Đồng Sỹ Nguyên – Vị tướng gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại
Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh gắn với cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường. Và trong tâm nguyện của ông là sẽ gắn bó cùng đồng đội đã yên nghỉ ở nơi này mãi mãi.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ảnh: Văn phòng Chính phủ
Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Thân sinh ông là hậu duệ của thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Ông nội bị Pháp bắn ở cửa Gianh. 12 tuổi ông đã tham gia hoạt động, khi học năm thứ 3 Thành Chung thì bị truy nã, phải sang Lào, Thái Lan hoạt động trong phong trào Việt kiều. Năm 1944, ông về nước, sau đó tham gia Cách mạng Tháng Tám, làm Chủ nhiệm Việt Minh, Chỉ huy trưởng bộ đội tỉnh Quảng Bình. Ông là đại biểu Quốc hội ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946.
Chiến tranh Đông Dương nổ ra, ông là Tỉnh đội trưởng, chỉ huy đánh nhiều trận ở Quảng Bình. Năm 1950 về Việt Bắc, tham gia Bộ Tư lệnh phối hợp với chiến trường Trung Hạ Lào trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954. Năm 1959, được phong quân hàm Đại tá. Sau đó có thời gian được cử đi học trường cao cấp quân sự ở nước ngoài và khi về nước được giao nhiệm vụ Tổng tham mưu phó, Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh quân tình nguyện Trung – Hạ Lào và từ cuối năm 1966 đến 1976 là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
Đường Trường Sơn ra đời ngày 19-5-1959 do yêu cầu chi viện miền Nam. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng và phát triển Đoàn 559 – tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn, đây là một sáng tạo chiến lược. Đường Trường Sơn được mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đi qua địa bàn 20 tỉnh ở Đông và Tây Trường Sơn. Sau này phát triển thành hệ thống với 16.700km đường bộ, trong đó có hơn 800km đường kín, có 1.500km đường rải đá và 200km đường nhựa. Cùng với hơn 1.500km đường ống dẫn dầu có đường kính 200 ly nối thông tới Bù Gia Mập, đảm bảo xe chạy đến đâu có xăng dầu đến đó và 1.350km đường dây cáp thông tin. Quân số của Binh đoàn Trường Sơn lúc cao điểm lên tới 120.000 người (có hơn 10.000 thanh niên xung phong), phiên chế thành 8 sư đoàn và 1 sư đoàn cao xạ tên lửa của Bộ Quốc phòng phối thuộc. Khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp nhận, binh đoàn có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, đến năm 1975 phát triển thành 2 sư đoàn xe vận tải với 10.000 xe.
Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên phụ trách được xem là giai đoạn ác liệt nhất. Ông đã sát cánh với ông Đinh Đức Thiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng các lực lượng khắc phục khó khăn, đáp ứng cho việc phục vụ chiến trường miền Nam.
Đường Trường Sơn được xem là chiến trường khốc liệt, nơi mà Mỹ và đồng minh tìm mọi cách để cắt đứt, từ lập “hàng rào điện tử McNamara”, pháo đài bay B52 đến cả dùng vũ khí hóa học hủy diệt… Chỉ tính trong 10 năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện vận tải cơ giới trên đường Trường Sơn, Mỹ đã huy động 733.000 lượt máy bay, đánh phá tuyến vận tải 152.000 trận, ném trên 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa lượng bom đạn phe trục phát xít sử dùng trong đại chiến thế giới lần thứ 2. Đã có gần 20.000 người vĩnh viễn nằm xuống và 30.000 người bị thương trên tuyến đường để đảm bảo lưu thông được liên tục suốt ngày đêm cho tới ngày toàn thắng.
Trước khi kết thúc chiến tranh, ông đã cất công đi tìm một mảnh đất để làm nơi yên nghỉ cho đồng đội. Theo ông, đó phải là nơi có hồ nước, đồi cây, phải như một công viên để nhiều người đến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ… Năm 1974, việc xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn trên đồi Bến Tắt ở phía Đông của dãy Trường Sơn (cách thành phố tỉnh lỵ Đông Hà 30km) đã được triển khai. Địa điểm này, trước đây cũng là nơi đóng Sở chỉ huy Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng đã tham gia chỉ đạo, điều hành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bộ đội Trường Sơn. Nghĩa trang đã hoàn thành vào tháng 4-1977, quy tập hơn 10.000 người lính hy sinh trên chiến trường miền Nam, chủ yếu là những người nằm xuống trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa trang được chia ra 10 khu mộ liên hoàn theo từng địa phương, trải rộng trên 7 quả đồi.
Từ năm 1976, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó ông lo về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng và là cố vấn Chính phủ xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh chính thức khởi công năm 2000. Con đường không chỉ có ý nghĩa về an ninh quốc phòng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế miền Trung. Những công trình lớn trên khắp mọi miền đất nước có công sức của ông như: Thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Trị An, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy, dầu khí Vũng Tàu…
Ông là một vị tướng tài, luôn lấy tư tưởng tiến công làm chủ đạo, biết tập trung thống nhất chỉ huy, lệnh phát ra là có hiệu lực ngay. Đường Hồ Chí Minh không chỉ là một tuyến vận tải mà còn là một chiến trường, một căn cứ địa chiến lược. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đây là một trong những yếu tố quyết định sự thần tốc của đoàn quân. Ông là một trong 2 sĩ quan cao cấp vinh dự được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên thẳng Trung tướng vào năm 1974. Theo ông, phẩm chất cần nhất của người làm tướng khi ra trận là bình tĩnh, không nóng nảy, không chủ quan, đánh giá đúng địch, đúng ta, tập trung cao độ tư duy, hạ lệnh đúng lúc, dứt khoát. Và ông là một tài năng trên nhiều lĩnh vực, giao việc gì làm tốt việc đó.
Video đang HOT
Ông là tấm gương về sự mẫu mực, về nhân cách sống. Với gia đình, ông cho rằng tình yêu và hạnh phúc bắt đầu từ cái tâm, từ tấm lòng. Ông có người vợ cùng chung chí hướng và đảm đang. Bà đã chu đáo lo cho 6 con ăn học, rồi 5 con lần lượt vào bộ đội, không một lời kêu ca, đòi hỏi, để ông tập trung công tác nơi chiến trường. Ông có một người con trai sau khi tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đã chiến đấu và hy sinh ở biên giới phía Bắc năm 1979.
Trong đời thường, điều dễ làm ông dị ứng là quan cách, nịnh hót, luồn lách, nói xấu bôi nhọ người khác cùng với nạn quan liêu, giấy tờ, hình thức phô trương… Khi tuổi đã cao, không còn trực tiếp làm việc, ông cũng đã nhiều lần bày tỏ bức xúc và góp ý thẳng thắn việc này, việc kia với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trong những lần gặp gỡ. Gần đây, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có đơn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị bày tỏ nguyện vọng khi từ trần được về an nghỉ ở Nghĩa trang Trường Sơn, để được gần gũi với đồng chí, đồng đội của mình…
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, xứng đáng được mệnh danh là con đại bàng của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ông ra đi để lại cho đời niềm tiếc thương vô hạn và danh thơm của một vị tướng tài ba vẫn còn lưu mãi cùng non sông đất nước.
PHẠM PHƯƠNG THẢO
Theo SGGP
Vĩnh biệt tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên!
Một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, nơi ghi dấu bao kỷ niệm, ân tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với bộ đội Trường Sơn. Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn đã lên kế hoạch cho sự kiện trọng đại này. Vậy mà anh đã ra đi để lại biết bao thương cảm, bùi ngùi của bao thế hệ bộ đội Trường Sơn...
Dấu ấn từ việc đổi chiến thuật, đổi phương châm
Nhắc về tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta không thể quên dấu ấn của ông, vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong những ngày đầu mở đường Trường Sơn. Lúc ấy, trong giai đoạn đầu xoi đường Trường Sơn, ta gặp nhiều khó khăn. Bí mật xoi đường với phương châm "đi không dấu, nấu không khói" nên khối lượng hàng hóa, thuốc men, vũ khí chi viện chiến trường miền Nam còn thấp do chưa có kinh nghiệm, chủ trương chưa đúng, đồng thời do bị ngăn cản, đánh chặn, phá hoại của không quân Mỹ rất ác liệt.
Tuy nhiên, khi được trung ương điều vào tiếp quản đường Trường Sơn, tướng Nguyên đã khai thông được nhiều bế tắc, tuyến chi viện này phát triển mạnh mẽ, tạo thành hệ thống đường dọc, đường ngang chằng chịt xuyên núi rừng Trường Sơn, thậm chí vươn sang nước bạn Lào.
Giai đoạn đầu xoi đường với phương châm bí mật, bất ngờ nhưng không quân của Mỹ quá mạnh nên không thể tiếp tế lớn cho miền Nam. Do vậy, tướng Nguyên đề xuất chủ trương cơ giới hóa, mà cơ giới hóa thì cần hệ thống cầu cống, đường sá nhiều mới đảm đương khối lượng hàng hóa, thuốc men, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Như vậy, lúc này đã công khai với địch chứ không bí mật như trước nữa. Ta phải mở đường, địch đánh ta thì ta đánh lại, đánh địch mà đi và bảo vệ hệ thống chi viện. Có thể nói đây là công lao, dấu ấn lớn của Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn.
Trong khoảng thời gian bám trụ trên tuyến lửa huyết mạch, tướng Nguyên là người bám trụ đường Trường Sơn lâu nhất, chỉ huy tài tình, lập nhiều chiến công, tập hợp nhiều lực lượng, phương tiện, cách thức đánh thắng phá hoại của đế quốc Mỹ ngay trên tuyến chi viện.
Chính tướng Nguyên đã đề xuất những kế hoạch táo bạo, sâu sắc, đánh giá được thực lực địch-ta vì lúc đó tâm lý còn ngán ngại Mỹ. Tuy nhiên, ông Nguyên đã khẳng định mình đánh thắng Mỹ. Đó như một động lực để các lực lượng bộ đội xốc tới, gây lòng tin cho bộ đội, cán bộ chỉ huy lúc đó.
Tướng Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn trong suốt quá trình đối phó với cuộc đánh phá, ngăn chặn điên cuồng của Mỹ trên tuyến chi viện này như sáng tạo phương châm "địch đánh một, ta làm mười" hay "cầu đường đi trước một bước", "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến"... Cùng đó là sự chỉ huy hợp đồng binh chủng bảo vệ giao thông vận tải trên toàn chuyến chi viện Trường Sơn.
Cần nhớ lúc này giao thông vận tải trên đường Trường Sơn không chỉ đơn thuần là giao thông mà là một chiến trường, mà chiến trường này là chiến trường hợp đồng binh chủng. Chính vì cách đặt vấn đề căn cơ, đúng thực lực như vậy nên công tác chỉ đạo xuyên suốt và hiệu quả đạt được rất cao. Từ đó phát huy thế mạnh của ta, hạn chế thế mạnh của địch, đi đến thắng lợi trên chiến trường.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU
Vị tư lệnh tài ba
Về tác phong làm việc của Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, có thể nói tướng Nguyên có trí nhớ rất tốt, ghi nhớ và đi đến tận cùng sự việc. Một sự kiện dù nhỏ ông cũng lắng nghe, từ đó có những nhận định rất sáng suốt trong chỉ đạo, xây dựng phương án tác chiến.
Từ nhận định sáng suốt nên có những chỉ đạo, hoạch định rất táo bạo, trong đó bộ đội ta vận dụng địa thế rừng núi hiểm trở và hệ thống đường kín nên khi địch phát hiện, đánh ta ban ngày thì cũng hạn chế về không gian tác chiến. Đánh ban đêm ta hạn chế nên khi chuyển sang đánh ngày ta chiếm ưu thế trên chiến trường, tổn thất ít và không ngăn chặn dòng chi viện của ta ra chiến trường. Đây là những sáng kiến rất cụ thể, giải quyết tình hình khó khăn khi ấy trên tuyến Trường Sơn.
Nhất là khi máy bay AC-139 phát hiện ra các mục tiêu, hệ thống đường kín và chạy ban đêm, địch đã dùng thiết bị khuếch đại ánh sáng, tia hồng ngoại để tự động xạ kích, khi đó tướng Nguyên chỉ đạo cho xe chạy ngày. Đây là cách chiếm ưu thế trời của ta, đất của ta, địch không thể ngăn chặn được. Điều này đồng nghĩa tổn thất ít, ngược lại hiệu quả chi viện rất nhiều. Đây là những sáng kiến tại chỗ của ông.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HY, nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn
Tướng Đồng Sỹ Nguyên và kỳ tích đường Trường Sơn
Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm thì tướng Đồng Sỹ Nguyên có hơn tám năm trên cương vị là tư lệnh. Trường Sơn từ một đơn vị chỉ với hơn 500 quân ngày đầu thành lập, sáu năm sau trở thành một đơn vị tương đương cấp quân khu.
Trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn một vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành tám sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.
Con "đường mòn" vĩ đại ấy cuối cùng có tới 14 tuyến với 20.000 km đường bộ, 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Ông hiểu hơn ai hết nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ chí cho người đã khuất. Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Ông chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng nghĩa trang. Và tháng 3-1975, ông là người bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, điểm đến thường xuyên đối với thân nhân và đồng đội tri ân các liệt sĩ.
TN tổng hợp
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sinh năm 1923, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút ngày 4-4-2019.
Năm 2015, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn sau khi từ trần được an nghỉ ở khu đồi Văn Bia, nghĩa trang Trường Sơn cùng với những đồng đội của mình và UBND tỉnh này đã đồng ý.
PHONG ĐIỀN ghi
Theo Baotintuc
Tướng Đồng Sỹ Nguyên sống giản dị, đậm chất "người lính cụ Hồ" Mấy tháng trước chúng tôi có qua nhà thăm tướng Đồng Sỹ Nguyên, bác còn hứa kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn này sẽ thu xếp đến dự và thăm bảo tàng. Vậy mà giờ chưa kịp đến ngày bác đã ra đi...", bà Hoàng Oanh, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ với Dân...