Đồng ý với đề xuất nới chính sách “chỉ sinh 2 con”
Hội đồng thẩm định dự án Luật Dân số của Bộ Tư pháp vừa đồng ý với đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con; nhưng Nhà nước khuyến khích chỉ sinh đến 2 con.
Bộ Y tế đề xuất quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. (Ảnh minh hoạ)
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp thẩm định dự án Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo. Đa số ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định đã tán thành về sự cần thiết phải xây dựng Luật Dân số, nhưng cũng lưu ý một số vấn đề quan trọng.
Cụ thể, về duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con mà theo đó các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định – bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ ý kiến trên để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng Luật, nhằm nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định trình lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, ký ban hành.
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật Dân số sẽ được lấy ý kiến và trình ra Quốc hội sắp tới, trong hai phương án ( Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con; Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định), Bộ Y tế ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái.
Video đang HOT
“Khi trình hai phương án, Bộ Y tế đã tính toán đến ưu điểm, hạn chế cho thấy phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn chứ chưa khẳng định”- ông Quang nói.
Theo đó, phương án 1 có 4 ưu điểm gồm: đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền sinh sản nhưng lại hạn chế nguy cơ bùng nổ dân số trở lại và chưa có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm sinh nhiều con và phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.
“Phương án 1 rất linh hoạt, mềm dẻo. Dù các cặp vợ chồng được quyết định số con, nhưng nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con. Hơn nữa mỗi giai đoạn từng địa phương lại có quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế, không phải tuỳ tiện sinh 3 – 4 con mà cần giảm sinh ở những tỉnh có mức sinh cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít để kéo dài được giai đoạn dân số vàng”- ông Quang phân tích.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ Tư pháp ủng hộ quy định "hiến máu là tự nguyện"
Dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa nhận được ý kiến đồng thuận từ phía Hội đồng tư vấn thẩm định Bộ Tư pháp nhưng được yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện vận động hiến máu, quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu của người...
Một buổi hiến máu tình nguyện (Ảnh minh hoạ)
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, cuộc họp thẩm định dự án Luật về máu và tế bào gốc do bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định chủ trì.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định Bộ Tư pháp đều tán thành về sự cần thiết đề nghị xây dựng Luật về máu và tế bào gốc.
Các thành viên trong hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Y tế - cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự án luật, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện vận động hiến máu và tế bào gốc từ người; quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu của người; quản lý, sử dụng tế bào gốc của người; xuất khẩu, nhập khẩu máu, chế phẩm máu và tế bào gốc của người vì lợi ích sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quyền con người; khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với máu và tế bào gốc hiện nay.
Đồng thời cơ quan soạn thảo cần xây dựng luật theo hướng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội, từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác liên quan đến máu và tế bào gốc. Bảo đảm tính dự báo cao trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến máu và tế bào gốc. Các giải pháp đưa ra phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định về từng vấn đề để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng luật, nhằm nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định trình lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, ký ban hành.
Trước đó, báo cáo đánh giá tác động của dự án luật gửi tới Bộ Tư pháp nêu ra hai giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu: Giải pháp thứ nhất, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định không thể bắt buộc hiến máu vì nó liên quan đến quyền con người. Trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế cũng chưa đề cập gì tới đề xuất công dân bắt buộc hiến máu 1 lần/năm. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. "Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn, quá lãng phí. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này"- ông Quang nói.
Theo ông Quang, việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh và tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, đạt 1,52% dân số hiến máu.
Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.
Ông Quang cho biết, sau khi xem xét về khía cạnh quyền con trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, so sánh với giả định hiến máu bắt buộc tốn kém và nhiều bất cập, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện.
Hiện nay, để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện. Mục tiêu đặt ra sẽ đạt được 2% dân số tham gia hiến máu thì sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân cần máu.
Thế Kha
Theo Dantri
Người đứng đầu Tổng cục dân số trần tình về nới lỏng sinh con Trước thông tin cho rằng, Bộ Y tế đang khuyến khích người dân "sinh thoải mái", ông Nguyễn Văn Tân - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), Bộ Y tế chỉ đề xuất chính sách "nới lỏng chính sách kiểm soát để giữ mức sinh thay thế". Theo ông Tân, mức sinh thay thế nói nôm...