Đốt đồ mã: cấm không được, phạt không xong
Được đánh giá là có chuyển biến tích cực, các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội dần đi vào nền nếp, song, trong hội nghị “mổ xẻ” những vấn đề của mùa lễ hội 6 tháng đầu năm 2014 vừa diễn ra sáng qua, 6-6 tại Bộ VH-TT&DL thì xem ra các nhà quản lý vẫn còn tiếp tục đau đầu bởi những “tồn tại phát sinh”.
Dù có quy định cấm đốt đồ mã nhưng lại không hề cấm sản xuất và vận chuyển
Lộn xộn là do… báo chí?
Theo thống kê của các địa phương, lượng du khách đến với các lễ hội đầu xuân năm nay tăng mạnh. Lễ hội chùa Hương-Hà Nội, 10 ngày đầu năm đón trên 30 vạn khách. Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh đón trên 8 vạn khách (dự kiến là 3 triệu khách trong năm 2014), Lễ hội Đền Hùng 5 triệu khách, bình quân 6.000 đến 7.000 người/ngày. Lễ hội Đền Trần, Phủ Giày Nam Định cũng đón trên 30 vạn khách. Năm nay, với việc siết lại công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự tại các lễ hội phần nào đã hạn chế hơn.
Theo ông Phạm Bá Khiêm- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ diễn ra vài ngày, có cả triệu lượt khách đến với Khu di tích cùng một thời điểm, dẫn đến quá tải, không thể tránh được tình trạng chen lấn xô đẩy. Nếu báo chí chỉ phản ánh lễ hội toàn chen lấn xô đẩy thì e hơi… một chiều. “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, thực tế đó phải chấp nhận, chứ không thể xem đó là hạn chế.
Ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn- Hà Nội phân trần chuyện thịt thú rừng treo bán nơi cửa Phật. Trong mùa hội 2013, Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn đã vận động các hộ kinh doanh không treo thịt bên ngoài cửa hàng nữa, tránh mất mĩ quan, phản cảm. Đã có nhiều hộ kinh doanh chấp hành, đóng tủ lớn cả chục khối để treo thịt, rồi làm kính mờ…nhưng vẫn bị cho là phản cảm.
Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết thêm, vì đây không phải thịt thú rừng, không thể dẹp bỏ, cũng không thể xử phạt được mà chỉ vận động, tuyên truyền. Bên cạnh đó còn là nhu cầu của người đi trẩy hội. Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt chừng nào người đi hội không có nhu cầu ăn nữa mà thôi.
Video đang HOT
Ngay cả ông Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật cũng có đôi điều mong muốn với báo chí, rằng ít… soi mói đi và nên động viên kịp thời những việc tốt việc hay mà ngành văn hóa đã và đang làm tốt.
Lúng túng xử lý đốt đồ mã
Ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nêu thực trạng, trong quá trình kiểm tra lễ hội cùng các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, việc đốt đồ mã vẫn diễn ra thường xuyên và liên tục, bất chấp quy định cấm không đốt đồ mã tại nơi công cộng. Nhiều giá hầu đồng rất lớn. Voi ngựa bày tràn lan và đốt vô tư. Ông Phạm Xuân Phúc bức xúc khẳng định, các “đại lễ” này người dân bình thường không thể đủ tiền mà làm được. Chắc chắn là của những người giàu có hoặc quan chức. Trái ngược với ý kiến đề nghị báo chí ít soi mói thì Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL lại đề nghị báo chí phải vào cuộc, điều tra xem các giá đồng “khủng” kia là của ai để dư luận tường tận. Hiện các quy định về đồ mã đang “rối như mớ bòng bong”. Nghị định 103 cấm đốt đồ mã nhưng lại không cấm sản xuất, không cấm vận chuyển. Nghị định 158 mới đây lại cũng chỉ xử phạt khi đốt không đúng nơi quy định, nhưng nơi nào là nơi quy định thì không hề giải thích.
Hơn 1 tháng trước, Bộ VH-TT&DL đã giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu Đề án quản lý đốt đồ mã. Điều đó cho thấy, đốt đồ mã đang đi quá giới hạn và trở thành vấn đề “ nóng” gây lãng phí lớn. Tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra bàn thảo thì nhiều nhà khoa học lại lắc đầu vì để “cấm tiệt”, triệt tiêu tận gốc thì khó hơn… lên trời. Tiến sĩ Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam giải thích, cần tiếp cận với chuyện đốt vàng mã như là hiện tượng văn hóa, xã hội, một hình thức thực hành nghi lễ của người dân, có hiện tượng, có sai lệch thì cần phải điều chỉnh hành vi. Theo đó, giải pháp tốt nhất vẫn phải là tuyên truyền, bắt đầu từ việc trao đổi với các cơ sở thờ tự, vận động các sư trụ trì, thủ nhang, từ đền vào cuộc vì họ là những người có khả năng hướng dẫn những người thực hành đúng nghi lễ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho rằng, để các nghi lễ không bị lạm dụng, gây lãng phí là chuyện không đơn giản. Thêm nữa, đối với lĩnh vực văn hóa không nên chỉ sử dụng các biện pháp hành chính đơn thuần, vì nếu cứ quy tắc quá sẽ lợi bất cập hại. Cần có cách làm mềm dẻo, giáo dục thuyết phục người dân từng bước thực hiện.
Đau đầu vì xã hội hóa
Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị đưa ra bàn thảo sôi nổi là chuyện xã hội hóa khi mặt trái của công tác, tưởng như tích cực này dần bộc lộ.
Các Ban Quản lý di tích danh thắng đang rất lúng túng trước việc nhiều cá nhân cung tiến hiện vật vào di tích. Đa phần các hiện vật được cung tiến là sư tử đá, tượng Phật, tượng thánh, tượng Quan âm Bồ tát bằng thạch cao, lọ lục bình, đèn thờ kiểu Trung Quốc, Đài Loan. Đương nhiên, chẳng cán bộ di tích nào lại không biết, việc đưa hiện vật mới vào là trái quy định của Luật Di sản Văn hóa, làm sai lệch hồ sơ gốc, chưa kể những hiện vật đó trái với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa người Việt. Ai cũng biết cả, nhưng tại sao vẫn tồn tại và phát triển ngày một nhiều? Đó là vì nể nang! – ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai khẳng định. Không lẽ một quan chức cấp tỉnh, về địa phương cung tiến hiện vật mà BQL di tích lại từ chối. Vì thế, theo ông Sơn thì BQL các di tích mà “được” cung tiến này rất khổ, từ chối không xong, nhận thì kiểu gì cũng bị ngành văn hóa phạt, báo chí phản ánh. Đã trót nhận rồi thì cũng không có cách nào bê đi, bởi hiện vật đó đã được “thiêng hóa”.
Ông Nguyễn Hữu Sơn đưa ra giải pháp, những đồ cung tiến như thế nên có riêng một nơi để chứa, vừa để không mất lòng, vừa giữ được sự uy nghiêm cho di tích gốc. Đại diện Sở VH-TT&DL Nam Định cho biết thêm, thực tế rất nhiều trường hợp người dân mong mỏi được cúng tiến hiện vật vào đền, chùa nhưng nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc tiếp nhận hiện vật, cũng chính vì sự lấn cấn này đã dẫn tới các hành vi xâm hại tới chính di tích như đặt bia ghi danh công đức ở khắp nơi.
Theo ANTD
Sẽ trả giá đắt nếu còn buông lỏng
Hôm qua, 6-12 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo "Kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích". Tất cả những bất cập trong hoạt động quản lý di sản, những mâu thuẫn mới phát sinh, trình độ cán bộ quản lý di tích, thói sính ngoại, đưa "hiện vật lạ" vào di tích... đều được các đại biểu tham dự thẳng thắn nhìn nhận và thừa nhận là hậu quả của thời gian dài buông lỏng quản lý.
Chùa Tam Bảo, Tứ Liên, Tây Hồ với đôi rồng ngự
"Tiền nhiều thì chăm, không tiền thì mặc"
Đó là sự thật! Mà sự thật đôi khi lại rất cay đắng. Thế nhưng cái sự cay đắng này đang hiển hiện ở rất nhiều di tích, nơi thờ tự, những nơi mang đầy yếu tố tín ngưỡng và tâm linh, vốn xưa nay ít liên quan tới danh, tới lợi và rất xa những ồn ào, xô bồ trần tục. Ngay trong "Dự thảo Hướng dẫn kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích", Cục Di sản Văn hóa thẳng thắn thừa nhận, đã xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn thu giữa Ban Quản lý di tích với chính quyền địa phương và với cả người trực tiếp trông nom di tích (sư trụ trì, ông từ...). "Nguồn thu" là căn nguyên của việc nảy sinh nhiều phức tạp. Bên cạnh đó, còn có một sự thật rất đáng buồn nữa là, một số di tích không có nguồn thu thì đương nhiên ít được quan tâm chăm sóc, thậm chí là bỏ lửng.
Xin được nhắc lại sự việc ở chùa Chân Long. Chỉ đến khi chuyện sư thầy Thích Minh Phượng lộng hành, thay đổi yếu tố nguyên gốc trong di tích, dư luận ầm ĩ, khi lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội xuống kiểm tra thì mới ngỡ ngàng phát hiện ra rằng, kể từ năm 1991, khi chùa được xếp hạng, UBND huyện Thạch Thất không hề thành lập Ban Quản lý di tích (trực thuộc xã Chàng Sơn quản lý), dù điều này đã được quy định đối với mỗi di tích được xếp hạng quốc gia. Sự việc chùa Chân Long là điển hình cho sự buông lỏng và bỏ lửng của chính quyền địa phương (được giao phân cấp quản lý), nhưng cũng có rất nhiều di tích được xếp hạng, có Ban Quản lý hẳn hoi, thành phần là lãnh đạo xã kiêm nhiệm nhưng rồi cũng... mặc. Mặc cho cộng đồng và những người được cộng đồng cử trông nom di tích tự động sắp đặt nội thất, dựng tượng, đúc chuông, tùy tiện tu bổ, cổ vật bị mất cắp, bị đánh tráo, bị "cung tiến", nội dung của di tích cũng bị giới thiệu sai lệch...
Theo số liệu mà đại diện Sở VH-TT&DL Bắc Giang đưa ra thì di vật ở đình, đền, chùa của tỉnh này có tới 30% bị thay mới. Còn đại diện của Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình thì cay đắng thừa nhận, rằng chúng ta đang phải trả giá đắt cho việc bấy lâu nay buông lỏng. PGS.TS Trần Lâm Biền cũng xót xa nói, chúng ta xưa nay vẫn bị ám ảnh rằng, di sản văn hóa là những kiến trúc gắn với tôn giáo tín ngưỡng và thuận theo cách ứng xử với tín ngưỡng hơn là với một di sản văn hóa.
Sư tử đá dữ tợn canh cổng đình, chùa
Ai mới là chủ nhân di sản?
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, hiện tại đang có sự nhầm lẫn trong việc xác định chủ nhân thật sự của di sản. Cả nghìn năm nay, chùa là của làng, giờ bỗng dưng thành chùa của sư. Sự sai lầm này là lý do khiến những người quản lý việc lễ bái trong các di sản tự cho rằng họ là chủ nhân và tự cho phép mình đứng ngoài vòng pháp luật khi tiến hành sửa chữa thay đổi kết cấu, kiến trúc, sắp xếp lại, làm cho giá trị kiến trúc trở nên méo mó thảm thương. Nào là chùa Việt lại có những hai tầng; rồi không hiểu cớ gì ngoài sân chùa xây cả bình phong, điều này trái ngược với giáo lý nhà Phật. Bình phong xưa nay vốn xây để chắn tà ma, quỷ dữ. Phật giáo hóa cả quỷ dữ thì sao phải chắn. Đấy còn là chưa kể nạn mất cắp cổ vật, mất rồi cũng không biết quy trách nhiệm cho ai.
Vì thế đã đến lúc cần phải xác định được hiện vật nào quý giá và giao cụ thể việc trông nom, bảo quản cho một tổ chức cá nhân cụ thể, không thể chung chung như hiện tại, bởi sự đời xưa nay vốn "cha chung không ai khóc". Các ý kiến đưa ra tại hội thảo cũng tập trung vào việc bồi dưỡng chuyên môn sâu cho các cán bộ quản lý di tích, vì nếu không hiểu thì không thể trông coi và bảo vệ một cách tử tế được. Chùa Vàng, huyện Gia Lâm từng có chuyện, người dân đến hè nhau khênh tượng cũ xuống, rồi định đưa cả chục bức tượng mới lòe loẹt lên. Đơn giản, họ nghĩ, tượng mới thì đẹp hơn tượng cũ, mà không nghĩ đến giá trị. Và để chấn chỉnh lại việc quản lý di tích, xây dựng hệ thống quản lý, ứng xử văn minh, điều quan trọng nhất là những người trực tiếp quản lý phải hiểu về di tích như thế nào chứ không phải xây dựng ban quản lý nọ, tổ bảo vệ kia. Việc phân cấp quản lý như hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi gần như "khoán trắng". Kể cả phân cấp thì các đơn vị quản lý cấp trên vẫn phải có trách nhiệm thường xuyên tư vấn, giám sát, chấn chỉnh các hành vi sai phạm gây ảnh hưởng tới di tích. Ví dụ như việc đòi trả danh hiệu di tích ở làng cổ Đường Lâm hoặc vụ xâm hại chùa Trăm Gian ở Hà Nội mới xảy ra gần đây. Lúc này không thể phó mặc cho ban quản lý hoặc huyện, tỉnh... tự xoay xỏa mà cần sự vào cuộc chia sẻ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn của cả hệ thống.
Ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng cần phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc trông nom và gìn giữ di tích. Theo ông Tân, cần phải thay đổi đội ngũ này theo hướng có đào tạo, chuẩn hóa kiến thức về di sản thay vì kiểu "cha truyền, con nối" hay vì tư lợi cá nhân tự phát như tại nhiều di tích hiện nay. Cùng đó phải xây dựng chế độ cụ thể để người trông nom di sản ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm với di tích.
Theo ANTD
Rủi ro "bổ đầu" di tích: Sự lai căng đáng sợ Sự việc sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long - Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội tự ý thay đổi hệ thống tượng Phật và đồ thờ tự tại di tích được xếp hạng quốc gia đã khiến dư luận bất bình. Thế nhưng, nếu rà soát lại trong hệ thống các di tích trên địa bàn Hà Nội,...