Đồng Tháp: Giá cá lóc tăng, làm khô cá vẫn tấp nập cả ngày lẫn đêm
Thời điểm này, dù giá cá lóc nguyên liệu đang tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng tại làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tấp nập, nhộn nhịp làm khô cá cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và giá bán khô vẫn giữ ổn định, không tăng.
Toàn xã Phú Thọ hiện có 1 Phú Nông hội quán, 1 Công ty khô cá lóc Tứ Quý và gần 200 hộ nuôi cá lóc và chế biến khô cá lóc cung cấp bình quân sản lượng khoảng 4,3 tấn/ngày.
Giáp Tết, nhân công làm khô cá lóc làm không hết việc…
Xã còn có 50 cơ sở chế biến và bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 – 15 lao động làm việc ngày đêm. Các cơ sở chế biến khô cá lóc ở xã Phú Thọ đang tăng nhịp độ sản xuất. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra từ 50 – 70 kg khô cá lóc thành phẩm các loại/ngày và cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện Tam Nông trên 50 kg khô cá lóc/ngày.
Lúc cao điểm, một cơ sở bán được cả trăm kg khô cá lóc các loại. Giá bán mỗi kg khô cá lóc hiện đang dao động từ 150.000 – 170.000 đồng tùy loại (không tăng so với cùng kỳ năm trước).
Cá lóc làm sạch chuẩn bị lóc xương đem phơi khô…
Cứ 4 kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1 kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 – 4 nắng mới xuất bán được. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại thích ăn khô cá lóc phơi 1 nắng, có giá bán dao động 100.000đồng/kg.
Bà Nguyễn Mai Trinh – chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Thảo Ngân, xã Phú Thọ cho biết: Khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, giá bán phải chăng…
Cơ sở khô cá lóc của bà Nguyễn Mai Trinh hoạt động tấp nập ngày đêm.
Video đang HOT
Bà Trinh bày tỏ: “So với năm rồi mình bán khô cá cũng chạy y chang hà, bán khô cá năm nay cũng đắt hàng vậy đó. Thị trường tiêu thụ là Sài Gòn, Bình Dương… Khô cá lóc 1 nắng giá thành 120.000đ/kg, khách hàng cũng chuộng lắm, chiên-nướng ăn liền thì nó ngon…”
Năm nay, làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ vừa được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa làng khô cá lóc Phú Thọ nên tăng giá trị sản phẩm khô cá lóc, rất thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm khô cá lóc nơi đây.
Đưa cá lóc tươi vào máy đánh vẫy, cắt đầu.
Tại cơ sở làm khô cá đồng Phan Chao ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến cảnh tất bật làm ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường Tết.
Bà Nguyễn Thị Ngoãn – Chủ cơ sở khô cá Phan Chao cho biết: Nguyên liệu sản xuất khô cá của Cơ sở được đặt mua từ những người dân đánh bắt ngoài tự nhiên chở tới tận nơi.
Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà Ngoãn làm ra trên 50 kg khô cá lóc đồng, khô cá kết, khô cá trèn, khô cá chạch… thành phẩm và cung cấp ra thị trường từ 20 – 25 kg khô cá đồng các loại. Lúc cao điểm, cơ sở bán được từ 30 – 50kg khô cá đồng các loại trở lên. Giá bán mỗi kg khô cá lóc đồng là 500.000đ/kg, khô cá kết, khô cá chạch mỗi ký 400.000đồng.
Phơi cá lóc làm khô ở xã Phú Thọ.
Cứ 4 – 5kg cá lóc đồng, cá chạch, cá kết tươi sẽ làm ra được 1 kg cá khô và phơi từ 3 – 4 nắng mới xuất bán được. Sản phẩm khô cá đồng của cơ sở Phan Chao đều được đưa vào bao bì, ép chân không cẩn thận, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm và giá bán phải chăng.
Ngoài ra, cơ sở Phan Chao còn sản xuất và bán khô trâu với giá 600.000đồng/kg. Nhiều khách hàng thưởng thức khô cá đồng, khô trâu của Cơ sở Phan Chao sản xuất đều khen hương vị thơm ngon, an toàn thực phẩm… nên đặt mua nhiều.
Khô cá lóc đồng bán 500.000 đồng/kg ở cơ sở khô cá Phan Chao.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trong chuyển khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông đã ghé Cơ sở sản xuất khô cá Phan Chao. Ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá cao mô hình này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương (trái) trao đổi cơ sở làm khô cá Phan Chao.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đề nghị chủ cơ sở bổ sung thêm trên bao bì sản phẩm về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống bảo quản…Ông chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương hỗ trợ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu điểm du lịch…
Đồng thời, để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã hướng dẫn cơ sở nên liên hệ với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh để được tiếp cận các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Theo Danviet
Xẻ thịt cá lóc làm đặc sản khô bán Tết, lên máy bay xuất ngoại
Càng gần Tết, xóm nghề khô cá lóc ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) càng rộn ràng.
Từ giữa tháng Chạp, bà con vào chính vụ Tết với công suất lao động gấp 3 ngày thường. Bên cạnh bán hàng cho khách thập phương có dịp ngang qua, món khô cá lóc của bà con nơi đây còn lên máy bay đi khắp cả nước và xuất ngoại.
Dọc tuyến quốc lộ 91B, hướng từ trung tâm TP Cần Thơ về quận Ô Môn, chỉ trong đoạn đường chừng 2km từ cầu Rạch Miễu Trắng đến cầu Xẻo Khế đã có hơn 20 hộ chuyên làm và bán khô cá lóc. Vợ chồng chị Võ Thị Hồng Ly, ở khu vực Thới Ninh, là một trong những hộ đón đầu khách đi hướng từ Cần Thơ đổ về. Cũng như đa số hộ bán khô ở đây, chị dựng sạp nhỏ để bày bán khô kèm giàn phơi kế bên. Ban ngày, chị trực chiến ở sạp để bán khô cho khách và tiện phơi cá khi cần.
Không chỉ đón khách vãng lai, với chất lượng khô cá ngon, khách hàng truyền tai nhau và thâm niên 4 năm trong nghề, chị Ly đã có lượng khách mối không ít. Chiếc điện thoại di động trở thành vật dụng liên lạc không thể tách rời, giúp chị nhận đặt hàng và giữ liên lạc với nhiều khách hàng khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam.
Cô Lê Thị Ngọc phơi khô cá lóc.
Chị Hồng Ly cho biết: "Khoảng chục năm trước, khi tuyến quốc lộ này mới mở, mẹ tôi đem cá tươi, rau đồng ra bán thử. Thấy được, mẹ bán luôn. Nhưng có ngày cá tươi không bán hết, mẹ nghĩ ra cách xẻ khô bán thử. Ai dè, xẻ bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu, vậy là thành nghề. Ban đầu, mẹ ướp cá theo cách nhà hay ăn, rồi dần cải tiến theo góp ý của người thân và khách hàng để khô cá ngon hơn và có nhiều loại hơn để khách lựa chọn. Thấy xẻ khô bán được, mẹ động viên các con theo nghề. Trước đây, chị Hai, chị Ba làm ruộng, chị Tư và em út làm hồ, tôi và chị Sáu làm công nhân, giờ tất cả chuyển sang sống nhờ nghề này".
Nhà nhiều thành viên làm nghề, đại gia đình chị Ly sắm luôn máy đánh vảy cá, mỗi đợt làm khô, mấy anh chị em chị Ly cùng tập trung xẻ chừng 6-7 tấn cá tươi.
Dưới cái nắng trưa chan chát, những mẻ khô cá lóc đỏ ruộm màu ớt xay khiến nhiều khách qua đường phải dừng chân. Khô cá lóc được bà con ở đây xẻ, phơi làm 3 loại tương ứng với độ khô của cá, gồm: khô 1 nắng, khô dẻo và khô đủ nắng. Mỗi loại này còn được chia ra: khô nguyên con và khô cắt đầu.
Tùy loại sẽ có giá dao động từ 120.000 đồng - 180.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi kg khô cá, người dân lời chừng 10.000 đồng. Trung bình, mỗi hộ kiếm thu nhập từ nghề xẻ khô cá lóc từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Cô Lê Thị Ngọc năm nay 58 tuổi, ngụ khu vực Thới Ninh đã có thâm niên 11 năm xẻ khô cá lóc, bán ở đây. Những ngày này, cô tranh thủ vừa bán, vừa xẻ thêm khoảng 100kg cá. Cô Ngọc cho biết: "Hồi mới làm khô bán, mỗi ngày làm chừng 3-4kg cá tươi, rồi dần dần lên chục ký. Giờ thì mỗi ngày làm chừng 100kg cá tươi, phơi còn khoảng 30kg cá khô. Mấy năm nay, cứ vào mùa Tết, khách mua gấp 2-3 lần so với ngày thường. Từ giữa tháng Chạp, mỗi ngày làm 200-300kg cá tươi vẫn không đủ khô bán. Một mình tôi làm không xuể nên phải thuê thêm người làm phụ với tiền công 2.000 đồng/kg cá tươi".
Cô Ngọc phấn khởi vì món khô cá lóc quê mùa ngày trước giờ thành đặc sản, được thực khách khắp nơi ưa chuộng. Món khô cá lóc của cô Ngọc giờ theo khách đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hà Nội, rồi vào nhà hàng và ra cả nước ngoài.
Khô cá lóc hút khách và nhờ đó hút thêm lao động làm nghề này. Chú Lê Thành Cao là một trong những lao động ở địa phương chuyên sống nhờ nghề mua bán trái cây. Nhưng gần đây, sạp khô đã thế chỗ cho sạp trái cây bán ven quốc lộ 91B.
Chú Cao cho biết: "Thấy bà con bán khô được, tôi với bà xã quyết định đổi sản phẩm kinh doanh. Hồi trước, bên cạnh nghề bỏ sỉ trái cây cho vựa, tôi có sạp bán lẻ nhiều loại trái cây, nhưng đôi lúc trái cây bị hư hao nên thu nhập không bao nhiêu. Giờ, với mô hình này, thu nhập khá hơn. Ngoài khô cá lóc, tôi còn làm bán thêm khô cá chạch và khô cá sặc rằn cho khách có thêm nhiều lựa chọn".
Hiện nay, ngày thường, chú Cao làm khoảng 400kg cá tươi/tuần để bán lai rai bên cạnh duy trì nghề thu mua, bỏ sỉ trái cây cho vựa. Nhưng dịp Tết, chú phải thuê lao động làm từ 300kg cá tươi, tốn tiền công khoảng 600.000 đồng/ngày. Cả vợ chồng chú tập trung vừa ướp cá, phơi khô và đứng bán hàng cho khách hàng.
Chú Cao chia sẻ bí quyết nghề: "Ngoài việc đảm bảo khô được làm từ cá sống và ướp gia vị vừa phải, để khô đạt chất lượng, người phơi phải chịu khó trở khô đều hai mặt ngoài nắng tốt. Vì thế, làm nghề này được coi là bỏ công làm lời".
4 giờ chiều, chú Cao bận rộn thu gom hết cá trên vỉ phơi, phân loại và cho vào hộp đựng để tiện bảo quản trong tủ đông. Vì theo chú, cá chưa đủ nắng, chỉ để bên ngoài một đêm thôi cũng ảnh hưởng đáng kể chất lượng khô.
Nhìn sự chăm chút của chú Cao và nhiều bà con ở khu vực này dành cho món đặc sản quê hương, mới thêm trân trọng và cảm nhận rõ ràng hơn chất lượng món ăn đặc biệt này. Qua đó, cũng dễ hiểu rằng, vì sao món ăn dân dã này đang ngày càng được nhiều thực khách khắp mọi miền ưa chuộng, đang từng ngày góp phần cải thiện đời sống của bà con địa phương.
Theo Mỹ Tú (Báo Cần Thơ)
Trai Đồng Tháp nuôi loài cá ví như "sâm nước", bán 350 ngàn/ký Anh Lê Văn Phúc ở xã An Long, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã tận dụng diện tích mặt nước trên ruộng lúa thực hiện thành công mô hình nuôi cá chạch lấu cho thu nhập cao. Về mặt dinh dưỡng, cá chạch lấu được ví như "sâm nước". Tháng 10/2016, anh Lê Văn Phúc cải tạo 2 ao diện tích 2.000...