Đồng Nai: Nông dân méo mặt vì cam quýt ê hề, giá rớt thê thảm
Việc nhà vườn ồ ạt trồng cam, quýt… dẫn đến cung vượt cầu làm cho giá giảm mạnh. Nông dân Đồng Nai đang đau đầu vì chuyện trái cây rớt giá.
Trái cây có múi rớt giá thảm
Nhiều tuần qua, nhiều nhà vườn tại tỉnh Đồng Nai đang đứng ngồi không yên vì cam sành, quýt đường bất ngờ rớt giá mạnh, trong khi thời gian này lại là mùa thu hoạch chính trong năm.
Theo nhiều nông dân trồng cam, quýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trước đó giá quýt đường bán tại vườn luôn ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg loại 1, nhưng gần đây giảm liên tục, chỉ còn 14.000 đồng, thấp hơn 5.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2018.
Nhà vườn đang thu hoạch quýt đường ở huyện Định Quán. Ảnh: T.L
Không chỉ quýt đường mà các loại cam trước đây luôn giữ giá cao (như cam sành, cam mật) cũng rớt giá mạnh. Hiện cam sành loại 1 thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 11.000 đồng/kg, cam mật còn 12.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, nhân công, nông dân hết lời, nhiều nhà vườn còn bị lỗ hoặc không đủ mức chi phí để trả lãi vay đầu tư vườn.
Nguyên nhân khiến cho giá cam, quýt giảm được cho là diện tích trồng cây ăn có múi, đặc biệt bưởi – cam – quýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vài năm trở lại đây tăng nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, sản lượng trái cây có múi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc đưa vào các siêu thị không tăng, dẫn đến dội hàng, xuống giá.
Nhiều nông dân cho biết, các loại trái cây trước đây đều giữ được giá, giúp người nông dân ổn định thu nhập nhiều năm liền. Do vậy, các nhà vườn lân cận thấy trồng loại cây này thuận lợi nên đã mạnh tay chặt bỏ những loại cây trồng khác để đầu tư vào trồng cam, quýt.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Ân – một người trồng quýt tại huyện Định Quán cho biết, gia đình bà mới xuất đi được khoảng 2 tấn với giá thấp hơn cùng kỳ khoảng 8.000 đồng/kg. Theo bà Ân, năm nay quýt được mùa, trái nhiều. “Nông dân mình thấy cái gì có giá là đổ xô trồng loại đó mà không nghĩ được là sẽ có ngày mọi thứ bị bão hòa. Giờ ai cũng trồng nên trúng mùa thu hoạch vừa khó bán, giá lại thấp, thu về tính ra không lỗ là may mắn lắm rồi” – bà Ân chia sẻ.
Ông Nguyễn Hưng Long (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bộc bạch, cả vụ thu hoạch, giá cam, quýt hàng tuyển, hàng lựa cũng chỉ bán được từ 12.000 – 14.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Giá bán bao vườn còn thấp hơn nhiều vì thương lái chỉ chọn mua được từ 40 – 50% sản lượng trái. Hàng nám, hàng dạt còn lại bán đổ bán tháo từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, có khi đành đổ bỏ vì chín quá không có người mua.
“Với mức giá này, nông dân trồng cam, quýt hầu như chỉ lãi rất ít hoặc lỗ trắng tay vì vốn đổ vào nhiều, chăm sóc cũng mất rất nhiều công sức nhưng như vậy coi như năm nay làm ăn thua lỗ” – ông Long tâm sự.
Tìm hướng đi mới
Ngoài các nhà vườn gặp cảnh đứng ngồi không yên thì thương lái cũng chung cảnh mệt mỏi vì hàng quá nhiều. Theo các chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), mùa này cam, quýt, bưởi đang chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây ở chợ.
Tuy nông dân Đồng Nai đang gặp khó trong tiêu thụ nhưng gần 50% sản lượng cam, quýt về chợ Dầu Giây có nguồn từ miền Tây vì các tỉnh này cũng đang thu hoạch rộ. Hơn nữa, theo đánh giá của các thương lái thì trái cây từ miền Tây về được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì thổ nhưỡng tốt cho ra trái ngọt, mọng nước…
Chị Mai Thị Lưu – thương lái cho hay, do số lượng nhiều nên thương lái được quyền tuyển hàng và chỉ nhập hàng loại 1, tốt nhất để bán; còn lại nhà vườn phải lựa để bán rẻ, giá khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Minh Hương – cán bộ Hội Nông dân huyện Xuân Lộc, gần đây diện tích cây cam, quýt tăng lên rất nhanh. Hệ lụy của việc chạy theo phong trào ồ ạt là sản phẩm tắc đầu ra. Hơn nữa, nhóm cây trồng này đã qua thời lãi khủng nên nông dân cần tính toán kỹ khi muốn đầu tư. Và địa phương, nông dân phải quan tâm xây dựng thương hiệu cho cam,, quýt bằng uy tín chất lượng để có chỗ đứng trên thị trường.
Theo Danviet
Lạ kỳ công ty AB Mauri ngưng hoạt động lại bốc mùi hôi không ai ngửi nổi
Dù đang trong thời gian ngưng hoạt động sau những vi phạm về môi trường, công ty AB Mauri lại để xảy ra sự cố phát tán mùi hôi khiến người dân bức xúc.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) Trần Quang Tú hôm qua xác nhận, cơ quan chức năng vừa lập biên bản ghi nhận công ty TNHH AB Mauri đóng tại xã La Ngà tiếp tục phát tán mùi hôi ra khu dân cư.
Biên bản ghi nhận vụ phát tán mùi hôi từ công ty AB Mauri
Theo phản ánh của người dân ấp 4, xã La Ngà, từ ngày 6-9/9, người dân lại tiếp tục hứng chịu mùi hôi nồng nặc bốc ra từ phía công ty AB Mauri, mùi hôi này giống với mùi trước đây công ty phát tán ra môi trường, gây khó chịu, đau đầu, khó thở.
Suốt 4 ngày liên tục, mùi hôi bốc ra cả ngày lẫn đêm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Sáng 9/9, người dân ấp 4 tập trung trước khu vực công ty để phản đối, yêu cầu lãnh đạo công ty giải thích nguyên nhân gây mùi hôi.
Bà Lê Thị Tình (ngụ ấp 4) kể, mùi hôi lần này còn khó chịu hơn những lần trước đây mà công ty xả ra ngoài. Thời điểm bốc mùi nặng nhất là lúc trời mưa.
Chiều 9/9, Phòng TN&MT huyện Định Quán phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Đồng Nai) và UBND xã La Ngà đã đến công ty để ghi nhận và lập biên bản.
Đoàn liên ngành đã kiểm tra tại các khu vực bên trong và xung quanh công ty. Đoàn nhận định tại khu vực bể xử lý nước thải có mùi hôi do quá trình xử lý vi sinh gây nên, bên cạnh đó có mùi nồng bốc ra theo hướng gió.
Tại dây chuyền sản xuất men và phụ gia trong công ty, đoàn kiểm tra ghi nhận công ty đang ngưng hoạt động, tem niêm phong còn nguyên vẹn.
Sau khi lập biên bản, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu khí đi phân tích để xác định nguyên nhân vụ việc.
Trả lời PV VietNamNet, ông Trần Trọng Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho hay, sau khi nghe phản ánh từ người dân, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với địa phương ghi nhận sự việc. Chi cục cũng đang giám sát chặt mọi hoạt động liên quan đến công ty AB Mauri.
Công ty men AB Mauri liên tục để xảy ra sự cố phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư
Dù cơ quan chức năng đã lập biên bản nhưng người dân sống xung quanh nhà máy rất bất bình. Ông Nguyễn Văn Tý (ngụ ấp 4) cho rằng, từ khi công ty bắt đầu hoạt động đến nay đã liên tiếp gây mùi hôi làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân, dù công ty bị ngưng hoạt động nhưng người dân vẫn cảm thấy bất an vì mùi hôi mà công ty gây nên.
Ông Tý khẳng định, người dân sẽ tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm sự cố do công ty AB Mauri gây ra, trả lại môi trường sống trong lành như trước khi công ty hoạt động.
Công ty TNHH AB Mauri bị buộc ngưng hoạt động từ tháng 6 vừa qua do để xảy ra sự cố môi trường. UBND tỉnh Đồng Nai cũng xử phạt công ty này 85 triệu đồng. AB Mauri chỉ được hoạt động trở lại khi có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Minh Tâm
Theo vietnamnet
2 người thiệt mạng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng sau lũ lịch sử ở Đồng Nai Lũ lịch sử ở Đồng Nai khiến 2 người thiệt mạng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Video: Dân Đồng Nai đau đớn nhìn hơn 600 trăm tấn cá chết trắng sau lũ Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết đến trưa 11/8, mưa lớn cùng với Thủy điện...