“Đột nhập” phòng khám, bệnh viện có tên “quốc tế” trên địa bàn Hà Nội (kì 1)
Khẳng định dịch vụ của cơ sở mình là nhất, chất lượng tốt, đáp ứng nhanh, với thiết bị hiện đại tối tân nhất…, nên không ít bệnh nhân và người nhà đến khám đã không ngần ngại móc hầu bao cho những dịch vụ khám bệnh tại các cơ sở này.
Dịch vụ nhanh, thiết bị hiện đại
Chỉ cần gõ cụm từ “bệnh viện quốc tế” trên google, công cụ này sẽ cho ra hơn 99 triệu kết quả trong 0,66 giây tìm kiếm liên quan đến bệnh viện quốc tế.
Các bệnh viện, phòng khám quốc tế đều có những lời quảng cáo “có cánh” rất hấp dẫn như “bệnh viện được đánh giá cao về cả chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ khách hàng với cơ sở vật chất hiện đại vượt trội, hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến, và đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức” hay “bệnh viện quốc tế hàng đầu tại Hà Nội”… Không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không ngần ngại móc hầu bao cho việc thăm khám tại những phòng khám, bệnh viện có từ “quốc tế”.
Bệnh viện Việt – Pháp được quảng cáo là bệnh viện quốc tế hàng đầu tại Hà Nội.
Trong vai người nhà có người thân cần được khám chữa bệnh, nhóm PV báo ĐS&PL được các nhân viên tại nhiều phòng khám, bệnh viện có tên “quốc tế” trên địa bàn Hà Nội tư vấn rất nhiệt tình.
Tại phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi được nữ nhân viên nhanh nhẹn tư vấn: “Chị cần em giúp gì không ạ? Các chị khám hay người nhà các chị?”, nữ nhân viên hỏi. Cứ thế, nữ nhân viên tư vấn cho chúng tôi 2 gói khám tổng quát của phía phòng khám. “Với gói khám thường, các bác sĩ nội sẽ trực tiếp khám cho chị. Về quy trình khám bao gồm: Xét nghiệm máu cơ bản, khám thận, gan… và xét nghiệm tầm soát các loại ung thư, chụp X-quang. Giá của bệnh nhân nam là 5.380.000, của bệnh nhân nữ là 6.910.000″.
Tiếp tục chia sẻ về gói khám tổng quát thứ hai, đây là gói khám mà theo như lời nhân viên giới thiệu đây là gói chuyên sâu: “Gói này sẽ thay chụp X-quang bằng chụp CT nhằm phát hiện những khối u nằm trong cơ thể. Chi phí của gói khám này đối với nam sẽ là 6.900.000, của nữ là 8.400.000″.
Video đang HOT
Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn bác sĩ nước ngoài khám trực tiếp thì nhân viên tư vấn ấp úng rồi “đẩy” sang cơ sở 1 nằm trên đường Thụy Khuê. Sau vài giây hỏi thêm đồng nghiệp và suy nghĩ, nữ nhân viên tư vấn chia sẻ: “Để em hỏi lại cơ sở bên Thuỵ Khuê. Nếu khám chuyên sâu cụ thể như khám chuyên về ung bướu thì mới có bác sĩ nước ngoài khám, còn lại các chuyên khoa khác chỉ là bác sĩ Việt khám mà thôi. Các bác sĩ đều là những bác sĩ chuyên khoa I trở lên, có kinh nghiệm lâu năm tại các bệnh viện lớn về đây làm, chị có thể đăng ký khám giáo sư”.
Bày tỏ sự lo ngại về trang thiết bị tại phòng khám quốc tế này, nữ nhân viên khẳng định: “Bệnh viện chúng em đều trang bị các thiết bị máy móc rất mới, cơ sở chúng em mới khai trương. Nếu so với máy của bệnh viện công thì có nhiều máy, thiết bị còn sử dụng cũ hơn bên em, để mà nói sẽ hiện đại hơn một số bệnh viện công như hiện giờ”.
Chi gần 1,2 triệu đồng chỉ để… gặp bác sĩ tư vấn?
Tiếp đó, chúng tôi đến bệnh viện Việt – Pháp, được quảng cáo là bệnh viện chuẩn quốc tế hàng đầu tại Hà Nội. Để hiểu rõ hơn quy trình thăm khám tại bệnh viện này, chúng tôi đã được nhân viên tại quầy thông tin ngay dưới tầng 1 tư vấn.
Trong vai người cần tầm soát ung thư và khám tổng quát, nữ nhân viên này chia sẻ: “Nếu chỉ đi kiểm tra và khám tầm soát ung thư thì chị sẽ khám bác sĩ nội đa khoa. Sau khi bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, siêu âm… nếu kết quả có vấn đề cần về một bộ phận nào đó thì sẽ về thăm khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa của bộ phận đó. Ví dụ như tầm soát ung thư về vú thì sẽ khám với bác sĩ sản khoa sau khi có kết quả… Còn nếu tầm soát ung thư về gan, ruột, tuỵ…, sẽ là bác sĩ Nội tiêu hoá. Khám nội đa khoa chỉ có bác sĩ người Việt khám, còn các chuyên khoa có bác sĩ nước ngoài và cũng có chuyên khoa cũng không có bác sĩ người nước ngoài”.
Nói về thời gian thăm khám, nữ nhân viên tư vấn cho biết nếu có đặt lịch khám trước, sẽ sắp xếp khám theo giờ hành chính. Còn chưa có hẹn trước thì phải chờ, phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đang có. “Chi phí khám là gần 1,2 triệu đồng dành cho phí gặp bác sĩ, chưa bao gồm các phí khác nếu có. Chỉ gặp bác sĩ để trao đổi thôi, còn xét nghiệm riêng, siêu âm chụp chiếu riêng”, nữ nhân viên này thông tin.
Hỏi đi hỏi lại về chi phí gặp bác sĩ vì sợ nghe nhầm, nữ nhân viên khẳng định chi phí gặp bác sĩ gần 1,2 triệu đồng này chỉ gặp để bác sĩ tư vấn khám gì, chỉ định sang các khoa nào để khám. Nữ nhân viên này nhấn mạnh: “Cứ mỗi một lần gặp bác sĩ của một chuyên khoa là một lần phí này. Chứ không phải một lần phí mà tất cả các khoa. Sau đấy xét nghiệm thì lại mất thêm phí”.
Thắc mắc thêm về phí chụp X-quang, nữ nhân viên này từ chối cung cấp: “Mình chưa gặp bác sĩ nên không tư vấn được. Em chỉ trao đổi về phí khám thôi, còn tất cả các phí kia mình phải gặp bác sĩ, bác sĩ chỉ định sử dụng dịch vụ gì thì khi đó bệnh viện sẽ trả lời và sẽ thông báo phí, còn bây giờ không trả lời phí”.
Một nữ nhân viên khác tại bệnh viện này cũng thông tin về thời gian nhận kết quả sau khi thăm khám: “Kết quả sáng khám thì chiều sẽ có, còn khám thêm đại tràng thì phải đợi lâu hơn có khi phải 5-7 ngày”.
Để có cái nhìn nhiều chiều hơn về các bệnh viện, phòng khám có từ quốc tế trên địa bàn Hà Nội, nhóm PV tiếp tục tìm đến một bệnh viện trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây, bày tỏ mong muốn được khám sức khoẻ tổng quát, nữ nhân viên này cho biết tuỳ vào nhu cầu của người bệnh mà có thể phí khám các gói sẽ khác nhau. Nếu khám bình thường chỉ khoảng 3 tiếng là xong.
“Trong tất cả các gói khám thì đều trả phí khám rồi, đều được gặp bác sĩ để tư vấn, mình làm đóng tiền trọn gói. Còn khám gì ngoài gói thì đóng tiền phát sinh thêm. Bác sĩ người Việt sẽ khám, khi có bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng giải quyết sau. Còn tất cả các dịch vụ trong gói khám đã rẻ hơn dịch vụ bên ngoài so với dịch vụ đăng ký khám như xét nghiệm sẽ đắt hơn trong gói này”, nữ nhân viên tư vấn.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “có bác sĩ nước ngoài khám hay không?”, nữ nhân viên khẳng định “ở đây không có bác sĩ nước ngoài khám”.
“Thực ra bác sĩ nước ngoài chưa chắc đã bằng Việt Nam đâu chị, thực sự chỉ là cái mác thôi, thực sự đấy. Quốc tế cũng chỉ là mang danh thôi, bệnh viện này cũng là mang danh quốc tế thôi, quan trọng là khám như thế nào, chất lượng khám như thế nào, có đông bệnh nhân hay không. Có đông bệnh nhân hay không là điều khẳng định chắc chắn nhất cho uy tín của bệnh viện chứ không phải cơ sở vật chất tốt, hay là dịch vụ tốt thì đây là một góc thôi. Khám có chất lượng lần sau bệnh nhân mới quay lại, ở đâu cũng như vậy”, nữ nhân viên khẳng định chắc nịch với chúng tôi.
Trước những chia sẻ của nhân viên tư vấn, chúng tôi ra về mà lòng vẫn thắc mắc về tên gọi quốc tế. Bởi tâm lý của người bệnh thường ở đâu có từ quốc tế là họ cảm thấy an tâm. Nhưng, ai quản lý về chất lượng của những phòng khám, bệnh viện có tên quốc tế? Ai chắc chắn rằng các bệnh viện, phòng khám đó đạt chuẩn quốc tế? Và tiêu chuẩn của một bệnh viện được gọi là quốc tế là thế nào?
Thanh Lam – Di Hân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 174
Theo doisongphapluat
Sở Y tế cấm các bệnh viện Hà Nội thu tiền người nhà bệnh nhân khi thăm, nuôi người bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc không thu tiền thăm nuôi người bệnh.
Về việc thu tiền người nhà bệnh nhân khi thăm, nuôi người bệnh, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Ngày 14/9/2014, Bộ Y tế đã ban hành văn bản 6352/BYT-KH-TC về việc chấn chỉnh việc thu tiền thang máy, tiền đi vệ sinh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện.
Ngày 21/8/2018, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 847/CT-BYT về giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó nhấn mạnh đến việc ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn ghế, giường, tủ cho các phòng khám, các phòng điều trị, đặc biệt lưu ý phải mua sắm bổ sung, thay thế các loại giường bệnh theo đúng loại giường đã kết cấu trong giá dịch vụ, đảm bảo quần áo, chăn, ga, gối, đệm cho người bệnh, áo cho người nhà người bệnh, sửa chữa khu vệ sinh đảm bảo sạch sẽ.
Sở Y tế cấm các bệnh viện Hà Nội thu tiền quần áo người nhà bệnh nhân, tiền đi cầu thang máy, vệ sinh...
Ngày 4/5/2019, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Trong đó cũng quy định rõ không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân do giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm các chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ đạo trong đơn vị nghiêm túc thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế. Niêm yết, thông báo công khai tại phòng khám, khu điều trị, khu vực thanh toán tiền dịch vụ y tế nội dung đơn vị không thu tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân, tiền đi cầu thang máy, tiền đi vệ sinh... của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra nội dung này lồng ghép trong các đợt kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện, kiểm tra đột xuất công tác khám chữa bệnh và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Theo afamily
Có gì tại An Việt "Bệnh viện 5 sao" giữa lòng Hà Nội "5 sao" - Khái niệm chỉ sự cao cấp không còn là mỹ từ chỉ dùng để áp dụng khi nhắc đến các khách sạn hay nhà hàng nổi tiếng. Tại Hà Nội, có một bệnh viện tư đã và đang áp dụng tiêu chuẩn "5 sao" vào dịch vụ của mình để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm y tế...