Đột nhiên mất giọng có thể do liệt dây thanh quản
Là giáo viên dạy Văn với hơn 20 năm đứng lớp, cô giáo Thu Hà, ngụ Vĩnh Long đột nhiên mất giọng, rát cổ, nói không rõ tiếng. Bác sĩ cho biết cô bị liệt dây thanh quản trái, không phải do làm nghề nói nhiều.
Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, “nói nhiều” không phải là nguyên nhân gây liệt dây thanh quản. Hiện có khá nhiều người mắc bệnh nhưng không rõ nguyên nhân như trường hợp trên.
Bác sĩ Phúc phân tích, liệt dây thanh quản thường xuất phát từ các nguyên nhân như bị chấn thương, tai nạn ở vùng cổ, khối ung thư chèn ép, di căn, sau mổ bướu cổ làm thương tổn dây thần kinh vận động thanh quản…
Trường hợp của chị Trâm, Bình Thạnh, TP HCM là một ví dụ. Sau khi mổ nội soi bướu cổ, chị bị khàn giọng, nói không ra tiếng. Bốn tháng sau, tình hình vẫn không cải thiện nên chị đi nội soi thanh quản, các bác sĩ kết luận chị bị liệt dây thanh quản bên trái, phải bơm mỡ tự thân để điều trị.
Nhiều người liệt dây thanh quản không rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa. Health.
Video đang HOT
Liệt dây thanh quản chia làm hai loại là liệt mở và liệt khép. Liệt mở tức là thanh quản không khép lại được, khiến bệnh nhân nói giọng khàn, hụt hơi, không rõ tiếng và mất dần. Liệt khép là thanh quản không mở được, khi vận động gắng sức sẽ có cảm giác khó thở, tối ngủ ngáy, vì thế thường gặp sau mổ bướu cổ.
Theo bác sĩ Phúc, đối với trường hợp liệt một bên, đơn giản nhất là dùng phương pháp luyện giọng, tập ngữ âm trị liệu. Nguyên tắc là tập thở và luyện cách phát âm cho tròn tiếng, rõ chữ. Đây là phương pháp đơn giản nhất. Phương pháp này cũng sử dụng cho những bệnh nhân nói lắp, nói ngọng. Cần chú ý, trong các trường hợp liệt một bên thì dây thanh bên không liệt có thể bù trừ, hoạt động mạnh hơn để cho bệnh nhân có thể nói rõ nên cần thời gian dài đến bệnh viện cũng như tự tập luyện tại nhà, tuân thủ theo hướng dẫn của chuyên gia.
Đối với liệt khép do bướu cổ, thường bị liệt hai bên, phải phẫu thuật để kéo một bên dây thanh ra, mục đích giúp bệnh nhân thở được, không khó thở khi gắng sức nhưng lại có hạn chế là nói khàn. Với trường hợp liệt mở, phương pháp điều trị là có thể bơm mỡ tự thân hoặc chất silicone… để làm dây thanh có thể khép lại. Đối với trường hợp liệt do ung thư phải phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng khó thở, thay đổi giọng nói, nói không rõ tiếng… nên đến bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để có thể xác định hướng điều trị kịp thời.
Theo VNE
Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì
Thấy con trai đã 20 tuổi mà giọng nói cứ eo éo như con gái, thường mất tập trung, không năng động như các bạn cùng trang lứa, chị P.T.Đ. (Trà Vinh) lo lắng tìm... thầy bói xem thử.
Sau khi chị kể sự tình, thầy phán con trai chị có "người cõi âm" dựa, mà "người" này là nữ nên giọng nói như vậy, muốn hết phải mua đồ cúng và uống phép của thầy. Sau một tuần ngày nào cũng uống phép, con trai chị càng xanh xao, mệt mỏi nhưng giọng nói vẫn không thay đổi. Chị liền đưa con đến bác sĩ khám, mới biết con mình bị rối loạn giọng tuổi dậy thì.
"Lỗi giọng" vì sao?
TS-BS Trần Việt Hồng - Trưởng khoa Tai mũi họng bệnh viện nhân dân Gia Định - cho biết, khi chưa đến tuổi dậy thì, giọng nam và nữ đều giống nhau do dây thanh quản có cùng kích thước là 9,5mm. Vào tuổi dậy thì, nồng độ testosteron ở nam tăng cao hơn nữ, làm cho dây thanh quản, dây thanh âm phát triển dài ra (dài thêm 10mm) và dày lên theo bề ngang nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ ba-sáu tháng, sau đó ổn định và thành giọng đàn ông. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi "vỡ giọng" nhưng giọng nói vẫn chưa "chuẩn men", vẫn thanh, cao, rè, thường xuyên vót lên như nữ và đôi khi tắt ngấm không thành lời. Biểu hiện này được xem là hiện tượng rối loạn giọng nói. Sự "lỗi giọng" này cũng xảy ra ở các em nữ, khiến giọng các em trầm, khàn và gặp khó khăn khi hát những nốt cao... nhưng quá trình diễn ra chậm hơn và không rõ ràng như các em nam.
Nguyên nhân rối loạn giọng là do khi đang nói giọng trẻ con mà chuyển đột ngột sang giọng trầm ồ ồ (ở nam) khiến nhiều em thấy ngại. Các em cố "níu kéo" giọng cũ của mình nên làm mất khả năng chủ động chính xác về độ cao của giọng. Ngoài ra, khi các em nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp... đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.
Một nguyên nhân khác khiến có người thậm chí đến độ tuổi 30 mà vẫn bị rối loạn giọng, là do không được chia sẻ, không điều trị kịp thời lúc ở tuổi dậy thì, hoặc do dây thanh không kín, phát triển không đều. Ngoài ra, sự tăng (nữ nói giọng ồ ồ như nam), giảm (nam nói giọng eo éo như nữ) nội tiết tố testosteron cũng là nguyên nhân gây rối loạn giọng kéo dài. Hoặc rất có thể bệnh nhân mắc một số bệnh về nội tiết, bởi âm sắc và độ cao của giọng phụ thuộc trực tiếp vào nội tiết sinh dục, thượng thận và tuyến yên.
Tìm lại giọng nói chuẩn?
Khi bị rối loạn giọng, trẻ có tâm lý e ngại tiếp xúc với người xung quanh, vì vậy nhiều em không tự tin, học hành sa sút, ít năng động. Không ít trường hợp thấy con trai có giọng như con gái, nhiều phụ huynh không có kiến thức đã tìm cách chữa trị, như trường hợp chị P.T.Đ., nên đã làm giảm kết quả điều trị do để quá lâu.
Khi trẻ bị rối loạn giọng, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là chia sẻ để trẻ hiểu, rối loạn là một quá trình tự nhiên trong phát triển, ai cũng từng trải qua. Bước tiếp theo cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám để tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
Luyện thanh âm đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn giọng ở tuổi dậy thì. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, khả năng thành công cao bằng cách được nhà chuyên môn tại các khoa thanh âm hướng dẫn để nói ra được giọng chuẩn. Nếu không được điều trị, rối loạn giọng có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Lứa tuổi tốt nhất để luyện giọng là nên trước 20 tuổi, bởi càng lớn, giọng nói đã ổn định và thành thói quen, việc điều chỉnh sẽ khó khăn.
Nếu rối loạn giọng do rối loạn hoóc-môn sinh dục ở nam, có thể đến khám tại các bệnh viện nam khoa để làm xét nghiệm testosteron. Nếu nồng độ testosteron giảm, kết hợp với việc thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát, bệnh nhân sẽ được bổ sung hoóc-môn để cải thiện tình trạng bệnh. Song song đó là phối hợp với luyện giọng.
TS-BS Việt Hồng cho biết thêm, với những trường hợp rối loạn giọng do dây thanh không kín, phát triển không đều, liệt dây thanh... thì có thể phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong, hoặc bơm mỡ tự thân vào dây thanh để giúp dây thanh khép kín lại khi phát âm. Bơm mỡ tự thân là một phương pháp dễ, đáp ứng sinh học tốt, phục hồi nhanh, chi phí thấp, không tai biến trong và sau mổ.
Theo PNO
Quý ông nghiện iPad coi chừng 'mất giống' Trên thực tế, cường độ bức xạ từ iPad không hề thua kém một chiếc laptop, thậm chí ảnh hưởng tới chất lượng "tinh binh". Chất lượng tinh trùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sinh linh khỏe mạnh. Tiến sĩ, bác sĩ nam khoa Hạ Hân Nhất cho biết, theo kết quả kiểm tra chất lượng tinh trùng...