Đột xuất kiểm tra khai thác titan trái phép ở mỏ Suối Nhum, Bình Thuận
Gần đây, mỏ titan Suối Nhum đang có dấu hiệu bị khai thác trái phép, bất chấp yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng như UBND tỉnh Bình Thuận.
Mặc dù từ tháng 3/2017, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác titan tại mỏ Suối Nhum và di dời tất cả mọi phương tiện máy móc ra khỏi khu vực mỏ, nhưng gần đây công ty này đang có dấu hiệu hoạt động khai thác titan trái phép, bất chấp yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng như UBND tỉnh Bình Thuận.
Từ các nguồn tin báo và chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong sáng nay (2/11), Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do ông Lê Hùng Việt – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu đã đến kiểm tra đột xuất mỏ Suối Nhum của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận. Cùng đến hiện trường còn có Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam và lãnh đạo UBND xã Thuận Quý.
Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty
Cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận tổ chức khai thác titan trái phép.
Tại đây đoàn phát hiện các dấu hiệu cho thấy công ty này đang có dấu hiệu tổ chức khai thác quặng titan trái phép. Trong khu vực mỏ có 4 cụm vít tuyển quặng được lắp ráp. Tại điểm thứ nhất có 2 cụm vít đã ngừng hoạt động, moong chứa nước khai thác đã cũ. Nhưng ở điểm thứ hai hiện diện 2 cụm vít có dấu hiệu mới hút cát tuyển quặng titan. Trên dàn vít này có dấu cát dính bám và nước đọng ướt cho thấy hoạt động này mới xảy ra. Trên vách bờ moong cũng có dấu tác động rất mới. Trong khu vực có một bãi cát khổng lồ đang được tập kết có dấu cát ướt mới thải ra. Tại hiện trường, 1 ống nhựa cỡ phi 114 nối từ cụm vít tới vị trí moong có dấu mới bị cắt vội, tháo dỡ.
Tiếp tục kiểm tra tại vị trí kho, đoàn ghi nhận có khoảng 5m3 quặng còn ướt đang tập kết tại khu vực sân phơi. Sau khi yêu cầu đại diện công ty mở cửa kho, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện có khoảng 20m3 titan đang tập kết còn ướt. Dù vậy công ty không thừa nhận việc khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận cho biết: “Thực tế, số quặng đây có từ lâu rồi. Nhà máy titan thử nghiệm xong lỗ, cuối cùng cứ để tất cả như thế”.
Video đang HOT
Cụm vít đãi quặng titan có dấu cát bám vào mới toanh.
Đoàn kiểm tra đề nghị Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất trước ngày 5/11. Trong đó cần nêu rõ 2 cụm vít đãi quặng hoạt động từ lúc nào, mục đích hoạt động và giải trình rõ khối lượng quặng còn ướt đang nằm trong kho. Đồng thời, đoàn cũng yêu cầu công ty giữ nguyên hiện trạng máy móc và số quặng vừa bị phát hiện nằm tại kho cho đến khi có kết quả xử lý.
Đợt kiểm tra này cho thấy hoạt động quản lý khoáng sản, nhất là titan trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đang được các ngành các cấp địa phương quan tâm, vào cuộc kịp thời. Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Công tác quản lý, tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn trong những năm gần đây được huyện hết sức quan tâm. Sau đợt kiểm tra này, huyện sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác, bám sát địa bàn và theo dõi các hoạt động khai thác trái phép để xử lý kịp thời.”
Ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, ngay sau cuộc kiểm tra này, đoàn sẽ có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xin ý kiến về hướng xử lý tiếp theo. Tỉnh Bình Thuận sẽ không nương tay cho các hoạt động khai thác titan trái phép./.
Theo Việt Quốc/VOV-TP HCM
Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra "điểm nóng":Vì sao xảy ra "điểm nóng"?
Không lắng nghe tâm tư, không giải quyết kịp thời, hợp lý những nguyện vọng chính đáng của dân là nguyên nhân sâu xa làm bùng phát "điểm nóng".
Là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhịp cầu nối Đảng, Nhà nước với nhân dân nhưng thời gian qua, một số tổ chức cơ sở Đảng chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình khiến tình hình ở địa phương, đơn vị có những diễn biến phức tạp, có nơi bùng phát thành "điểm nóng".
Có thể lấy dẫn chứng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (tháng 4/2017) và gần đây nhất là vụ gây rối trật tự công cộng tại thành phố Phan Thiết, Thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận (tháng 6/2018). Qua các vụ việc vừa nêu cho thấy vai trò lãnh đạo, cũng như mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền địa phương với người dân đang có những khoảng cách, bất cập, yếu kém nhất định.
Nhóm phóng viên VOV có phóng sự điều tra "Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra điểm nóng"?. Bài 1: "Vì sao xảy ra điểm nóng?" đi tìm các nguyên nhân.
Xe ô tô bị các đối tượng quá khích đốt cháy tại Trạm Cảnh sát PCCC Phan Rí, Bình Thuận (Ảnh: Việt Quốc)
"Những hành vi của bị cáo là quá gây mất trật tự, việc làm này là trái pháp luật. Bị cáo rất ân hận, hối lỗi về những việc mình đã gây ra. Mong tòa xét xử nhẹ cho bị cáo để bị cáo được sớm về với gia đình, với xã hội".
Đây là lời hối hận muộn màng của Nguyễn Văn Mạnh (24 tuổi, trú tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), người đã tham gia gây rối, tấn công lực lượng chức năng tại cổng trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận ngày 11/6/2018.
Khoảng 20h ngày 11/6, Mạnh điều khiển xe máy từ Hàm Thuận Nam xuống Phan Thiết uống rượu với bạn bè. Đến 22h, trên đường trở về nhà, khi về đến gần trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, thấy có nhiều người đang hò hét, kích động, Nguyễn Văn Mạnh cũng hùa theo, hung hăng lấy gạch đá ném vào lực lượng chức năng.
Với hành động gây rối này, Nguyễn Văn Mạnh đã bị lực lượng công an bắt giữ.
Ngày 12/7, Tòa án Nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Mạnh và một số đối tượng khác can tội gây rối trật tự công cộng. Mạnh bị tuyên án 30 tháng tù. Đây là cái kết "đắng" cho sự manh động, mà rất có thể người thanh niên chuyên làm nghề lái ô tô thuê này chưa bao giờ nghĩ đến.
Ông Nguyễn Thu Sơn, Bí thư Thành ủy Phan Thiết cho rằng, nguyên nhân phát sinh "điểm nóng" ở Bình Thuận bắt nguồn từ tâm lý đám đông, sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân trước lời dụ dỗ của các phần tử xấu, phản động nhằm xuyên tạc, bóp méo vấn đề... khi Quốc hội đang cho ý kiến về Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trong khi đó công tác tuyên truyền của lãnh đạo địa phương chưa kịp thời, đúng mức. Cấp ủy các cấp, nhất là cấp cơ sở, lơ là, bị động, không nắm được tình hình, không khống chế được số gây rối, bạo loạn, hay sự thụ động vừa nêu còn có cả việc cán bộ cấp ủy, chính quyền phải "chạy" theo mạng xã hội.
"Người dân bị lôi kéo, hiếu kỳ, cộng với tính a dua của lớp trẻ. 43 năm sau giải phóng chưa có cuộc biểu tình nào, bây giờ trên mạng nói thế xem thử coi biểu tình ra làm sao, chứ thực tế lực lượng quá khích không nhiều. Thậm chí những đối tượng quá khích, nghiện hút, thất nghiệp, các đối tượng hình sự mới được trả về không nhận thức được vấn đề, khi có người bảo ném cục đá vào Ủy ban thì cho 200.000, 300.000 đồng nên cứ thế mà ném", ông Nguyễn Thu Sơn phân tích thêm.
Khác với Bình Thuận, hơn 1 năm về trước, tháng 4/2017 xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cũng là một "điểm nóng" về an ninh trật tự, mà nguyên nhân chính khởi nguồn từ những sai phạm kéo dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý đất đai. Đỉnh điểm của "biến cố Đồng Tâm" là việc lực lượng chức năng tạm giữ 4 người dân, còn người dân tại đây lại giam giữ 38 cán bộ chiến sỹ cảnh sát cơ động. Dân rào làng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" khiến tình hình có lúc "căng hơn sợi dây đàn".
Đảng viên, cựu chiến binh Lê Đình Lưỡng (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) nhớ lại: Vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành "điểm nóng" khi người dân cho rằng, hàng chục ha đất được giao cho Tập đoàn Viettel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã, không phải đất quốc phòng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn "không xắn tay vào cuộc", thậm chí, một số cán bộ trong cấp ủy, chính quyền địa phương có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, chuyển nhượng đất đai trên địa bàn nên người dân không còn tin vào họ.
Theo ông Lê Đình Lưỡng, "biến cố Đồng Tâm" ngày 15/4 là điều tất yếu khi những bức xúc, kiến nghị của người dân không được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết.
"Nếu những sai phạm được chính quyền xử lý nhanh thì lòng dân không đến nỗi bức xúc như thế. Dân người ta nghĩ rằng có thể tổ chức đảng và chính quyền đang bao che cho nhóm lợi ích nào đó. Từ đó họ đi theo hướng riêng", ông Lưỡng bày tỏ.
Xa rời dân, không gắn bó máu thịt với nhân dân, không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, không giải quyết kịp thời, hợp lý những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, hay đúng hơn là cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương có sai phạm, yếu kém, nhưng không nhận rõ để chấn chỉnh, xử lý chính là nguyên nhân sâu xa làm bùng phát "điểm nóng".
Mặt khác, khi cán bộ cấp dưới mắc sai phạm và không tự giác khắc phục, sửa chữa, nhưng lãnh đạo cấp trên cũng quan liêu, hữu khuynh, không dùng "thuốc đắng dã tật" càng làm cho mâu thuẫn tích tụ, "đẩy" khoảng cách giữa người dân với cấp ủy và chính quyền ngày một xa thêm. Từ đó, vô tình tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn lợi dụng lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin tham gia biểu tình gây rối, chống phá khiến không chỉ cấp ủy, chính quyền cơ sở mà ngay cả cấp ủy các cấp trên cơ sở cũng bất ngờ.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích: "Đa số nơi xảy ra điểm nóng phần lớn chính quyền cấp ủy bất ngờ. Bất ngờ vì không tìm hiểu, không nắm tình hình. Đó chính là nguyên nhân xa rời dân, không nắm tâm tư, nguyện vọng, diễn biến hàng ngày. Ở đây chính là "quan liêu". Ngay chính quyền cơ sở cấp sát dân nhất mà không nắm được thì độ quan liêu trong hệ thống rất đáng suy nghĩ. Đó là gốc rễ của vấn đề. Vì không nắm được, không chia sẻ được thì sự xa cách càng ngày càng lớn. Bởi vậy, khó dung hòa được nên nổ ra xung đột".
Yếu kém, vi phạm, sai phạm của một số cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai; sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân trước sự lôi kéo, kích động của các phần tử xấu, thù địch làm bùng phát "điểm nóng" là điều đã thấy rõ. Những người trực tiếp gây ra "điểm nóng", như 14 cán bộ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; 17 đối tượng gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản Nhà nước tại thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận đã, đang bị pháp luật xử lý bằng những bản án thích đáng. Song, từ những vụ việc này cho thấy, cần nghiêm túc nhìn nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cấp ủy các cấp trên cơ sở khi để xảy ra "điểm nóng".
Câu hỏi: "Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra "điểm nóng"?. Liệu những yếu kém, bức xúc của dân có được hóa giải hay sẽ chờ cơ hội bùng phát khi cấp ủy quan liêu, yếu kém, lơ là, bị động?. Đây là nội dung sẽ được đề cập ở bài viết sau của phóng sự này, nhan đề "Từ bị động đến lúng túng?"./.
Theo Nhóm PV/VOV1
Xe tải lao xuống vực lật nghiêng, tài xế nguy kịch Xe tải tông vào khối bê tông hành lang bảo vệ đường và sau đó bị rơi xuống vực, lật nghiêng khiến tài xế bị thương phải nhập viện cấp cứu. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 4h30 ngày 21/10, tại tỉnh lộ ĐT 719 (thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận) khiến xe tải bị lật nghiêng, bẹp...