‘Đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước’
Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM ngày 2.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh Đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước.
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại điểm Cư xá Nguyên Hồng (P.11, Q.Bình Thạnh) ngày 1.7 . ẢNH: HV
Theo đó, có thời điểm TP.HCM ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày. Qua phân tích các ca nhiễm từ 19.6 – 30.6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày. Điều đó cho thấy, các biện pháp đang triển khai đã từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng.
Đồng thời cũng phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh, nhất là khi biến thể Delta được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
TP.HCM siết chặt biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý có khả năng số ca nhiễm vẫn còn tăng trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29.6 đến 10.7 như: tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận, huyện, TP.Thủ Đức; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân được tiêm vắc xin Covid-19…
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (đứng) kết luận tại cuộc họp sáng 2.7 .ẢNH: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM
Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, ông Phong yêu cầu phải thực hiện giãn cách triệt để, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với năng lực tại địa phương.
Lãnh đạo TP.HCM cũng lưu ý rằng mọi trường hợp tham gia hỗ trợ xét nghiệm phải được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng, tránh tình trạng có trường phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, khu công nghệ cao TP.HCM cần phối hợp với Sở Y tế hoàn thành đánh giá, thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly trước ngày 5.7; vận động doanh nghiệp thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã có phương án mở rộng và xây dựng thêm các khu cách ly trên địa bàn, đồng thời đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị.
Trưa cùng ngày, Bộ Y tế công bố TP.HCM ghi nhận mới 151 ca nhiễm Covid-19. Tính riêng từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 4.571 ca nhiễm Covid-19.
TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 đến khi nào?
Hàng loạt dịch vụ không thiết yếu đã dừng hoạt động gần 1 tháng qua nên người dân rất quan tâm đến việc những ngày tới có nới lỏng dịch vụ nào, TP.HCM có tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 hay không?
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM . ẢNH: SỸ ĐÔNG
Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tối 28.6 về vấn đề được người dân quan tâm là sắp tới, TP.HCM có áp dụng giãn cách xã hội hay không, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 ngày 19.6.2021.
Theo ông Đức, Chỉ thị 10 không nêu cụ thể thời hạn thực hiện. Tại buổi họp báo, ông Đức cũng cho biết TP.HCM yêu cầu các quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường thực hiện, kiểm tra các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM.
Chỉ thị 10 được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ban hành tối 19.6 nhằm siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 15 trên địa bàn trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh.
Chợ tự phát phải giải tán khi thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM . ẢNH: ĐỘC LẬP
Chỉ thị 15 được UBND TP.HCM áp dụng từ ngày 31.5 đến ngày 15.6; sau đó gia hạn thêm 14 ngày, từ ngày 15.6 đến ngày 29.6. Đến tối 19.6, TP.HCM ban hành thêm Chỉ thị 10 với nhiều giải pháp trọng tâm, nhưng chỉ thị này không nêu thời gian áp dụng.
Cụ thể, Chỉ thị 10 yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát, dừng hoạt động giao thông công cộng; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 10, các cơ quan nhà nước ở TP.HCM ngừng nhận hồ sơ trực tiếp, bố trí không quá 50% cán bộ, công chức ở trụ sở...
Cửa hàng thời trang, điện máy ở TP.HCM vẫn mở cửa bất chấp lệnh cấm Dù UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 và Sở Y tế có hướng dẫn về việc phòng chống dịch Covid-19 nhưng cửa hàng vẫn phớt lờ lệnh cấm, mở cửa đón khách như ngày thường. Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về việc siết chặt và tăng cường các biện...