Đồng Nai ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
Với 2 trường hợp vừa được công bố, Đồng Nai có 13 ca tử vong do dịch sốt xuất huyết.
Ngày 22/7, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai xác nhận trên địa bàn tiếp tục có 2 ca tử vong do dịch sốt xuất huyết. Lãnh đạo sở này cũng cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn diễn biến rất phức tạp.
Số ca bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng. Riêng ngày 21/7, Đồng Nai ghi nhận thêm 218 ca bệnh mới, nâng tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên hơn 13.300 ca và đang gây nên tình trạng quá tại tại nhiều bệnh viện.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh tại một bệnh viện.
Video đang HOT
Hai ca tử vong mới nhất là nam, 26 tuổi, ngụ TP Biên Hòa. Ngày 14/7, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, được hội chẩn, tiên lượng sốc sốt xuất huyết nặng. Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, do bệnh quá nặng nên tử vong ngày 20/7.
Bệnh nhân còn lại là nam, 72 tuổi, ngụ TP Biên Hòa. Ngày 10/7, bệnh nhân đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sáng 11/7, bệnh viện cho bệnh nhân về, hẹn tái khám. Hai ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển nặng nên gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện tái khám. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong ngày 21/7.
Đến nay, Đồng Nai có 13 ca tử vong do dịch sốt xuất huyết gây ra. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi diệt lăng quăng bọ gậy nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch trên địa bàn.
TP.HCM lên kịch bản thu dung 6.000 ca bệnh sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM chuẩn bị 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó. Cụ thể, nếu số ca nhập viện là 300 người/ngày, 2.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú và số ca bệnh nặng dưới 200 thì sẽ chuẩn bị 2.045 giường điều trị và 250 giường hồi sức tích cực.
Nếu có từ 300 - 600 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 2.000 - 4.000 người đang điều trị nội trú và 200 - 400 ca bệnh nặng sẽ tăng cường số giường trong giai đoạn này lên 4.000 giường điều trị và 410 giường hồi sức tích cực (trong đó có 120 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tiếp tục gia tăng, TP.HCM lên kịch bản ứng phó.
Còn với tình huống có 600 - 900 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 4.000 - 6.000 ca điều trị nội trú và 400 - 600 ca bệnh nặng, sẽ chuẩn bị 6.000 giường điều trị và 605 giường hồi sức tích cực (trong đó có 210 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi). Trong các tình huống này, ưu tiên điều trị bệnh nhân người lớn nặng tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược và các bệnh viện đa khoa khác... Với trẻ em thì tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng trang thiết bị y tế, vật tư, dịch truyền, chế phẩm máu để đáp ứng nhu cầu điều trị trong tình huống nhất định. Theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm của máu.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng cần được tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue và bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng cần được tập huấn hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa truyền nhiễm, 2.704 bác sĩ được tập huấn hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết, 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu, 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.
Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue theo phân tuyến, tuân thủ phác đồ điều trị.
Các bệnh viện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết; tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghi lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên; thường xuyên duy trì hoạt động tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn với các bệnh viện tuyến cuối và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Tính đến ngày 11/7/2022, TP.HCM có 26.138 ca mắc sốt xuất huyết đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú.
Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế: Cúm A vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện chủng có độc lực cao Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát của Cục Y tế dự phòng chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều 21/7, đại diện Bộ Y tế cho...