Đột nhập bến cảng di dân lẻn vào để nhảy xe tải, container tới Anh
Bóng tối buông xuống và những người di cư tuyệt vọng trườn ra khỏi những bụi rậm, cắt hàng rào dây thép gai, lao mình vào cảng Zeebrugge của Bỉ để tìm kiếm cơ hội tới Anh.
Theo The Sun, Zubrugge là thị trấn ven biển nhỏ của Bỉ – nhưng là trung tâm trung chuyển trên tuyến đường buôn người. Sau khi Pháp dỡ trại tị nạn Calais hồi năm 2016, những người di cư muốn tới Anh buộc phải chọn con đường nguy hiểm hơn từ bờ biển Bỉ.
Người di cư trườn trên bãi cỏ trốn lực lượng an ninh ở cảng Zeebrugge
Những ngày này, Zubrugge trở thành cái tên được truyền thông nhắc đến nhiều hơn khi gắn liền với vụ 39 thi thể được phát hiện chết trong container ở hạt Essex, phía đông London, Anh hôm 23/10.
Thùng container đông lạnh chứa 39 thi thể đi từ cảng Zeebrugge, Bỉ trên một chiếc phà của công ty Cobelfret Ferries, trụ sở ở thành phố Brugge, và cập cảng Purfleet ở hạt Essex vào lúc 0h30 sáng 23/10. Chiếc xe container chạy thêm gần 2 tiếng nữa trước khi tài xế phát hiện sự việc và báo cảnh sát.
Hai người di cư nằm trên bãi cỏ, chờ cơ hội để chạy vào cảng Zeebrugge
Theo ước tính, khoảng 800 – 1.000 người di cư đang có mặt tại Bỉ, đất nước chỉ cách bờ biển Anh 100 km, để chờ thời cơ sang “miền đất hứa” bằng cách vượt biển thông qua cảng Zeebrugge.
Một người di cư cho biết: “Ở đây, có nhiều cơ hội hơn để tới Anh bằng xe tải”. Người này nói thêm rằng, hàng đêm anh ta đều lẻn vào cảng để tìm cách trèo vào một chiếc xe tải hoặc thùng container chở hàng với hi vọng chiếc xe sẽ đưa mình tới “miền đất hứa”.
Những người di cư lượn lờ ở Zeebrugge, cố gắng lên các container và xe tải để tới Anh
Theo The Sun, những di dân phải cố tìm cách né tránh cảnh sát và chó nghiệp vụ rồi gấp rút băng qua đường ray xe lửa và lẻn vào những chiếc xe tải, thùng container. Những người khác cố chạy lên phà hoặc lẻn lên tàu để tới Anh và đây được xem là cách an toàn hơn cả.
Mặc dù cảng Zeebrugge có hàng rào dây thép gai bao quanh nhưng nó không ngăn được người di cư. Hàng chục lỗ vừa vặn cho một người chui vào cảng xuất hiện hàng đêm. Mặc dù lực lượng an ninh cố vá các lỗ hổng này nhưng chúng ngày càng nhiều hơn.
Lỗ hổng hàng rào dây thép gai do người di cư cắt để vào cảng
Mỗi đêm lực lượng an ninh bắt được ít nhất 20 người di cư nhưng những người này chỉ đơn giản là quay trở lại nơi họ bắt đầu và sẵn sàng thử lại vận may vào đêm hôm sau.
Những người di cư nói rằng họ không sợ hãi dù nghe về số phận khủng khiếp của 8 phụ nữ và 31 đàn ông đã chết trong container đông lạnh khi cố gắng vào Anh.
Theo danviet
Di dân bị lừa mua vé VIP tới Anh làm việc với mức lương 90 triệu đồng
Các di dân phải trả 30.000 bảng Anh (900 triệu đồng) cho những kẻ buôn người để mua vé VIP đến Anh làm việc với lời hứa hẹn về mức lương 3.000 bảng Anh/tháng (90 triệu đồng/tháng).
Di cư đứng nhìn về phía những chiếc xe tải tại một bãi đậu xe gần Calais, Pháp khi họ đang tìm cách nhập cư lậu vào Anh.
Một chuyên gia về vấn nạn buôn người Diep Vuong - Chủ tịch tổ chức từ thiện Pacific Links Foundation tiết lộ với Telegraph rằng, những kẻ buôn người máu lạnh nhắm vào những gia đình nghèo khổ đang cố gắng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và vẽ ra trước mắt họ viễn cảnh tới châu Âu làm việc với mức lương cao từ 3.000 bảng Anh mỗi tháng. Chúng cũng đảm bảo với các nạn nhân rằng, với vé VIP giá 30.000 bảng Anh, họ sẽ được đưa thẳng tới châu Âu với cung đường cực kỳ an toàn.
Thực chất công việc di dân sẽ làm nếu may mắn đặt chân được đến nước Anh là lao động cật lực trong các trại cần sa cũng như các tiệm làm móng.
"Vé VIP có nghĩa là bạn được đi bằng máy bay đến một quốc gia châu Âu như Pháp trong chặng đầu tiên của hành trình. Những người trả nhiều tiền hơn nghĩ rằng, họ đang đi tuyến đường an toàn hơn, nhưng nhìn chung mọi người đều gặp phải một số rủi ro nhất định và dường như họ không nhận ra điều này", Vương cho biết.
Lán trại tạm bợ trong một khu rừng của di dân đang chờ thời cơ vào Anh.
Tuy nhiên, chặng đầu tiên trong hành trình tới "miền đất hứa" của di dân lại không phải là chặng vất vả và nguy hiểm nhất. Chặng nguy hiểm nhất là chặng cuối khi di dân muốn vào Anh phải vượt qua biển Manche, chủ yếu bằng cách nhảy xe tải hoặc nằm im trong các thùng container chở hàng lạnh buốt được gọi là "quan tài di động".
Theo ước tính của Bộ Nội vụ Anh, khoảng 3.000 người tìm cách vượt biên trái phép, qua eo biển Manche để tới Anh, mỗi tháng. Trong năm 2018, nhà chức trách Pháp và Bỉ đã chặn bắt 35.000 vụ vượt biên trái phép với điểm đến là nước Anh.
Maddy Allen, người quản lý thực địa tại tổ chức Help Refugees, cho biết việc siết chặt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn người tị nạn di chuyển trái phép qua eo biển Manche để tới Anh sẽ chỉ gây tác dụng ngược, khi người nhập cư buộc phải chọn những tuyến đường nguy hiểm hơn để đến nước Anh.
"Các biện pháp an ninh ở Calais và Dunkirk đang ngặt nghèo hơn, người ta buộc phải chọn những tuyến đường khác. Tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu nhà chức trách biến những con đường an toàn trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn cho người nhập cư", bà Allen nói.
Theo danviet
Ảnh : Bên trong trại tị nạn trong rừng của di dân chờ vượt biên vào Anh Sống trong những chiếc lều tạm bợ giữa một khu rừng đầy bùn của Pháp, những di dân này đang chờ cơ hội vượt biên vào Anh để bắt đầu một cuộc sống mới, theo The Sun. Người di cư ngồi quây quần trong căn lều tạm bợ trong khu rừng ở Pháp Báo Anh The Sun cho biết, những di dân phải...