Đông Nam Á 2016: Gọi tên những “làn gió mới”
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động lớn trong năm 2016, bức tranh chính trị Đông Nam Á cũng khoác lên mình một màu sắc riêng. Năm 2016 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực tại một loạt quốc gia trong khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)
Song hành với nhiều kỳ vọng đặt vào những “ làn gió mới” trên chính trường Đông Nam Á là các thách thức không nhỏ cả ở cấp độ quốc gia riêng lẻ lẫn khu vực.
Sẽ không là quá lời khi cho rằng, Philippines và Myanmar chính là hai điểm nhấn của bức tranh chính trị Đông Nam Á trong năm 2016.
Đó là một Tổng thống Philippines với xuất thân khiêm nhường giống như “làn gió mới” thổi vào một xã hội đang có nhiều dấu hiệu chia rẽ bởi vai trò chi phối của tầng lớp thượng lưu lãnh đạo vốn giành được nhiều đặc quyền kinh tế. Trước thực trạng tỷ lệ tội phạm cao, hệ thống pháp lý yếu kém, tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng chậm phát triển…, người dân Philippines đặt nhiều hy vọng vào Tổng thống Rodrigo Duterte, người được ví như “Donald Trump của phương Đông” vì có nhiều phát ngôn mạnh mẽ, táo bạo sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.
Nhìn sang Myanmar, năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, đất nước này có một chính phủ “phi quân sự” được bầu chọn một cách dân chủ. “Làn gió mới” mang tên Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD)-chính đảng còn non nớt kinh nghiệm trong điều hành đất nước-được trông đợi sẽ đem đến nhiều động lực cho sự phát triển của quốc gia Đông Nam Á sau nhiều năm liên tục chìm trong các biến cố chính trị, xung đột sắc tộc và kinh tế khó khăn.
Vẫn còn là quá sớm để đưa ra đánh giá về những “trái ngọt” mà các chính sách đối nội và đối ngoại có thể mang lại khi những “làn gió mới” như Tổng thống Rodrigo Duterte hay đảng NLD mới chính thức đảm nhiệm “ghế nóng” chưa tròn một năm. Dẫu vậy, có một điều có thể khẳng định rằng dù mang cái tên nào, Rodrigo Duterte hay NLD, những “làn gió mới” ấy vẫn đang nỗ lực hết mình nhằm hiện thực hóa những cam kết tranh cử một cách hiệu quả để mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, những người đã đặt trọn niềm tin và hy vọng qua những lá phiếu bầu.
Video đang HOT
Đó là những “làn gió mới” ở cấp độ quốc gia riêng lẻ. Vậy đối với toàn khu vực thì thế nào?
Trong những năm qua, Đông Nam Á nổi lên là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là mắt xích quan trọng đối với chiến lược tăng cường vai trò quốc tế và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của các cường quốc.
Trong bối cảnh ấy, “làn gió mới” mang tên Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31-12-2015 đã nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của ASEAN. Sau dấu mốc lịch sử này, 2016 chính là năm đầu tiên ASEAN bắt đầu thực hiện các Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Trong năm qua, ASEAN tiếp tục đạt được nhiều thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của tất cả các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Các đối tác đều coi trọng và tăng cường hợp tác nhiều mặt với ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và ủng hộ vai trò trung tâm của hiệp hội trong cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc đang định hình.
Tuy nhiên, hồ sơ Đông Nam Á trong năm 2016 không chỉ lấp lánh bởi những “làn gió mới” cùng những kỳ vọng. Ở chiều ngược lại, 2016 cũng là một năm nổi cộm những thách thức đối với khu vực.
Bên cạnh các vấn đề mang tính nội bộ của một số quốc gia vốn là “dư âm” của những năm trước để lại, Đông Nam Á phải đương đầu với hai bài toán khó. Biển Đông lại thêm một lần nữa trở thành phép thử đối với sự đoàn kết và tinh thần trách nhiệm của ASEAN, khi mà khu vực này có liên hệ chặt chẽ với bài toán chủ quyền và lợi ích của các quốc gia thành viên trong hiệp hội. Những diễn biến đáng quan ngại trong khu vực và trên Biển Đông đã tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.
Không những vậy, nếu như trước đây, Đông Nam Á từng quan ngại về mối nguy tiềm tàng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thì trong năm 2016 “vòi bạch tuộc” của IS đã thực sự vươn tới “cửa” khu vực này.
Trên thực tế, hàng nghìn phần tử cực đoan ở Indonesa, Malaysia, Thái Lan hay Philippines đã tuyên thệ trung thành với IS thông qua internet. Đó là chưa kể nhiều tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan lại hoạt động mạnh trong khu vực như Abu Sayyaf ở Philippines. Tất cả đã tạo điều kiện cho IS “bén rễ”, thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố gây thương vong tại Indonesia, Malaysia hay âm mưu tấn công nhằm vào Singapore trong năm vừa qua.
Đông Nam Á khép lại năm 2016 với những kỳ vọng song hành cùng thách thức. “Dư âm” ấy sẽ tiếp tục tạo động lực cho khu vực trong năm 2017. Không những thế, hàng loạt sự kiện lớn tại khu vực trong năm 2017 như: Năm APEC tại Việt Nam, cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường tại Campuchia – tiền đề cho cuộc bầu cử quốc gia năm 2018, hay tổng tuyển cử tại Thái Lan – cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau khi chính quyền quân sự lên nắm quyền, cũng sẽ đóng vai trò quan trọng góp phần duy trì vị thế của Đông Nam Á trên bản đồ chính trị thế giới.
Theo Lâm Toàn
Quân đội nhân dân
Báo Trung Quốc nói Singapore sai lầm khi ủng hộ Mỹ ở Biển Đông
Hoàn Cầu thời báo đăng bài của một học giả Trung Quốc cho rằng Singapore chọn sai mục tiêu trong chiến lược cân bằng sức mạnh của mình và sai lầm khi không ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông.
Toàn cảnh công trình phi pháp Trung Quốc xây trên đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa, từ khoảng cách 5 km. Ảnh chụp tháng 6.2016. MAI THANH HẢI
Singapore không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối lập trường của Bắc Kinh, khẳng định việc "sử dụng sức mạnh" để giải quyết vấn đề như Trung Quốc sẽ không bao giờ mang lại kết quả cũng như sự ổn định, hòa bình cho khu vực. Giới lãnh đạo Singapore ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, chiến lược rất rõ ràng của Mỹ ở Biển Đông.
Với quan điểm này, Singapore trở thành đối tượng chỉ trích của truyền thông Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu thời báo hồi đầu tháng 6.2016 đăng bài bình luận của ông Cheng Bifan, nhà nghiên cứu thuộc Học viên khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng Singapore sai lầm khi nhìn nhận Trung Quốc là mối đe dọa, "tránh né" và chống lại Trung Quốc trong khi tìm đến Mỹ như một sức mạnh "láng giềng thù địch" để dựa dẫm.
Tác giả Cheng viết trên Hoàn Cầu thời báo rằng Singapore thịnh vượng được như ngày nay một phần nhờ vào Trung Quốc (?); Singapore phải xem Trung Quốc là đối tác tin cậy thay vì nuôi dưỡng sự hoài nghi đó rồi chọn Mỹ. Dù Mỹ không phải là đồng minh của Singapore nhưng Singapore cho phép Mỹ sử dụng hải cảng của mình, triển khai máy bay tuần tra biển P-8 và tạo điều kiện để Washington khống chế Bắc Kinh ở Biển Đông, theo tác giả bài báo.
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh ngày 8.6 đã có bài phản bác, cho rằng những quan điểm của học giả Trung Quốc này hoàn toàn sai trái.
Một tàu đổ bộ của Mỹ. REUTERS
Theo Đại sứ Stanley, Singapore xem Trung Quốc và Mỹ là bạn. Singapore ủng hộ sự tham gia của Mỹ ở khu vực và đó là lực lượng giúp kiến tạo nên sự ổn định và thịnh vượng cho châu Á - Thái Bình Dương. Đại sứ Singapore cho rằng chính Trung Quốc cũng hưởng lợi từ sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc cho Trung Quốc từ năm 1978 đến nay.
"Singapore đồng ý quan điểm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc rằng châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để dung nạp cả 2 cường quốc", Đại sứ Stanley viết trong bài báo phản bác đăng trên Hoàn Cầu thời báo.
Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Đại sứ Singapore cho rằng đảo quốc này lựa chọn một lập trường có nguyên tắc rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng vì đó là lợi ích của Singapore. "Chúng tôi không là bên có tranh chấp và chúng tôi không lựa chọn đứng về bên nào, nhưng chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và phải phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS)", Đại sứ Stanley viết.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin khẳng định luôn ưu tiên Việt Nam Tổng thống Vladimir Putin đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á và khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP Trong khuôn khổ chuyến thăm...