“Đột nhập” trung tâm hành chính 1.400 tỷ đồng của Bình Dương
Vừa được đưa vào hoạt động, khu hành chính tập trung gần 60 sở, ngành của tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác cải cách, liên thông một cửa, phục vụ gần 1,8 triệu dân và 15.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấy ngày qua lượng người đến làm việc vẫn còn thưa thớt.
Khu hành chính tập trung bề thế của tỉnh Bình Dương
9h30′ sáng 25/2, PV Dân trí đã có mặt tại khu hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương, tòa nhà bề thế gồm 2 tháp A và B, nơi được dùng để bố trí chỗ cho gần 60 cơ quan, đoàn thể, các sở, ngành nằm toạ lạc ngay trung tâm thành phố mới. Toàn bộ khu tầng trệt ở 2 tòa nhà này dành cho các bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo cơ chế một cửa, liên thông hiện đại nhằm giúp nhân dân và tổ chức thuận lợi khi đến giải quyết công việc.
Bảng hướng dẫn vào khu A – Khu hành chính mở
Các sở, ngành bên trong khu hành chính mở ở khu A và khu B khá vắng vẻ
Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của Sở Kế hoạch và Đầu tư có khá đông người đến làm thủ tục, còn lại hầu hết các quầy làm thủ tục hành chính tiếp dân của các sở, ngành khác trong trạng thái vắng vẻ. Có nhiều quầy bên trong cũng không có nhân viên trực.
Chỉ riêng khu vực làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư có đông người dân, doanh nghiệp đến liên hệ
Theo đánh giá của những người đến làm việc tại Sở Kế hoạc và Đầu tư trong sáng 25/2, việc thành lập khu hành chính tập trung giúp họ đỡ mất nhiều công sức đi lại. Tuy nhiên, cái khó là mỗi ngày đơn vị này chỉ nhận 1 bộ hồ sơ thay vì trước đó một người có thể nộp 3, 4 hồ sơ xin giấy phép.
Video đang HOT
Việc trang bị hệ thống bảng chỉ dẫn, kệ tài liệu tham khảo và lực lượng bảo vệ hỗ trợ người dân đến làm thủ tục ngay từ bên ngoài đã giúp mọi người có thể thuận tiện khi liên hệ. Đặc biệt, mỗi khu đều được trang bị internet để người dân có thể truy cập thông tin các sở, ngành.
Bàn tra cứu các thông tin trong trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương
Hiện mỗi toà tháp mới chỉ đưa một thang máy vào hoạt động, trong mỗi thang máy có nhân viên hướng dẫn lên từng tầng và trực tiếp tư vấn cho người dân đến làm việc.
Mặc dù đi vào hoạt động từ ngày 20/2 nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều công trình phụ tại trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương vẫn đang được hoàn thiện. Trong sáng 25/2, rất nhiều người đến làm việc tại đây phản ánh về việc bãi gửi xe nằm quá xa so với khu trung tâm. “Công việc của chúng tôi thường xuyên phải chạy tới, chạy lui vì hồ sơ nhiều khi phải bổ sung thêm. Nhưng mỗi lần ra vào để lấy xe phải đi bộ hơn 300m rất mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ của công việc” – Anh Ngô Quang Hữu (làm việc tại một công ty xây dựng ở Bình Dương) phàn nàn.
Từ bãi gửi xe máy đến khu hành chính khá xa
Người dân đến làm việc ra về, từ khu hành chính ra bãi giữ xe tạm thời khoảng 300m
Theo các bảo vệ tại bãi giữ xe cho biết, đây chỉ là bãi giữ xe tạm thời, do công trình bên trong đang thi công chưa hoàn tất nên người dân đến liên hệ phải đi hơi xa. Khoảng 1 tháng nữa, bãi xe mới nằm gần trụ sở hành chính sẽ được đưa vào sử dụng.
Theo nhận định của nhiều sở, ngàng tỉnh Bình Dương, do thời điểm đầu năm và trung tâm hành chính tập trung mới đi vào hoạt động nên việc người dân đến liên hệ làm việc lúc này sẽ còn thấp. Trung tâm hành chính tập trung này chắc chắn sẽ cải cách, liên thông một cửa phục vụ tốt người dân và 15.000 doanh nghiệp trên địa bàn.
Khu hành chính tập trung vẫn đang được hoàn thiện
Trung tâm hành chính Bình Dương được xây dựng gồm 2 toà tháp cao 21 tầng, có diện tích sàn hơn 100.000 m2, tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, có bãi đáp trực thăng; bãi đỗ 640 ôtô, 2.000 xe máy. Ngay cạnh Trung tâm hành chính là Trung tâm Hội nghị và triển lãm có sức chứa 800 người.
Một số hình ảnh ghi nhận tại trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương vào sáng 25/2:
Trung Kiên
Theo Dantri
TPHCM thành lập Quỹ bảo trì đường bộ
UBND TP vừa ban hành quyết định thành lập Quỹ bảo trì đường bộ thành phố thuộc UBND TP. Đây là 1 khâu trong quy trình tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới tại TPHCM.
Theo đó, Quỹ bảo trì đường bộ có nhiệm vụ tham mưu xây dựng, đề xuất UBND TP phương án và tổ chức thu, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn; hướng dẫn mức thu phí, phương thức thu phí, tỷ lệ phần trăm để lại cho đơn vị thu phí, quản lý và sử dụng tiền phí thu được để trình HĐND TP xem xét, quyết định; nghiên cứu bổ sung nguồn thu cho Quỹ thông qua hình thức khai thác hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu; đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Với hơn 5 triệu xe máy, TPHCM dự kiến sẽ thu được khoảng 450 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ mỗi năm
Trước đó, UBND TPHCM cũng giao các sở, ngành chức năng hoàn chỉnh đề án thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô hai, ba bánh và xe gắn máy tại thành phố. Đề án này phải được hoàn tất, báo cáo UBND TP trong cuối tháng 2/2014 để UBND TP kịp trình thường trực Thành uỷ và thông qua kỳ họp của HĐND TPHCM sắp tới.
Trong năm 2013, Sở GTVT cũng đã trình UBND TP phương án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Theo đó, phí xe máy được chia là 2 mức: 60.000 đồng/năm đối với xe máy có dung tích đến 100 cm3 và 150.000 đồng/năm đối với xe trên 100 cm3. Thời gian thu phí được tính từ đầu năm 2013.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của thành phố là việc thu phí sẽ khó khăn bởi phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình của chính quyền cấp xã/phường và sự tự giác của người dân. Nguyên nhân là việc đến từng hộ dân thống kê số xe máy đang sử dụng rất dễ bị lọt do hiện nay lượng xe không chính chủ tồn tại quá lớn.
Theo ước lượng của thành phố, dự kiến số phí bảo trì đường bộ thu được từ xe máy là khoảng 450 tỷ đồng/năm. Cộng với 35% phí ô tô đăng ký ở TPHCM mà trung ương trích lại thì nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ sẽ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng cầu, đường trên địa bàn.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng những hiện vật giá trị "khủng" của Công tử Bạc Liêu Trong rất nhiều hiện vật được trưng bày tại Nhà "Công tử Bạc Liêu" thì những chiếc giường, bộ trường kỷ, bàn ghế có chạm khắc cẩn xà cừ được xem là những hiện vật có giá trị "khủng" nhất. Trong đó có 2 chiếc giường, một đặt tại phòng của "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy và một đặt tại phòng...