“Đột nhập” vào nơi trồng những gốc bưởi nghìn quả ở xứ Tuyên
Vào mùa, các vườn bưởi ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) trĩu trịt quả, có nhiều gốc bưởi cổ thụ cho từ 500 đến 1.000 quả.
Gốc bưởi 18 năm tuổi của gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa, mỗi năm cho hơn 500 quả.
Bưởi xã Xuân Vân nức tiếng bởi vị ngọt mát, róc vỏ, mọng nước. Bưởi nơi đây đứng top 10 Thương hiệu – Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018.
Ở Xuân Vân có các giống bưởi như bưởi đường, bưởi Diễn, bưởi da xanh, Phúc Trạch, nhưng giống bưởi gắn liền với thương hiệu của vùng đất này là bưởi đường Soi Hà. Đến nay xã có 873 ha bưởi, trong đó có 16 ha bưởi từ 16 đến 40 năm tuổi. Những cây bưởi cổ nơi đây thường cho thu cả nghìn quả/gốc.
Video đang HOT
Gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa xã Xuân Vân gắn bó với cây bưởi 40 năm nay. Khi ông trồng những gốc bưởi đầu tiên, ở Soi Hà mới chỉ có vài hộ trồng. Ngày ấy, cây ngô, cây sắn vẫn là kế sinh nhai chính của người dân địa phương. Còn bưởi thì ít được người ta để ý. Sau gần 4 năm chăm sóc, khi đến vụ thu hoạch, giống bưởi đường cho chất lượng thơm ngon hơn hẳn nhiều giống của địa phương khác, ông quyết tâm làm giàu từ bưởi.
Ông Thỏa cũng là người sở hữu nhiều gốc bưởi cổ nhất xã. Những cây bưởi càng già thì chế độ chăm sóc càng phải cẩn thận, bởi cây cần nhiều chất dinh dưỡng hơn. Yêu bưởi là vậy nhưng cách đây 3 năm ông đành ngậm ngùi nhìn hơn 20 cây bị chết do không phát hiện bệnh sớm, đến khi cây bị vàng lá khổng thể cữu vãn nổi.
Những cây bưởi trên 20 năm tuổi cho 1.000 quả mỗi vụ.
Đến nay, gia đình ông có gần 500 gốc bưởi, trung bình mỗi gốc cho 200 quả. Những gốc bưởi tuổi đời từ 16 năm tuổi trở lên cho cả nghìn quả. Ông Thỏa bảo, bưởi càng lâu năm, quả càng chất lượng và được giá. Bí quyết để bưởi có năng chất, chất lượng cao thì người trồng phải biết yêu bưởi. Biết khi nào bưởi cần gì để đáp ứng. Như sau thu hoạch bưởi cần chất dinh dưỡng nuôi cây, mùa bưởi ra hoa thì phải biết cách thụ phấn để quyết định lượng quả, khi chuẩn bị thu hoạch thì tăng cường bón cách loại phân đảm bảo độ ngọt mà múi không bị khô, bị cứng… Từ trồng bưởi, mỗi năm gia đình ông thu lãi cả tỷ đồng.
Bưởi lá nhăn là giống bưởi quý chỉ có ở đất Xuân Vân. Đây là giống bưởi lấy hạt từ cây bưởi đường nhưng do đột biến gen nên cho chất lượng quả cao hơn. Giống này có nhiều ưu điểm như, chín sớm so với giống bưởi đường Soi Hà gần 1 tháng, róc vỏ, ăn ròn, có độ ngọt cao, không he, ăn vị thơm hơn; có khả năng kháng bệnh tốt, đặc biệt là bệnh chảy gôm, thối rễ. Đến năm thứ 7 cây cho từ 150 đến 200 quả.
Với giá từ 20.000-40.000 đồng/quả, cây bưởi giúp người dân Xuân Vân làm giàu hiệu quả.
Gia đình ông Đỗ Khắc Khoát, thôn Soi Hà, được mệnh danh là người trồng bưởi cho trái ngon, ngọt nhất đất Xuân Vân. Bí quyết tạo nên thương hiệu của gia đình chính là giống bưởi lá nhăn quý hiếm, nhờ giống bưởi này, mỗi năm gia đình ông thu lãi vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Ông Khoát đưa chúng tôi đi thăm cây bưởi tổ có tuổi đời gần 40 năm, phải 2 người ôm mới xuể. Những cây bưởi lá nhăn trong vùng đều nhân giống từ cây bưởi này. Vụ nào cây bưởi tổ cũng cho gia đình ông vài trăm đến cả nghìn quả. Nếu bưởi Diễn giá từ 10.000 đến 15.000 quả tại gốc; bưởi đường giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/quả thì bưởi lá nhăn giá luôn được 40.000 đồng/quả. Với hơn 300 gốc bưởi đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí, vườn bưởi của gia đình ông cho thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Ở Xuân Vân, giai đoạn bưởi cho thu hoạch rộ nhất vào tháng 9 âm lịch. Đây cũng là dịp thương lái các nơi tấp nập về thu mua bưởi, vì vậy bưởi nơi đây ít bị ế. Cây bưởi là cây sinh vàng, giúp người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu.
Những con đường bê tông vào vùng bưởi được người dân xây dựng kiên cố.
Ông Tô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, bưởi Xuân Vân đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2015. Duy trì và nâng cao thương hiệu bưởi, chính quyền đã vận động nhân dân trồng bưởi sạch. Đến nay xã đã có hơn 20 hộ tham gia mô hình trồng bưởi VietGAP, với diện tích 12 ha. Xã sẽ tiếp tục hướng người dân trồng bưởi theo quy trình hữu cơ, đã có 30 hộ tham gia tập huấn chăm sóc bưởi theo phương pháp hữu cơ.
Theo Đào Thanh (NNVN)