Đồng Tháp: Mức thưởng Tết cao nhất 80 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo tiền lương năm 2021, kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Qua tổng hợp, thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, loại hình doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết cao nhất là 80 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Tại Đồng Tháp, đối với khối công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng cao nhất 70 triệu đồng/người, thấp nhất 1,8 triệu đồng/người; mức thưởng bình quân 7,2 triệu đồng/người. Nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước mức thưởng cao nhất 25 triệu đồng/người; thấp nhất 2,4 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng bình quân 9 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất 59 triệu đồng/người và thấp nhất 3,6 triệu đồng/người.
Video đang HOT
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, ngoài tiền thưởng, một số doanh nghiệp còn tặng quà cho người lao động, mỗi phần trị giá từ 100.000 đồng – 5 triệu đồng hoặc các nhu yếu phẩm thiết yếu và hỗ trợ tiền tàu, xe cho người lao động về quê dịp Tết Nguyên đán.
Năm 2021, Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi (thành phố Sa Đéc) tạm ngưng sản xuất, kinh doanh trong khoảng 2 tháng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, công ty đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, cố gắng cân đối thu chi nhằm đảm bảo chế độ lương, thưởng Tết kịp thời, đầy đủ cho hơn 900 người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp cố gắng tạo cho công nhân đón Tết vui tươi, thoải mái và thưởng Tết cho người lao động là một tháng lương. Người thấp nhất được 6 triệu đồng và người cao nhất là 80 triệu đồng.
Sau một năm làm việc, mong chờ tiền thưởng để lo cho gia đình trong những ngày Tết đến Xuân về là tâm lý chung của người lao động. Tuy nhiên, năm nay có nhiều khó khăn do dịch bệnh, đa số người lao động ở Đồng Tháp đều thấu hiểu, cảm thông với doanh nghiệp. Chị Huỳnh Trần Minh Tuyền, công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi chia sẻ, mức thưởng Tết năm nay không cao như những năm trước nhưng chị rất vui vì dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công ty vẫn nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, qua báo cáo của các doanh nghiệp, năm 2021 không có doanh nghiệp nợ lương người lao động. Tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì trả lương cho người lao động bằng và cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Trong đó, doanh nghiệp dân doanh trả lương cao nhất là 80 triệu đồng/tháng, tiếp theo là nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp Nhà nước với mức lương cao nhất 70 triệu đồng/tháng. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương cao nhất là 59 triệu đồng/tháng. Mức tiền lương cao nhất của nhóm các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 36 triệu đồng/tháng.
Bến Tre: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 147 triệu đồng
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, qua khảo sát 364 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có sử dụng từ 20 lao động trở lên, mức thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cao nhất hơn 147 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.
Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho hay, kế hoạch thưởng Tết cho người lao động năm 2022 được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức thưởng bằng một tháng lương (lương tháng 13). Qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết năm 2022 cho người lao động, mức tiền thưởng cao nhất là hơn 147 triệu đồng/người thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cao hơn so với năm 2021 là 15 triệu đồng); tiền thưởng thấp nhất là 200 nghìn đồng/người; mức thưởng bình quân khoảng hơn 4,8 triệu đồng/người (cao hơn mức thưởng bình quân so với năm 2021 là 187 nghìn đồng).
Theo ông Hùng, năm 2021 tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc duy trì hoạt động cầm chừng theo phương án "3 tại chỗ". Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, nên việc thưởng Tết Nhâm Dần năm 2022 có nhiều khởi sắc so với năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn một doanh nghiệp hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao nên chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng do chưa tổ chức hội nghị người lao động hoặc chưa thông qua hội đồng quản trị nên chưa có quyết định mức thưởng Tết cho người lao động.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức chăm lo cho gần 37.500 công nhân, viên chức, lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, với số tiền hơn 11 tỷ đồng từ nguồn tài chính của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương cho người lao động mức tiền lương thấp nhất ngang bằng mức lương tối thiểu vùng, không có trường hợp trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo đó, mức tiền lương bình quân trên địa bàn tỉnh Bến Tre là trên 15 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước; 7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp cổ phần, có vốn góp của nhà nước; 6,7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp dân doanh; 5,7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mức tiền lương cao nhất để trả cho người lao động bao gồm các chức danh lãnh đạo: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc công ty... là gần 148 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); 101 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp dân doanh; gần 30 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, công ty cổ phần; hơn 46 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn có một doanh nghiệp nợ lương của người lao động; số người lao động bị nợ lương với số tiền hơn 319 triệu đồng. Nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, doanh nghiệp không tổ chức sản xuất, kinh doanh được, nên gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc trả lương chậm cho người lao động. Doanh nghiệp cũng đã thỏa thuận với người lao động và người lao động đồng ý chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, thống nhất cho doanh nghiệp trả chậm số tiền lương mà doanh nghiệp nợ.
'Cụ mai' trăm tuổi có bộ đế siêu khủng, hai người đàn ông ôm không hết Chợ mai Tết Long Xuyên vừa xuất hiện một "cụ mai" khủng hơn trăm năm tuổi, thân cây cao 4,5 m, đường kính táng 5 m. Cây mai đang được trưng bày tại lô hàng của anh Võ Tiền Giang (bờ kè Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Từ khi đem cây mai về được hai ngày nay đã thu hút...