Đồng USD dần vắng bóng trong giao thương Nga – Trung Quốc
Trong một dấu hiệu cho thấy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/5 cho biết tỷ trọng của đồng ruble và nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch thương mại song phương đã vượt 90% và tiếp tục tăng.
Đồng ruble của Nga và đồng đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Putin nói rằng hai nước đã thực hiện các bước phối hợp và kịp thời chuyển đổi sang đồng tiền quốc gia trong thanh toán song phương. Điều này đã đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Tổng thống Putin cho biết phần lớn các giao dịch giữa Nga và Trung Quốc hiện được thực hiện bằng đồng tiền của mỗi quốc gia, bỏ qua đồng USD.
Video đang HOT
Theo Tổng thống Nga, hai nước đang tích cực phát triển hợp tác đầu tư với tổng khối lượng đầu tư chung ngày càng tăng. Hiện hơn 80 dự án với tổng trị giá khoảng 200 tỷ USD đang được triển khai hoặc sẵn sàng thực hiện thông qua một ủy ban liên chính phủ.
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 16/5, ông Putin đã dành nhiều lời khen ngợi về mức độ hợp tác sâu sắc giữa hai cường quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.
Ông Putin cho biết mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh dựa trên “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, láng giềng tốt đẹp và cùng có lợi”. Ông nói thêm rằng bất chấp đại dịch COVID-19 và “một số hành động nhằm hạn chế sự phát triển của hai quốc gia” từ các nước thứ ba, khối lượng thương mại vẫn tăng đều đặn vì cả hai nước đã xây dựng danh mục đầu tư vững chắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo ông Putin, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng gần 25% vào năm 2023, đạt 227 tỷ USD.
Tổng thống Putin đang có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Trung Quốc. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ năm vào đầu tháng này. Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng như các quan chức cấp cao của cả hai nước dự kiến sẽ hội đàm về nhiều vấn đề như quan hệ song phương, hợp tác kinh tế và tình hình quốc tế, bao gồm cả xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Nga đã nói rằng mặc dù Moskva chưa bao giờ tìm cách “phi đô la hóa” nền kinh tế quốc gia hoặc quốc tế, nhưng quá trình này là “không thể tránh khỏi”. Sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Mỹ đã ngăn Ngân hàng trung ương Nga tham gia các giao dịch bằng đồng USD cũng như cấm cung cấp đồng USD cho nước này.
Hungary và Trung Quốc kí 18 thỏa thuận tăng cường hợp tác
Hungary và Trung Quốc ngày 10/5 (giờ Budapest) đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia Trung Âu này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc hội đàm ở Budapest ngày 9/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Viktor Orban đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Budapest trong khuôn khổ điểm dừng chân cuối cùng của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến công du 5 ngày tới châu Âu, bao gồm cả Pháp và Serbia.
Phát biểu họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Orban ca ngợi "tình hữu nghị liên tục, không gián đoạn" giữa hai nước kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2010, đồng thời cam kết Hungary sẽ tiếp tục thu hút thêm các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Thủ tướng Orban khẳng định Hungary sẽ tiếp tục tạo điều kiện bình đẳng cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hungary, đồng thời tạo cơ hội cho các công nghệ hiện đại nhất của phương Tây và phương Đông "được gặp gỡ và xây dựng hợp tác ở Hungary". Ông cũng nhấn mạnh so với 20 năm trước khi nền kinh tế và thương mại thế giới phải hoạt động trong một thế giới đơn cực, trật tự thế giới hiện nay đã mang tính đa cực và một trong những trụ cột trong đó chính là Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2023, Hungary đã thông báo rằng một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới là BYD của Trung Quốc sẽ mở nhà máy đầu tiên ở châu Âu tại miền Nam Hungary.
Hungary cũng đang sở hữu một số nhà máy pin của Trung Quốc và hi vọng trở thành một trung tâm sản xuất pin lithium toàn cầu, đồng thời đã thực hiện một dự án đường sắt là một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định ông và Thủ tướng Orban đều nhất trí rằng sáng kiến này "rất phù hợp" với chiến lược hướng Đông của Hungary, đồng thời nhấn mạnh rằng Bác Kinh ủng hộ Budapest đóng vai trò lớn hơn trong Liên minh châu Âu (EU) đối với việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-EU.
Lý do đằng sau sự suy yếu của các đồng tiền châu Á so với USD Các đồng tiền trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều tháng so với đồng USD, do tình hình chưa mấy khởi sắc ở Trung Quốc phủ bóng đen lên các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh. Nhân viên ngân hàng kiểm đồng rupiah...