Đồng yen của Nhật Bản mất giá mạnh nhất trong 24 năm
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 14/7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm.
Đồng yên của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Mở cửa phiên giao dịch tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền là 137,61-66 yen/USD, giảm so với mức đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7 là 137,04-05 yen/USD. Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá này đã có lúc giảm xuống 137,99-138 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/1998.
Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen giảm mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi nhiều khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vào các ngày 27-28/7 tới để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Trước đó một ngày, Cục Thống kê lao động Mỹ thông báo trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1981 và cũng là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này tăng ở trên mức 8%. Đáng chú ý, trong tháng 6, giá xăng ở Mỹ tăng tới 59,9%, trong khi giá điện và giá lương thực tăng lần lượt là 13,7% và 10,4%. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp thường kỳ tháng này để kiềm chế lạm phát. Trước đó, FED thực hiện 2 đợt tăng lãi suất, trong đó lần tăng gần nhất là tháng 6 vừa qua với mức tăng 0,75%, cao nhất kể từ năm 1994.
Ở chiều ngược lại, trong phiên họp thường kỳ tháng 6, Hội đồng Chính sách BoJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi dài hạn ở mức khoảng 0%. Nhiều khả năng BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ này, nhất là khi hôm 11/7, phát biểu sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết tiếp tục di sản của cố Thủ tướng Shinzo Abe – người chủ trương theo đuổi chính sách tiền tệ lỏng để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản.
Phản ứng trước sự mất giá của đồng yen, thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm nhưng mức giảm khá thấp. Sau 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số Nikkei-225 giảm 0,21% so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước xuống còn 26.423,75 điểm, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 0,44% xuống còn 1.880,57 điểm. Các cổ phiếu giảm giá là bảo hiểm, ngân hàng và khai khoáng.
Giá USD hôm nay 12.7.2022: 'Sóng' tăng vẫn tiếp diễn
Giá USD sáng 12.7 trên quốc tế tiếp tục tăng lên mức đỉnh kéo theo giá USD trong nước đi lên.
Sáng 12.7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.183 đồng/USD, tăng 13 đồng so với hôm qua. Trong khi đó, ngân hàng Eximbank giảm 10 đồng, đưa giá mua vào xuống 23.230 đồng/USD và bán ra là 23.450 đồng/USD; ngân hàng Vietcombank giữ nguyên giá mua vào 23.180 đồng/USD và bán ra 23.490 đồng/USD. Giá USD tự do tăng thêm 70 đồng, lên giá mua là 24.120 đồng/USD và chiều bán ra lên 24.220 đồng/USD.
Giá USD vọt tăng lập đỉnh từ đầu năm đến nay. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng. Nếu so với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2019 (trước Covid-19), tỷ giá USD/VND cũng mới chỉ tăng 0,8% so với mức mất giá 20,8% của THB, giảm 11% của INR hay thậm chí giảm 3,9% của SGD, cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua...
Chỉ số USD-Index trên thị trường thế giới nhảy vọt lên 108,17 điểm, tăng 1,16 điểm so với hôm qua. Đồng bạc xanh tiếp đà tăng cao và hiện đổi được 0,9948 euro hay đổi được 137,38 yen - là mức cao nhất kể từ cuối năm 1998. Trong phiên đầu tuần, tỷ giá USD-JPY biến động mạnh nhất. Đồng yen đặc biệt chịu sức ép do lãi suất tại Mỹ cao và kết quả bầu cử cuối tuần qua tại Nhật Bản cho thấy khả năng chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được duy trì. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, Mỹ liên tục nâng lãi suất năm nay. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen gần đây yếu đi. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã rời bỏ tài sản rủi ro và tăng cường nắm giữ đồng USD trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn...
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 10/7: Đồng USD tăng giá rõ rệt Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức giảm nhẹ 0,24%. Tuy nhiên, trong tuần qua, đồng bạc xanh bật tăng mạnh ở mức 1,67%. Ảnh minh họa. Tỷ giá ngoại tệ thế giới Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 106,90....