“Đông si đa” – tình nguyện viên “người nhà” của HIV/AIDS
48 trong số hàng vạn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn dù ở nơi chín suối, họ sẽ không thể quên người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tận tụy bón từng thìa cơm, chén sữa, không đeo găng tay vẫn chẳng ngại tắm rửa trên những cơ thể đầy ung nhọc, lở loét. Và đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, không ai khác lại chính người phụ nữ ấy khâm liệm để linh hồn họ ra đi thanh thản…
Bà chính là Bùi Thị Đông, người cũng mang nỗi đau quặn thắt vì có những đứa con ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
Người phụ nữ bất hạnh
Hơn nửa thế kỷ sống trên đời, không biết bà Đông có được bao ngày vui vẻ, hạnh phúc, chỉ thấy bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Vợ chồng bà sinh hạ được 3 quý tử thì người con trai cả sớm dính vào nghiện ngập rồi gieo trong mình virus HIV. Vì cú sốc tinh thần ấy, đang là công nhân xây dựng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Đông quyết định “về một cục”, đến nay không được hưởng chế độ nào.
Những năm cuối đời, người con trai ấy vẫn khát khao một hạnh phúc gia đình với cô gái ở cùng khu cũng mang căn bệnh thế kỷ. Làm mẹ, có ai làm ngơ được trước hạnh phúc của con, bà Đông đành ngậm ngùi chấp thuận.
Một năm sau, vào năm 2001, người con dâu phát bệnh, thân mình lở loét, hôi tanh, những người anh em ruột thịt nhất cũng “bịt mũi cách xa”. Trước tình cảnh ấy, bà Đông không ngần ngại lau rửa chu đáo đến khi cô nhắm mắt xuôi tay.
Ba năm sau, người con trai cả cũng vào giai đoạn cuối. Những ngày tháng ấy, cũng chính tay bà Đông chăm sóc, lau rửa và khâm liệm cho con khi anh từ giã cõi đời. Bà bảo: “Đó chính là động lực để tôi chăm sóc cho các bạn cũng bị nhiễm H (HIV). Ban đầu, nếu nói không sợ là không phải nhưng trong cái sợ đó, tôi lại nghĩ rằng, con mình cũng từng bị như vậy nên không có gì ngần ngại chăm sóc để tạo niềm tin cho các bạn. Có sợ cũng cố gắng vượt qua”.
Nỗi đau mất đi con trai cả và con dâu chưa nguôi ngoai, tai họa lại ập đến khi người con trai thứ hai của bà cũng đi vào vết xe đổ của anh trai và bị nhiễm virus tử thần. Hiện tại, anh đang ở trại cai nghiện số 05 Xuân Phương và cũng trong giai đoạn cuối của bệnh AIDS, khắp người đã bắt đầu lở loét.
Những tưởng cậu con trai út sẽ là niềm hi vọng và chỗ dựa cho bà khi tuổi cao sức yếu, nhưng anh này cũng bỏ học từ năm lớp 11, theo chúng bạn ăn chơi đua đòi, không thể trang trải cuộc sống và đỡ đần người mẹ bất hạnh.
Một mình bà lại bươn chải ở khu chợ Nhật Tân. Ngày ngày cứ 4h sáng ra bán hàng nước, trưa chiều làm vệ sinh rồi lấy nước thuê cho hàng cá. Bao năm tự mình kiếm sống, nuôi con nghiện hút lại mắc bệnh xã hội, khi nhắc đến người chồng bà Đông chỉ ngậm ngùi: “Chồng tôi theo người khác đã gần chục năm nay. Tôi không biết lý do vì sao nhưng đừng đổ là do các cháu mà phải tội”.
Tình nguyện viên “độc nhất vô nhị”
Đến chợ Nhật Tân ( phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), cứ hỏi bà Đông hay “Đông ma túy”, “Đông si đa”, ai ai cũng biết bởi cái lao động đặc biệt, gần như là “độc nhất vô nhị” chỉ của riêng bà là tắm rửa, khâm liệm cho người nhiễm HIV/AIDS và cả những người già cả, bệnh tật, ốm đau rồi qua đời.
Chiếc xe đạp không chuông, không phanh cùng bà trên mỗi nẻo đường đến với người có HIV/AIDS.
Video đang HOT
Với chiếc xe đạp không chuông, không phanh, 1 đôi xô, 1 chiếc gáo, 1 cái xoong và bộ dụng cụ chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS được Bộ Y tế cấp, bà Đông đạp xe đến mọi ngõ xóm, phố phường, không chỉ ở quận Tây Hồ mà cả các xã bạn, hễ biết ai cần giúp đỡ là bà sẵn sàng gác lại công việc ở chợ và lên đường, có khi là đêm hôm, gà gáy.
Mối “duyên” với “nghề” đến với bà từ trước khi trở thành một tình nguyện viên Câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau”. Bà kể, trường hợp đầu tiên bị HIV được bà chăm sóc và khâm liệm vào năm 2000, sau đó mới tới vợ chồng người con cả của bà.
Năm 2005, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thực hiện chương trình phổ biến kiến thức ở phường. Với tình thương và tâm huyết dành cho những người nhiễm HIV, bà Đông được tham dự lớp tập huấn 15 ngày. Bằng kinh nghiệm của bản thân và tích lũy kiến thức qua lớp học, bà Đông là tình nguyện viên rất tích cực, hai năm liền được tặng thưởng giấy khen.
Công việc hàng ngày của bà là chăm sóc, chia sẻ với các bệnh nhân nhiễm H và đang sống chung với H, vận động các bạn tham gia Câu lạc bộ của phường. Ban đầu, CLB mới có 11 thành viên, đến nay đã phát triển lên con số 85 thành viên, trong đó có tới 21 người đang mang trong mình virus HIV.
Bà Đông chia sẻ: “Các bạn nhiễm H cũng là 1 con người, mình cũng là con người không nên kỳ thị, xa lánh các bạn mà phải là đòn bẩy để các bạn dựa vào. Các bạn nhiễm H đi vào con đường lầm lỡ, trở thành gánh nặng cho gia đình, mình phải có lời nói và động viên để các bạn hiểu rằng dù họ lầm lỡ nhưng bên cạnh vẫn có người sống chung với họ để giúp họ vượt qua mặc cảm”.
Bà kể, những ngày đầu đến làm tình nguyện, có khi bị người trong gia đình và chính người bệnh chửi bới, nhưng càng chửi bà càng đến và khi người đó qua đời, gia đình lại đến nhờ bà tắm rửa và khâm liệm cho họ.
Người tình nguyện viên đặc biệt nhớ nhất kỷ niệm với một bệnh nhân sinh năm 1978. Bố mẹ ly hôn, người mẹ giờ vẫn ngồi tù vì buôn bán ma túy còn người bố đã đi bước nữa. Khi người đó ở vào giai đoạn cuối, người bố và mẹ kế không dám chăm sóc, chỉ bịt khẩu trang đứng nhìn.
Bà Đông lại ân cần đến với người bệnh như đang chăm sóc đứa con của mình. Người ấy tâm sự với bà rằng: “Cháu ân hận, cháu và con bác lâm vào ma túy hại gia đình. Cháu cám ơn bác chăm sóc, tắm rửa cho cháu. Cháu ra đi là số phận, cháu sẽ phù hộ cho bác khỏe mạnh”. Và rồi 9h sáng hôm sau, người ấy lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.
Có người bệnh tìm đến bà như một nơi để gửi gắm khi biết ngày lìa xa cuộc đời của mình sắp đến. Đó là trường hợp một người đàn ông có HIV ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Qua thông tin trên mạng, anh biết đến người tình nguyện viên với công việc độc nhất vô nhị giữa lòng thủ đô và nhờ gia đình đến tìm. Những ngày cuối, anh thỏa ước nguyện được bà chăm sóc và khâm liệm khi nhắm mắt xuôi tay.
Tận tâm tận lực với công việc là điều dễ nhận thấy ở người tình nguyện viên này. Chị Hà, một người hàng xóm gần gũi với bà Đông chia sẻ: “Mình là người may mắn trong gia đình không có người nhiễm HIV. Nhưng gia đình bà có 2 con nhiễm H nên bà rất hiểu và sẵn sàng giúp đỡ không tính toán, không vì tiền, mà chỉ làm vì tâm huyết của mình”.
Với người phụ nữ bất hạnh nhưng giàu lòng bao dung và chất chứa tình thương ấy, niềm an ủi duy nhất của bà lúc này là có cô con dâu vợ người con trai thứ hai rất thảo hiền, đặc biệt là hai cháu nội chăm ngoan và học giỏi. Đó là nguồn động lực lớn lao, là chỗ dựa tinh thần để bà tiếp tục đến với những gia đình, những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ và trở thành chỗ dựa cho họ những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Theo Laodong
Người phụ nữ nguyện cả đời tắm, khâm liệm cho bệnh nhân AIDS
Điện thoại báo có bệnh nhân AIDS hấp hối hoặc cần chăm sóc, bà Bùi Thị Đông (phường Nhật Tân, Hà Nội) lại vội vàng lên đường.
Kể từ sau khi vợ chồng đứa con trai cả chết vì AIDS cách đây hơn 10 năm, bà Đông tình nguyện tới chăm sóc, tắm rửa và khâm liệm cho những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ. Ảnh: Bình Minh.
Hơn 10 năm qua, người phụ nữ này tình nguyện tắm rửa, khâm liệm cho người mắc căn bệnh thế kỷ.
Bà Đông tựa đầu người thanh niên sinh năm 1978 trạc tuổi đứa con trai thứ hai của bà vào vai mình để khiêng xuống nhà khâm liệm. Lúc đến đây, bà đã chuẩn bị thùng nước lá thơm đun sẵn từ nhà. Vài hôm trước, đón cậu ta từ trại về nhà với cơ thể lở loét, bốc mùi, một tay bà bón phở, sữa rồi tắm rửa trong khi thân nhân chàng trai thì đi ủng, găng tay và bịt khẩu trang không dám lại gần.
Được bà Đông tới lau rửa cho hai buổi, thanh niên ấy qua đời. Lúc hấp hối, cậu chỉ muốn được gặp để cảm ơn và chào bà lần cuối. Đã 5 năm sau cái chết của chàng trai này, bà Đông vẫn không thể quên được những ngày ngắn ngủi ở bên chăm sóc anh ta như chính con trai mình...
Trên chiếc phản trải áo mưa trong căn lều lụp xụp cuối chợ Nhật Tân, bà Đông chợp mắt ngủ lúc 8h sáng. Dù nắng hay mưa, cứ 4h sáng hàng ngày, người đàn bà ấy đã có mặt ở chợ để làm công việc vệ sinh quen thuộc rồi chuẩn bị dọn hàng nước với lèo tèo vài chiếc cốc và ấm phích. Ở cuối chợ, bà để "đồ nghề" đi tắm cho bệnh nhân gồm xe đạp cũ cùng chiếc thùng nhựa. Hễ có ai gọi, bà đun nước rồi chất lên xe chở đi.
Trước đây có ai gọi bà là "Đông ết", "Đông ma túy" hay "Đông siđa", bà sẽ nổi đóa, dùng đòn gánh mà đánh đuổi người đó. Giờ bà xem những cái tên ấy như cách để người khác nhận ra bà với công việc tắm rửa, thay quần áo và khâm liệm cho bệnh nhân AIDS. Bà đến với công việc này thường xuyên kể từ sau cái chết vì căn bệnh thế kỷ của vợ chồng đứa con cả.
Kinh tế khó khăn, bà làm công nhân xây dựng, chồng không nghề nghiệp nên khi sinh đứa con trai đầu lòng năm 1975, bà có thêm nghề phụ là "bán máu". Để có tiền nuôi con, bà lê la khắp các bệnh viện, có tháng phải bán máu vài lần. Ngày đó, mỗi lần lấy máu, bà được 75 đồng, cân đường, thịt và ít thuốc B1. Nghỉ chế độ, bà vẫn tiếp tục "công việc" này đến năm 2003. Nhiều hôm kiệt sức, có lần bà uống thuốc sâu tự tử để khép lại cuộc đời nhưng may mắn được cứu sống.
Đứa con cả học kém lại không công việc nên sớm "vập" vào ma túy. Năm lần bảy lượt, bà chắt chiu tiền bán máu đưa con đi cai nghiện nhưng không thành. Con mắc bệnh xã hội, bà lại rút đi nguồn sống cơ thể để cố níu kéo sự sống cho con. Lúc cuối đời, đứa con này khát khao mái ấm gia đình và muốn cưới một phụ nữ nghiện, nhiễm HIV ở cùng khu.
Một năm sau ngày cưới, con dâu phát bệnh, cơ thể lở loét, hôi tanh. Người nhà bịt mũi nhìn, chỉ có bà Đông dám lại gần lau rửa chu đáo cho tới khi cô nhắm mắt. Không lâu sau cái chết của vợ, con trai bà cũng chết vì AIDS. Cả hai đứa con, bà đều tự tay chăm sóc. Lúc khâm liệm, bà còn nấu nước lá thơm tắm rửa, thay quần áo cho họ.
Quán nước lèo tèo với vài chiếc cốc và phích nước của bà Đông ở cuối chợ Nhật Tân. Bận rộn với công việc dọn vệ sinh chợ và đi tắm cho người bị AIDS nên chẳng mấy khi bà có mặt ở quán. Ảnh: Bình Minh.
Giống anh trai, đứa con thứ hai của bà Đông cũng nghiện ngập rồi nhiễm bệnh xã hội nhưng may mắn, vợ và hai đứa con của anh này "thoát nạn". Hiện tại, người con ấy sống trong trại cai nghiện ở Hà Nội. Còn cậu con út 20 tuổi của bà Đông bỏ học từ năm lớp 11 cũng sớm xăm trổ và chơi ma túy tổng hợp. Chán cảnh gia đình, chồng bà Đông ra đi với người đàn bà khác đã 6 năm nay.
Người phụ nữ có thân hình to béo, tính dễ nổi nóng, chia sẻ đến với bệnh nhân AIDS vì tình thương dành cho các cháu mà không thấy ghê bẩn gì. Bản thân bà thừa nhận, ban đầu cũng sợ nhưng cứ nghĩ đang chăm con cái mình, bà vượt qua hết. Trước khi chưa tiếp xúc với người bệnh giai đoạn cuối, bà từng có "thâm niên" lau rửa, "làm đẹp" cho người chết.
"Nhìn các cháu chỉ trạc tuổi con mình vật vã, thều thào nói ân hận, tôi lại nhớ đến con mình. Đã quá muộn nhưng những lời trăn trối, ăn năn của chúng gợi lại trong tôi nỗi đau và càng giúp tôi thêm can đảm để đến với người bệnh", bà Đông nói.
Sau khi chứng kiến bà chăm lo cho vợ chồng đứa con cả, những gia đình quanh đó có con bị bệnh cũng tìm đến nhờ bà. Trường hợp đầu tiên bà chăm sóc là một thanh niên sống trong chợ. Lúc bà đến, người này chỉ còn da bọc xương, nằm co quắp và liên tục xua đuổi người lạ vì tủi thân. Thấy bà ân cần đến bên, người đàn ông đó ôm lấy bà khóc nấc. Sau anh này, bà lần lượt khâm liệm cho nhiều người thân của gia đình ấy chết vì bệnh xã hội và ung thư.
Bà Đông kể những ngày đầu đến với các gia đình có con bị AIDS, bà bị họ xua đuổi, chửi mắng. "Họ làm vậy vì chưa có kỹ năng, hiểu biết về căn bệnh thế kỷ. Càng chửi, tôi càng đến. Cuối cùng, lúc con họ qua đời, những gia đình ấy lại gọi đến tôi", bà Đông nói.
Lúc đầu chưa thực sự hiểu về căn bệnh thế kỷ, bà Đông chỉ làm theo bản năng và kinh nghiệm. Tới năm 2005, khi Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức, bà được đi tập huấn và trở thành tình nguyện viên. Từ đó, bà đều đặn cùng các tình nguyện viên đến từng hộ gia đình phổ biến kiến thức về HIV, phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện ma túy. Không chỉ tuyên truyền, bà còn tình nguyện đưa người có HIV đi khám. Nhiều trường hợp không có tiền đi xe ôm, bà phải bỏ tiền túi ra cho họ. Số tiền ấy, bà chắt chiu từ những lần bán giấy báo, nilon, chai nhựa nhặt nhạnh ngoài chợ.
Nhắc đến những đứa con, bà chẳng muốn mở bọc ký ức đã khó khăn lắm mới gói ghém để cất chặt trong lòng. Chỉ khi kể về công việc đến bên những "khách hàng" đặc biệt, bà trở nên hoạt bát, nhớ vanh vách từng người bị nhiễm bệnh ra sao. Với bà, dù bị gia đình, xã hội xa lánh nhưng họ vẫn là con người cần tình thương.
Lý giải cho việc gắn bó với công việc chăm sóc người bị AIDS đã nhiều năm nay, bà Đông giãi bày: "Tôi làm việc này để những người làm cha mẹ có con bị bệnh hiểu rằng họ không việc gì phải sợ cả, vì một bà mẹ có ba đứa bị AIDS như tôi đã sống cùng và chăm sóc những người bị bệnh không phải ruột thịt".
Theo bà Đông, mỗi khi đến với họ, "đồ nghề" của bà lúc nào cũng có găng tay, thuốc khử trùng, thuốc bột, khẩu trang, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần mang găng, bịt khẩu trang vì dễ khiến bệnh nhân tủi thân, mặc cảm. Với "khách hàng" ở giai đoạn cửa sổ 4, miệng có vết lấm tấm trắng mới cần đi găng.
Hiện tại, dự án quốc tế đã kết thúc nhưng bà vẫn tiếp tục công việc đến bên bệnh nhân AIDS trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời họ. Chỉ cần có điện thoại gọi, bà sẵn sàng bỏ hết công việc ở chợ để đi tắm cho người bệnh. Giờ ngay sau căn lều ở chợ, bà trồng sẵn một vườn lá trầu không, bưởi, hương nhu, xả để nấu nước tắm.
Bà bảo mỗi tháng đi tắm cho người bệnh khoảng 5-7 lần nhưng cũng có tháng chẳng lần nào vì còn tùy thuộc họ cần bà lúc nào. Làm công việc từ thiện ấy đã hơn chục năm qua nhưng chưa lần nào bà nhận tiền hay quà bánh của các gia đình. Mỗi tháng, mức lương dọn vệ sinh chợ hơn 2 triệu đồng cộng với khoản nhặt nhạnh đồng nát cũng được khoảng 3 triệu giúp mẹ con bà chi tiêu tằn tiện. Bà ít khi ở nhà mà thường ngủ lại ở chợ cho vui.
"Niềm an ủi lớn nhất của tôi bây giờ là hai đứa cháu nội ngoan, học giỏi. Cuộc đời tôi bây giờ là mang tình thương đến cho các cháu bị bệnh. Tôi sẽ làm việc này đến khi nào không còn sức nữa mới thôi", bà Đông nói.
Nhắc tới bà Đông, ông Bùi Văn Đê, Chủ tịch hội chữ thập đỏ phường Nhật Tân, bày tỏ sự khâm phục. Theo ông Đê, bà Đông có cuộc đời bất hạnh. Nỗi đau khổ trong cuộc sống gia đình dồn nén khiến người đàn bà này trở nên cay nghiệt và "xù lông" với mọi người.
"Dù vậy, bà ấy tốt bụng, có tâm và can đảm. Bà ấy chẳng khi nào ngại ngần khi được nhờ tới chăm sóc, tắm rửa cho những bệnh nhân AIDS. Từng có con mắc bệnh nên bà đến bên họ bằng tình thương của một người mẹ, giúp họ thanh thản lúc nhắm mắt", ông Đê nói.
Ông Đê cho biết thêm, khi chợ Nhật Tân thành lập, phường đã tạo điều kiện cho bà Đông vào làm vệ sinh trong chợ. Đến nay, ngoài chăm sóc bệnh nhân AIDS, bà Đông tham gia thành lập câu lạc bộ của những người nhiễm H và nghiện ma túy.
Theo Xahoi
Người Việt đã quên nỗi sợ lây nhiễm HIV/AIDS? Chỉ ngồi ở nhà bán trà đá, một ngày bỗng phát hiện mình có HIV. Những câu chuyện khó ngờ ở các phòng khám chứng minh một thực tế kinh hoàng: HIV đang âm thầm lan từ người này sang người khác, kể cả những người có đời sống lành mạnh. Không dùng bao cao su vì ngại, vì chủ quan Trong quá...