Đốt đời trên những chiếu bạc
Cuối năm là thời điểm những con bạc khát nước lại bắt đầu tụ bạ để sát phạt. Chẳng ở đâu mà những đồng tiền đỏ xanh được “lưu thông” nhiều như trên những chiếu bạc lớn. Lâu lâu lại thấy các cơ quan chức năng “vồ” được một đám “tín đồ” của những ván bài chẵn lẻ. Sới này bị triệt phá, sới kia bị lật tung nhưng xem ra vẫn chỉ là bắt cóc bỏ đĩa…
Ông trùm và vòng xoáy đỏ đen
Cái thời của Bảy Tuân (Phạm Văn Tuân), Nam Lễ (Nguyễn Nhất Nam) hay Sáu Sẹo (Nguyễn Bá Sáu) đã lùi vào dĩ vãng. Những ông trùm cờ bạc nổi tiếng này trước đây vài năm đã từng làm mưa, làm gió trong giới bài bạc nay ngậm ngùi gặm nhấm “nỗi căm hờn trong cũi sắt”. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến là người ta vẫn không khỏi choáng váng về khối tài sản khổng lồ với vài chục lô đất giá trị, nhà nghỉ nhiều như nấm, “vòi bạch tuộc” tài chính tín dụng đen rải khắp tỉnh Hà Tây (cũ) ngày đó. Sau khi ông trùm cờ bạc đất Bắc Bảy Tuân sa lưới nhiều người vỗ vai hỏi nhau rằng tiền ở đâu mà lắm thế? Câu trả lời chính là những sới bạc có số, đường dây tổ chức đánh bạc liên tỉnh và cung cách hốt tiền của các ông trùm sới.
Cờ bạc vốn là cái “vòng kim cô” vào thì dễ mà thoát ra thì vô cùng khó. Sới bạc cũng được phân cấp, có sới cấp cao, sới cấp thấp. Đánh nhỏ là cờ bạc “cò con”, dân cờ bạc nghiệp dư nói với nhau là ngồi “đổi tiền bồm”. Đánh lớn là cấp chuyên nghiệp và thường những sới bạc lớn được “mua bảo hiểm” được chống lưng bởi một “thế lực đen” núp trong bóng tối. Trong giới cờ bạc “tre già” thì “măng lại mọc”, ông trùm này sa lưới thì ông trùm khác lại chồi lên như một sự tiếp nối.
Nguyễn Văn Hưng, quê Mỹ Đức-Hà Nội vốn là một tay sống bằng nghề chia bài, xóc đĩa thuê cho các sới bạc. Mặc dù vậy, cách đây ít ngày Hưng đã phải bán nhà trả nợ, vợ chồng con cái đang phải đi ăn nhờ ở đậu nhà người quen. Tôi hỏi Hưng, sao đi làm thuê cho sới bạc mà phải bán nhà? Gã vò đầu kể: ” Mỗi đêm chia bài hay xóc thuê được trả công từ 1 triệu đến 1 triệu 500 ngàn đồng. Mỗi lần chủ sới trả tiền tôi lại vào sới bạc nhỏ để sát phạt. Máu đỏ đen cứ lớn dần, năm ngoái cắm sổ đỏ vay hơn 500 triệu đồng, không trả được bị đầu gấu đến xiết nợ nên bất đắc dĩ phải bán nhà”.
Những con bạc đang say sưa sát phạt
Trước khi đặt bút viết, tôi đã được nghe Hưng kể về sự khủng khiếp của những sới bạc lớn. Hưng bảo, đánh bạc bây giờ không chỉ là Đô la mà là những khối tài sản khổng lồ được mang ra đặt cược. Nhà cửa, đất đai, sổ đỏ, vàng bạc, kim cương vào những canh bạc một mất, một còn, được ăn cả ngã về không của các đại gia. Đã vào sới bạc nếu không thắng lớn thì phải lột sạch như chùi cơ may ra được khỏi cửa sới. Những canh bạc gọi là phá sản hay liều mạng như thế không còn xa lạ với những người say máu đỏ đen.
Xu thế tổ chức các sới bạc di động vẫn là phương thức phổ biến để thoát khỏi hệ thống “ăng-ten” bắt sóng của Công an. Các con bạc thường xuyên thay đổi địa điểm đặt sới. Khi các ổ cờ bạc nhận “đăng cai” chức “chủ nhà” thì ông trùm bản địa phải lo từ A đến Z. Từ khâu bảo vệ an ninh, vệ tinh thám thính, các “ngân hàng”, quán ăn di động được dịp “đấu thầu” để được vào sới. Thậm chí lo chỗ ăn ở, lo gái đẹp cho con bạc “viếng thăm” như một khách vip.
Video đang HOT
Nơi có địa hình phức tạp như núi rừng, vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh luôn là lựa chọn hàng đầu cho những “bữa tiệc” đỏ đen. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không lời” trở thành tiêu chí của các sới bạc di động với những mắt xích kết nối chặt chẽ với nhau để tạo ra một hệ thống khép kín từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, cũng có những sới bạc bám rễ ròng rã nhiều năm trời tại một địa điểm tỏ ra thách thức pháp luật, trước sự khó hiểu của nhiều người.
Đột nhập sới bạc Đại Phạm
Tôi đã được trực tiếp chứng kiến cách quăng tiền vào sới của những con bạc có nghề ở sới bạc Đại Phạm. Đại Phạm là một xã của huyện Hạ Hòa-Phú Thọ nằm giáp với huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái. Cách trung tâm thị trấn Hạ Hòa 18km, từ năm 2006, nơi đây đã “khai sinh” ra một sới bạc có tăm tiếng khắp vùng. Cũng vì sới bạc này nhiều gia đình đã phải bỏ làng ra đi do “đốt sạch” gia tài vào sới. Cắm xe, cắm đất, bán trâu bò, chó, ngựa để lao vào cuộc đỏ đen đầy may rủi.
Chiếu bạc đại gia giữa vòng quây của xế hộp
Sới bạc Đại Phạm là ngôi nhà 4 gian làm bằng gỗ trống hoác, nền nhà láng xi măng, phía trên là loại đèn chiếu sáng trỏ xuống và hai bên lắp hệ thống quạt gió. Trên cái nền láng xi măng được trải hai tấm thảm bằng nhung đỏ, mỗi tấm rộng chừng 80cm, người ngồi thành hai hàng hai bên mỗi bên ngồi chừng 30 con bạc còn lại là đứng. Trước khi vào được sới, tôi đã phải nhọc nhằn cầm cái chứng minh thư chạy đôn đáo đi cậy nhờ người đàn ông tên Ngọc. Ngọc “trọc” là con bạc quen thuộc của sới Đại Phạm nhưng anh ta lắc đầu vì chưa đủ tin cậy để bảo lãnh. Phải khó khăn lắm tôi mới được một người cầm đồ tên Liên bảo lãnh vào sới với cái chức danh cháu rể. Để gặp được bà Liên tôi lại phải nhờ vào “vở kịch” hoàn hảo mà một vị cán bộ hưu trí của Bộ Thông tin-truyền thông dàn dựng. Trước khi qua cửa phải nộp 200 ngàn đồng cho chủ sới và bị kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt.
Bà Liên bảo với tôi, mỗi ngày sới bạc mở hai canh, canh 1 từ 9 giờ sáng đến 12 giờ thì trưa kết thúc. Canh bạc thứ hai ấn định từ 13 giờ đến 16 giờ chiều. Những con bạc đến từ khắp nơi như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Yên Bái, các con bạc “chủ nhà” và đặc biệt sới Đại Phạm “hân hạnh” có sự tham dự của 4 con bạc người Trung Quốc. Những con bạc nước ngoài mang theo cả phiên dịch viên để thuận tiện cho những màn sát phạt.
Chuyên nghiệp hơn, sới bạc này còn bố trí lực lượng taxi đưa đón con bạc ở các nhà nghỉ từ thị trấn với tần suất liên tục vào sới. Bảo vệ đeo “hàng nóng” để thị uy và sẵn sàng dẹp yên các cuộc bạo loạn, xung đột xảy ra trong sới bạc. Hệ thống “chim xanh” được bố trí cắm chốt tất cả các con đường dẫn lên sới bạc có nhiệm vụ theo dõi, thông báo kịp thời qua bộ đàm về sới bạc nếu xảy ra điều bất thường. Khách vào chơi chỉ được mang theo tiền, các thứ khác đều bị giữ lại ngay cả điện thoại di động. Chỉ nhìn những chiếc xế hộp sang trọng, đắt tiền nằm trong bãi đỗ xe đã thấy quy mô của sới bạc to lớn đến chừng nào. Chỉ nhìn cách mà các con bạc quăng tiền như đổ khoai xuống tấm thảm nhung khiến nhiều kẻ đứng nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực, tim đập chân run.
Sau những tiếng bạc đầu còn dè dặt, các con bạc dần mạnh tay mở hầu bao “trút” tiền xuống sới. Thấy tiếng số tiền xuống tay lên đến hàng mấy tỷ đồng tôi không khỏi choáng váng. Những con bạc kình cựa nhau thách thức theo kiểu tay đôi vài trăm triệu đồng một tiếng bạc. Cả không gian im phăng phắc chỉ nghe thấy tiếng xướng “chẵn-lẻ”, tiếng quân xóc đĩa nhảy lách cách trong bát và tiếng thở dồn dập của những con bạc. Lân la hỏi bà Liên tôi mới biết rằng chủ sới Đại Phạm là “ông trùm” Thu người gốc Yên Bái, nơi đặt sới lại là đất của một người tên Hợp ở khu 3. Mỗi ngày tiền thu được từ sới bạc lên đến cả trăm triệu đồng với các khoản phí khác nhau.
Cứ tảng sáng là vùng quê nghèo này bị khuấy động bởi tiếng taxi chở con bạc lao như tên bay vào sới. Khi ánh tà dương dần khuất sau những dãy núi trùng điệp thì con bạc lũ lượt kéo nhau ra về trong bộ dạng ủ rũ, phờ phạc có kẻ cười, người khóc. 4 con bạc người Trung Quốc vác hai bao tải tiền trên vai, miệng xì xồ nói gì đó với nhau rồi chui tọt vào ô tô ra về. Bà Liên bảo: “Hôm nay là ngày bội thu của họ đấy, đỏ ơi là đỏ”.
Ấy thế mà theo như Ngọc “trọc” kể với tôi thì con bạc mới vào chơi những ngày đầu hôm nào cũng thắng lớn sau đó thì cứ thua dần rồi trở thành con nợ. Lý giải nguyên nhân này tôi hỏi Hưng, gã cũng lắc đầu không hiểu chỉ suy đoán mò: “Trong những sới bạc chuyên nghiệp nhất là những sới di động đám người lâu la như cầm đồ, cho vay nặng lãi, đồ ăn thức uống đều do người của chủ sới đảm nhiệm. Trong chuyện này có điều gì đó bất thường khiến con bạc vào sới đều không bao giờ tỉnh táo”.
Đặc tính của các sới bạc di động là thường xuyên trong tư thế sẵn sàng… chạy. Thế nhưng, có những sới bạc như Đại Phạm dù cơ quan chức năng địa phương nhiều lần cờ giong, trống mở đi “úp” nhưng vẫn không được dù ngày nào sới cũng đều đặn mở hai canh. Đó là sự “hết sức bình thường” ở huyện mà có hỏi cũng không thể có câu trả lời.
Cái vòng xoáy đen đỏ cứ càng được càng say, càng chơi càng mất, càng mất lại càng muốn gỡ. Rồi tiếp đến là cái dây thòng lọng nợ nần cứ siết chặt cổ họng những con bạc khát nước. Tôi cứ tự hỏi nếu những khối tài sản khổng lồ ấy họ phải đổ mồ hôi kiếm được thì chắc rằng sẽ chẳng mang ra đốt trên chiếu bạc như thế. Đó là lẽ đương nhiên!
Theo Báo Công Lý
Sát phạt lúc... nghỉ trưa
Thường ngày, vào những lúc nghỉ trưa giữa ca, công nhân Công ty KoDa và Soranno đường số 1, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM thường tụ tập trước tường rào đơn vị, túm tụm đánh bài... sát phạt nhau, đôi khi còn cự cãi, to tiếng (ảnh).
Hiện tượng này xảy ra từ lâu nhưng không thấy doanh nghiệp chủ quản và Ban quản lý KCN Tân Tạo nhắc nhở, chấm dứt hình ảnh không đẹp nơi đây.
X.Lệ
Đường lầy lội
Người dân trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Gò Vấp, TPHCM phản ánh khúc đường gần chợ Phạm Văn Bạch bị các tiểu thương lấn chiếm làm nơi buôn bán rồi xả rác dơ bẩn, hôi tanh. Không có hố ga thoát nước, người dân phải khơi rãnh ở giữa đường để nước từ trong chợ chảy đi, trời mưa tệ hơn bởi đường lênh láng nước, sình đất, bao ni lông và rác thải (ảnh).
Cũng trên con đường này, hẻm 503 nằm dọc hai bên bờ kênh thoát nước khá sâu từ sân bay Tân Sơn Nhất ra kênh Tham Lương không có rào chắn, không có biển cấm nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và trẻ em trong khu vực. Thiếu rào chắn còn tạo điều kiện cho người thiếu ý thức vô tư xả rác xuống kênh gây ô nhiễm và cản trở đường thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất.
Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
"Thiên đường casino": Hậu quả sau những cuộc chơi Sau những lần "sát phạt" thâu đêm suốt sáng, những "con bạc" đã từng có nhà cao cửa rộng, những tài sản quý giá và mái ấm gia đình ... bỗng chốc trở thành trắng tay. Tán gia bại sản Từ khi Campuchia miễn phí thị thực, số lượng người Việt sang casino nước Chùa Tháp này để "thử vận may" gia tăng...