Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng vì Trung Quốc
Căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông đã thúc đẩy một số nước Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng.
Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) ngày 19-8 nhận định như trên với dẫn chứng số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển). Số liệu cho thấy năm 2013, ngân sách quốc phòng Đông Nam Á đã tăng 5% (lên 35,9 tỉ USD) và dự kiến sẽ tăng đến 40 tỉ USD vào năm 2016.
Đài phát thanh Deutsche Welle đã phỏng vấn ba chuyên gia của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm gồm Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự Sam Perlo-Freeman, Giám đốc chương trình sản xuất và chuyển nhượng vũ khí Aude Fleurant và nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình chuyển nhượng vũ khí Siemon Wezeman.
Ba chuyên gia ghi nhận Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam đã tăng ngân sách quốc phòng khá mạnh trong những năm vừa qua. Thái Lan và Campuchia tăng ngân sách chủ yếu vì căng thẳng biên giới. Indonesia lo ngại bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc còn Việt Nam muốn tăng cường khả năng phòng vệ trước hành động của Trung Quốc.
Bắc Kinh dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á.
Các chuyên gia nhận định không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn xung đột vũ trang xảy ra. Dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự để tìm cách tạo ra các thực tế mới trên biển Đông và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tranh chấp hơn. Đáp lại, các nước trong khu vực sẽ tiến hành ứng phó như củng cố năng lực quân sự và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Theo các chuyên gia, sẽ là sai lầm nếu các nước Đông Nam Á trông cậy hoàn toàn vào Mỹ đồng thời cũng sẽ rất rủi ro nếu muốn tự lập trong công tác xây dựng năng lực quốc phòng. Đông Nam Á vẫn cần dựa vào cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ để duy trì ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước cũng cần tự phát triển năng lực quân sự.
Một số nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ viện trợ quân sự của Mỹ dưới hình thức bán vũ khí, ví dụ như Mỹ đã hứa bán tàu tuần duyên cũ cho Philippines. Mỹ cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và có thể sẽ bán máy bay trinh sát biển cho Việt Nam.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, mua sắm vũ khí là hoạt động bình thường để củng cố sức mạnh vũ trang nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới. Dù vậy, mua sắm vũ khí hoặc mở rộng hải quân và không quân ở Đông Nam Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khi cơ chế đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế trong khu vực vẫn còn yếu. Các chuyên gia nhận định nguy cơ chiến tranh toàn diện vì tranh chấp biển Đông rất nhỏ nhưng rủi ro về các biến cố không lường trước lại gia tăng.
Theo Pháp Luật
Châu Á trước viễn cảnh chạy đua vũ khí hạt nhân
Đây là một trong những lý do mà các học giả quốc tế nhận định rằng tương lai của vũ khí hạt nhân có thể là ngôi nhà Châu Á.
Ngày 18/6/2014, tạp chí Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản đã đăng tải bài bình luận của Biên tập viên Zachary Keck với tiêu đề "Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Châu Á".
Tác giả bài viết nhận định rằng cùng với việc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được chế tạo bằng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) xuất hiện ở châu Á là sự ra đời không khó dự đoán về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực này.
Zachary Keck nhấn mạnh rằng tương lai của các loại vũ khí hạt nhân thực sự sẽ được đặt ở châu Á chứ không phải ở khu vực Trung Đông.
Ngày 17/6/2014 một bài báo được đăng tải trên tờ "Bulletin of Atomic Scientists" đã đưa ra một trong những lý do khá thuyết phục để khẳng định dự đoán về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á như đã đề cập ở trên.
Bài viết đã tạo ra một cuộc bàn cãi sôi nổi khi đề cập đến việc các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan nên ngồi lại, đàm phán với nhau về một lệnh cấm sở hữu và triển khai các loại tên lửa đạn đạo hạt nhân sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV).
Hiện nay, trong số các cường quốc nói trên thì có Nga và Mỹ là những nước đã sở hữu và triển khai các loại tên lửa loại này trong chiến lược phòng thủ của mình. Trong khi đó Trung Quốc và Ấn Độ dường như đang tìm mọi cách để có được loại vũ khí hủy diệt nguy hiểm này.
Nếu Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan thành công trong việc sở hữu tên lửa MIRV thì chắc chắn sẽ có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á, đặc biệt là giữa ba quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Một khi viễn cảnh này xảy ra, cuộc chạy đua hạt nhân sẽ kéo theo cả hai cường quốc quân sự của thế giới là Nga và Mỹ.
Các loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân sử dụng công nghệ MIRV đều tập trung vào mục đích làm mất ổn định khả năng phòng thủ của đối phương, đặt hiệu quả của tấn công phủ đầu lên trên hết. Chính vì vậy nó sẽ gây ra bất ổn nghiêm trọng cho an ninh của khu vực và toàn thế giới.
Tên lửa dùng công nghệ MIRV có thể tấn công bằng nhiều đầu đạn, hướng đến nhiều mục tiêu cùng một lúc hoặc hướng tấn cả các đầu đạn mang lượng nổ hạt nhân vào cùng một mục tiêu được xác định.
Nếu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân diễn ra ở Châu Á thì nó có thể được so sánh với chạy đua hạt nhân giữa các cường quốc trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Năm 1970, quân đội Mỹ đã triển khai các quả tên lửa hạt nhân đa đầu đạn Minuteman III. Vào thời điểm này các cường quốc trong đó điển hình là Nga và Mỹ đã sở hữu đến 38000 đầu đạn hạt nhân. Khoảng 10 năm sau đó số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã tăng lên con số 54000.
Sau 1 thập kỷ kể từ lần đầu tiên Liên Xô triển khai các tên lửa đạn đạo đa đầu hạt nhân vào năm 1974, quân đội Liên Xô đã sở hữu 63000 đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy, việc xuất hiện, đưa vào triển khai các tên lửa hạt nhân đa đầu đạn đã tạo ra một sự ảnh hưởng to lớn, phi đối xứng đối với kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, nước vốn rất tự tin vào sức mạnh răn đe của các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của mình khi ấy.
Thực tế trong quá khứ này cộng với những động thái gần đây, có thể nhận thấy rằng viễn cảnh chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực châu Á hoàn toàn không còn xa nữa. Hiện các cường quốc hạt nhân ở châu Á như đã đề cập phía trên đều đang sở hữu một số lượng nhỏ các loại vũ khí khí hạt nhân trong kho tên lửa của mình.
Hầu hết vũ khí hạt nhân của các nước châu Á hiện nay đều chủ yếu được gắn trên các loại tên lửa có tầm bắn xuyên lục địa.
Trong số các nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á thì Ấn Độ và Trung Quốc được xem là đang cố gắng làm chủ công nghệ tên lửa hạt nhân đa đầu MIRV giống của Nga và Mỹ.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang âm thầm mở rộng đáng kể chủng loại vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí phòng thủ và răn đe của mình. Có được công nghệ MIRV đồng nghĩa với khả năng tấn công mạnh hơn, đảm bảo được năng lực "phát động đòn tấn công thứ hai".
Nếu sở hữu được công nghệ MIRV, chắc chắn các quốc gia này sẽ chế tạo thêm nhiều vĩ khí hạt nhân để trang bị cho quân đội của mình.
Ở một góc độ khác, nếu Ấn Độ mở rộng chủng loại, khả năng của kho vũ khí hạt nhân thì chắc chắn sẽ khiến quốc gia láng giềng Pakistan không yên lòng và điều hoàn toàn có thể đoán được là Pakistan cũng sẽ tìm cách để tăng cường khả năng hạt nhân cho quân đội của mình.
Nga (vốn có công nghệ ưu việt về hạt nhân) và Trung Quốc chắc chắn sẽ cũng sẽ không nằm ngoài cuộc, họ sẽ tăng cường chủng loại, khả năng của vũ khí hạt nhân để bù đắp những "yếu kém về lực lượng vũ trang thông thường". Nếu chứng kiến điều này người Mỹ cũng không thể "quay đầu làm ngơ", Washington sẽ có áp lực để hành động nhằm tạo thế cân bằng, răn đe trước Nga và cả Trung Quốc.
Chính vì vậy, theo nhận định của tác giả Zachary Keck, nếu lệnh cấm sở hữu và triển khai tên lửa hạt nhân đa đầu, đa hướng không được bàn thảo và thực thi thì một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và vô cùng nguy hiểm sẽ xảy ra ở Châu Á.
Đây là một trong những lý do mà các học giả quốc tế nhận định rằng tương lai của vũ khí hạt nhân có thể là ngôi nhà Châu Á.
Theo Giáo Dục