Đồng Nai tổ chức Đường hoa Trấn Biên đón Tết
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Tết Giáp Ngọ 2014 năm nay tỉnh sẽ tổ chức Đường hoa Trấn Biên với chủ đề “Đồng Nai trên đường hội nhập”.
Đồng Nai bắt đầu tổ chức Đường hoa đầu tiên vào năm 2013. Năm nay, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tổ chức Đường hoa Trấn Biên như là sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, diện mạo mới của đô thị Biên Hòa – một thành phố năng động, đang phát triển mạnh mẽ. Đây là một công trình văn hóa do UBND tỉnh Đồng Nai trực tiếp chỉ đạo, giao Trung tâm Văn miếu Trấn Biên làm cơ quan thường trực thực hiện. So với lần đầu tiên được tổ chức vào Tết Quý Tỵ 2013, Đường hoa Trấn Biên 2014 trở thành một Lễ hội mùa xuân, một sự kiện văn hóa lớn của tỉnh.
Đồng Nai dự kiến biến Đường hoa Trấn Biên trở thành 1 sự kiện thường niên vào dịp Tết Nguyên đán
Không gian thiết kế công trình Đường hoa dự kiến dài khoảng 1,2km, bố trí theo trục đường chính và đường vòng quanh hồ trong Văn miếu Trấn Biên. Công trình bao gồm các chủ đề: Xuân thanh bình; Khoảnh khắc mùa xuân; Hào khí phương Nam; Xuân tình yêu; Sắc hoa xuân; Xuân vươn cao; Xuân bốn phương; Hoa đăng.
Các công trình trong Đường hoa Trấn Biên sẽ khắc họa đậm nét hình ảnh đẹp của con người Đồng Nai trong lao động, sản xuất, chiến đấu, trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi. Những công trình, sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai cũng được đan xen với những thành tựu trong quá trình hội nhập.
Phối cảnh cổng chính dẫn vào Đường hoa Trấn Biên 2014
Cổng chính dẫn vào Đường hoa Trấn Biên 2014 là hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa thần. Phía trong là các mô hình Cầu Gềnh, mô hình thuyền Hào khí Phương Nam, hình ảnh trái bưởi Biên Hòa, mô hình cuốn sách chủ đề Truyền thống tri thức Việt… Tất cả tạo nên một không gian ngập tràn sắc xuân và mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử về đất và người Đồng Nai.
Video đang HOT
Một số phối cảnh Đường hoa Trấn Biên 2014
Ngoài những công trình đặc sắc, Lễ hội Đường hoa Trấn Biên còn tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa phục vụ nhân dân. Các hoạt động nổi bật trong Lễ hội bao gồm: Chương trình khai mạc; Tổ chức thi và triển lãm bon sai, cây cảnh; Hội báo Xuân Giáp Ngọ 2014; Triển lãm chuyên đề “Tết cổ truyền Việt Nam, nét văn hóa đẹp mãi”; Lễ dâng hương đón Giao thừa; Lễ Tết thầy; Chương trình nghệ thuật, thả đèn hoa đăng; Trưng bày xe máy cổ…
Ngoài ra, tại Hội quán Trấn Biên sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: ca nhạc, biểu diễn thư pháp, giao lưu nhạc cụ dân tộc, đàn ca tài tử… phục vụ cho du khách từ ngày 29 tháng Chạp đến hết Tết Nguyên Tiêu. Công trình Đường hoa Trấn Biên Xuân Giáp Ngọ 2014 chính thức mở cửa từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày mồng 6 Tết.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Bộ trưởng GTVT: Chưa nhiều cán bộ, thanh tra "vi hành" xe buýt
"Năm 2013, có các đoàn do các Thứ trưởng dẫn đầu đi kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải, qua đó đã thấy được những tồn tại, bất cập để có chấn chỉnh. Còn việc cử cán bộ, công chức thanh tra trực tiếp đi trên xe buýt cũng có, nhưng chưa được nhiều"...
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trao đổi trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 29/12 đối với thắc mắc của độc giả về việc lãnh đạo ngành sao vẫn chưa "vi hành" xem xét hoạt động của xe buýt hàng ngày, mua vé tàu xe dịp lễ, Tết.
Nhìn lại kết quả 1 năm hoạt động, Bộ trưởng Đinh La Thăng khái quát, Năm 2013, cả nước thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với năm 2012, số vụ giảm 5,2%, số người chết giảm 0,6% và số người bị thương giảm 9,4%.
Ông Thăng khẳng định, đây là kết quả đáng khích lệ. So với năm 2012, tính trung bình, mỗi ngày vẫn có khoảng 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, làm bị thương hàng trăm người khác thì trong năm 2013 chỉ còn khoảng 80 vụ giao thông với 25 người chết/ngày.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là người "chốt" chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời của năm 2013.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GTVT, có thể thấy số vụ, số người chết, số người bị thương vẫn ở mức cao. Có thể nói tai nạn vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi đi ra đường.
Ông Thăng cũng nêu thực tế, các địa phương tổ chức tốt tuyên truyền vận động người dân thì ở đó sẽ đảm bảo an toàn giao thông. "Tôi lấy ví dụ như ở Hà Nội, TPHCM là nơi có mật độ giao thông dày đặc, lớn nhất cả nước nhưng năm 2013, các tiêu chí về tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Tôi cho rằng, tổ chức ở các địa phương này hết sức tốt" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của những người thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý giao thông, câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng GTVT: "Năm 2013, vẫn còn nhiều vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người. Vậy ai là người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào và trong Bộ GT-VT có ai bị kỷ luật không?".
Ông Thăng đáp, trách nhiệm trước hết thuộc về những người điều khiển phương tiện. Họ chính là những người điều khiển và trực tiếp gây ra tai nạn. Nhưng nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân sâu xa, lãnh đạo ngành GTVT nhận thức, đó chính là công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, đặc biệt là yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải.
Còn trách nhiệm quản lý nhà nước chính là Bộ GT-VT và Sở GT-VT các địa phương, đứng đầu là Bộ trưởng và Giám đốc Sở các địa phương. Tất cả các vụ việc tai nạn giao thông đều được ngành xác định rõ và tìm ra nguyên nhân cũng như có xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thông tin, trong nhiều năm qua, cũng như trong năm 2013, rất nhiều cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT bị xử lý trách nhiệm. Đó là cán bộ nhân viên đăng kiểm, cán bộ nhân viên đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cán bộ đầu tư ban quản lý dự án, rồi tư vấn thiết kế, đơn vị thi công...
Ông Thăng khẳng định: "Tất cả những ai vi phạm, chúng tôi đều xử lý nghiêm minh. Có thể nói hàng chục, hàng trăm người trong nhiều năm qua bị xử lý nghiêm túc". Tuy nhiên, người đứng đầu ngành chưa đề cập cụ thể trường hợp cán bộ nào của Bộ GTVT bị kỷ luật vì vấn đề tai nạn giao thông.
Nhận câu hỏi về nhiều sinh viên, công nhân lao động về việc trực tiếp đi xe buýt, đi mua vé tàu xe dịp lễ, Tết như tuyên bố trước đó của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, năm 2013 đã cử các đoàn công tác do các Thứ trưởng dẫn đầu đi kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải ở các địa phương, qua đó đã thấy được những tồn tại, bất cập để có chấn chỉnh.
"Còn việc cử cán bộ, công chức thanh tra trực tiếp đi trên xe buýt cũng có, nhưng chưa được nhiều. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, cử cán bộ công chức đi trực tiếp trên xe buýt, nhất là vào dịp lễ, Tết." - ông Thăng trả lời.
Qua các hoạt động này, ngành đã phát hiện những tồn tại, bất cập và tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển giao thông công cộng và vận tải bằng xe buýt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện ngành đang triển khai quyết liệt để nâng cao chất lượng vận tải xe buýt.
Băn khoăn tiếp tục được đặt ra là thực tế nhiều trường hợp vi phạm giao thông vẫn không bị xử lý, cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng là do lực lượng xử lý còn mỏng, địa bàn phức tạp hay thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng câu hỏi này cũng là lời trách cứ đối với ngành giao thông. Vị tư lệnh ngành phân tích cụ thể các lý do. Trước hết, về hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm là chưa tốt, chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Một nguyên nhân khác hết sức quan trọng, theo ông Thăng, chính là ý thức của người tham gia giao thông khi cố tình phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia trong quá trình tham gia giao thông, có những biểu hiện ngang nhiên thách thức chống đối người thực thi công vụ.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh yêu cầu xử lý công bằng, công khai, minh bạch, không dung túng, không bao che, không nương nhẹ và đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho người dân tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông.
P.Thảo
Theo Dantri
Đại gia quỵt nợ nghìn tỷ bay sang Mỹ, "đàn em" ở lại lãnh đòn! Trong số những người từng giúp việc cho đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân, có người may mắn tự "cởi trói" đúng lúc nên thoát nạn. Thế nhưng, rất nhiều người còn lại, vì nhiều lý do khác nhau đã bị vị đại gia này đeo "vòng kim cô" vào đầu, để rồi giờ đây phải sa vào vòng lao lý. Lâu...