Đồng Nai khởi động di dời 5.000 hộ dân khỏi dự án sân bay Long Thành
Đầu năm 2020, người dân nằm trong vùng dự án sân bay Long Thành sẽ được giao đất ở khu tái định cư để xây nhà.
Chiều 12/11, UBND tỉnh Đồng Nai họp giữa các ban ngành để triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là tiểu dự án trong dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa được Thủ tướng phê duyệt cách đây một tuần, do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 23.000 tỷ đồng.
Khu vực dự kiến sẽ được giải tỏa đầu tiên thuộc Tổng công ty cao su Việt Nam. (Ảnh: Phước Tuấn)
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ giải tỏa gần 5.400 hecta đất tại huyện Long Thành, trong đó 5.000 hecta diện tích xây sân bay. Ngoài diện tích lớn của Tổng công ty cao su Đồng Nai, sẽ có 5.000 hộ dân với 17.000 nhân khẩu phải giải tỏa trắng.
Hiện nay, hai khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (gần 300 hecta) và khu tái định cư Bình Sơn III (81 hecta) đang được thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng vào năm sau.
Các khu tái định cư sẽ có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Ngoài đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước, điện chiếu sáng…, còn có trường học, cơ sở tôn giáo, trung tâm văn hóa để phục vụ cuộc sống mới của người dân di dời.
Video đang HOT
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án xây dựng các khu tái định cư đã được Thủ tướng ủy quyền cho tỉnh cấp phép nên có thể triển khai nhanh, dự kiến quý I/2020, các hộ dân sẽ được bàn giao đất để xây nhà mới.
“Để tiến độ triển khai dự án được nhanh chóng, đúng tiến độ, ngoài nhân lực của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường nhân sự từ các sở ban ngành xuống hỗ trợ các việc kiểm đếm, đo đạc, định giá đền bù…”, ông Vĩnh cho biết.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại cuộc họp triển khai dự án chiều 12/11. (Ảnh: Phước Tuấn)
Liên quan đến vấn đề đất đai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các cơ quan ban ngành quản lý cần quan tâm tới vấn đề “dựa hơi” vào sân bay Long Thành để đầu cơ đất, gây bất ổn an ninh, trật tự địa phương. Đặc biệt là khu vực 5.000 ha trong phạm vi xây dựng sây bay.
“Sân bay quốc tế Long Thành là dự án cấp quốc gia, việc di dời đền bù giải phóng mặt bằng cho 5.000 hộ dân không phải là đơn giản. Chính vì vậy, các ban ngành cần triển khai sớm, đồng bộ. Vướng mắc ở đâu cần báo cáo ngay để Ban chỉ đạo biết, khi ấy mới có thể kịp thời gian bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư”, ông Vĩnh nói.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất 3 giai đoạn vào năm 2050. Trong đó, ở giai đoạn I (dự kiến hoàn thành năm 2025), sân bay sẽ khai thác đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ…
Nguồn: VnExpress
Sân bay Long Thành giảm 6ha: Yêu cầu Chính phủ giải thích lý do
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành, UB Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ sự khác biệt về số liệu diện tích thu hồi đất để làm sân bay và tổng mức đầu tư dự án được đưa ra so với nghị quyết của Quốc hội.
Khu đất đang được triển khai thu hồi, giải phóng mặt bằng để làm sân bay Long Thành
Cụ thể, theo Nghị quyết số 53 năm 2017, diện tích đất phân khu 3 của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 22.938 tỉ đồng, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, diện tích này là 81,86 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 22.856 tỉ đồng.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ về sự chậm trễ trong việc ký hợp đồng tư vấn lập báo cáo khả thi. "Chủ trương đầu tư sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua từ tháng 6/2015, nhưng đến tháng 6/2018 Bộ GTVT mới ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện chung của dự án" - báo cáo thẩm tra nêu rõ đề nghị Chính phủ phân tích làm rõ nguyên nhân, tác động và giải pháp khắc phục.
Việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019. Nếu được Quốc hội thông qua, báo cáo này sẽ được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2019. UB Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc tính chất phức tạp của hồ sơ báo cáo để đề xuất Quốc hội quyết định xem xét trong một hay hai kỳ họp để bảo đảm thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2019.
Đối với việc lập báo cáo khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo Ủy ban Kinh tế, mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động vào cuộc nhưng việc thẩm định và phê duyệt báo cáo khả thi còn khá chậm.
Sau 1 năm kể từ khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua chủ trương tách riêng dự án, đến nay dự án vẫn chưa được quyết định đầu tư.
Cơ quan thẩm tra cảnh báo, việc chậm tiến độ của dự án thành phần này có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành và ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân do việc thực hiện các quyền sử dụng đất bị hạn chế.
Nêu nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, ngoài lý do khách quan như chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ, việc lần đầu tiên một dự án giải phóng mặt bằng phải lập báo cáo khả thi là chưa có tiền lệ... thì nguyên nhân chủ quan, theo Uỷ ban Kinh tế, là chất lượng của hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm, chưa được xây dựng, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng dẫn đến phải bổ sung nhiều lần theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành trong hướng dẫn trả lời các vướng mắc của địa phương chưa chặt chẽ làm kéo dài thời gian hoàn thành báo cáo. Nhân sự và tổ chức của tổ chuyên gia thẩm định liên ngành của Hội đồng thẩm định thay đổi nhiều và không có tính kế thừa nên phải chuẩn bị nhiều nội dung có tính chất trùng lặp, kéo dài thời gian phê duyệt.
Để thúc đẩy tiến độ dự án, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ thúc giục các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm; chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát việc lập quy hoạch bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài Long Thành.
UB này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tư vấn dự án tính toán phương án vốn, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách. Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo Đồng Nai rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh, làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay; công khai thông tin quy hoạch và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân để tránh khiếu kiện.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng GTVT: 'Dự án cao tốc Bắc - Nam không được phép sai sót' Giải trình trước Quốc hội tại phiên làm việc sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định hai dự án trọng điểm là cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Sân bay Long Thành sẽ được làm đúng thủ tục, không để sai sót. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam phía Đông là...