Đồng Tháp “bỏ túi” ngàn tỷ… nhờ người dân xuất ngoại lao động
Với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”, nhiều gia đình ở Đồng Tháp mạnh dạn cho con đi lao động nước ngoài và nhờ đó mà trở nên giàu có, cuộc sống ổn định. Cũng từ phong trào xuất ngoại làm việc, mỗi năm người lao động mang về cho Đồng Tháp khoảng 1.200 tỷ đồng.
Giàu lên nhờ xuất khẩu lao động
Đồng Tháp đang là một trong những địa phương vươn lên dẫn đầu khu vực ĐBSCL về xuất khẩu lao động. Chính từ xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình khó khăn vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống; hàng loạt căn nhà tường khang trang được xây mới ở các vùng nông thôn cũng nhờ ngoại tệ lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc… gửi về.
Như vợ chồng ông Võ Văn Lự, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cứ đến ngày 10 hàng tháng là vợ chồng ông nhận được 8 triệu đồng từ người con gái lao động ở Đài Loan gửi về.
Ông Lự kể: “Những năm trước đây gia đình luôn rơi vào cảnh chật vật khi cả nhà trông chờ vào mấy công ruộng trồng lúa. Đến 2016, địa phương tuyên truyền việc nhà nước hỗ trợ vay tiền cho con em đi lao động nước ngoài nên tôi vay tiền cho con gái đi làm việc tại Đài Loan theo hợp đồng 3 năm. Hiện tại cháu đang làm việc cho một công ty sản xuất linh kiện điện thoại di động, công việc ổn định, thu nhập khá tốt. Hàng tháng, cháu gửi về khoảng 8 triệu đồng, nhờ đó gia đình không còn khó khăn như trước nữa”.
Theo ông Nguyễn Văn Lạc – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, cho biết, mặc dù các thanh niên địa phương xuất ngoại lao động đang giúp gia đình cải thiện kinh tế đáng kể nhưng trong hồ sơ vay tiền để đi lao động hiện còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa để người dân thuận lợi hơn.
Một hộ dân khác giàu lên nhờ con đi lao động ở Nhật Bản là gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên, ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.
Ngồi trong căn nhà mới khang trang trị giá 700 triệu đồng, ông Nguyên không giấu được niềm vui. Ông chia sẻ: “Đời sống nông dân không cần nói chú cũng biết, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời…. nhưng vẫn khổ. Đã vậy, đến vụ mùa, thấp thỏm lo chuyện được mùa, mất giá nên muốn khá giả là chuyện khó, nói chi giàu có.
Cũng may trong cái khó đó, lãnh đạo huyện, xã hướng cho con tôi xuất ngoại lao động. Sau khi gia đình tôi tìm hiểu, thấy đất nước Nhật Bản giàu có, các công ty của họ làm ăn uy tín nên tôi đồng ý cho con mình đi sang nước này lao động. Và như gia đình tôi tính toán, con tôi sang đó có việc làm ổn định, thu nhập cao nên có điều kiện xây nhà cửa kiên cố, an cư…”.
Hiện nay, phong trào thanh niên ở tỉnh Đồng Tháp xuất ngoại lao động không chỉ dừng lại ở đối tượng thanh niên nhàn rỗi ở địa phương hay cử nhân thất nghiệp mà nhiều con em Chủ tịch, Bí thư xã cũng tham gia.
Sau khi đi lao động nước ngoài về, anh Nguyễn Ngọc Thuận – ấp Long Hội, xã Tân Hòa mở cửa hàng vật tư nông nghiệp, có cuộc sống ổn định.
Như trường hợp con trai ông Nguyễn Văn Lạc – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, sang Nhật Bản làm việc từ tháng 1/2017.
Video đang HOT
Ông Lạc chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thể dục thể thao, cháu nói muốn đi Nhật làm việc. Tôi đồng ý ngay, chẳng lo bà con bàn tán, vì tôi biết đây là cơ hội tốt cho cháu tiếp cận một nước tiên tiến, học tác phong làm việc công nghiệp để sau này về nước, cháu sẽ có ý thức lao động tốt hơn”.
Dù con ông Lạc mới qua Nhật Bản làm việc được 10 tháng nhưng đã giúp ông trả xong số nợ mà gia đình đã vay khi làm hồ sơ đi Nhật là 100 triệu đồng.
Dân bớt khó, Nhà nước bớt lo
Những năm 2014, 2015, tỉnh Đồng Tháp đã chú ý đến việc đưa thanh niên đi lao động nước ngoài, tuy nhiên phong trào trở nên rầm rộ từ cuối năm 2016. Khi đó, việc hỗ trợ người dân xuất ngoại làm việc được HĐND tỉnh Đồng Tháp cụ thể bằng Nghị Quyết số 82/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, thủ tục đi nước ngoài, chi phí khám sức khỏe; hỗ trợ vay 100% chi phí đi lao động ở Hàn Quốc và Malaysia, hỗ trợ vay 90% chi phí đi lao động ở Nhật Bản và Đài Loan…
Tỉnh cũng giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp là đơn vị chịu trách nhiệm chính về tìm hiểu thị trường, tư vấn cho người dân, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để xuất khẩu lao động.
Chị Nguyễn Thị Liễu – xã Tân Hòa có 02 con gái đang làm việc tại Đài Loan. Hiện nay, mỗi tháng hai con gái của chị gửi về trên dưới 15 triệu đồng, giúp gia đình chị không còn khó khăn như trước.
Một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng người dân xuất ngoại làm việc là huyện Lai Vung.
Theo Phòng LĐTB-XH huyện Lai Vung, năm 2014 chỉ có 18 người đi xuất khẩu lao động, nhưng tính đến tháng 10/2017 toàn huyện đã có 509 người.
Ông Hồ Thanh Phương – Chủ tịch UBND huyện Lai Vung: Bí quyết thành công trong nhiệm vụ đưa người dân ra nước ngoài lao động là nhờ Nghị quyết đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo tỉnh.
Phong trào xuất ngoại lao động đã giúp bộ mặt nông thôn huyện Lai Vung khoác lên mình chiếc áo mới.
Ông Hồ Thanh Phương – Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chương trình Quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động huyện – cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, huyện Lai Vung hái quả ngọt từ phong trào xuất ngoại lao động chính là nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh… Số lượng thanh niên đi lao động nước ngoài năm sau luôn cao hơn năm trước; số lao động thất nghiệp trong huyện giảm, tệ nạn xã hội giảm… Và một khi đời sống người dân bớt khó, nhà nước bớt lo nhiều lắm”.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp (thuộc Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Tháp), từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đưa khoảng 1.500 người đi xuất khẩu lao động, trong đó đi Nhật Bản hơn 1.000 người, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan…
Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 người lao động ở nước ngoài, hàng năm mang về cho địa phương khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, người dân xuất ngoại lao động không chỉ giảm nghèo bền vững, động lực phát triển kinh tế cho địa phương mà Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng “thương hiệu” cho người dân Đồng Tháp khi xuất ngoại lao động, nhằm quảng bá con người, xứ sở, tiềm năng kinh tế của Đồng Tháp.
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Cầu Vàm Cống sau khi phát hiện nứt dầm thép
Công trường cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối Đồng Tháp và Cần Thơ những ngày qua vắng lặng sau khi hoạt động thi công bị tạm dừng.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), mới được hợp long cuối tháng 9, chuẩn bị thông xe vào cuối năm nay.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được khởi công 4 năm trước. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
Chiều 14/11, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Vết nứt tại dầm CB6 trụ P29 của cầu Vàm Cống rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m.
Công trường trên cầu dây văng dài nhất miền Tây vắng lặng, sau khi Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo dừng ngay các hoạt động thi công.
"Các đơn vị thi công thoàn thiện cầu chính (thảm bêtông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường, lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng) tạm ngưng mấy ngày qua. Còn chúng tôi dưới mặt đất đang thi công bể chứa nước phòng cháy chữa cháy để phục vụ khi cầu khi đưa vào hoạt động", một kỹ sư giám sát nói.
Thơ sơn ống cung cấp nước phòng cháy chữa cháy chuẩn bị lắp đặt trên cầu Vàm Cống.
Mố trụ tháp chính cầu Vàm Cống phía Cần Thơ, nằm giữa sông Hậu.
Trước đó, tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải cùng các chuyên gia đầu ngành đến kiểm tra hiện trường, yêu cầu nhà thầu và tư vấn giám sát kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu (kích thước hình học của kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng). Kết quả cho thấy kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.
Các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát cho biết đã gửi toàn bộ dữ liệu liên quan của cầu Vàm Cống về công ty mẹ tại Hàn Quốc. Các chuyên gia nước này cũng được huy động sang Việt Nam phối hợp nghiên cứu đánh giá nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục.
Toàn dự án cầu và đường dẫn dài 5,75 km, trong đó phần cầu 2,97 km, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/h. Công trình thuộc Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời cũng nhằm bổ sung tuyến kết nối từ Quốc lộ 91 (phía TP Cần Thơ) tới tuyến đường tránh TP Long Xuyên (An Giang).
Cầu được thiết kế hình rẻ quạt gồm 114 dây bố trí trên hai mặt phẳng xiên với 73 nhịp cầu bằng dầm thép liên hợp, với tổng chiều dài 870 m nhịp chính; trụ tháp hình chữ H độ cao hơn 143 m.
Cửu Long
Theo VNE
Sập cầu nối Đồng Tháp - An Giang, ôtô phải đi vòng Cầu Cống Rạch Chùa nối đường huyết mạch từ Đồng Tháp đi An Giang bất ngờ đổ sập khiến giao thông chia cắt, ôtô phải đi đường vòng xa hơn 20 km. Sáng 27/4, cầu Cống Rạch Chùa (huyện Lấp Vò, cách phà Cao Lãnh 500 m) dài hơn 10 m, nối Tỉnh lộ 848 đi Đồng Tháp và An Giang bất ngờ...