Đồng Tháp: Nước tràn đồng, tất bật bắt cá tôm, câu ếch kiếm tiền
Năm nay, con nước về sớm và nước tràn đồng, ngập sâu hơn mọi năm nên việc mưu sinh mùa lũ của ngư dân vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp được thuận lợi. Những sản vật mùa nước nổi đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong lũ về đã giúp nhiều hộ dân nơi đây “sống khỏe” với nhiều nghế như đánh bắt cá tôm, câu ếch đồng, hái bông súng…
Thời điểm này, nước đã trắng xóa các cánh đồng tại xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháo. Đây là địa phương được xem là rốn lũ của vùng biên giới. Hơn 1 tháng nay, ngày nào ông Tào Văn Minh (ngụ xã Bình Thạnh) cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để bắt đầu nghề câu, lưới.
“Năm nay con nước lớn, nguồn thủy sản nhiều nên công việc mưu sinh cũng khấm khá. Từ hôm nước tràn ngập trắng đồng đến nay, ngày nào tôi cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng từ nghề giăng lưới, nhờ vậy gia đình tôi “sống khỏe” qua mùa nông nhàn này” – ông Minh phấn khởi khoe.
Ngư dân thả lưới bắt cá đồng trong mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Dương Út
Bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất 3 vụ, các cánh đồng xả lũ ở xã An Bình B hay phường An Lạc,… nước đã ngập rất sâu. Phần lớn bà con theo nghề đánh bắt thủy sản đều cho rằng, những cánh đồng xả lũ là nơi tập trung rất nhiều thủy sản mùa nước nổi, độ sâu con nước cũng giúp dễ dàng di chuyển hơn.
Những ngày này, người dân tất bật khai thác, đánh bắt cá tôm và các loài thuỷ sản, sản vật mùa nước nổi. Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu lưới, lờ lọp để bắt cá, tôm kiếm thêm thu nhập.
Năm nào cũng vậy, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước tràn đồng, ông Võ Tấn Lợi (phường An Lạc), lại dọn ngư cụ, đồ đạc sinh hoạt cá nhân lên xuồng để đánh bắt thủy sản. Dụng cụ của ông là khoảng 100 ngư cụ có mắt lưới thưa để đặt bắt cá chạch, tôm tép đồng.
Đây là nghề đã theo ông Lợi mấy chục năm nay kể cả mùa khô lẫn mùa nước nổi. Nhưng theo chia sẻ của ông Lợi, mùa nước nổi là thời điểm gia đình “hốt bạc” nhờ nghề câu lưới. Buổi chiều, ông đi đặt ngư cụ, sáng sớm đi thăm, mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 200 ngàn – 300 ngàn đồng.
Ông Võ Tấn Lợi cho biết: “Mùa lũ về thì thu nhập khá hơn mùa khô, mình đặt gần nhà nên nhẹ chi phí xăng dầu đi lại. Còn mùa khô thì làm ít hơn mà chi phí nặng do phải di chuyển xa”.
Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, thời điểm này cánh đồng xả lũ ở các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và Thường Lạc nước đã ngập đồng. Chị Lê Thị Không (ngụ xã Thường Thới Hậu A) cho biết: “Những nơi có đê bao khép kín thì làm 3 vụ lúa còn ở đây là đê bao xả lũ nên phải kiếm thêm nghề khác để làm. Như mùa lũ này, mình đi đánh bắt cá, chứ cũng đâu có thất nghiệp. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, đủ trang trải cuộc sống”.
Mưu sinh với nghề đặt lọp tôm, năm nào lũ về, chú Phan Văn Triều (ngụ ấp 2, xã Thường Thới Hậu B) cũng chuẩn bị vài chục cái lọp. Năm nay đã 63 tuổi, chú Triều vẫn nhớ rất rõ rằng từ năm 20 tuổi chú đã đi đặt lọp tôm: “Gắn bó với nghề bao nhiêu năm rồi. Năm nào cũng vậy, không hiểu sao tôi cứ mong con nước về để được lặn hụp với mất cái lọp này”.
Video đang HOT
Bên cạnh nghề câu lưới, lờ lọp, người dân vùng biên còn có nghề câu ếch đồng. Câu ếch đồng thường “nở rộ” vào thời điểm nước tràn đồng. Đây là khoảng thời gian ếch sinh đẻ nhiều và tập trung sống ở các bụi cỏ ven đường hay ao hồ gần nhà.
Nghề câu ếch đồng rất dễ làm, trẻ em cũng có thể làm được. Chỉ cần 1 cần trúc khoảng 3 – 5m, dây và lưỡi câu là có thể kiếm kế mưu sinh. Đặc biệt, có những “cần thủ” chỉ câu ếch bằng dây chứ không dùng lưỡi. Do ếch là loài ăn tạp, nên mồi câu ếch cũng là thứ dễ tìm như: ốc bươu vàng, nhái cơm, nhái bầu hay cả da ếch…
Theo nghề câu ếch đồng gần chục năm nay, anh Tâm (ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng) chia sẻ: Năm nay lũ lớn nên ếch nhiều. Ếch bán được giá cao nên có thu nhập khá. Mỗi ngày tôi đi câu từ 6 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều, số ếch thu được từ 3 – 4kg. Ếch được thương lái thu mua từ 50 – 70 ngàn đồng/kg nên thu nhập từ nghề câu ếch đồng mùa lũ thuộc loại khá. Vì vậy, nhiều người gọi đây là nghề “làm chơi, ăn thiệt”.
Ếch đồng mùa nước nổi ở miền Tây. Ảnh: IT.
Mỗi ngày, với khoảng chục tay câu, lưới, các ngư dân có thể kiếm 5 – 10kg cá các loại. “Chiến lợi phẩm” được mang về bán cho tiểu thương ở các chợ, kiếm vài trăm ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Tỷ (ngụ huyện Hồng Ngự) với gương mặt tràn đầy niềm vui “bội thu” cho biết: “Tôi không có đất sản xuất, chỉ sống bằng nghề đánh bắt cá quanh năm. Năm nào nước lũ lớn thì đặt thêm dớn, giăng lưới, giăng câu, kiếm được nhiều tiền hơn. Mấy bữa nay, nước lũ về nhiều, ngày nào tôi cũng bắt cá bán được vài trăm ngàn đồng, sống khỏe…”.
Với nghề đặt lọp cua để mưu sinh trong mùa nước nổi, dù số lượng cua đồng ít hơn cá nhưng bởi bù lại giá bán được cao hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Đương (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Sáng sớm, thức dậy tôi nấu cơm mang theo ăn để đi đặt lọp cua đồng đến khoảng 12 giờ trưa mới về nhà nghỉ ngơi”.
Ngư dân đặt lọp cua đồng trong mùa nước nổi. Ảnh: Dương Út
Mùa nước nổi, người dân vùng đầu nguồn giáp với nước bạn Campuchia và có thêm nghề kéo trứng nước. Mỗi ngày, 2 người dùng lưới kéo được khoảng 100kg trứng nước. Trứng nước được bán cho các cơ sở ươm nuôi cá giống với giá 10.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 1 triệu đồng.
“Nghề kéo trứng nước không phải bỏ nhiều vốn đầu tư, chỉ cần một cái vợt kéo trứng nước may bằng vải mỏng, miệng vợt bề ngang khoảng 3m, túi vợt dài khoảng 10m là có thể hành nghề” – ông Lê Văn Minh (ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) chia sẻ.
Khi vụ lúa hè thu kết thúc, nước lũ tràn đồng, ông Đoàn Văn Đông (ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) cùng nhiều hộ gia đình khác lại chuẩn bị cho mùa trồng bông súng đồng. Với 2.000m2 đất, chi phí đầu tư hơn 10 triệu đồng tiền giống, khoảng 1 tháng xuống giống là có thể thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch, ông có thu nhập khoảng 400 ngàn đồng.
“Đây là năm thứ ba liên tiếp tôi trồng bông súng đồng. Năm nay, lũ về lớn nên bông súng phát triển tốt, có thể thu nhập khoảng 70 triệu đồng trong mấy tháng nước nổi. Bông súng dễ chăm sóc, có nước lũ là tự lớn, chỉ cần cách 1 ngày là ra đồng thu hoạch về bán cho thương lái”, ông Đông khoe.
Từ bao đời nay, mùa nước nổi đã gắn liền với đời sống của cư dân miệt sông nước Cửu Long. Mùa nước nổi ngoài mang phù sa về cho đất giúp cây trồng tốt tươi, còn mang theo những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ. Cho nên, người dân có quyền hy vọng năm nay sẽ có một mùa lũ đẹp để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”.
Theo Lê Thanh-Dương Út (Báo Đồng Tháp)
An Giang: Nước tràn đồng, bắt 30 ký cá linh/ngày vẫn không có lời
Năm nay lũ về, nước tràn đồng sớm, ông Hồ Văn Đại, xã Phú Hữu, huyện An Phú (tinh An Giang) dăng hơn 1.000m dớn ở cánh đồng ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu). Tuy nhiên, do con nước lên nhanh bất ngờ, ngập lút đường đăng, cá không đi vào đú mà thoát ra ngoài nhiều khiến ông thất thu. Mỗi ngày ông đánh bắt được 30 ký cá linh nhưng vẫn không có lời.
Sau nhiều năm lũ nhỏ, năm nay, lũ lên rất cao, sớm đạt mức báo động (BĐ) 2 từ đầu tháng 9 và dự báo đạt xấp xỉ mức BĐ3 từ giữa tháng 9/2018. Tuy nhiên, lũ về sớm và lên quá nhanh, lượng thủy sản tự nhiên cũng chưa nhiều, bà con mưu sinh vùng lũ vẫn còn khá vất vả.
Thủy sản tự nhiên không tăng
Gắn bó cả đời với vùng cù lao xã Phú Hữu (huyện An Phú, tinh An Giang), thấy năm nay nước tràn đồng sớm, ông Hồ Văn Đại đã mạnh dạn đầu tư hơn 1.000m dớn ở cánh đồng ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu). Tuy nhiên, do con nước lên nhanh bất ngờ, ngập lút đường đăng, cá không đi vào đú mà thoát ra ngoài nhiều khiến ông thất thu.
"Những năm trước lũ nhỏ hơn, tôi vẫn đổ được từ 100 - 200kg cá/ngày. Năm nay không nghĩ lũ lớn như vậy nên đầu tư đường đăng hơi thấp, bình quân mỗi ngày chỉ đổ được khoảng 30kg cá (chủ yếu là cá linh tròn). Với giá bán hiện tại 33.000 đồng/kg, coi như không có lời" - ông Đại than.
Quăng chài mùa lũ bắt cá ở An Giang.
Tương tự như những hộ khai thác nhỏ lẻ, những hộ có truyền thống khai thác đáy ở huyện đầu nguồn An Phú thấy phấn khởi khi con nước lên sớm. Nếu như những năm trước lũ nhỏ, nhiều người còn ngần ngại đấu giá khai thác đáy để chờ diễn biến con nước thì năm nay, phần lớn các đáy đều có các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá thành công.
Ông Nguyễn Hữu Hải, người chuyên khai thác đáy ở ấp Vĩnh Hội (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) cho biết, về nguyên lý, năm nào lũ lớn thì lượng thủy sản nhiều, lũ nhỏ thì thủy sản ít.
"Điển hình như năm 2015, lũ rất nhỏ, tôi trúng thầu khai thác gian đáy ở trung tâm ấp Vĩnh Hội với giá 351,5 triệu đồng. Tôi đóng được 2 đáy khai thác nhưng tính lại bị lỗ hơn 170 triệu đồng. Sang năm 2016, tình hình thủy sản cũng không nhiều, nhưng năm 2017 vừa rồi, lũ lớn hơn, lượng thủy sản rất khá" - ông Hải phân tích.
Theo công văn hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, từ ngày 1/9/2018, các giang đáy mới bắt đầu đóng đáy khai thác cá linh và một số loài thủy sản khác. "Do lũ về sớm và lên nhanh nên việc đóng đáy cũng gặp khó. Ban đầu, lượng khai thác cũng chưa nhiều. Chúng tôi kỳ vọng từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 10, 11, lượng cá sẽ nhiều hơn do cá lên đồng trưởng thành rồi trở lại sông" - một chủ khai thác đáy ở xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ.
Tranh thủ làm ăn
Đối với những hộ mưu sinh theo nghề đặt lọp cua đồng ở khu vực biên giới Vĩnh Hội Đông, Khánh Bình, Khánh An... của huyện An Phú, tỉnh An Giang, lũ về sớm nên việc đặt lọp cũng bắt đầu sớm hơn. Tùy theo số lượng lọp, mỗi đêm một người có thể thu hoạch từ 5 - 7kg cua. Cua đồng được các chủ vựa thu mua với giá từ 23.000 - 28.000 đồng/kg (tùy loại lớn, nhỏ), người dân có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng/đêm.
Người dân vùng lũ An Giang thả lưới bắt cá trên đồng.
Ở khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và bờ Bắc kênh Vĩnh Tế, lũ về sớm khiến nhiều hộ canh tác đất nông nghiệp ngoài đê bao bị tổn thất lớn. Thấy nước tràn đồng, ông Nguyễn Văn Đởi (quê ở tỉnh Kiên Giang) đã tranh thủ sang cánh đồng ở xã biên giới Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) thả lưới bắt cá nhưng khai thác chưa được bao nhiêu.
"Thấy nước mênh mông vậy chớ cá chưa nhiều. Có lẽ do lũ về sớm nên cá chưa kịp lên đồng. Giăng lưới cả đêm, tôi chỉ kiếm được vài ba ký cá rô (loại cỡ 2 ngón tay), cá chạch, cá trê... coi như chỉ đủ tiền cơm, chi phí sinh hoạt hàng ngày. Khoảng từ 2 - 3 tuần nữa, cá lớn hơn, khai thác chắc được nhiều hơn..." - ông Đởi kỳ vọng.
Tương tự, thấy các cánh đồng cặp kênh Vĩnh Tế nước đã ngập sâu, gia đình ông Lê Văn Xíu (ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) đầu tư gần 3km dớn ở cánh đồng sát biên giới Campuchia.
"Do nước ngập sâu nên phải đầu tư độ cao đường đăng gần gấp đôi năm trước, chi phí cũng cao hơn. Hiện tại, cá chưa lớn, sản lượng ít nên khai thác chỉ được vài chục ký cá mỗi ngày, đủ tiền xăng chạy máy. Tôi nghe dự báo ngày 15/9, nước trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô lên gần mức báo động 3. Nếu như vậy, mức nước sẽ dâng ngập lút đường đăng, sản lượng khai thác sẽ còn ít hơn....", ông Lê Văn Xíu nói.
Theo Hoàng Xuân (Báo An Giang)
Miền Tây mùa nước nổi: Món quà của...lũ Mùa nước nổi là mùa lũ lên, người dân miền Tây Nam bộ vẫn gọi là "tháng nước nổi". Người dân mong ngóng mùa về, khi ấy phù sa và những đàn cá lớn cũng về. Mong ngóng, chờ đợi trong hồi hộp, thế nhưng giờ đây không ít chuyện bất thường xảy đến, có năm mùa nước nổi nhưng lại thiếu nước,...