Đồng Tháp: Nhiều người sập bẫy “đại gia”
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp liên tục xảy các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng, để lại những hệ lụy không nhỏ cho người dân và xã hội. Qua những vụ án cho thấy, các đối tượng thực hiện được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất lớn vì mác “đại gia” làm ăn lớn, có nhiều nhà cửa, đất đai, xe hơi. Nhìn vào “gia sản bề thế” của các “đại gia”, nhiều người nghĩ rằng nếu họ không trả được tiền vay thì có thể “nắm” được các tài sản trên để trừ nợ, nên đã cho vay tiền.
Vợ chồng Liên và Hùng cùng dắt nhau lãnh án
NGHỈ THANH TRA ĐI KINH DOANH ĐỂ LỪA ĐẢO
Cuối tháng 3-2011, Công an tỉnh Đồng Tháp đã hoàn tất hồ sơ chuyển sang VKSND tỉnh Đồng Tháp đề nghị truy tố Nguyễn Văn Khánh (SN 1975, ngụ khu phố 3, khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Nguyên là cán bộ Thanh tra Nhà nước huyện Tháp Mười, năm 2008 Khánh nghỉ công tác, đứng tên kinh doanh hộ cá thể “Trọng Nhân” chuyên mua bán thức ăn chăn nuôi. Khánh làm đại lý cho nhiều công ty nhưng không ký hợp đồng. Từ tháng 1-2009, kinh doanh không hiệu quả và mất cân đối tài chính. Khánh bắt đầu vay tiền của các cá nhân như: Huỳnh Tấn Lộc, Ngô Thị Dung, Nguyễn Văn Sết, Hồ Văn Thịnh, Trần Thị Cẩm Nang, Phan Thị Mai… với lãi suất từ 6% đến 12%. Khi đến hạn trả nợ cho những cá nhân trên, Khánh không còn khả năng trả nợ nên tiếp tục vay của những người mới nữa như ông Lành, Trí Thanh, bà Tuyết… trả cho người trước.
Từ tháng 8-2009 đến tháng 4-2010, Khánh đã nợ tổng số tiền lên đến 14 tỷ đồng.
MẤT TIỀN VÌ TÀI SẢN ẢO
Hai năm gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã vào cuộc xử lý hàng chục vụ người dân bị mắc lừa vì những ông chủ, giám đốc có tài sản ảo. Điển hình như vụ án Đoàn Thị Bích Phượng (trú quán phường 2, TX. Sa Đéc) lừa đảo chiếm đoạt trên 8,5 tỷ đồng. Phượng điều hành việc mua bán của DNTN Tuấn Khải 2. Những tài sản như xe hơi, sà lan, cửa hàng bán vật liệu xây dựng như là những bảo chứng để những người cho vay tin tưởng Phượng giàu có.
Một trường hợp khác là vụ lừa đảo của vợ chồng Phạm Ngọc Liên và Trần Minh Hùng (trú quán khóm 5, TT Lai Vung, huyện Lai Vung). Tuy chỉ bán hàng chài lưới ở chợ nhưng nhiều người tin tưởng cho Liên vay rất nhiều tiền, vì thấy chồng Liên có tài sản, khá giả. Kết cục vợ chồng Liên, Hùng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng. Khi bị phát hiện, ngoài căn nhà cấp 4 chỉ 38m2 đã thế chấp vay tiền ngân hàng, hãng nước đá mà nhiều bị hại cho rằng Hùng dùng tiền của họ để “nâng cấp” thì chủ sở hữu là cha Hùng.
Tương tự với vỏ bề ngoài là chủ doanh nghiệp, thành lập công ty kinh doanh xăng dầu, Nguyễn Thị Hoa dễ dàng vay tiền của nhiều người. Tiền vay được, Hoa sử dụng mua tài sản đất đai, xe tải… nhưng đều để các con đứng tên. Nhìn vào những tài sản, cơ ngơi bên ngoài, ai cũng tưởng Hoa ăn nên làm ra, gia đình giàu có, nhưng thực chất những tài sản đó Hoa đều đem thế chấp vay tiền ngân hàng. Khi vụ án được phát hiện xử lý, các tài sản thế chấp trên đều ưu tiên thanh toán nợ cho ngân hàng, Hoa cũng chẳng còn tài sản gì để các bị hại có thể lấy cấn trừ nợ…
Các vụ án trên là bài học đắt giá cho những người cả tin vào mác “đại gia” để đem tiền cho vay kiếm lời.
Theo Công An TP