Đồng lòng, vợ chồng trẻ thu trên 1 tỷ/năm từ trang trại đủ loại quả
Bằng quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thái (SN 1982, ở thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã được “hái quả ngọt” với trang trại trên 1.500 gốc cây ăn quả và khu ươm giống cây cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
“Năm 2008, tôi cùng vợ bàn bạc và quyết tâm sẽ dùng quỹ đất của gia đình để phát triển kinh tế vườn đồi. Khó khăn nhất lúc này là định hướng còn khá mơ hồ, trong khi đất vườn không có quy hoạch, phần lớn diện tích vẫn là đất hoang, cây dại mọc che cả lối đi, cao hơn mặt người…” – anh Thái chia sẻ.
Lúc đầu, vốn không có nhiều, vợ chồng anh chỉ dám quy hoạch trồng cam trên diện tích chưa tới 1 ha. Do kinh nghiệm làm vườn hạn chế, giống cây kém, 2 vợ chồng trầy trật, bỏ công chăm bón mãi nhưng cam cho quả ít, không đạt chất lượng lại rất dễ dính sâu bệnh nên phải nhổ bỏ hết.
Không nản chí với hướng đi đã lựa chọn, vợ chồng anh lại tất bật làm đủ nghề để vừa nuôi sống gia đình, vừa tích góp vốn làm lại từ đầu. Với quyết chí làm giàu, anh cất công đi tìm hiểu kỹ thuật trồng cam khắp nơi, nghiên cứu thêm sách vở và học hỏi các kỹ sư nông nghiệp nhằm tích lũy kinh nghiệm, không dẫm lại “vết xe đổ” năm xưa.
“Cũng phải mất gần 5 năm, tôi mới đủ tự tin để tái khởi động chương trình làm vườn. Lúc này, nhân lực không có, vợ lại phải đi học và chăm con nhỏ nên một mình tôi phải cáng đáng hết mọi công việc, từ phát quang bụi rậm, đào hố, trồng và chăm sóc cây cam… Điều khó khăn nhất lúc đó là trang trại chưa có đường vào nên không thể huy động máy xúc, máy đào để san lấp đất, mở rộng thêm diện tích. Tôi đành phải thuê thêm người, làm thủ công mất gần 1 năm mới khai khẩn thêm 1,5 ha đất đồi” – anh Thái nhớ lại.
Video đang HOT
Trên diện tích này, anh trồng cam và xen canh những loại rau, củ, quả có thời gian thu hoạch ngắn ngày. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh từng bước đầu tư mở rộng hết diện tích sẵn có của gia đình. Sau bao nhiêu cố gắng, đến nay, trang trại của anh đã có gần 1.000 gốc cam chanh, cam bù, mỗi năm cho thu hoạch gần 20 tấn cung cấp ra thị trường.
Nhận thấy cây bưởi Phúc Trạch và hồng vuông đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường, anh và vợ tiếp tục mở rộng quỹ đất trồng thêm 100 gốc bưởi, gần 200 gốc hồng vuông. Từ đó, đa dạng các loại cây trồng của trang trại, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Không dừng lại ở đó, với sức trẻ và tinh thần ham học hỏi, biết được nhu cầu mua các loại cây giống ngày càng cao, anh đã mạnh dạn mở vườn ươm. Hiện nay, trên diện tích hơn 1.500 m2, anh đã ươm được hơn 2 vạn cây giống với đủ chủng loại: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù, mít thái, hồng vuông… vừa để phục vụ việc phát triển trang trại, vừa cung cấp cho bà con các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê…
Năm 2017, vợ chồng anh đã đăng kí với xã Ngọc Sơn tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cam bằng biện pháp sinh học, hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng lên, khẳng định thêm định hướng đúng đắn của vợ chồng anh.
Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Thái trở thành mô hình kinh tế điển hình của những người trẻ biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Thái Oanh (Báp Hà Tĩnh)
Cây bưởi gần 500 quả, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng
Cây bưởi Phúc Trạch 22 năm tuổi đang mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi năm cho nông dân Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, trú xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, năm nay vườn bưởi gồm 35 gốc của gia đình có một cây bưởi cho gần 500 quả, ước tính thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Cây bưởi Phúc Trạch cho gần 500 quả của gia đình ông Bình. Ảnh: Đức Hùng
Theo ông Bình, cây bưởi này được trồng từ năm 1995, cây cao 8 m, tán lá xòe rộng với đường kính lên tới 14 m. Quá trình sinh trưởng, cây được chăm sóc bình thường, song hàng năm luôn ra quả vượt trội so với các loại cây bưởi trong vườn.
"Hai mùa gần đây, cây đều đặn cho khoảng 500 quả, trong khi các cây khác trung bình chỉ 200 quả. Giá bưởi khoảng 50.000 đồng mỗi quả, mùa này đã bán được 200 quả ở cây này, thu về 10 triệu đồng", ông Bình nói và cho hay ước tính số tiền thu về từ cây bưởi 500 quả sẽ hơn 20 triệu đồng.
Mỗi quả ở gốc bưởi này nặng gần một kg. Ảnh: Đức Hùng
Ông Bình chia sẻ, vườn bưởi của gia đình gần sông Ngàn Sâu, hàng năm được bồi đắp phù sa nên chất đất rất tốt, thuận lợi cho sự phát triển của cây. Với 35 gốc bưởi được trồng trên 1.000 m2 đất, mỗi mùa gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết, cây bưởi 500 quả của gia đình ông Bình nằm trong nhóm 20 cây giống đầu dòng được huyện chọn để bảo tồn gen. "Việc cây cho mỗi năm 500 quả là rất đặc biệt", ông nói.
Năm 2017, sản lượng bưởi Phúc Trạch ở huyện Hương Khê đạt khoảng 15.000 tấn. Nhìn chung, bưởi Phúc Trạch năm nay được mùa, tỷ lệ ra hoa, đậu quả tương đối cao so với các năm trước.
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt kinh phí hơn 60 tỷ đồng để bảo tồn, nhân giống và phát triển giống cây đặc sản bưởi Phúc Trạch giai đoạn 2016-2020, giao cho huyện Hương Khê làm chủ đầu tư.
Đức Hùng
Theo VNE
Dù bị thối rễ, sâu hại, bưởi Phúc Trạch vẫn đậu 90 - 130 quả/cây Sau các trận lũ năm 2016, hàng trăm cây bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị thối rễ, sâu bệnh hoành hành làm úa vàng... Nhưng nay, những diện tích bưởi tưởng như chờ chết đó đã phục hồi và đơm hoa, kết trái, hứa hẹn một mùa bội thu. Về thăm vườn bưởi Phúc Trạch của chị Nguyễn Thị Thắng...