Đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc kỷ lục
Ngày 25/10, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cuối tuần qua chỉ thị trục xuất đại sứ của 10 quốc gia phương Tây, trong đó có Đức và Mỹ.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AFP ( Pháp), đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức 9,8 lira đổi 1 USD trước khi nhích nhẹ lên mức 9,73 lira đổi 1 USD sau 5 giờ GMT (12h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam), tương đương mức giảm 1,3% so với một ngày trước đó. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ giá hối đoái giữa đồng lira với USD đã sụt giảm khoảng 24%.
Đồng tiền này đang hứng chịu một tuần đầy sức ép sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa vào diện giám sát do không có biện pháp hiệu quả chống nạn rửa tiền và bị cáo buộc tài trợ cho các nhóm vũ trang trong khu vực Trung Đông. Ngoài ra, các nước phương Tây cáo buộc Tổng thống Erdogan can thiệp vào hoạt động của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi sa thải 3 quan chức ngân hàng trung ương trong tháng 10/2021, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 18% xuống 16% trong ngày 21/10 vừa qua, cho dù tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tới gần 20% trong tháng 9 vừa qua.
Trong tuyên bố chung hôm 18/10, đại sứ 10 nước tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ đã kêu gọi trả tự do cho doanh nhân Osman Kavala đang bị giam giữ tại quốc gia này.
Ông Kavala bị giam giữ từ cuối năm 2017 với cáo buộc hậu thuẫn tài chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và tham gia cuộc đảo chính năm 2016.
Video đang HOT
Hôm 19/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu 10 đại sứ đến để phản đối. Tới ngày 23/10, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố đây là những nhà ngoại giao “không được hoan nghênh” và sẽ sớm trục xuất họ.
Giới chuyên gia nhận định việc thiếu đi các đại diện ngoại giao phương Tây tại Ankara sẽ gây bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và khiến giới đầu tư không mặn mà với quốc gia này.
Làn sóng dịch mùa đông tấn công châu Âu
Những gì đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu đang khiến người ra liên tưởng tới thời điểm này cuối năm ngoái, khi thế giới chứng kiến những đợt bùng phát COVID-19 mạnh vào mùa Đông, khi các loại virus tấn công dữ dội nhất.
Mùa Đông năm nay, thế giới cũng đang quan ngại về làn sóng bệnh dịch mới, trong đó châu Âu được lưu ý đặc biệt sau khi khu vực này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để sống chung với COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, với tỷ lệ tăng 7% số ca mắc mới, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca mắc gia tăng, chủ yếu ở Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng vaccine không đồng đều hiện là mối đe dọa lớn với lục địa này. Trong tuần thứ ba liên tiếp, số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở châu Âu, với khoảng 1,3 triệu ca mắc mới, bằng mức tăng cùng thời điểm năm ngoái. Hơn một nửa số quốc gia trong khu vực ghi nhận số ca mắc tăng, trong đó Anh và Nga mỗi nước chiếm khoảng 15%.
Trên thực tế, tổng số ca nhiễm mới tại châu Âu trong 7 ngày qua chiếm 38% tổng số ca ca mắc mới ghi nhận toàn thế giới, đưa châu lục này trở lại là "điểm nóng" của dịch COVID-19. Với việc số ca mắc mới gia tăng ở mức đáng báo động sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, giới chuyên gia ở thời điểm hiện tại đã đưa ra cảnh báo nguy cơ châu Âu phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ ba vào mùa Đông sắp tới.
Tình hình dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp tại Anh. Con số lây nhiễm ở Anh đã trở lại mức cao chưa từng có từ giữa tháng 7 đến nay, cao gần gấp đôi so với hồi tháng Giêng, dù tỷ lệ tử vong hiện chỉ ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà. So với các nước Tây Âu khác, Anh vẫn có tỷ lệ mắc, nhập viện và tử vong cao. Tuần qua, nước này đã ghi nhận hơn 325.000 ca mắc, cao nhất châu Âu và hơn 52.000 ca chỉ riêng trong ngày 21/10, nhiều hơn con số ở cả Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cộng lại. Hôm 19/10, Anh cũng ghi nhận 223 ca tử vong, mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 3.
Theo các chuyên gia, nếu không có sự can thiệp kịp thời, sẽ có thêm nhiều người tử vong và hệ thống y tế công (NHS) của Anh sẽ lại trở nên quá tải trong mùa Đông tới. Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Queen Mary ở London, nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay ở Anh là đoán được trước bởi đây là những hệ quả của việc mở cửa hoàn toàn. Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và nhiều biện pháp khác giờ không còn là quy định bắt buộc theo luật tại Anh. Ông Guardasani cảnh báo đây là xu thế đáng báo động, bởi từ nhiều tháng qua, số ca mắc ở Anh vẫn là 30.000 đến 40.000 người/ngày.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 18/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch COVID-19 cũng diễn biến nghiêm trọng trở lại ở Nga, các nước Trung, Đông Âu và Baltic, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Trung bình trong 7 ngày qua, Nga ghi nhận hơn 34.000 ca mắc mới/ngày, khi chỉ gần 34% dân số trong độ tuổi trưởng thành được tiêm chủng. Ngày 23/10, Nga ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 37.678 ca mắc mới và 1.075 ca tử vong.
Trong khi đó, Romania, với trung bình cứ 5 phút lại có một người tử vong vì COVID-19, đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới trong tuần qua. Quốc gia láng giềng Bulgaria đứng ngay sau. Đáng chú ý, lần lượt chỉ 36% và 23,9% người trưởng thành ở Romania và Bulgaria tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ bình quân của cả EU là 74%. Ba Lan chứng kiến mức tăng ca mắc mới theo tuần hơn 100%, hiện trung bình trên 5.000 ca mỗi ngày. Lần đầu tiên kể từ tháng 5, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày, tính đến 23/10 ở Đức lên tới 100 ca/100.000 người sau khi số ca mắc gia tăng mạnh (tỷ lệ của tuần trước là 68,7 ca/100.000 người). Latvia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt các biện pháp hạn chế khi mỗi ngày đất nước có chưa tới 2 triệu dân này ghi nhận hơn 2.000 ca mắc.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 23/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng trên là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Nga cũng như các nước Trung và Đông Âu tương đối thấp so với cả khu vực (dưới 50%). Ngay tại Anh, quốc gia đã mở cửa trở lại hoàn toàn từ trung tuần tháng 7 vừa qua, số người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là 65,9%, thấp hơn so với Pháp (66,1%), Italy (68,3%), Ireland (74,1%), Tây Ban Nha (78,6%) và Bồ Đào Nha (85,2%). Tỷ lệ tiêm vaccine ở người trẻ tuổi ở Anh cũng thấp.
Những con số trên chắc chắn là lời cảnh báo nghiêm túc với châu Âu, trong bối cảnh mùa Đông đang tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến đại dịch COVID-19 khi làn sóng dịch bệnh mới rất dễ tái bùng phát do nhiệt độ xuống thấp trở thành điều kiện thuận lợi để virus sinh sôi và nguy cơ lây lan tiềm ẩn từ những biến thể của SARS-CoV-2. Mùa Đông cũng là thời điểm của bệnh cúm mùa, đe dọa làm gia tăng sức ép lên hệ thống y tế vốn chưa được thả lỏng sau các đợt dịch vừa qua.
Vào thời điểm này năm ngoái, châu Âu cũng đã chứng kiến mùa Đông khắc nghiệt kéo dài khi số ca mắc mới và tử vong tăng vọt. Các nước châu Âu khi đó đã đồng loạt công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và trải qua một mùa Giáng sinh ảm đạm, vắng vẻ chưa từng có. Tuy nhiên, mùa Đông năm nay, khi các nước "Lục địa già" đã chọn "sống chung với COVID-19" và mở cửa gần như hoàn toàn, các chính phủ hầu hết không chọn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch mạnh để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục vận hành. Hiện đeo khẩu trang và chứng nhận tiêm chủng là những yêu cầu bắt buộc khi tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội ở các nước châu Âu. Như tại Anh, chính phủ nước này thực hiện "Kế hoạch A" ứng phó đại dịch trong mùa Thu và Đông, tập trung vào tiêm mũi tăng cường cho hàng triệu người cũng như tiêm 1 liều vaccine của Pfizer cho những người từ 12-17 tuổi.
Trong tuần qua còn ghi nhận sự xuất hiện một biến thể phụ của biến thể Delta, COVID-19, gọi là AY.4.2, ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Anh hay Nga. Không ít chuyên gia đã lo lắng biến chủng này sẽ phát tán mạnh hơn, làm gia tăng tỷ lệ mắc mới. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng AY.4.2. rốt cuộc còn có thể thay thế Delta, trở thành biến thể phổ biến, dù tiến trình này sẽ kéo dài.
Những gì đang diễn ra tại châu Âu cho thấy không thể lơ là trong mùa Đông đang tới. Dù thế giới đã được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với dịch COVID-19, các nhà phân tích cho rằng rủi ro tái bùng phát dịch bệnh tại nhiều quốc gia vào mùa Đông tương đối cao mà nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều, chính sách nói lỏng giãn cách và sự thiếu hụt nguồn lực xét nghiệm ở những nước có thu nhập thấp. Theo Tổng Giám đốc Viện Vaccine quốc tế, ông Jerome Kim, khả năng xét nghiệm ở những nước có thu nhập thấp tạo ra "điểm mù" trong quá trình phát hiện và đề phòng các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Hơn nữa, khi các nước mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động du lịch, việc virus lây lan từ khu vực này tới khu vực khác là điều khó tránh. Ngày 21/10, nhà chức trách Trung Quốc đã phải hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà nhằm tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch, với các tiếp xúc gần tại ít nhất 5 tỉnh và khu vực, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Tới nay, hầu hết các chuyên gia y tế đều cho rằng loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 gần như chắc chắn là điều không thể và đại dịch sẽ không biến mất một cách nhanh chóng mà nhiều khả năng sẽ trở thành dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt, mùa Đông và mùa Xuân được cho là thời điểm dễ tái bùng phát các làn sóng dịch mới. Ông Tom Wingfield, chuyên gia bệnh dịch truyền nhiễm ở Liverpool nhận định, mùa Đông năm nay với rất nhiều áp lực hỗn hợp sẽ là rào cản cuối cùng trước khi vaccine có thể trở thành công cụ thường trực giúp con người sống chung an toàn với COVID-19. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà, chính phủ các nước châu Âu đang đưa ra bằng nhiều biện pháp, kể cả xem xét tái áp đặt một số hạn chế nghiêm ngặt hơn, song như khẳng định của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ý thức và trách nhiệm của người dân vẫn là yếu tố quyết định để châu Âu có thể vượt qua mùa Đông khó khăn này.
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 243,9 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 23/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 243.902.516 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.956.324 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 220.991.287 người. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN Quốc gia chịu ảnh...