Đồng Nai không xin ý kiến Bộ Tài nguyên về dự án lấn sông
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định chưa từng nhận được văn bản hay tài liệu chính thức của UBND tỉnh Đồng Nai về dự án đô thị lấn sông, trị giá 3.200 tỷ đồng.
“Chúng tôi chỉ biết thông tin Đồng Nai triển khai dự án lấn sông Đồng Nai qua các phương tiện thông tin đại chúng. Còn chính thức thì không nhận được báo cáo nào từ địa phương”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nguyễn Thái Lai khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ, hôm nay.
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước cho biết, có tới 90% đất của dự án (7,7 ha) lấn sông Đồng Nai, một phần diện tích còn lại ít nhiều cũng nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. “Dự án này ngoài việc tuân theo các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường thì còn chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước”, ông Bảy nhấn mạnh.
Toàn cảnh dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” nằm trên sông sau khi hoàn thành.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, dự án có khả năng ảnh hưởng lớn đến sông Đồng Nai – sông quan trọng của Việt Nam chảy qua 11 tỉnh thành phố. Vì vậy, ngay khi nhận được thông tin, Bộ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cung cấp hồ sơ liên quan, đồng thời cử đoàn công tác đến kiểm tra thực địa, thu thập số liệu để tính toán.
“Dù Đồng Nai nói các trình tự thủ tục là đúng quy định pháp luật, báo cáo đánh giá tác động cho thấy các tác động dòng chảy của dự án là không đáng kể, song với trách nhiệm về quản lý tài nguyên nước và bảo vệ các dòng sông, Bộ đã chỉ đạo Cục quản lý Tài nguyên nước và Tổng Cục môi trường rà soát xem thẩm quyền phê duyệt của tỉnh đến đâu”, Thứ trưởng Lai nói.
“Tôi cho rằng dự án này có tác động đến sông Đồng Nai, nhưng mức độ tác động đến đâu thì phải đánh giá cẩn thận. Bộ đang khẩn trương thu thập số liệu báo cáo tác động tới môi trường về việc san lấp 7,7 ha sông”, ông Lai cho biết thêm.
Video đang HOT
Theo đại diện Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, đơn vị đã có công văn gửi tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo về tài nguyên môi trường, nên tham vấn các khu vực xung quanh.
Trước đó, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khuyến cáo UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên. Bởi trong Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; về các hành vi bị nghiêm cấm; về việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức cá nhân có liên quan.Trong phiên họp ngày 25/3, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu và có ý kiến đối với Đồng Nai về vụ việc.
Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được khởi công vào tháng 9/2014, tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại… Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100 m. Do quy mô dưới 20 ha, theo quy định, tỉnh Đồng Nai có thẩm quyền quyết định dự án.
Tuy nhiên, dự án đang vấp phải dự phản đối của giới khoa học. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông MeKong, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, lấp sông Đồng Nai sẽ vi phạm nghiêm trọng đến Tài nguyên nước. Bên cạnh đó, việc lấp sống sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền khi đây là con sông lớn thứ ba, trải dài 11 tỉnh, chứ không phải sở hữu riêng của tỉnh Đồng Nai. Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng, san lấp sông sẽ làm ảnh hưởng đến hạ du, thay đổi dòng chảy và gây xói lở. Vì vậy Đồng Nai nên tham vấn ý kiến cộng đồng và đơn vị chức năng liên quan.
Hương Thu
Theo VNE
Đồng Nai khẳng định 'dự án lấn sông' đúng trình tự pháp luật
Chính quyền Đồng Nai cho rằng, trước khi bắt tay làm dự án phát triển đô thị ven sông, đã nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng và thực hiện đầy các bước quy định.
Trước việc Mạng lưới Sông ngòi Việt nam (VRN) đề nghị rút giấy phép dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do quan ngại xảy ra những tác động xấu đến môi trường, ngày 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, dự án này được thực hiện đúng trình tự thủ tục, phù hợp quy hoạch và các quy định của pháp luật. Đồng thời đã có sự xem xét chấp thuận, thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai.
Toàn cảnh dự án lấn sông nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Trường
Sông Đồng Nai đi qua TP Biên Hòa từ vị trí thu hẹp ở phía thượng nguồn (phường Bửu Long) với mặt cắt ngang khoảng 210 m. Sông mở rộng về phía hạ nguồn, lấn sâu vào bờ phía phường Quyết Thắng tại khu vực công ty cấp nước khoảng 800 mét. Sau đó chia làm 2 nhánh ôm trọn vùng đất Cù lao Phố.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, với đặc điểm này, quy hoạch chi tiết 1/500 của phường Quyết Thắng được tỉnh phê duyệt năm 1997, có thể xây dựng kè lấn sông mà không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút thắt gây ảnh hưởng giao thông và thoát lũ.
Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông. Sau một năm nghiên cứu, đánh giá, Viện này kết luận việc chỉnh trị bờ trái sông Đồng Nai nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh, sẽ không ảnh hưởng đến vùng dự án và khu vực lân cận.
Hàng nghìn khối đất đá được đổ xuống lấp 7,7 ha mặt nước sông để thực hiện dự án Ảnh: Hoàng Trường
Ông Nguyễn Thành Trí - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết, việc hình thành dự án "Cải tạo cảnh quan phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" xuất phát từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước. Nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực.
Để thực hiện dự án, 8 năm trước tỉnh đã mời các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp kè lấn sông. Các cơ quan nghiên cứu kết luận rằng, xây kè cách 50 m, 70 m, 100 m tại vị trí đoạn sông mở rộng trên 800 m và ăn sâu vào bờ "không làm thay đổi đáng kể" về chế độ thủy lực của dòng sông; không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ xung quanh. Đồng thời, Chi cục đường thủy nội địa phía Nam cũng xác nhận, tuyến kè nằm ngoài luồng và hành lang bảo vệ luồng trên sông Đồng Nai, phù hợp về mặt giao thông thủy.
"Đến nay, dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt", ông Trí nói.
Ngoài khách sạn, trung tâm thương mại, dự án còn xây dựng công viên cây xanh, đường giao thông...
Dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" được khởi công vào tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100 m.
Ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép xây dựng dự án do việc lấn sông sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai, tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông của Việt Nam.
Hoàng Trường
Theo VNE
Dự án lấn sông Đồng Nai đã san lấp gần xong Nhà thầu đang hối hả những công đoạn lấp sông Đồng Nai để sớm có mặt bằng xây trung tâm thương mại, khách sạn 4-5 sao, dãy nhà thương mại ven sông, công viên cây xanh... với số vốn 3.200 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công "Dự án Cải tạo...