Điểm du lịch kỳ thú của Đắk Nông
Trên thế giới có lẽ không mấy nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dòng sông, suối và những ngọn thác với vẻ đẹp kỳ vĩ như ở vùng đất Tây Nguyên.
Đắk Nông, vùng đất được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của cao nguyên là khu vực đầu nguồn của nhiều sông suối, vì thế nơi đây có nhiều thác nước đẹp như thác Trinh Nữ, Diệu Thanh, Ba Tầng… và đặc biệt là Đ’ray Sap.
Trên dòng sông Sêrêpok thơ mộng có không biết bao nhiêu là câu chuyện tình. Huyền thoại về thác Đ’ray Sap được các già làng kể lại rằng cô gái H’mi xinh đẹp và người yêu vẫn cùng nhau đi làm rẫy. Một hôm, vào lúc họ ngồi nghỉ trên một tảng đá bỗng thấy một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài, răng nhọn, toàn thân có vẩy trắng lấp lánh như bạc đang bay lượn trên trời. Bất thần nó sà xuống và cắm vòi xuống đất. Thế là một cột nước khổng lồ từ mặt đất phun lên, kéo theo luôn cả cô gái đang sợ hãi khiếp đảm, còn chàng trai thì bị bắn dạt lên bờ, đau đớn và bất lực nhìn người yêu tan biến vào lớp sương mù. Từ đó, chàng trai biến thành một cây lớn, gốc cắm sâu vào ghềnh đá, thân mang hình dáng một con người đau khổ đang đưa tay than khóc.
Video đang HOT
Đ’ray Sap thuộc xã Đak Sor, nằm về ở phía Bắc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Thác Đ’ray Sap còn hoang sơ, nhưng lại là một trong những thác đẹp trên sông Sêrêpok. Thác Đ’ray Sap cao 20m, rộng 100m tạo thành một bức thành nước khổng lồ chặn ngang dòng Sêrêpok. Quanh năm, thác Đ’ray Sap bắn ra những tia bọt nước trắng xóa nhìn xa như làn khói. Đứng cạnh thác, ta sẽ có cảm giác như được tắm bằng những bụi nước mát lạnh. Theo tiếng Ê Đê, thác Đ’ray Sap có nghĩa là thác khói bởi dòng nước từ trên cao đổ xuống tạo thành những bụi nước bay như màn khói. Quanh năm, cả vùng quanh thác vang vọng tiếng nước đổ và ngập chìm trong khói nước. Thác Đ’ray Sap là sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Knô và Krông Ana mà người Ê Đê gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước.
Từ năm 1993, thác Đ’ray Sap đã được công nhận là thắng cảnh quốc gia. Du khách có thể ghé thăm thác Đray Sap vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Thời điểm đẹp nhất là vào cuối tháng 12 và khoảng tháng 2 đến tháng 3 hằng năm. Nếu vào tháng 12, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những con đường đất đỏ ngập tràn hoa dã quỳ nở rộ, sắc vàng của hoa, sắc đỏ của đất, sắc xanh của thiên nhiên cây cỏ khiến Tây Nguyên trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết. Nếu ghé thăm vào tháng 2 đến tháng 3, du khách dường như lạc vào một màu trắng xóa phủ kín cả đất trời Tây Nguyên của hoa cà phê. Những cánh hoa rơi nhẹ trong gió và soi bóng xuống làn nước thác trong vắt, chắc chắn sẽ khiến bạn không thể rời mắt.
Thác Nặm Me điểm du lịch kỳ thú ở Tuyên Quang
Danh thắng thác Nặm Me, xã Khuôn Hà (Lâm Bình, Tuyên Quang) là con thác lớn trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m với 15 tầng thác, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ có lưu lượng nước khá đều quanh năm.
Du khách nước ngoài với thắng cảnh thác Nặm Me.
Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn. Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, với giá trị sinh thái và vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn, thác Nặm Me đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia cần được bảo vệ và phát huy.
Có nhiều ngả để có thể tới được thác Nặm Me, nhưng đều phải đi bằng thuyền mới tới chân thác thuận lợi. Du khách có thể đi theo lộ trình từ chân đập thủy điện Tuyên Quang qua danh thắng Cọc Vài rồi đến thác Nặm Me, hoặc qua Bến Thủy thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đi thuyền máy ngược lên hướng làng chài Phúc Yên tầm 45 phút là tới. Nhiều người đã leo thác Nặm Me cho rằng, đây là con thác đẹp nhất huyện Lâm Bình.
Dẫn chúng tôi đi chinh phục con thác, anh Nguyễn Khắc Sáng, dân tộc Tày, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà giới thiệu, con thác bắt nguồn từ những cách rừng đại ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đổ xuống khu vực núi Hát Nghiền xã Khuôn Hà tạo thành thác Nặm Me. Người dân địa phương còn gọi thác Nặm Me là thác Suối Mẹ, còn thác Khuổi Nhi là Suối con.
Nhìn từ xa, dòng thác Nặm Me như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. Thác có 15 tầng thác lớn nhỏ, mạnh mẽ tung bọt trắng xóa quanh năm đổ từ trên cao xuống. Người bảo đó là tiếng khóc thương mẹ của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo. Dưới mỗi chân tầng thác là một vực nước trong xanh, mát lạnh. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành là những giò phong lan rừng tỏa hương, khoe sắc. Những dòng nước chảy tràn qua các phiến đá tròn, mịn khiến dòng nước tỏa rộng như chiếc váy xòe trắng muốt của thiếu nữ, lấp lánh trong ánh nắng vàng.
Nhiều du khách thắc mắc thác Nặm Me đẹp vậy, đẹp hơn cả thác Khuổi Nhi mà chưa có nhiều du khách biết tới. Anh Lý Văn Để, dân tộc Dao đỏ thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà, chủ thuyền máy Tuyết Phương hay đưa du khách khám phá thác Nặm Me giải thích, để đến được chân thác Năm Me du khách phải đi bằng thuyền khá xa. Hơn nữa con thác dữ, hiểm trở gần như hoang sơ, khá nguy hiểm cho những người không thông thạo địa hình. Với chiều dài 4.000 m, để chinh phục đỉnh thác, một thanh niên trai tráng leo lên leo xuống mất gần một buổi. Vào mùa mưa, nước đổ trên thác xuống mạnh, tung bọt trắng xóa, không phải ai cũng dám leo lên. Hiện nay các homestay của xã Thượng Lâm và Khuôn Hà vẫn đang dẫn khách chinh phục thác Năm Me trong tua du lịch mạo hiểm. Nhưng du khách thường được lựa chọn là người khỏe mạnh hoặc là khách phương tây ưa khám phá, song phải có nhiều thanh niên bản địa thông thạo địa hình đi kèm.
Xã Khuôn Hà xác định du lịch là hướng phát triển tốt của địa phương. Ngoài bản sắc văn hóa dân tộc, phong cảnh núi đá vôi, cánh đồng Khuôn Hà tuyệt đẹp, trên địa bàn xã còn có 3 di tích, danh thắng được công nhận là di tích quốc gia như động Song Long, hang Phia Vài và thác Nặm Me. Địa phương mong muốn các đơn vị quản lý du lịch của huyện, tỉnh cần nhanh chóng khảo sát, thiết kế đường lên xuống thác Nặm Me, có tuyến dây cáp hỗ trợ an toàn. Hơn nữa cần có biển chỉ dẫn khu vực nguy hiểm, có các trạm quan sát, hỗ trợ du khách trên toàn tuyến. Như vậy thác Nặm Me mới được phát huy giá trị, trở thành tua du lịch kỳ thú của xã Khuôn Hà nói riêng và huyện vùng cao Lâm Bình nói chung.
Tà Đùng (Đắk Nông) - Biển hồ trên núi Hồ Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam. Hồ...