Đột kích xóm ’sư giả’
Cả xóm có khoảng 10 “sư”, họ là những người từ nơi khác tới đây trọ và hành nghề. Khi đi “làm ăn” khuôn mặt của các sư trông thật khổ hạnh và nghiêm trang, song khi về xóm trọ nhiều người không khác gì đàn anh, đàn chị với đủ món ăn chơi trên đời.
9 năm về trước, phong trào giả sư đi khất thực xin tiền, bán nhang hay quyên góp rộ lên. Tại khu phố 3 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nhanh chóng hình thành nên xóm sư giả và tồn tại đến giờ.
Giang hồ và cờ bạc
Người được xem là “ông tổ” sáng lập ra xóm giả sư đi khất thực là Tư Trầu. Theo như lời kể, Tư Trầu là người tu hành ở chùa dưới Đồng Nai. Năm 1992, ông rời bỏ nhà chùa về ngụ tại tổ 19, khu phố 3 hành nghề và thu nạp “đệ tử” gây dựng nên phong trào giả sư đi khất thực và bán nhang. Công việc làm ăn của Tư Trầu cùng các “đệ tử” ngày càng khấm khá, thấy vậy nhiều người xin gia nhập, tạo thành xóm giả sư đông đảo.
Năm 2000, Tư Trầu bị cơ quan công an bắt và khởi tố 3 năm tù về tội giả danh nhà chùa đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Sau khi ông bị bắt, hoạt động của xóm sư giả kín kẽ và ngày càng tinh vi hơn.
Chiều về, người dân quanh quán nhậu ông Hải trên con đường 16, khu phố 3 phường Hiệp Bình Chánh, ai cũng quá quen thuộc với hình ảnh ba vị sư (Huề, Thuận, Thắng) với cái đầu trọc vô tư ngồi chéo chân và cụng ly leng keng “giải mỏi” sau một ngày khất thực. Trong câu chuyện trên bàn nhậu của ba “sư”, mọi người có thể nghe các vị chia sẻ kinh nghiệm khi đi hành nghề. Làm thế nào để lấy lòng người nhanh nhất, cách đối phó với công an, cũng như kế hoạch tăng hai, tăng ba tiếp theo của các sư.
“Sư” cầm gạch tấn công, khi biết mình bị theo dõi.
Căn nhà 12/21 đường 16, khu phố 3, là địa điểm các sư trong xóm giả sư tập trung vào mỗi đêm để so tiền, đánh bài và nhậu nhẹt sau một ngày làm việc. Căn nhà này là của ông Nghĩa cũng hành nghề giả sư. Ngôi nhà được ông Nghĩa mướn lại của một người dân cách đây 10 năm, là nơi sinh sống của vợ cùng hai đứa con ông cho tới nay. Ông Nghĩa được mệnh danh là người ăn nên làm ra với nghề giả sư. Theo lời nhiều người dân sinh sống tại đây thì hiện tại ông Nghĩa đã mua được đất và chuẩn bị cất nhà tại Bình Dương.
Chúng tôi trong vai những người làm công quả từ quận 5 xuống kêu người lên làm việc cho nhà chùa có trả lương, chỗ ăn, chỗ ở đều miễn phí. Chị T. người bán quán nước đầu đường số 2 nói: “Ở đây nhiều “sư” lắm, nhưng đều là sư giả để đi lừa tiền không à, em mà kêu họ về coi chừng họ khiêng cả nhà chùa đi đó”.
Khuôn mặt hoảng hốt của sư khi bị công an sờ gáy
Khi phát hiện chúng tôi đang theo dõi và chụp ảnh hoạt động của các sư, người phụ nữ mặc bộ đồ màu xám, mặt hung hăng vừa chửi bằng những lời lẽ vô văn hóa vừa lăm le trên tay viên gạch để tấn công. Lối sống giang hồ, ăn nói thô tục khiến người dân nơi gọi “các thầy” là “dân bảy búa”. Mới nghe hỏi về các “sư”, chị L. can ngăn: “Nhắc làm gì với những người này, coi chừng họ mang gạch, và những thứ bẩn thỉu quăng vô trong nhà lúc đêm khuya đó”.
Video đang HOT
Vợ chồng ông Huề, bà Lan là những người nghiện đánh đề số một tại “xóm sư giả” này. Để có tiền chơi đề, hằng ngày cứ tờ mờ sáng hai vợ chồng dắt nhau đi khất thực xin tiền, được bao nhiêu về đốt hết vô những con đề may rủi. Chị K., hàng xóm ông Huề, nói: “Vợ chồng ổng có làm gì đâu, cứ đi xin tiền về đánh đề. Bà Lan thì mất rồi, còn ông Huề, nhưng ổng đang mắc bệnh HIV đó”.
Cánh xe ôm, người bán nước tại khu phố 3 ai cũng biết đến danh Hùng (tức Hùng Đại Dương) một tay đánh bạc nổi tiếng tại đây. Sẵn có máu cờ bạc trong người, nhưng lười lao động, Hùng làm mọi cách để có tiền phục vụ các ván bài đỏ đen của mình, từ vay mượn cho đến giả làm sư đi khất thực xin tiền.
“Sư” giả hoành hành, xấu mặt sư thật
Chúng tôi theo chân công an phường Hiệp Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bất ngờ kiểm tra và đưa về trụ sở làm việc hai đối tượng bị tình nghi là sư giả đang chờ xe buýt dưới chân cầu Bình Triệu. Khi vừa được yêu cầu về phường làm việc, các “sư” đều xưng là “sư cô” đi lên chùa làm công đức nên đi sớm.
Kiểm tra túi xách, phát hiện bộ quần áo cà sa, bát, điện thoại di động sang trọng và ví tiền đầy căng. Qua đấu tranh, hai đối tượng khai nhận tên là Tô Thị Nhân, SN 1963, ngụ tại thôn 2, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và Lưu Thị An, SN 1941, tạm trú tại 21B đường Kha Vạn Cân, Khu Phố 1, phường Hiệp Bình Chánh. Cả hai đều khai nhận hành nghề giả sư đi khất thực xin tiền.
Sư giả bị bắt lúc tờ mờ sáng
Thiếu tá Huỳnh Văn Dư – Trưởng Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nói: “Từ khi phát hiện nạn giả sư đang tồn tại trên địa bàn phường, chúng tôi đã ra quân xử lý để răn đe bằng các hình thức cảnh cáo đem ra kiểm điểm trước dân, tịch thu đồ nghề. Năm 2008 qua báo chí phản ánh chúng tôi đã phát hiện và đưa về trụ sở làm việc đối với 4 đối tượng giả sư trên địa bàn. Tuy nhiên cho đến nay, một số đối tượng vẫn còn lén lút hành nghề với hình thức ngày một tinh vi, cho nên rất khó để nhận biết.
Phần lớn những đối tượng này tạm trú ở phường và có giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên các đối tượng lại đi khất thực ở địa bàn khác nên việc phát hiện và xử lý là rất khó. Đối với những trường hợp này phải bắt tận tay mới có cơ sở xử phạt, do đó rất cần sự hợp tác thông tin từ phía người dân, cơ quan báo về hành tung hoạt động của sư giả. Người dân cần nâng cáo cảnh giác với nạn giả sư, không cho tiền, mua nhang từ thiện với những đối tượng này. Khi phát hiện sư giả đi khất thực trên địa bàn thành phố, người dân cần báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.”
Đồ nghề của sư giả
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM cho biết thêm: “Hội phật giáo TP.HCM cực kỳ phản đối nạn giả sư đi khất thực làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà chùa cũng như hội phật giáo. Hội cũng đề ra những biện pháp để hạn chế nạn giả sư đang hoạt động mạnh trở lại: Nói cho người phật tử biết đâu là sư thật và đâu là sư giả.
Phật tử muốn làm từ thiện thì nên tới chùa, hoặc tham gia quyên góp vào các tổ chức từ thiện, các chương trình vì người nghèo…. Tuyệt đối không cho tiền những người khất thực ngoài đường, làm như vậy là tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động mượn danh nghĩa nhà chùa đi làm những chuyện trái với đạo lý nhà chùa. Hội giao cho 24 ban đại diện có trách nhiệm, nếu phát hiện những người mặc đồ tu hành đi khất thực trên đường thì báo cho công an nơi gần nhất xử lý”.
Nghệ Yên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Theo chân sư 'giả' hành nghề 'giả sư'
Dậy từ sớm, bước ra khỏi nhà với quần áo bình thường, điểm tâm sáng bằng cà phê và bát cháo lòng, leo lên xe buýt, trong phút chốc, những người đàn ông, phụ nữ biến thành ... "sư".
4h30 phút, từ trong con đường số 2 khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, từng dòng người cả đàn ông lẫn đàn bà tuổi từ 30 đến 70 đi ra. Với bộ đồ xám, chân mang dép lê, đầu đội mũ vành che nửa mặt, tay xách túi đen, họ trông giống như những người lao động chân chính dậy sớm đi làm. Thế nhưng theo chị M., người bán nước lâu năm tại đây, đó toàn là sư giả, ngày nào cũng vậy, cứ 4h30 phút họ lại kéo nhau đi "làm ăn". Theo sự mách nhỏ của chị, chúng tôi quyết định theo hai người phụ nữ, một người chừng 30 tuổi và một trên 50.
Vừa mới bước ra khỏi hẻm, cả hai tấp ngay vào quán nước bên đường kéo ghế ngồi. Quá quen, người bán nước đem đến hai ly cà phê đen kịt cho hai "sư" ngồi nhấm nháp. Chị bán đồ ăn sáng bên cạnh không ai kêu, ai bảo, cũng bưng hai tô cháo lòng đặt lên bàn của hai người.
Sau cữ cà phê, ăn sáng, hai "sư" băng qua quốc lộ 13 chờ xe buýt
Sau chầu cà phê, ăn sáng, hai "sư" bước qua quốc lộ 13 sang bên kia đường và đi thẳng về trạm xe buýt giáp ranh giữa quốc lộ 13 và đường Kha Vạn Cân.
4h50 phút, tuyến xe buýt số 8 đầu tiên ghé vào, họ bước lên xe. Vừa lên, hai "sư" nhìn qua, nhìn lại và đi xuống ngồi hàng ghế sau cùng. Xe buýt lúc này không có một bóng người. Nhanh như cắt, hai sư lôi trong túi đen ra bộ quần áo cà sa màu vàng, ung dung ngồi thay đồ, lấy đôi dép tông, mũ cất vào trong túi xách. Sau ba phút hai phụ nữ đã biến thành những nhà sư mặt đầy khổ hạnh với cái đầu trọc, chân đất, tay cầm vòng tràng hạt, vai mang túi xách vàng và sẵn sàng xuống xe đi khất thực.
Chị Hảo, nhân viên soát vé xe buýt số 8 nói, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là gặp những người này. "Họ lên xe mà tự nhiên như ở nhà, cởi hết quần áo ra ngồi thay, không giữ một phép lịch sự hay ngại ngùng gì hết. Tất cả đều "sư giả" đi lừa thiên hạ lấy tiền đó".
"Sư" chờ xe buýt.
Sáng nào cũng đón tiếp hai "sư" này đầu tiên nên chị Hảo dường như nhớ từng khuôn mặt, dáng người của các vị. Nào là bà Mập, ông Minh, vợ chồng con bé... họ toàn là những người sức dài, vai rộng mà lười lao động.
Xe buýt tới trạm bưu điện Chợ Lớn trên đường Châu Văn Liêm quận 5, hai "sư" bước xuống xe. Lúc này có hai xe ôm đang chờ sẵn, họ leo lên và đi thẳng hướng bến xe Chợ Lớn. Tới bến xe chợ lớn, hai "sư" lên xe số 7 đi về hướng Gò Vấp. Xe buýt chạy hết đường Nguyễn Tri Phương tới đường 3/2 quận 10, hai "sư" đột ngột bước xuống và bắt đầu đi khất thực.
6h30 phút, dòng người đông đảo trên đường 3/2, ai cũng phải để mắt tới hình ảnh hai vị "sư" tội nghiệp, vẻ mặt trang nghiêm và đầy khổ hạnh, đi từng bước một, miệng lẩm bẩm đọc kinh. Quá quen thuộc, người dân hai bên đường, cô bán nước... khi thấy hai "sư" đi qua đều mang những đồng tiền lẻ bỏ vào bát đựng tiền và khấn lạy như muốn cầu mong may mắn tới mình trong ngày mới.
"Sư" khất thực trên đường 3/2 quận 10
Đang đi trên đường bỗng một chiếc xe Toyota thắng gấp tấp vào lề đường, một người thanh niên bước xuống móc ví bỏ vào trong bát hai tờ 50 nghìn. Và rất nhiều người đi xe máy trên đường cũng dừng xe và bỏ tiền vào bát của hai "sư". Khi nhận được tiền, hai sư không vội bỏ vào túi liền mà đi chừng 5 bước tay phải lấy tờ tiền nhét vào trong túi xách và tiếp tục đi.
Đi hết đường 3/2 tới vòng xoay Dân Chủ, hai "sư" lôi trong túi ra chai nước suối uống vội vàng. Vượt qua vòng xoay, hai "sư" hướng thẳng đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3. Tới ga Sài Gòn hai sư rẽ sang Nguyễn Thông. Trời lúc này đã về trưa, nắng gay gắt, bước chân của hai sư cũng nhanh hơn lúc ban đầu. Tới đầu đường Kỳ Đồng, hai "sư" bỏ hẳn dáng đi cúi đầu và bước thật nhanh về trạm xe buýt gần đó. Trên con đường hơn 6km từ 3/2, quận 10, xuống Kỳ Đồng, quận 3, có 112 người đã bỏ tiền vào bát của hai "sư".
Nhận tiền từ người đi đường
Anh Phú, người chạy xe ôm lâu năm tại cổng Ga Sài Gòn cho biết: "Mấy người sư này, không đi cố định một con đường. Để lấy lòng tin của mọi người, cứ một tháng, hai tháng họ mới đi lại trên đường cũ. Hai vị sư kia cả hai tháng nay mới đi ngang đây. Có hôm tôi chở khách xuống Bình Thạnh hay qua quận 7 gặp họ đi".
Chiếc xe buýt số 7 đưa hai "sư" về lại bưu điện Chợ Lớn. Bước xuống xe, hai "sư" bước như chạy tới quán cà phê cóc trong con hẻm 202 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5 uống nước và lột bỏ quần áo nhà sư ra. 30 phút sau, hai "sư" bước ra với bộ đồ màu xám như lúc sáng sớm. Họ bước qua đường đón xe buýt 56 về Bến Thành.
Vừa tới Bến Thành, hai sư nhảy lên lên xe 19 thẳng hướng Thủ Đức. Xe vừa qua cầu Bình Triệu, hai "sư" bước xuống và đi thẳng vào con đường số 2 và mất hút trong những mái là lụp sụp. Đồng hồ lúc này chỉ 12 giờ 30 phút.
"Việc khất thực của nhà sư gần như không còn, cũng không được cấp phép từ sau năm 1975. Những người mặc áo nâu sòng đi ngoài đường để xin tiền hiện nay đều là sư giả"- Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, khẳng định. Thế nhưng, tình trạng giả sư vẫn đang tồn tại dai dẳng và trở thành vấn nạn trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín nhà chùa, làm mất mỹ quan Thành phố.
Kỳ tới: Đột kích xóm "sư giả"
Nghệ Yên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cắt tóc, giả sư đi xin tiền Ông Kiệt cắt trọc tóc, mặc quần áo nhà sư, đeo tràng hạt đi bộ ngoài đường khất thực, xin tiền người dân. Chiều 14/8 khi đang mặc trang phục giả nhà sư để xin tiền tại phường Phố Cò, thị xã Sông Công, Thái Nguyên, Lương Tuấn Kiệt (48 tuổi, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) bị công an phát hiện, tạm giữ....