Đột phá mới trong điều trị và phòng chống HIV
– Người nhiễm HIV được điều trị, sẽ giảm tới 96% nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình. Đây là một công bố khiến “cuộc chơi” thay đổi…
Giảm nguy cơ lây nhiễm 96%
TS – BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong buổi sinh hoạt phòng chống HIV ngày 21/11.
Theo BS Giang, thế giới đã công bố công trình nghiên cứu trên hơn 1000 cặp bạn tình. Những người bị nhiễm HIV sau khi điều trị cho thấy kết quả kinh ngạc, bạn tình của họ gần như an toàn tuyệt đối (giảm nguy cơ lây nhiễm tới 96%).
Tương tự, tại TP.HCM, Chương trình phòng chống HIV đã khảo sát tải lượng vi-rút trên 217 người nhiễm chưa điều trị bằng ARV (thuốc kháng HIV).
Kết quả thể hiện 10% có tải lượng vi rút dưới 1000 con/ml máu. Tải lượng vi rút trung bình của nhóm có CD4 dưới mức 350 (một loại bạch cầu tham gia quá trình đáp ứng miễn dịch) cho thấy có tới 182.000 con vi rút HIV/ml máu, và ở nhóm có mức CD4 có khoảng 40.000 con vi rút HIV/1ml máu.
Điều đó có nghĩa nguy cơ lây nhiễm HIV của những người này rất cao, lên tới trên 90%.
Thế nhưng sau khi điều trị bằng ARV, cứ 10 người nhiễm cắt giảm được 9 nguồn lây.
TP.HCM phấn đấu năm 2030 không có ca HIV mắc mới. Ảnh minh họa.
Từ những đột phá mới vừa nêu, bác sĩ Giang khẳng định kế hoạch phòng chống HIV phải thay đổi hoàn toàn.
Video đang HOT
“Trước đây chúng ta chỉ điều trị cho người nhiễm HIV với mục đích kéo dài cuộc sống, thì nay điều trị là để phòng tránh lây nhiễm cho cả cộng đồng. Một người nhiễm HIV được điều trị tốt, số vi rút HIV trong máu có thể giảm xuống dưới ngưỡng 50 con/ml máu. Ở ngưỡng này xét nghiệm không tìm thấy được.”, bác sĩ Giang phấn khởi.
Đưa test nhanh vào xét nghiệm HIV
Tư duy theo kiểu bệnh nhân tới giai đoạn muộn mới điều trị, hay chỉ điều trị cho phụ nữ mang thai đến lúc sinh con rồi ngưng…cần thay đổi.
Những phụ nữ có thai nhiễm HIV điều trị ARV trong lúc mang thai nhưng sinh con xong vẫn cần tiếp tục điều trị suốt đời để tránh nguy cơ lây nhiễm cho chồng và những đứa con kế tiếp của cô ta.
Bác sĩ Giang cho rằng xét nghiệm HIV phải đại trà, thường quy hơn. Giờ đây nhận giấy xét nghiệm dương tính HIV không còn là án tử như trước nữa.
Bệnh nhân HIV như mắc một căn bệnh mãn tính, sống còn lâu hơn người bị ung thư, tim mạch và tiểu đường.
Xét nghiệm HIV không nhất thiết cứ phải lấy máu. Có thể xét nghiệm nước bọt giống như que thử thai…Kết quả test nhanh cho độ chính xác lên tới 99%. Nếu vẫn chưa chắc thì bệnh nhân sẽ làm 3 test nhanh của 3 hãng khác nhau. Nếu cả 3 đều dương tính thì không thể trượt được. Cái này thế giới đã làm, Việt Nam cần ứng dụng.
Toàn TP.HCM hiện nay chỉ có 6 cơ sở xét nghiệm HIV được công nhận, trong khi mạng lưới xét nghiệm có tới 1000 cơ sở. Nếu ứng dụng những test nhanh thì trạm y tế phường/xã, trung tâm khám tiền hôn nhân cũng xét nghiệm HIV được.
“Sau khi nghiên cứu bệnh nhân được điều trị ARV có thể giảm tới 96% nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình thì Thái Lan đã nhìn ra và tuyên bố sẽ chấm dứt đại dịch thế kỷ này vào năm 2030. Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng TP.HCM cũng hướng tới mốc 2030 để không còn ca nhiễm HIV mới. Muốn làm vậy phải phát hiện người nhiễm HIV thật sớm rồi cho họ điều trị luôn.”, bác sĩ Giang nói.
Để đề án phòng chống HIV này thành công, rào cản lớn nhất là kinh phí. Kinh phí là vấn đề nan giải khi các nguồn viện trợ từ quốc tế cũng như ngân sách cho chương trình phòng/chống HIV tại Việt Nam mỗi ngày một giảm.
Do đó, giải pháp hay nhất là sẽ vừa miễn phí, vừa thu phí. Những bệnh nhân nhiễm HIV ở giai đoạn nặng sẽ được điều trị miễn phí, còn những người bị nhẹ, sau khi test dương tính muốn điều trị luôn vì lợi ích cho bản thân, tránh lây nhiễm cho vợ con ngành y tế sẽ tính phí nhưng ở mức thấp.
Chương trình phòng chống HIV cũng hướng tới thành lập các cơ sở điều trị ARV dự phòng cho người dân bị phơi nhiễm. Các nhân viên y tế khi bị phơi nhiễm HIV được uống ARV trong vòng 1 tháng để không mắc bệnh. Nhưng chưa có nơi nào chuyên điều trị dự phòng cho người dân như vậy.
Thanh Huyền
Theo_VietNamNet
Cai nghiện tập trung chỉ nên là giải pháp tạm thời
Giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất để những người nghiện ma túy không tái nghiện là phải tạo việc làm và tạo môi trường sống không có ma túy.
Trước thực tế là có hàng nghìn người nghiện sẽ ra khỏi trung tâm cai nghiện và chung sống trong cộng đồng xã hội, cơ quan chức năng của TP HCM đang tìm cách quản lý những đối tượng này. Tuy vậy, giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất để những người này không bị tái nghiện, đó là phải làm tốt việc cai nghiện tại cộng đồng thông qua tạo việc làm và môi trường sống không có ma túy. Đây cũng là mong muốn của rất nhiều người nghiện mà chúng tôi tiếp xúc. Đối với họ, việc bị tách biệt với cộng đồng, với người thân và không có gì để chờ đợi, hy vọng là những điều ghê gớm và đáng sợ hơn cả việc nghiện ma túy. Chính vì thế, họ chờ đợi đến ngày ra khỏi trường cai để được sử dụng lại ma túy - thứ cho họ cảm giác mãn nguyện về cuộc sống dù đó là một cảm giác "ảo". Nhiều người cho biết có thể họ bỏ được ma túy khi ở trong trường cai nghiện nhưng cũng chỉ là tạm thời.
Nguyễn Hải Anh (quận Tân Bình), một người đã từng 2 lần vào trường cai nghiện bắt buộc với thời gian 4 năm cho biết, chỉ cần bước chân ra khỏi cánh cửa trường cai là anh bị tái nghiện ngay lập tức.
"Vấn đề là ở trường cai không có hiệu quả trong việc chấm dứt vĩnh viễn cơn nghiện mà chỉ là biện pháp ngăn chặn trong một thời điểm nào đó. Năm đầu tiên, người nghiện còn khao khát trở về nhà nhưng năm thứ 2 trở đi là người ta buông xuôi, chờ ngày trở về cộng đồng để "chơi" ma túy lại"- anh Hải Anh tâm sự.
Một điểm uống Methadone tại quận 8, TP HCM
Có thể nói trong những năm qua, trường cai nghiện đã làm rất tốt công việc của mình. Đó là cắt cơn nghiện và loại bỏ được hoàn toàn cơn nghiện ra khỏi người nghiện. Bởi lẽ những nơi cai nghiệp tập trung này được tổ chức bài bản với đội ngũ nhân sự có kỹ năng cắt cơn nghiện, có cơ sở vật chất để cai nghiện và đặc biệt là cách ly người nghiện hoàn toàn với những nguồn cám dỗ như sự lôi kéo rủ rê của bạn bè, việc mua bán ma túy dễ dàng... Nhưng đó chỉ là những khi họ còn được ở bên trong trường cai. Một thực tế là sau khi đi cai nghiện tập trung, bắt buộc trở về, có người dù đã ở trong trường đến 5 - 7 năm nhưng rồi khi ra ngoài cộng đồng vẫn bị tái nghiện trở lại. Trường cai cũng không thể giữ chân người nghiện mãi.
Tiếp xúc với một số người đang tự nguyện tham gia cai nghiện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM, hầu hết các ý kiến của người nghiện đều có nguyện vọng muốn được tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.
Anh Võ Thế Bảo ở quận Thủ Đức - người từng có 5 năm cai nghiện ở trường cai nghiện cho biết: "Cai nghiện tự nguyện khiến cho tư tưởng của người nghiện thoải mái, ít nghĩ tới ma túy hơn. Còn bắt buộc thì người nghiện nghĩ rằng, đời không còn gì nữa hết, khi trở về địa phương, người ta chơi lại. Ở ngoài đời có nhiều niềm vui hơn, được chơi thể thao".
Với việc cai nghiện tự nguyện, người nghiện thấy hiệu quả hơn vì được vui chơi giải trí lành mạnh
Khi cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện ma túy tuy phải đối mặt với nhiều cám dỗ như bạn xấu rủ rê, tình trạng mua bán ma túy dễ dàng và phổ biến nhưng cũng có nhiều mối quan tâm khác như: gia đình và việc làm. Đây là những sức hút mạnh mẽ có thể giúp người nghiện tránh xa được cám dỗ của ma túy.
Anh Tô Thanh Long ở quận 1, sau 5 năm ở trường cai về, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh lao vào làm việc như sửa xe, sửa khóa... Nhờ đó, gần 8 năm nay, anh không còn sử dụng ma túy và quay trở lại hỗ trợ cho những người nghiện tại nơi mình cư trú.
Anh Tô Thanh Long nói: "Tôi trở về địa phương, thấy gia đình khổ quá nên nghĩ là phải tu chí. Khi có công ăn việc làm cũng làm tôi quên dần ma túy. Lâu lâu cũng có cơn thèm nhớ nhưng tôi cũng ráng vượt qua, chứ nghiện nữa thì phải đi cai".
Không chỉ người nghiện ma túy bày tỏ sự đồng tình của việc tự cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà những người làm công tác xã hội cũng cho rằng, cần phải có thời gian để đánh giá lại hiệu quả của công tác cai nghiện tại cộng đồng. Bởi lẽ, ngay cả việc đưa đi cai nghiện bắt buộc tập trung thì tỷ lệ tái nghiện vẫn còn rất cao.
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy cho rằng, để việc cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả thì chỉ có cách làm tốt công tác tư vấn sau khi thực hiện cắt cơn cho những người nghiện: "Đó là giải pháp trị liệu tâm lý. Hàng tháng 2 lần, Trung tâm cử nhân viên đến tận nhà người nghiện để tư vấn, theo dõi xem có việc làm chưa hoặc có biểu hiện tái nghiện không".
Ngoài việc tạo việc làm cho người nghiện, triệt phá các điểm mua bán ma túy hay vào các trung tâm cai nghiện tự nguyện thì việc sử dụng thuốc Methadone cũng được xem là một giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM cho rằng, nên ghép chung việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng với chương trình uống Methadone đang thực hiện tại thành phố hiện nay: "Hiệu quả của chương trình Methadone đã được chứng minh rõ ràng. Tỷ lệ người nghiện từ bỏ ma túy rất cao. Người uống methadone sẽ phải xét nghiệm nước tiểu để xem có dùng ma túy hay không. Cho đến nay, có khoảng 10% người nghiện đã từ bỏ được ma túy. Con số này cao hơn bất kỳ phương pháp cai nghiện nào từ trước đến nay.
Cai nghiện ma túy tại cộng đồng là chủ trương lớn của Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn và hướng đến việc cai nghiện một cách triệt để. Để chủ trương này đi vào cuộc sống và phát huy được ý nghĩa nhân văn, thiết nghĩ cần một lộ trình thực hiện và những giải pháp đồng bộ từ hành lang pháp lý cho đến các văn bản hướng dẫn cụ thể, sự vào cuộc của toàn xã hội, sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đặc biệt là nên nhìn nhận người nghiện như một người mang một căn bệnh xã hội cần phải được điều trị chứ không phải như một đối tượng cần loại bỏ ra khỏi xã hội./.
Hiếu Hiền
Theo_VOV
Nhiều người bệnh chưa biết giá viện phí được điều chỉnh Các bệnh viện công lập ở TP.HCM bắt đầu triển khai điều chỉnh giá viện phí từ ngày 1.6 tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bệnh chưa nắm thông tin này. Bệnh viện Nhi đồng 2 dán bảng thông báo điều chỉnh giá viện phí - ảnh chụp chiều nay 3.6 - Ảnh: L.Ngọc Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, hầu hết...