Đột nhập “thánh địa” sản xuất “thần chết”
Dịp cuối năm, rất nhiều người đã dày công tìm lên vùng cao phía Bắc, tới các “thánh địa” cung ứng loại rượu ngâm cây hoa anh túc. Họ tin rằng, loại rượu này sẽ mang lại sức mạnh đàn ông, giúp mang lại niềm vui khi mùa xuân về.
Vào “động” sản xuất “thần chết”
Xe khách dừng hẳn, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) ẩn hiện trong sương sớm bảng lảng, chỉ có ánh đèn vàng leo lét hắt ra từ những quán ăn sớm. Tạt vội vào một quán ven đường, gọi chai rượu và ít đồ nhắm cho ấm bụng, chẳng cần rào trước đón sau, chúng tôi hỏi luôn chị chủ quán: “Nghe nói Yên Bái có đặc sản rượu ngâm thuốc phiện à? Chúng em muốn mua ít về làm quà Tết cho sếp, chị chỉ giùm với”.
“Trên này có đầy, các chú muốn mua bao nhiêu, mua bình sẵn hay mua về tự ngâm. Khô, tươi có hết”, dường như đã quá quen với khách hỏi mua, chị chủ quán chẳng cần đề phòng, nói thao thao…
Với những lời đồn thổi về công dụng, rượu ngâm cây thuốc phiện được khá nhiều người tìm mua mà không lường đến hậu quả.
Để chắc chắn, tôi hỏi lại: “Chị đùa thì phải. Hàng cấm mà ở đây mua dễ vậy sao?”. “Đùa gì chứ, nhà tôi có cả hầm rượu ngâm thuốc phiện ở dưới kia kìa. Ở thị trấn này, mua loại rượu này cũng dễ như mua mớ rau, con cá dưới xuôi vậy. Không tin các anh xuống hầm nhà tôi mà xem”, chị chủ quán nói chắc như đinh đóng cột, mặt không một chút biến sắc. Tận dụng cơ hội hiếm có, bỏ ngang cuộc nhậu, tôi vội đi theo chị.
Đến góc nhà, chị gạt tấm rèm sang một bên, đi qua gian buồng ngủ, rồi dò dẫm bước xuống cái buộc thang sơ sài, chui tọt xuống hầm tối um. Qua ánh đèn pin, tôi thấy căn hầm rộng rãi với nhiều hộp xốp được xếp gọn gàng ngay ngắn, dưới đất vẫn còn vương vãi một số thân, rễ, lá, quả của cây thuốc phiện.
Người phụ nữ với tay mở nắp chiếc hộp gần mình nhất. Ngó vào tôi thấy 7 – 8 bình rượu loại 5 lít, bên trong có chứa đầy cây thuốc phiện. Để lấy lòng tin với khách, chị chủ bảo tôi cứ bê một bình lên trên nhà cho các anh em uống thử, nếu thấy tốt thì mua, còn không thì thôi.
Nhấp thử chén rượu ngâm thuốc phiện tôi thấy có mùi lạ, chan chát nơi đầu lưỡi, nồng độ rượu cao, rượu chảy đến đâu thấy nóng rát đến đó. Lấy lý do bình rượu có ít quả và còn non, trong khi đó giá 2 triệu/bình thì quá đắt, chúng tôi tỏ vẻ không thích.
Thấy vậy, người phụ nữ ấy vội chuyển hướng: “Nếu các anh không thích loại rượu này, muốn ngâm rượu hảo hạng hơn, tôi có thể kiếm quả, thân, lá và rễ cây thuốc phiện cho. Tuy nhiên đồ này không có sẵn, nếu muốn, có thể đặt tiền, cho địa chỉ, khi nào có hàng tôi gửi cho…”.
Một bình rượu ngâm thuốc phiện như thế này được bán với giá từ 1-2 triệu đồng.
Cũng theo người chủ quán tên V., có nhiều cách để chuyến hàng cho khách, nếu gần có thể chở bằng xe máy, xa sẽ đóng vào bao tải, gửi một số nhà xe quen, hàng nhất định sẽ tới nơi. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, loại cây thuốc phiện chưa qua ngâm rượu sẽ có giá 300 nghìn đồng/kg loại tươi, từ 1 – 1,2 triệu/kg khô.
Video đang HOT
Quả thật chuyện trò đến đây thì chúng tôi thật sự ngạc nhiên: Món hàng cấm này mà người mua không cần phải lên tận “thánh địa” mới mua được mà chỉ cần một cuộc điện thoại là sẽ được đáp ứng.
Có lẽ chính vì thế mà hiện ở bất cứ đâu, dân chơi cũng có thể sắm cho mình một bình. Thậm chí có thời báo chí còn rộ thông tin có những bình rượu ngâm thuốc phiện có giá cả trăm triệu đồng. Sở dĩ giá của nó được đội cao lên như vậy là do ngoài thuốc phiện, rượu ngâm đều là những loại rượu ngoại có tiếng, có giá “trên trời”…
Lạm dụng rượu ngâm thuốc phiện – quá nguy hiểm!
Có lẽ ai cũng hiểu rượu ngâm thuốc phiện là thứ độc dược hết sức nguy hiểm. Đã không ít người sau khi uống loại rượu này đã bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu. Tại xã bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái từng xảy ra vụ 6 “thần rượu” mất mạng khi cùng nhau uống rượu ngâm thuốc phiện “quá đà”.
Trước đó, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt quả tang Bùi Thị Hoa, trú tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tàng trữ 1.500 lít rượu ngâm thuốc phiện cùng hơn 2kg quả thuốc phiện. Với hành vi này, bị cáo Hoa bị tuyên phạt mức án 7 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Một đồng phạm khác cũng nhận mức án 3 năm tù treo với cùng tội danh.
Trước tình trạng buôn bán thân, cây, quả thuốc phiện diễn biến công khai, phức tạp, UBND tỉnh Yên Bái đã có chỉ thị về việc nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dung, cho tặng các loại thân, rễ lá, quả cây thuốc.
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái – cho biết, thực hiện kế hoạch 138, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh cùng với huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải kiểm tra rà soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện.
Tình trạng người dân trồng thuốc đã giảm nhiều; nhiều trường hợp sản xuất, buôn bán rượu ngâm thuốc phiện đã bị bắt, bị khởi tố. Nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều người vẫn bất chấp tất cả, để rồi khi nghĩ lại thì đã quá muộn…
Các bác sĩ khuyến cáo việc lạm dụng rượu ngâm thuốc phiện sẽ gây nghiện và tích tụ độc trong cơ thể.
Tìm hiểu về vấn đề pháp lý, chúng tôi nhận thấy một thực tế hết sức bất cập rằng những chất ma túy chỉ có trong nhựa thuốc phiện mà thôi, còn thân cây và đặc biệt là rễ nếu có cũng không nhiều nên không quy định xử lý những hành vi liên quan đến thân, rễ cây thuốc phiện.
Theo quy định, các đối tượng vận chuyển từ 5kg quả khô thuốc phiện trở lên sẽ bị khởi tố hình sự, trong trường hợp cơ quan Công an chứng minh được họ có mục đích mua bán. Điều đó có nghĩa là các trường hợp vận chuyển thân, rễ, lá thì chỉ xử phạt hành chính. Vì vậy, tình trạng vận chuyển, buôn bán rượu ngâm cây thuốc phiện vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thị hiếu và tin đồn về thần dược tráng dương từ loại rượu này đang ngày càng lan rộng tới các thành phố lớn.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái, việc sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán rượu ngâm thuốc phiện là vi phạm pháp luật. Không những thế, người sử dụng rượu ngâm thuốc phiện khi đưa đi xét nghiệm thì đều cho kết quả dương tính với ma túy, do đó chuyện bị nghiện rất có thể sẽ xảy ra.
Ngoài ra khi sử dụng loại rượu này rất có thể người dùng sẽ bị ngộ độc, hoặc tử vong. Chính vì vậy mọi người nên cẩn trọng, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về…
Uống rượu ngâm thuốc phiện sẽ dương tính với ma túy TSKH. Trần Công Khánh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền – cho biết: “Uống rượu ngâm thuốc phiện không thể giúp cường dương hoặc sinh con trai. Việc mọi người dùng cả thân, lá, hoa và quả… của cây thuốc phiện để ngâm rượu uống là rất nguy hiểm, bởi các hoạt chất gây nghiện của cây thuốc phiện tồn tại ở cả thân, lá, rễ. Điều nguy hiểm là uống rượu ngâm thuốc phiện chắc chắn cơ thể sẽ dương tính với ma túy, khi dùng nhiều cơ thể sẽ tích tụ gây độc. Khi uống rượu ngâm thuốc phiện, lúc đầu người uống thấy tỉnh táo, hưng phấn là do sự kích thích của moocphin có trong cây nhưng sau đó chất này sẽ gây ức chế kéo dài, sau đó sẽ làm suy giảm hệ tim mạch. Hơn nữa, ngâm rượu không biết liều lượng sử dụng hợp lý nên việc ngộ độc rất dễ xảy ra”.
Q.Đô – P.Gia
Theo Dantri
Bóng ma 'Tam giác vàng' trở lại
10 năm trước, Myanmar gần như đã tận diệt được các vườn trồng thuốc phiện và phòng chưng cất heroin tại 'Tam giác vàng'. Nhưng nay, thuốc phiện đã trở lại trên các sườn núi.
Một nông dân Myamar trên cánh đồng trồng thuốc phiện tại Tam giác vàng. Ảnh:New York Times
"Tam giác vàng" nằm ở phía đông Myanmar, là khu vực biên giới nối các phần đất hẻo lánh của quốc gia này với Thái Lan và Lào. Đây từng là trung tâm sản xuất heroin lớn nhất thế giới, chủ yếu do các trùm thuốc phiện Myanmar cung cấp.
Theo kết quả điều tra của Liên Hợp Quốc, từ năm 2006 đến nay, tốc độ trồng cây thuốc phiện tại Myanmar tăng gấp đôi, đạt mức 60.000 hecta. Tuy nhiên, con số trên cũng chưa đủ để phản ánh sự trở lại mạnh mẽ của ngành sản xuất heroin tại quốc gia Đông Nam Á này.
Một số chuyên gia cho biết, người nông dân tại khu "Tam giác vàng" mỗi năm trồng hai vụ thuốc phiện, nhưng vụ thứ hai không được tính vào kết quả điều tra của Liên Hợp Quốc. Mặc dù, trồng thuốc phiện bị coi là phạm pháp, người dân nơi đây cho hay, họ cũng không có sự lựa chọn nào khác.
"Chúng tôi không muốn trồng anh túc cả đời", New York Times dẫn lời anh Sang Phae, một nông dân 36 tuổi, nói. "Chúng tôi biết làm thế là có hại cho xã hội, các nước khác cũng chẳng thích thú gì, nhưng chúng tôi đã đến bước đường cùng". Sang Phae từng sống ở Thái Lan gần 10 năm, nay về nước với kỹ thuật trồng hiện đại.
Sản lượng thuốc phiện của Myanmar đứng thứ hai trên thế giới, kém hơn nhiều so với Afghanistan. Nhưng chất lượng heroin tại "Tam giác vàng" lại là cao nhất, có giá bán hơn nhiều so với heroin thường. Thuốc phiện là nguyên liệu chính sản xuất ra heroin. Thị trường tiêu thụ chính của heroin tại đây được cho là Trung Quốc.
Trong thập niên 80 của thế kỷ 20, Myanmar từng là quốc gia sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Nhưng đến đầu thế kỷ 21, theo yêu cầu của Trung Quốc, Myanmar nghiêm cấm người dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới hai nước trồng thuốc phiện. Từ đó, sản lượng heroin tại "Tam giác vàng" giảm mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất thuốc phiện không hoàn toàn biến mất. Các nhóm dân tộc thiểu số này rút khỏi vùng biên giới với Trung Quốc, chuyển xuống vùng núi phía nam. Những nhóm này liên kết với một số quan chức tham nhũng, đặc biệt là lãnh đạo binh đoàn dân quân và quân đội dân tộc thiểu số, vốn có mâu thuẫn với chính phủ trung ương.
Ông John Whalen, cựu giám đốc Văn phòng Chống Ma túy của Mỹ tại Myanmar, cho biết chính quyền trung ương vẫn đang chiến đấu với nhiều phiến quân dân tộc thiểu số, vì vậy rất thận trọng trên vấn đề chống ma túy, do lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với các binh đoàn dân quân.
Tại thôn Bang Laem, thuốc phiện được trồng sâu trong vùng núi, khu vực do lực lượng miền nam của quân phản loạn bang Shan khống chế. Tổ chức này cũng giống như rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác, muốn giành quyền tự trị từ chính phủ trung ương.
Khu vực trên được mệnh danh là "vành đai đen", bởi không chịu sự quản lý của chính phủ và cơ bản là cấm người nước ngoài. Một quan chức Liên Hợp Quốc cho hay, đầu tháng 12/2014, một viên cảnh sát chống ma túy bị bắt chết trong cuộc đọ súng với phần tử phản loạn tại đây.
Nông dân nơi đây cho biết họ bị mắc vào vòng quay kinh tế thuốc phiện đầy nguy hiểm, nhưng không có cách gì thoát ra. Theo đó, mỗi khi đến vụ thu hoạch, các thương lái trung gian lại đến đây mua thuốc phiện chưa gia công, nhưng hành vi mua bán này nhiều lúc là mang tính cưỡng ép.
Ngành sản xuất thuốc phiện hiện do một số lực lượng quân sự phản loạn kiểm soát. Ảnh: New York Times
Cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) đang triển khai dự án khuyến khích nông dân Myanmar chuyển đổi từ trồng thuốc phiện sang trồng cà phê. Dự án này từng thành công tại Peru trong việc chuyển đổi trồng coca, nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.
Tuy nhiên, tại Myanmar, các dự án chuyển đối giống cây trồng tương tự đã từng nhiều lần thất bại, đặc biệt là kế hoạch trồng kiều mạch và mía, bởi hai loại cây trồng này đều rất khó vận chuyển ra ngoài vùng núi do điều kiện đường sá kém.
Ông Jochen Wiese, giám đốc dự án chuyển đổi của UNODC, cho biết ông rất tự tin về khả năng thành công của ngành cà phê Myanmar, và sẽ sử dụng quan hệ cá nhân để tìm kiếm thị trường cho cà phê nước này.
Trong khi đó, người nông dân vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, dù tỏ thái độ sẵn sàng trồng thử cà phê. "Chúng tôi cũng muốn nhanh chóng chấm dứt việc trồng thuốc phiện. Nhưng nếu chỉ trồng mỗi cà phê thì chúng tôi không đủ ăn", chị Nang Wan, một người dân địa phương 23 tuổi, cho biết.
Cuối năm 2014, ông Wiese từng dành ra ba ngày để trả lời hàng loạt câu hỏi của người dân địa phương về dự án chuyển đổi giồng cây trồng, bao gồm giá cả của cà phê, kinh phí của dự án cũng như khả năng hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài.
"Chúng tôi không thể giải quyết vấn đề ma túy tại đây, nhưng phải chứng minh với người dân rằng việc thay đổi hoạt động kinh tế phi pháp là hoàn toàn có thể", Jochen Wiese chia sẻ. "Hiện nay, chúng tôi đang đi những bước đầu tiên".
Đức Dương
Theo New York Times
Hy hữu: Bộ tộc dùng... thuốc phiện đãi khách quý Nếu từ chối sử dụng thuốc phiện tại bộ tộc Bishnoi thuộc ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ, người khách đấy sẽ bị đánh giá là bất lịch sự, thậm chí mối quan hệ xấu đi thấy rõ. Bộ tộc người Bishnoi sinh sống tại sa mạc Thar thuộc bang Rajasthan miền Tây Ấn Độ từ lâu đời nay duy trì tập tục...