Đồng Tháp tiếp tục lên tiếng vụ “tôm 10 càng” người Trung Quốc nuôi
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp xác nhận có sự việc Công ty Sen Hoàng Giang thả tôm hùm đỏ – loài sinh vật thuộc danh mục cấm nuôi ở Việt Nam – xuống ao sen nhưng số tôm này đã được bắt và tiêu hủy. Về thông tin công ty này có người Trung Quốc làm việc, mới xác định có một vài người đến theo diện đối tác…
PV Dân trí có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xung quanh thông tin Công ty TNHH Sen Hoàng Giang “xúi” dân phá lúa, trồng sen và nuôi tôm hùm đỏ… gây ồn ào dư luận vừa qua.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết, sự việc xảy ra từ giữa năm 2016. Khi biết Công ty Sen Hoàng Giang có thả nuôi tôm hùm đỏ, ngành chức năng đã đến công ty tiến hành tát ao, thu gom và xử lý triệt để. Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục theo dõi cũng như tuyên truyền cho người dân khi thấy loại sinh vật này là bắt, tiêu hủy ngay.
Cụ thể sự việc, ông Lê Văn Công – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – thông tin: Có nhiều thông tin khác nhau về hoạt động của Công ty Sen Hoàng Giang (đóng trên xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh) nhưng có thể chia ra làm 3 vấn đề.
Thứ nhất về sen, Công ty Sen Hoàng Giang được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép mô hình trồng sen lấy ngó. Khi ngành nông nghiệp xác định giống sen của công ty này không phải giống sen bản địa nên cho phép trồng thử nghiệm khoảng 300m2. Tuy nhiên theo thông tin Sở NN&PTNT nắm được từ người dân lân cận thì sen họ trồng xuống ban đầu phát triển xanh tốt nhưng sau đó đều chết hết.
Nhà báo Phan Huy – Trưởng VP báo Dân trí tại TP Cần Thơ trao đổi với ông Lê Văn Công – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp (phải)
Vấn đề thứ hai là tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm đỏ. Sở xác định con tôm này nằm trong danh mục cấm nuôi của Việt Nam và có xuất xứ ở Nam Mỹ. Khi nhận thông tin Công ty Sen Hoàng Giang có nuôi loại này, Sở Nông nghiệp kết hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra.
Theo lời ông Trần Văn Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, số tôm công ty thả xuống ao sen là khoảng 4kg, trọng lượng từ 30 – 40g/con. Số tôm này ông Hòa nói do một người bạn cho nên mang về thả nuôi và không biết sinh vật này nằm trong danh mục cấm nuôi.
Video đang HOT
Đoàn công tác yêu cầu ông Hòa tát ao và bắt được 83 con tôm hùm đỏ. Sau đó dân bắt thêm 3 con và Sở tiếp tục yêu cầu ông Hòa tát ao còn lại, bắt thêm 18 con nữa. Tất cả số tôm bắt được đều bị tiêu hủy. Sở cũng đã buộc ông Hòa phun thuốc xuống ao để diệt nốt những con tôm còn sót lại. Sau đợt tiêu hủy lần 3 vào cuối tháng 12/2016, đến nay người dân và ngành chức năng chưa phát hiện thêm con tôm hùm đỏ nào.
Hình ảnh những con tôm hùm đỏ tại ao thuộc Công ty Sen Hoàng Giang mà ngành chức năng bắt và tiêu hủy vào tháng 12/2016
Riêng về thông tin người Trung Quốc làm việc tại Công ty Sen Hoàng Giang, ông Công cho rằng đây là lĩnh vực ngành Công an quản lý. Tuy nhiên theo tìm hiểu của ngành nông nghiệp thì khi doanh nghiệp này hoạt động có xuất hiện 2-3 người Trung Quốc đến bằng vi sa du lịch. Một số người dân thông tin, những người Trung Quốc này đến rồi đi như đối tác của ông Hòa chứ không phải người làm công. Hiện tại, không có người Trung Quốc nào làm việc tại Công ty Sen Hoàng Giang.
Về thông tin công ty này “xúi” dân phá lúa, ông Công nói, có sự việc này nhưng trong tổng số 23ha công ty Sen Hoàng Giang thuê đất trồng sen thì có 1ha của ông Đinh Văn Út ở ấp 6 là lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Hòa đã buộc ông Út phá lúa giao đất và trả 42 triệu đồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Công khẳng định, đến thời điểm này chưa thể kết luận Công ty Sen Hoàng Giang đúng sai hay có dấu hiệu gì khác trong toàn bộ sự việc này. Riêng việc nuôi tôm hùm đỏ là sai hoàn toàn nhưng qua làm việc, ông Hòa hợp tác tốt và đã làm giấy cam kết không tái phạm, do vậy Sở NN&PTNT không xử phạt hành chính.
Ông Công cho biết, nếu thời gian tới, công ty này tiếp tục nuôi hay không làm đúng theo giấy phép đã đăng ký, ngành nông nghiệp và Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề người dân thấy gì từ mô hình trồng sen “lạ” của Công ty Sen Hoàng Giang, PV Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu và cập nhật đến bạn đọc.
Tôm hùm đỏ còn gọi là tôm hùm nước ngọt, tôm hùm đất, tên khoa học là Procambarus clarkii, có nguồn gốc từ Đông Nam Hoa Kỳ và còn được tìm thấy trên các châu lục khác, nơi mà nó gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng. Chúng có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 38 độ C. Chúng có thể từ môi trường nước, có thể kéo lên bờ sống, thậm chí cả đàn có thể di chuyển lên bãi cỏ ở. Với sức đề kháng mạnh, chúng có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thậm chí sống trong cống rãnh. Đây là loài tôm ăn tạp, sống trong đầm lầy nước ngọt và nước lợ, là loài có sức mạnh nên có thể ăn tất cả động vật và cây cỏ. Chúng ăn được mùn bã hữu cơ từ tự nhiên, sống được trong môi trường nước lợ. Chúng có thể ăn các loại côn trùng, nhiều loại cây cỏ, nên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ ăn sang hoa màu, thậm chí chúng còn ăn được cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. (Theo Wikipedia)
Theo Nguyễn Hành (Dân trí)
Dự án trồng sen: Xử lý mạnh tay nếu lén nuôi tôm hùm đỏ
Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay.
Tôm hùm đỏ nuôi tại cơ sở ông Trần Văn Hòa do người dân bắt được - Ảnh: Người dân cung cấp
Liên quan vụ "Bất thường từ một dự án trồng sen", ông Nguyễn Văn Công - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.
Trường hợp ông Trần Văn Hòa - giám đốc Công ty sen Hoàng Giang - nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
"Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay" - ông Công khẳng định.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Chí - phó phòng thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết trường hợp ông Hòa lén lút nuôi tôm hùm đỏ chỉ bị xử lý hình thức nhắc nhở và làm cam kết không tái phạm.
"Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành ông Hòa phối hợp tốt, đến nay chưa thấy phát sinh vấn đề bất thường" - ông Chí cho biết.
Khi đặt vấn đề liệu tôm hùm đỏ đã được tiêu hủy hết hay chưa, ông Chí nói: "Đến giờ chưa dám khẳng định vì ông Hòa cũng không nhớ cụ thể là thả bao nhiêu con, tuy nhiên may mắn là khu vực ông Hòa nuôi là đê bao khép kín, Chi cục Thủy sản yêu cầu khi tháo nước ra ngoài sông tự nhiên phải sử dụng lưới che chắn để chúng không phát tán ra bên ngoài. Hiện tại chưa thấy người dân phát hiện thêm con nào".
Ông Nguyễn Văn Hùm - phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh - cho biết UBND xã đã tiến hành khảo sát khu vực phát hiện tôm hùm đỏ.
Hiện tại, lao động Trung Quốc và ông Hòa đã rời khỏi địa phương, có thể đã về quê ăn tết vẫn chưa vào.
"UBND xã theo dõi rất sát tình hình và cũng thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh xã để người dân hiểu tác hại của tôm hùm đỏ, nếu phát hiện phải báo ngay với chính quyền địa phương" - ông Hùm cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một số nhà khoa học nghiên cứu về thủy sản từ Đại học Cần Thơ cho biết họ chưa nghiên cứu thực tế loài tôm hùm đỏ mà chỉ biết qua sách vở.
Các nhà khoa học chỉ biết đây là một loài tôm với tên gọi crayfish hoặc crawfish, là đối tượng nuôi phổ biến ở Mỹ, Úc và một số quốc gia khác, nhưng tại VN là loài sinh vật ngoại lai nằm trong danh sách cấm nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Theo các nhà khoa học, đây chắc chắn không phải là đối tượng nuôi bản địa, tuy nhiên để có kết luận chính xác các vấn đề liên quan thì cần nghiên cứu thực tế, xác định rõ lai lịch của loài tôm này.
(Theo Tuổi Trẻ)